55 năm đã trôi qua nhưng sự hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong (TNXP) tại Ngã ba Đồng Lộc để bảo vệ huyết mạch giao thông nối liền hậu phương - tiền tuyến đã dệt nên những kỳ tích, những huyền thoại còn vang vọng mãi đến mai sau.
Cảm tác từ tấm gương hy sinh của 10 nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc, nhà văn Hà Đình Cẩn đã viết nên kịch bản văn học; Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Lê Hùng đạo diễn; Đại tá Ma Thị Thu Ngà, Phó giám đốc nhà hát trợ lý đạo diễn; chỉ đạo nghệ thuật Đại tá, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Lê Thị Mai Phương, Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội cùng ê kíp nghệ sĩ, diễn viên dàn dựng vở diễn “Vầng trăng trinh liệt”.
 |
Hình ảnh trẻ trung, vui tươi của các nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc tái hiện trên sân khấu.
|
Chọn những lát cắt từ câu chuyện tình yêu, gia đình của O Tần, O Xuân, O Cúc thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55, vở diễn đưa người xem trở về không gian của Ngã ba Đồng Lộc (nay thuộc thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), nằm trên đường Hồ Chí Minh, là giao điểm của Quốc lộ 15A và Tỉnh lộ 2. Từ những câu chuyện nhỏ của 3 nữ TNXP lan tỏa rộng hơn là sự gắn kết, yêu thương, đùm bọc, chia sẻ của những nữ TNXP tràn đầy thanh xuân, sức cống hiến, vượt qua những khó khăn, khổ nhọc bên cung đường Ngã ba Đồng Lộc, mà mệnh lệnh từ trái tim của tất cả các chiến sĩ Ngã ba Đồng Lộc thời đó là: “Máu có thể ngừng chảy, tim có thể ngừng đập nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắc”.
 |
Sự thăm hỏi hiếm hoi của người thân trong gia đình cũng khiến các TNXP ấm lòng, háo hức. |
Xem vở diễn, NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam không ít lần lau nước mắt. Nghệ sĩ nhận xét, vở diễn mang cảm xúc cho người xem bằng chính không gian bài trí rất đơn giản. Bởi từ sự đơn giản, chân thành của lời thoại được các nữ diễn viên thoại bằng giọng Hà Tĩnh mang đến cảm xúc thật về sự khốc liệt của Ngã ba Đồng Lộc, cũng như cảm nhận những khó khăn, vất vả, hy sinh của 10 nữ TNXP càng lớn lao hơn. Bối cảnh bài trí phần nhiều là mô phỏng những mô đất, đôi lúc là chiếc võng dù mắc bên cột cắt dựng tạm với cây trụi trơ lá…
“Đồng chí Đại đội trưởng hỏi các nữ TNXP: Có cần anh làm gì cho các em không? - Chỉ cần cái ôm thôi! (lời đáp của các nữ TNXP) cũng đã đủ gây trào nước mắt người xem”, NSND Trịnh Thúy Mùi xúc động nói.
Đạo diễn, NSND Lê Hùng cho biết, khi đọc kịch bản của nhà văn Hà Đình Cẩn, ông cảm nhận được sự chân thật, lãng mạn của tác phẩm. Bởi vậy, vở diễn được ê kíp dàn dựng trong khoảng 90 phút, thời gian khá “khiêm tốn” so với nhiều vở diễn về đề tài chiến tranh cách mạng khác, nhưng đủ để nói lên toàn bộ cái tên “Ngã ba Đồng Lộc” – danh xưng được nhắc đến như một khúc tráng ca về tinh thần bất khuất, anh hùng của lực lượng TNXP trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nơi đây, 55 năm về trước, vào ngày 24-7-1968 đã chứng kiến sự hy sinh đầy anh dũng của 10 cô gái TNXP.
 |
Hình ảnh lãng mạn trong vở diễn. |
“Tôi hy vọng từ trách nhiệm của người nghệ sĩ, nhất là những nghệ sĩ-chiến sĩ của Nhà hát Kịch nói Quân đội, và các đơn vị nghệ thuật khác trong Quân đội sẽ thường xuyên, tập trung hơn trong việc dàn dựng các vở diễn, tác phẩm nghệ thuật về chiến tranh cách mạng, Bộ đội Cụ Hồ để đi biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân. Cá nhân tôi cũng mong muốn được đạo diễn những vở về đề tài này để góp phần thông qua nghệ thuật bồi đắp, hun đúc lý tưởng cách mạng trong nhân dân, nhất là lớp trẻ”, NSND Lê Hùng bày tỏ.
Đại tá, NSƯT Lê Thị Mai Phương, Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội cho biết, nhà hát đã rất vinh dự khi được nhà văn gửi gắm kịch bản để dàn dựng về 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc để làm vở diễn ra mắt đúng dịp các ngày kỷ niệm lớn của đất nước: “Biết bao lời ca, biết bao tiếng thơ, tiếng lòng đã cất lên gửi tới hương linh 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc cùng những Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước. Nơi đây cũng chứa đựng vô vàn những câu chuyện cảm động. Là những nghệ sĩ, chúng tôi cũng mong muốn được góp sức mình tô thắm những kỳ tích, sự hy sinh anh dũng của các nữ TNXP qua sân khấu kịch nói”.
 |
Một cảnh thể hiện sự sẻ chia của các nữ TNXP khi được thưởng từ cấp trên. |
Bên cạnh tài năng sáng tạo, diễn xuất của ê kíp nghệ sĩ, vở diễn còn gây xúc động bởi một lần nữa trên sân khấu lại vang lên lời bức thư của chị Võ Thị Tần từng viết về cho mẹ: “Mẹ ơi chúng con vui lắm. Ban đêm chúng nó thả pháo sáng, thắp đèn cho chúng con làm đường, ban ngày thì bom Mỹ nổ làm cho bao nhiêu cá chết cho chúng con đem về để cải thiện bữa ăn. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con. Mẹ ơi, thời gian này mặc dù địch đánh phá ác liệt nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới. Cuốn sổ tay mẹ gửi cho con dạo nọ đã gần hết giấy rồi, mẹ gửi thêm cho con ít giấy. Mới về thăm mẹ mà sao con thấy nhớ mẹ quá, mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con nhiều”.
Hay ở bối cảnh khác là ca khúc “Cúc ơi” vang lên với lời ca nghẹn ngào: “Tiểu đội xếp hàng ngang/ Không thấy em về Cúc ơi/ Chín bạn đã quây quần/ Chỉ còn thiếu mình em thôi/ Em nằm nơi mô mịt mù khói lửa/ Đồng Lộc xác xơ cánh chim lìa bầy…”. Bối cảnh mà đồng đội chỉ tìm được thi thể của 9 nữ TNXP, còn không tìm thấy O Cúc sau màn trút bom khốc liệt lên hầm trú ẩn.
 |
Sự hy sinh của 10 cô gái Đồng Lộc như khúc tráng ca hào hùng, bất tử. |
Phần âm nhạc chủ đạo của vở diễn được Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam thực hiện cũng góp phần tôn thêm vẻ đẹp, giá trị của Ngã ba Đồng Lộc như khúc tráng ca hào hùng, bất tử.
Bài, ảnh: VƯƠNG HÀ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.