Hơn 20 năm "chưa tròn giấc" vì canh cổ vật

Đến Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) vào một sáng tháng tư, chúng tôi dễ dàng tìm hiểu về lịch sử, giá trị văn hóa của ngôi chùa thông qua bảng quét mã QR đặt ngay trước cổng di tích. Khởi dựng từ thế kỷ 11, chùa Bổ Đà trước đây là nơi sản xuất kinh phật, đào tạo tăng ni của Thiền phái Lâm Tế thời Lê Trung Hưng và hiện vẫn lưu giữ được một số bộ kinh quý, trong đó có bộ ván kinh Phật cổ nhất Việt Nam khắc trên gỗ thị được công nhận là Bảo vật quốc gia. Với giá trị lịch sử văn hóa cùng kiến trúc cổ kính, chùa Bổ Đà luôn thu hút đông đảo khách thập phương tới tham quan.

leftcenterrightdel
 Trang đầu cuốn "Việt âm thi tập" của Phan Phu Tiên - một trong số các cuốn sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm được cho là đang bị thất lạc. (nguồn ảnh: Từ điển Văn học - bộ mới).

Tiếp chúng tôi, Thượng tọa Tự Tục Vinh, Trụ trì chùa Bổ Đà cho biết, thời gian qua, Ban Quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà phải chịu sức ép lớn trong việc bảo đảm an ninh cho di tích, đặc biệt là chống mất cắp cổ vật, bởi nơi đây thường xuyên bị đạo tặc nhòm ngó, từng mất cắp nhiều lần. Nhớ lại chuyện cũ, Thượng tọa Tự Tục Vinh kể: “Năm 2017, lợi dụng Lễ đón bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt của chùa Bổ Đà, kẻ gian đã đột nhập lấy cắp pho tượng Quan âm Tống tử bằng gỗ có niên đại khoảng 200 năm. Dù hôm đó chùa có rất nhiều người, cả lực lượng công an nhưng đạo tặc vẫn manh động. Trước đó, vào năm 2009, chùa mất cắp 6 pho tượng phật. Đến đầu năm 2016, kẻ trộm lấy đi 1 chiếc chóe cổ và 4 lộc bình cổ”.

Là người gắn bó với chùa Bổ Đà gần 40 năm, trong đó có 23 năm làm trụ trì, Thượng tọa Tự Tục Vinh vẫn đau đáu lo lắng với tình trạng mất cắp cổ vật của chùa. Đáng nói, Ban Quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà đã sớm thực hiện các biện pháp an ninh, lắp đặt camera và có lực lượng công an thường trực nhưng vẫn không ngăn được tình trạng mất cắp. Gương mặt hiện rõ sự tiếc nuối, Thượng tọa Tự Tục Vinh bộc bạch: “Khi phát hiện mất cổ vật, chúng tôi phải bằng lòng với thực tế vì không biết phải làm thế nào. Đêm đến, lo nhất là an toàn cho những người trong chùa. Bởi tôi nhớ có thời điểm, chùa có công an thường trực, có trang bị vũ khí đầy đủ, nhưng kẻ gian vẫn đột nhập lấy trộm cổ vật. Lần đó trộm tinh vi lắm. Chúng lấy trộm cả điện thoại của đội an ninh nhằm ngăn liên lạc với đồng đội và hầu như lần nào chúng tôi cũng không xem lại được video từ camera. Chúng đã lên kế hoạch từ trước, rất bài bản và xảo quyệt”.

leftcenterrightdel
Thượng tọa Tự Tục Vinh, Trụ trì chùa Bổ Đà trao đổi với phóng viên về công tác bảo vệ an ninh nhà chùa. Ảnh: HÀ TRƯỞNG 

Hiện Ban Quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà có 25 thành viên, trong đó có tới 11 người trong lực lượng an ninh bao gồm công an chính quy cấp xã và cấp huyện. Toàn bộ chùa Bổ Đà được lắp đặt 21 mắt camera kết nối vào hệ thống điện thoại của 11 công an viên, Thượng tọa Tự Tục Vinh và mỗi người có nhiệm vụ giám sát, kiểm tra hằng ngày. Ngoài ra, mỗi tối, Ban Quản lý bố trí ít nhất một công an viên ngủ lại chùa cùng với sư trụ trì để phòng, chống trộm cắp. Dù công tác an ninh được bố trí bài bản, song nỗi lo mất cắp cổ vật vẫn ám ảnh và gây hoang mang cho những người trong cuộc. Thượng tọa Tự Tục Vinh lo lắng: “Từ lúc lên làm trụ trì năm 2000 đến nay, chưa đêm nào tôi được vào buồng riêng để ngủ. Tôi lo cho các chú bên an ninh nên thường ra ngủ cùng để có thêm người, nhỡ trộm đột nhập vào thì chúng còn e ngại. Tôi đã từng đối mặt với trộm tại chùa, nhưng lần đó chỉ là trộm vặt tiền công đức”.

Điều lo lắng của Thượng tọa Tự Tục Vinh cũng là nỗi trăn trở của bà Dương Thị Hoài Thu, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Việt Yên, Phó trưởng ban Thường trực Ban Quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà. Bà Thu trăn trở: “Chuyện mất cắp là điều không ai mong muốn, nhưng có thể khẳng định đạo tặc giờ tinh vi, lộng hành quá. Vụ mất cắp vào năm 2017 là sự cảnh báo cho chúng tôi. Các cấp chính quyền huyện Việt Yên và xã Tiên Sơn cùng với sư sãi tại chùa Bổ Đà đã tăng cường công tác an ninh bằng cách phối hợp với lực lượng công an chính quy của huyện, xã để phòng ngừa đạo tặc".

Nỗi lo mất cắp cổ vật không chỉ ở chùa Bổ Đà mà còn đối với nhiều di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Theo số liệu mà ông Nguyễn Hữu Phương, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang cung cấp, gần 20 năm qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã xảy ra gần 70 vụ trộm cổ vật. Ngoài thiệt hại về kinh tế ước tính nhiều tỷ đồng thì những tổn thất giá trị văn hóa, nghệ thuật khó có thể đo đếm bởi hầu hết cổ vật đều là “linh hồn” đối với mỗi di tích, là tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phương cho biết: “Công an tỉnh Bắc Giang đã lập hẳn một chuyên án về chống trộm cổ vật, nhưng tình hình điều tra không mấy khả quan. Lý do bởi trộm cổ vật hết sức tinh vi, chỉ cần trong thời gian ngắn có thể vận chuyển đi xa, bằng nhiều phương thức vận chuyển khác nhau nên rất khó cho công an truy vết. Những năm qua, Sở cũng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương, Ban Quản lý di tích nâng cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm phòng, chống trộm cắp cổ vật”.

Nỗi đau mất mát “văn bản pháp lý chủ quyền” của dân tộc

Viện Nghiên cứu Hán Nôm là đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, làm nhiệm vụ bảo quản, nghiên cứu các tài liệu Hán Nôm, trong đó có hai nhóm tài liệu chủ yếu là sách Hán Nôm gồm 34.014 quyển và thác bản văn bia gồm 58.357 đơn vị. Thế nhưng mới đây, Viện Nghiên cứu Hán Nôm lại thông báo mất sách cổ và lần này số lượng sách bị mất gấp nhiều lần so với trước. Theo thông báo của Viện Nghiên cứu Hán Nôm vào ngày 30-3-2023, số lượng sách cổ bị mất là 107 quyển và có 877 quyển sách thuộc loại hư hại nặng. Trước đó vào cuối năm 2022, Viện thông báo 25 cuốn sách cổ được xem là cực kỳ quan trọng của văn hiến dân tộc biến mất khỏi kho lưu trữ. Sau đó, Viện thông báo tìm thấy cuốn “Nam quốc địa dư chí” do ghi nhầm ký hiệu nên tưởng bị mất, còn những cuốn sách khác đến nay vẫn bặt vô âm tín.

Từng có thư “kêu cứu” của một số nhà nghiên cứu Viện Nghiên cứu Hán Nôm gửi Thủ tướng Chính phủ đề cập đến việc Viện để mất nhiều cuốn sách cổ và  hư nát hàng trăm cuốn sách cổ khác. Trước sự việc trên, PGS, TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho rằng, cá nhân ông có liên quan trách nhiệm về vụ việc này. Việc tại sao mất sách, mất cắp như thế nào... cần được các cơ quan chức năng làm rõ. Thế nhưng, điều dư luận cả nước quan tâm lúc này là tìm giải pháp để ngăn chặn thực trạng trên bởi chuyện mất sách cổ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm rất nghiêm trọng và lặp lại nhiều lần trong thời gian dài.

Chia sẻ về thực trạng mất cắp sách cổ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “Tôi không phải là người nghiên cứu Hán Nôm và nhiều người khác cũng vậy, nhưng chúng tôi, đặc biệt là nhiều nhà văn hiểu rằng, đó không chỉ là những cuốn sách quý, không chỉ là cổ vật mà đó là di sản vô giá của dân tộc”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều dẫn lời của nhà văn Trung Sỹ rằng, những cuốn sách cổ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm bị mất là “văn bản pháp lý chủ quyền” của dân tộc. “Gần 600 năm trước, thi hào Nguyễn Trãi đã thay mặt người dân nước Việt tuyên ngôn: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Nhìn lại lịch sử, không ít lần những di sản văn hóa Việt đứng trước nguy cơ bị hủy diệt bởi các thế lực ngoại bang. Việc hủy diệt những di sản văn hóa của một dân tộc là để hủy diệt sự độc lập và căn cước văn hóa của dân tộc đó. Khi một dân tộc không còn căn cước văn hóa của mình thì dân tộc đó không còn tồn tại trong tinh thần cao nhất của sự tồn tại. Tôi thực sự không hình dung nổi vì sao Viện Nghiên cứu Hán Nôm lại để mất và hư hại từng đó cuốn sách cổ. Có lẽ chỉ khi có tiếng nói lên án thì dư luận mới được biết”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.

“Trong suy nghĩ của người dân, đình, đền, chùa là nơi linh thiêng, chẳng ai dám đụng chạm đến. Thế nhưng đạo tặc giờ lộng hành, ngang nhiên trộm cổ vật, bất chấp cả đạo lý, coi thường luật pháp. Dù Luật Di sản văn hóa đã cấm mua, bán cổ vật có xuất xứ từ các di tích, nhưng thực trạng này vẫn chưa được giải quyết” (GS, TS Trương Quốc Bình, nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

 

“Việc để mất sách cổ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm là sự việc khá hy hữu, thể hiện sự cẩu thả có phần thiếu trách nhiệm của lãnh đạo và cán bộ, nhân viên phụ trách quản lý kho sách. Tuy nhiên, nếu việc mất sách là do cán bộ, nhân viên của Viện “cố ý lấy” hoặc do những cá nhân, tổ chức bên ngoài khi vào Viện để đọc tham khảo đã lén lút lấy đi thì hành vi của những người này cần bị xem xét về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự” (Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội). 

 

(còn nữa)

Phóng sự của VƯƠNG HÀ - HỮU TRƯỞNG