Đau lòng hơn khi ngày 12-4 vừa qua, người dân ở một số địa phương như: Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương chứng kiến một trang đấu giá tại Thượng Hải (Trung Quốc) đăng tải hình ảnh những sắc phong-“linh hồn” của quê hương mình-bị mất cắp.
Mất cắp cổ vật khiến nhân dân xót xa, các cấp quản lý bất an và loay hoay tìm phương án, giải pháp xử lý, bảo vệ cổ vật. Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã thâm nhập thực tế tại một số tỉnh, thành phố để tìm hiểu thực trạng đáng buồn này.
Bài 1: Có không giữ, mất công đi tìm cũng không thấy
Nhiều di tích sau khi mất cắp cổ vật, đồ thờ tự, các cấp chính quyền địa phương, cơ quan quản lý mới triển khai những biện pháp bảo vệ. Một số nơi mất đi mất lại cổ vật nhiều lần nhưng hệ thống an ninh vẫn lỏng lẻo, khiến người trong cuộc chỉ biết “cầu nguyện” đạo tặc không ghé tới.
 |
Sắc phong của xã Dị Nậu (Tam Nông, Phú Thọ) được rao bán trên sàn đấu giá Trung Quốc. Ảnh trang web đấu giá của Thượng Hải (Trung Quốc)
|
Có tội với tiền nhân
Ngày cuối tháng 3-2023, mưa nồm ẩm mù trời, chúng tôi tìm về đền Quốc Tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ)-ngôi đền có niên đại cả ngàn năm tuổi, được cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1992. Đền Quốc Tế nằm biệt lập trên đỉnh gò Trạm Lĩnh, được xây dựng kiến trúc theo kiểu chữ nhị, nhà tiền tế 5 gian lợp ngói mũi hài giờ đã nhuốm rêu phong, nhiều chỗ xô lệch trơ ra lớp kèo mái bằng tre, luồng đã mục tưởng như chỉ cần chạm nhẹ là sụt.
Ngày thường, đền vắng tanh, không một bóng người. Gọi theo số điện thoại ghi trên biển báo gắn tại đền, chừng 10 phút sau, ông Hán Danh Ban (73 tuổi), thủ từ đền Quốc Tế và 3 thành viên khác thuộc Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa và cây di sản xã Dị Nậu xuất hiện. Dùng chiếc khăn lau qua bụi bặm bám ở bàn ghế bên nhà hữu vu đang dựng dở, xây được phần khung, che tạm bằng tấm bạt, ông Ban mời chúng tôi ngồi rồi than thở: “Cũng may là trời không mưa to, nếu không chúng tôi phải cử người ra chống dột trong đền. Trời mưa nồm ẩm lâu ngày sợ mái sụt, không dám mời khách ngồi trong đền. Hiện đền Quốc Tế mới sơn, sửa được hậu cung, còn nhà tiền tế bên ngoài chưa tôn tạo, đảo lại được ngói vì hết tiền”.
Dị Nậu là một miền đất cổ, là địa vực in dấu những hoạt động của các tướng lĩnh danh tiếng thời Hùng Vương dựng nước, đền được khởi dựng năm 258 trước công nguyên. Cái tên đền Quốc Tế được ông Hán Danh Ban giải nghĩa "là cả nước cùng tế lễ".
- Hiện giờ nhà đền còn lưu giữ nhiều hiện vật quý không ông?-chúng tôi hỏi.
Nét mặt bần thần, ông Hán Danh Ban nói giọng buồn bã:
- Nhà đền có 40 sắc phong, trong đó sắc phong cổ nhất từ thời Vua Lê Chân Tông, năm 1645; sắc phong cuối cùng do Vua Duy Tân ban cho ngài Cao Sơn là Thượng đẳng thần anh linh, đại vương Bạch Thạch, Hiếu Lang, Quý Minh là thủ lĩnh đại tướng quân vào năm 1909; ngoài ra có bộ kinh sách, ngai thờ, án gian, kiệu bát cống... Giá trị nhất của ngôi đền là 40 đạo sắc phong quý thì đã bị trộm lấy cắp năm 2021 rồi.
Rồi ông Ban cho chúng tôi biết thêm: "Lợi dụng buổi tối, kẻ trộm đột nhập vào phá két lấy đi đạo sắc phong. Bị mất cũng là do chủ quan, chúng tôi cứ nghĩ két sắt to, nặng thế thì kẻ trộm không làm gì được, nhưng chúng tinh vi, xảo quyệt quá".
 |
Các thành viên Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa và cây di sản xã Dị Nậu (Tam Nông, Phú Thọ) chỉ cho phóng viên xem chiếc két sắt bị trộm cạy, phá lấy cắp 40 đạo sắc phong.Ảnh: HÀ TRƯỞNG |
Ông Hán Danh Ban dẫn chúng tôi đi xem chiếc két sắt bị trộm phá hiện nằm chỏng chơ bên ngoài vườn. Theo ông, chiếc két sắt nặng khoảng 250kg, được một người dân công đức cho đền nhằm giữ sắc phong. “Sau khi bị trộm, chúng tôi nhanh chóng báo chính quyền, phía Công an huyện Tam Nông cũng cử lực lượng về điều tra. Đến nay, 40 đạo sắc phong của đền vẫn bặt vô âm tín”, ông Ban bùi ngùi kể.
Được ví như “pho sử sống” của xã Dị Nậu, ông Tạ Đình Hạp (85 tuổi), thành viên Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa và cây di sản xã Dị Nậu mắt đỏ hoe, nói: “Khi biết tin mất hết đạo sắc phong, tôi đau xót lắm, mất ngủ cả tháng trời. Tôi cảm thấy như có tội với tiền nhân. Trước kia, dù khó khăn, thiếu thốn, chiến tranh tàn phá, nhưng các cụ vẫn cất giấu cẩn thận đạo sắc phong quý của làng. Bây giờ, có két sắt bảo vệ hẳn hoi nhưng đạo sắc phong vẫn bị lấy cắp”. Im lặng chốc lát, ông Hạp bảo: “Cũng may, trước đó một năm, chúng tôi đã mời Viện Nghiên cứu Hán Nôm sao chép và dịch đạo sắc phong ra chữ Quốc ngữ để trưng bày tại đền. Tuy bị mất đạo sắc phong nhưng trong lòng của mỗi người dân nơi đây vẫn rất tôn kính ngôi đền này”.
Liên hệ với chính quyền địa phương về vụ việc trên, chúng tôi nhận được câu trả lời của ông Đoàn Văn Lực, Phó chủ tịch UBND xã Dị Nậu: “Chính quyền địa phương mong muốn di tích được quan tâm nhiều hơn, được hỗ trợ kinh phí để tu bổ, tôn tạo di tích nhưng còn khó khăn lắm”.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Nga Việt, Phó trưởng Phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ trăn trở: “Hằng năm, tỉnh Phú Thọ dành ngân sách 1,8 tỷ đồng hỗ trợ tu bổ, chống xuống cấp di tích. Do vậy, chúng tôi cũng phải “nâng lên đặt xuống” khi xét hỗ trợ kinh phí tu bổ cho từng di tích. Thông tin đền Quốc Tế không nhận được nguồn ngân sách hỗ trợ tu bổ trong những năm qua mà phóng viên Báo Quân đội nhân dân cung cấp là đúng. Chúng tôi cũng muốn hỗ trợ đền Quốc Tế, nhưng ngặt nỗi kinh phí eo hẹp nên cũng chưa biết phải làm thế nào”.
Cổ vật mất đi, trở lại lần thứ ba... rồi mất
Nhiều năm qua, Di tích quốc gia chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan. Được biết, UBND xã Tam Hưng đang khẩn trương xây dựng hồ sơ đề nghị chùa Bối Khê là Di tích quốc gia đặc biệt, đồng thời xây dựng nơi đây trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh của huyện Thanh Oai. Thế nhưng ít ai biết rằng, chùa Bối Khê nói riêng và huyện Thanh Oai nói chung đang là "điểm nóng" của tình trạng mất cắp cổ vật tại Hà Nội thời gian qua. Tính đến nay, huyện Thanh Oai xảy ra 26 vụ trộm cổ vật trên địa bàn, trong đó đáng tiếc nhất là pho tượng Thích Ca đản sinh bằng đồng màu đen, cao khoảng 70-80cm, đặt tại gian Tam Bảo chùa Bối Khê bị mất cắp tới lần... thứ ba, đến giờ chưa tìm thấy tung tích.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Phạm Thị Dậu (68 tuổi, trú tại thôn Song Khê, xã Tam Hưng) cho biết: “Là một người dân, khi di tích bị mất cắp, chúng tôi rất tiếc nhưng không làm gì được. Tuy di tích có bảo vệ nhưng khi mất mình cũng không trách được người ta. Ở đây lưu giữa nhiều cổ vật quý hiếm, khi mất tôi cũng không nhớ rõ được tên gì. Chúng tôi cũng chỉ biết đi báo công an nhưng chưa tìm được”.
Theo bà Dậu, sau nhiều lần mất trộm, các cấp chính quyền địa phương đã triển khai lắp camera và cắt cử người luân phiên trông chùa; đồng thời phối hợp với lực lượng Công an huyện Thanh Oai vào cuộc điều tra tìm cổ vật. Tuy nhiên, bà Dậu tỏ ra lo lắng: “Lắp camera chỉ dọa được người ngay chứ sao đe được kẻ gian. Bằng chứng là sau khi lắp camera, chùa vẫn tiếp tục mất trộm những di vật, đồ thờ, rồi cạy cả hòm công đức để lấy tiền”.
Mang băn khoăn về tình trạng mất cắp cổ vật ở chùa Bối Khê đi hỏi cơ quan chức năng huyện Thanh Oai, chúng tôi nhận được câu trả lời từ ông Trần Văn Lợi, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Thanh Oai: “Trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn chùa Bối Khê thuộc về chính quyền cấp xã. Chúng tôi đã có văn bản triển khai cụ thể, phân công, phân tách nhiệm vụ rất rõ ràng rồi”.
Trở ngược lại xã Tam Hưng theo giới thiệu của ông Trần Văn Lợi, chúng tôi gặp Phó chủ tịch UBND xã Tam Hưng Nguyễn Văn Hợp, Trưởng ban Quản lý di tích chùa Bối Khê. Khi đề cập tới vụ mất cắp pho tượng Thích Ca đản sinh bằng đồng màu đen, ông Hợp quả quyết: “Chúng tôi đã tìm được ngay sau khi mất cắp”. Khi được phóng viên đề nghị dẫn đi xem pho tượng thì ông Hợp mở điện thoại, sau một hồi loay hoay gọi điện, xem tư liệu ảnh thì ông thừa nhận: “Pho tượng đã mất rồi và chưa tìm lại được. Vừa rồi tôi nhớ nhầm”. Rồi ông Hợp bày tỏ: “Cấp trên mới giao cho tôi làm Trưởng ban quản lý nhưng theo tôi di tích này phải cấp huyện quản lý mới đúng trách nhiệm. Vấn đề bị mất cắp không ai lường trước được. Lắp camera chỉ là phương án trước mắt thôi, còn phương án truy tìm thì khó lắm”.
Mất cắp một lần thì nhiều người hay đổ lỗi do “tai nạn”, bất cẩn hay không may. Tuy nhiên, một pho tượng phật mà mất tới lần thứ ba như trường hợp ở chùa Bối Khê thì ban quản lý và các cấp chính quyền cần phải nghiêm túc xem lại trách nhiệm. Điều chúng tôi băn khoăn là chùa Bối Khê có diện tích khá rộng, sở hữu nhiều cổ vật quý, song cánh cửa gỗ bao năm chỉ sử dụng một chiếc khóa nhỏ. Đáng nói hơn, ngôi chùa nằm ở vị trí trung tâm, đối diện với trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Tam Hưng, xung quanh là cư dân đông đúc, nhưng thường xuyên xảy ra các vụ trộm mà không ai hay biết.
Trùng thời điểm chúng tôi thực hiện vệt bài này, trên website của công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” tại Thượng Hải (Trung Quốc) đăng một số cổ vật sẽ được tổ chức phiên đấu giá với tên gọi “Giấy cũ phồn hoa-Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm”, diễn ra vào ngày 22-4-2023. Hiện vật đấu giá đăng tải trên website là 672 món đồ bằng giấy, trong đó có những đạo sắc phong có khả năng là hiện vật gốc, nguồn gốc của Việt Nam (có số thứ tự từ 2243 đến 2254, bao gồm sắc phong đã có tại xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ).
|
PGS, TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin về cuộc đấu giá sắc phong có nguồn gốc Việt Nam, Cục Di sản văn hóa có Công văn số 309/DSVH-DT ngày 12-4 gửi các sở quản lý văn hóa các tỉnh, thành phố: Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương đề nghị phối hợp, khẩn trương xác minh tính xác thực của những sắc phong hiện được rao bán trên có nguồn gốc tại các di tích, bảo tàng và các địa điểm liên quan ở địa phương. “Các việc cần làm ngay này nhằm phối hợp, làm việc với các cơ quan, tổ chức liên quan về giải pháp hồi hương cổ vật về di tích gốc, bảo tàng và các địa điểm liên quan theo nội dung Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa mà Việt Nam tham gia”, bà Hiền nhấn mạnh.
|
(còn nữa)
Phóng sự của VƯƠNG HÀ - HỮU TRƯỞNG