106 trích đoạn với đủ thể loại tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, xiếc... tuy chưa phải là bức tranh hoàn chỉnh khắc họa diện mạo của nghệ thuật sân khấu Việt Nam nhưng cũng đủ các yếu tố để nhìn nhận, đánh giá loại hình nghệ thuật này đang đứng ở cung bậc nào trước đòi hỏi của đời sống xã hội và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân.

Khi xiếc diễn kịch cách mạng

Thấy rõ ở liên hoan lần này là sự phong phú, đa dạng về đề tài trong các trích đoạn, minh chứng cho ý thức trách nhiệm, quyết tâm tìm tòi, gạn đục khơi trong, phản ánh trực diện hoặc lấy chuyện xưa để nói nay, nhằm đề cập nhiều mặt của xã hội, con người trong tư duy sáng tạo của các nghệ sĩ. Chính điều này làm cho liên hoan có nhiều màu sắc, không nhàm chán, gieo được những cung bậc cảm xúc khác nhau cho khán giả.

leftcenterrightdel
Cảnh trong trích đoạn “Cúc ơi!” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam được trao trích đoạn xuất sắc. 

Một ví dụ điển hình là Liên đoàn Xiếc Việt Nam, các nghệ sĩ mang đến khán giả trích đoạn rất ấn tượng và lấy nước mắt người xem khi diễn kịch xiếc “Cúc ơi!”, với hình ảnh 10 nữ nghệ sĩ xiếc hóa thân thành các nữ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc. Thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật xiếc, các cô gái trổ tài theo sở thích và sở trường của từng người như nhào lộn, uốn dẻo, thăng bằng đi dây, đu dây, sức mạnh đôi tay... tái hiện lại những khoảnh khắc không thể quên trong chiến tranh cũng như biểu tượng thiêng liêng, cao quý của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những tấm gương nghĩa liệt của các nữ thanh niên xung phong không chỉ tỏa sáng trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc mà còn sáng mãi muôn đời để nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ noi theo. Đó cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo của nghệ sĩ, nghệ thuật.

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam xúc động chia sẻ: “Khi nghe Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Tố Nga hát và làm MV “Cúc ơi!”, tôi đã nảy ra ý tưởng từ câu chuyện cảm động về sự hy sinh cao cả của 10 cô gái thanh niên xung phong ở Đồng Lộc. Tấm gương hy sinh của 10 cô gái Đồng Lộc đã trở thành tác phẩm nghệ thuật của âm nhạc, điện ảnh... thì sao không thể là xiếc? Thế là tôi bắt tay viết kịch bản và không cầm được nước mắt sau mỗi dòng mô tả hoạt cảnh, hình ảnh các cô như hiện lên trước mặt. Khi đưa vào dàn dựng trích đoạn sân khấu cũng vậy, mỗi lần tập diễn, các nghệ sĩ cũng rơi nhiều nước mắt trong cảm xúc dâng trào. Ở liên hoan, trích đoạn “Cúc ơi!” đã được xướng tên với giải thưởng trích đoạn xuất sắc, 1 huy chương vàng và 1 huy chương bạc dành cho cá nhân. Đây là phần thưởng vinh dự cho các nghệ sĩ, cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục dàn dựng vở diễn “Cúc ơi!” chuẩn bị kỷ niệm 65 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn vào năm 2024”.

Trăn trở "giữ lửa" nghề và hút khán giả

Theo đánh giá của TS, nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo liên hoan, phần lớn trích đoạn đều có kết cấu hợp lý, người xem hiểu nội dung câu chuyện được chuyển tải trong khoảng thời gian ngắn mà không bị hụt hẫng, tẻ nhạt, thông qua hình tượng của một hoặc hai nhân vật chính. Những hình tượng ấy gửi gắm tới người xem về khát vọng của con người luôn vươn tới những điều tốt đẹp, những giá trị nhân văn, thậm chí có thể hy sinh tất cả để đạt được mục đích và lý tưởng cao đẹp. Một số trích đoạn tập trung lên án cái ác, sự xấu xa, thấp hèn của con người trong quá khứ và hiện tại. Số lượng trích đoạn này không nhiều nhưng cũng có tác dụng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh sự tha hóa, xuống cấp về đạo đức, nhân cách của con người. Đây cũng là điểm sáng của liên hoan.

Trong 106 trích đoạn thì có tới 85 trích đoạn thuộc các loại hình nghệ thuật kịch hát truyền thống. Con số này tạo nên cảm xúc mừng vui xen lẫn chạnh lòng. Vì trong điều kiện còn quá nhiều thách thức, khó khăn, các nghệ sĩ kịch hát dân tộc vẫn thắp sáng khát vọng sáng tạo, cố gắng vượt qua chính mình, gạn đục khơi trong để giữ nghề, lưu truyền và tiếp nối những thành quả mà nhiều thế hệ ông cha đã vắt kiệt cả cuộc đời mới tạo dựng nên. Nhưng từ những câu chuyện của lãnh đạo, tâm sự của các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công kịch hát dân tộc khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng bởi đời sống của nghệ sĩ hiện nay còn quá khó khăn so với mặt bằng chung của các ngành, nghề khác... Nỗi lo cơm-áo-gạo-tiền vẫn đè nặng lên vai và ảnh hưởng lớn đến tư duy, khả năng sáng tạo của họ.

NSƯT Thoại Mỹ, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang bộc bạch: “Sân khấu cải lương sẽ không bao giờ mất. Chúng tôi còn đam mê, còn cống hiến thì dù đời sống có khó khăn bao nhiêu, chúng tôi vẫn luôn sáng tạo để vở diễn ngày càng gần gũi đời sống, giúp khán giả hiểu, xúc động, đến với cải lương tự nhiên hơn”.

Có nhiều cái được, niềm vui... nhưng ở liên hoan lần này cũng bộc lộ những bất cập, mà theo như lời của TS, nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương, đó là sự nghiệp dư của sân khấu. “Có những trích đoạn về đề tài hiện đại được ê kíp sáng tạo hư cấu tới mức phản cảm, cường điệu thái quá, từ đó tạo ra hình tượng nhân vật một cách vô lý, không có ở đời sống, chứa đựng tất cả điều xấu nhất về đạo lý, nhân cách và văn hóa ứng xử. Một trong những chức năng của nghệ thuật là lên án cái xấu, cái ác, nhưng người sáng tạo hư cấu, khuếch đại đến tận cùng thì sẽ phản tác dụng, ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức thẩm mỹ và tâm lý, tình cảm của người xem”, ông Chương nhấn mạnh.

NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam hy vọng từ liên hoan lần này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị liên quan, các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ kế cận, nâng cao chất lượng các loại hình nghệ thuật sân khấu để phục vụ đời sống tinh thần ngày càng tốt hơn cho người dân. 

Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN