Sau khi nhập ngũ năm 1972, Khuất Duy Hoan được huấn luyện tại Tiểu đoàn 76, Sư đoàn 304B, Quân khu Việt Bắc (nay là Quân khu 1). Trải qua 4 tháng làm quen với môi trường quân ngũ, tháng 1-1973, chàng thanh niên Khuất Duy Hoan cùng đồng đội bắt đầu hành quân vượt đường Trường Sơn để vào chiến trường Tây Nguyên.

Năm 1973, biết Khuất Duy Hoan từng là sinh viên theo học ngành kỹ thuật cơ điện, cấp trên phân công anh làm xạ thủ cối 60mm của Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 (nay thuộc Quân đoàn 34) lúc đó đóng quân tại Đức Cơ (Gia Lai). 

Đại tá Khuất Duy Hoan. Ảnh: NHÂN CUNG 

Tháng 3-1975, Trung đoàn 64 đang đánh địch ở thị xã Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) thì nhận được nhiệm vụ của cấp trên phải nhanh chóng cơ động về phía Nam Cheo Reo (nay thuộc thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) để phối hợp thực hiện chặn đánh, truy kích các đơn vị của Quân đoàn 2 ngụy rút chạy từ thị xã Pleiku (Gia Lai) về khu vực Nam Trung Bộ. Đây là cuộc rút lui có chủ đích và kế hoạch của chúng là nhằm tổ chức củng cố lực lượng tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, sau đó tiến hành phản công.

Trong lúc truy quét địch, Khuất Duy Hoan cùng đồng đội phát hiện một tên lính ngụy đang ẩn náu trong lùm cây. Khi bị phát hiện, người này tỏ vẻ sợ hãi, chắp tay lắp bắp: “Tôi xin các anh Quân giải phóng. Các anh bắt tôi cũng được, nhưng xin hãy tha cho con tôi được sống”. Lúc đó, mọi người mới nhìn vào chiếc giỏ mà người lính ngụy mang theo, trong đó có một đứa trẻ vẫn còn đỏ hỏn, được quấn trong bộ quần áo rằn ri. Anh ta kể: “Tôi là lính của Quân đoàn 2, cùng vợ rút chạy qua đây. Trên đường đi, vợ tôi chuyển dạ và sinh ra đứa bé. Sau khi sinh con thì vợ tôi cũng mất...”.

Bỗng có tiếng pháo nổ rung chuyển mặt đất, theo phản xạ, Khuất Duy Hoan cùng đồng đội nhanh chóng cúi thấp người, cùng nhau chụm lại để che cho đứa bé đang nằm trong giỏ. Sau đó, Trung đội trưởng Trung đội 3 Trần Xuân Luật lệnh cho một đồng chí trong đơn vị lấy một tờ giấy để viết bảo lãnh cho người lính ngụy, mục đích để anh ta có thể vào trong các ấp xin sữa và thức ăn cho đứa bé.

Cả Trung đội không ai bảo ai, đều tự tìm và lấy ra từ trong ba lô, túi áo những mẩu lương khô đưa cho người lính ngụy. Sau một hồi lục dưới đáy ba lô, chiến sĩ Khuất Duy Hoan tìm được tờ tiền 1 đồng và đưa cho người lính ngụy cùng lời dặn dò: “Anh cứ cầm lấy, biết đâu sau này lại có việc cần dùng”. Người lính ngụy bật khóc, sụp xuống cảm ơn rồi ôm đứa bé nhanh chóng đi khuất sau lùm cây...

Đại tá Khuất Duy Hoan chia sẻ, lúc đó, tuy trong thời khắc giao tranh ác liệt giữa ta và địch, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh nhưng ông cùng đồng đội trong đơn vị đều có chung suy nghĩ đã làm được một việc nhân nghĩa.

Sau khi đất nước thống nhất, ông có về thị xã Ayun Pa tìm, hỏi thông tin về người lính ngụy và đứa bé năm xưa, nhưng đều bặt vô âm tín.

PHẠM HOÀNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục 50 năm đại thắng mùa Xuân 1975 xem các tin, bài liên quan.