Vào một ngày thu Hà Nội, tôi có dịp ghé thăm thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Theo lời người quen giới thiệu tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Quyền để đặt mua chiếc đèn kéo quân dùng thắp sáng trong dịp Trung thu sắp tới.

leftcenterrightdel

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền bên chiến đèn kéo quân mới hoàn thành. 

Gặp ông Quyền, tôi không nghĩ rằng năm nay ông đã bước sang tuổi 85 bởi sự minh mẫn với đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt cắt cắt, dán dán…để tạo ra những chiếc đèn kéo quân thật đẹp. Chuyện trò với tôi như người thân đã lâu chưa gặp, ông say sưa kể những câu chuyện về chiếc đèn của lòng hiếu thảo này.

Chuyện kể rằng, thời xa xưa, ông Lục Thức là một người con có hiếu, mồ côi cha từ nhỏ. Ông ở với mẹ già, vừa đi học, vừa phải đi làm kiếm sống. Thương mẹ già ốm yếu nằm ở nhà một mình cô quạnh, ông Lục Thức nghĩ đến việc làm ra cái đèn có gắn các con vật, đốt nến bên trong cho các con vật quay xung quanh, như vậy trong nhà lúc nào cũng có rối bóng chạy, để mẹ ông đỡ buồn. Khi chiếc đèn làm xong, mẹ ông rất vui, trẻ con trong xóm thấy vậy cũng thường đến nhà ông ngắm đèn, nên nhà ông lúc nào cũng đông vui.

leftcenterrightdel

Câu chuyện về chiếc đèn kéo quân - chiếc đèn của lòng hiếu thảo. 

Một ngày nọ, nhà vua vi hành đi qua làng, thấy trong ngôi nhà tranh vách nát nhưng lại đầy ắp tiếng cười trẻ thơ, nhà vua tò mò hỏi thăm người dân trong làng. Nghe dân làng kể về tấm gương hiếu thảo của ông Lục Thức, nhà vua vào xem và thấy cái đèn được làm một cách tinh vi nên rất cảm động. Để ca ngợi tấm lòng hiếu thảo của ông Lục Thức, nhà vua lệnh cho nhân dân từ nay trở đi, đến rằm tháng Tám, Tết Nguyên đán hay Tết Nguyên tiêu… nên làm đèn kéo quân để trưng bày và biểu dương tấm gương hiếu thảo của ông Lục Thức cho đời.

Xưa kia, cứ vào mỗi dịp Tết Trung thu, bố của ông Quyền lại làm đèn kéo quân cho ông chơi. Học được cách làm đèn của bố, mỗi khi bố bận không có ai làm cho chơi cậu bé Quyền lại tỉ mỉ đi tìm nguyên vật liệu và tự làm đèn.

leftcenterrightdel

Ông Quyền chế tác đủ các món đồ chơi dân gian như: Diều, đèn ông sao, đèn cá chép, sáo. 

Ông Quyền chia sẻ: “Chiếc đèn kéo quân đầu tiên tôi làm ra rất méo mó, không được cân đối. Mãi khi thắp nến những con vật vẫn quay tròn. Khi ấy tôi vui lắm vì đã có thể tự mình làm được một chiếc đèn kéo quân, tôi đã mang đèn đi khoe khắp làng”.

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền, để làm được một chiếc đèn kéo quân phải trải qua nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đòi hỏi tính kiên nhẫn, tỉ mỉ của người làm. Đầu tiên là phải chọn nguyên liệu làm đèn, đặc biệt cần chọn những thân tre già, vót cẩn thận, sau đó dựng khung, làm tán, bên trong chính giữa chiếc đèn có chiếc trục thẳng đứng, trên trục là chiếc chong chóng bằng giấy, một vòng tròn ở giữa đèn, trên vòng tròn dán hình các con vật bằng giấy, bên dưới có chỗ để cắm nến. Xung quanh đèn dán giấy nến hoặc giấy bản. Để chiếc đèn thêm phần bắt mắt, sinh động bên ngoài có thể dán thêm những họa tiết trang trí.

leftcenterrightdel

Niềm vui của ông Quyền mỗi ngày là gìn giữ những giá trị ông cha để lại. 

leftcenterrightdel
 Luồng không khí đối lưu của nến sẽ làm cho những con vật trong đèn xoay liên tục.

Khi đốt nến sẽ tạo ra luồng không khí đối lưu bên trong đèn đẩy chóng chóng bên trên quay và các con vật dán trên vòng tròn cũng quay theo, qua ánh sáng của đèn nến và nhìn qua giấy dán bên ngoài đèn, sẽ thấy bóng các con vật (các quân) cứ nối đuôi nhau chạy thành vòng tròn trông rất vui mắt.

Sở dĩ có tên gọi là đèn kéo quân vì trước đây các cụ làm đèn cho trẻ con chơi, còn mong muốn truyền dạy về lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Chính vì thế, những hình dán lên vòng tròn thường có hình ảnh các đoàn quân lính, ngựa xe, hành quân, xung trận. Đó cũng là lý do mọi người gọi đó là đèn kéo quân. Sau này, các “quân” bên trong đã được thay đổi phong phú hơn có thể là các con vật quen thuộc như trâu, bò, lợn, gà,…hay là hình ảnh các nhân vật trong phim hoạt hình được trẻ em yêu thích.

Tính từ năm học tiểu học cho đến nay, ông Quyền đã có hơn 70 năm làm đèn kéo quân. Ông cho biết, trước đây làm đèn để cho con cháu trong nhà chơi, bạn bè ai thích thì làm cho, ai mua thì bán chứ không có thị trường mua bán như bây giờ. Ngày nay có thị trường nhưng cũng dần mai một vì sự đa dạng của các mặt hàng đồ chơi ngoại nhập.

Làng Đàn Viên xưa kia có nhiều nhà làm đèn kéo quân, nhưng đến nay cả làng đã bỏ vì làm nghề này công thấp. Hiện nay, trong làng chỉ còn duy nhất ông Quyền vẫn đau đáu với nghề. Một chiếc đèn kéo quân được tạo ra rất kỳ công và phải mất đến 7 - 8 tiếng mới có thể hoàn thiện nhưng giá bán được chỉ khoảng 150.000 đồng/chiếc.

leftcenterrightdel

Em nhỏ hứng thú bên chiếc đèn kéo quân. 

Ông Quyền bày tỏ: “Chỉ vì yêu nghề nên tôi vẫn tỉ mẩn làm đến bây giờ. Trong gia đình tôi, con cháu đều biết làm cả, nhưng không có ai muốn theo nghề, vì làm cầu kỳ mà công lại rất thấp”. 

Mong ước lớn nhất của ông Quyền hiện nay là có những bạn trẻ cùng chung tay gìn giữ, phát triển món đồ chơi dân gian truyền thống này, để níu giữ lại những nét đẹp văn hóa thuở xưa. Khép lại cuộc nói chuyện với nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền cũng là lúc trời chập tối, trong đầu tôi cứ vang mãi những câu thơ: Đêm nay rằm tháng tám/ Mẹ đốt đèn kéo quân/ Khi đèn vừa cháy sáng/ Bao bóng người chạy quanh/ A! Các chú bộ đội/ Đuổi theo một lũ Tây/ Lũ Tây chạy hớt hải/ Bộ đội đuổi như bay/ Cố lên các chú ơi/ Sắp bắt được Tây rồi/ Cho cháu chạy theo với/ Cháu cũng là bộ đội!…

Bài, ảnh: DIỆU HUYỀN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.