Ông TẠ ĐÌNH HẠP, Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa và cây di sản xã Dị Nậu (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ): Vệt bài “Mất cắp cổ vật-nỗi đau “cha chung” ai khóc?” của Báo Quân đội nhân dân, trong đó có đề cập đến sự việc 40 đạo sắc phong của đền Quốc Tế bị mất cắp năm 2021, trùng hợp với thời điểm một công ty đấu giá của Thượng Hải (Trung Quốc) thông tin đấu giá những bức sắc phong quý, hiếm của đền Quốc Tế bị mất cắp. Tôi và người dân Dị Nậu rất cảm động bởi thông qua các bài viết kịp thời của Báo Quân đội nhân dân cũng như các cơ quan báo đài khác, mà phiên đấu giá các sắc phong của Việt Nam, trong đó có sắc phong của đền Quốc Tế (theo kế hoạch đấu giá vào ngày 22-4-2023) bị dừng lại và công ty đấu giá của Thượng Hải đã rút các hình ảnh sắc phong của Việt Nam ra khỏi trang đấu giá. Đặc biệt, các cấp quản lý văn hóa từ huyện Tam Nông; tỉnh Phú Thọ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao đã nhanh chóng, kịp thời phối hợp, làm việc với UNESCO và các tổ chức, cơ quan liên quan của Trung Quốc thông qua đàm phán ngoại giao. Chúng tôi hoan nghênh các cơ quan của Việt Nam đã nhanh chóng vào cuộc và sự thiện chí của Trung Quốc kịp thời phối hợp với các cơ quan của Việt Nam để giải quyết vấn đề này.
 |
Ông Tạ Đình Hạp |
Nhà báo NGUYỄN QUANG HƯNG, Phó trưởng ban Thời Nay, Báo Nhân Dân: Bằng thực tế sinh động khi đi trên nhiều địa bàn, ghi nhận và truyền tải tâm tư, ý kiến từ các vị trí, vai trò khác nhau, nhóm tác giả tiếp tục báo động về thực trạng mất cắp cổ vật lâu nay. Loạt bài đã chỉ ra những hạn chế, bất cập, cụ thể như việc trông nom, bảo vệ cổ vật còn lỏng lẻo, thiếu phương tiện, lực lượng mỏng; cấp cơ sở lúng túng, trông chờ còn các đối tượng trộm cắp thì manh động, thủ đoạn ngày càng tinh vi; các cấp quản lý cao hơn thì thiếu sâu sát trong kiểm tra, hướng dẫn phương án bảo vệ cũng như xây dựng, triển khai các chính sách, cơ chế hiệu quả; công tác tuyên truyền trong cộng đồng sở tại còn hạn chế, cũng như còn thiếu các biện pháp cổ vũ sự tham gia của người dân và thúc đẩy xã hội hóa trong việc bảo vệ cổ vật... Những phản ánh đó cũng là lời kêu cứu thống thiết cho tình trạng cấp bách hiện nay, đòi hỏi cần sớm có những biện pháp bảo vệ, quản lý cổ vật.
 |
Nhà báo Nguyễn Quang Hưng |
TS NGUYỄN ANH THƯ, Khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội: Theo dõi phóng sự “Mất cắp cổ vật-nỗi đau “cha chung” ai khóc?” của Báo Quân đội nhân dân đề cập thực trạng “chảy máu” cổ vật Việt Nam, chúng tôi rất trăn trở và day dứt bởi đây là vấn đề nhức nhối đã diễn ra hàng chục năm nay tại các địa phương trong cả nước, tập trung nhất ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Có những thời điểm, tại nhiều di tích trên cùng một địa bàn xảy ra đồng loạt các vụ mất cắp cổ vật (tượng Phật, đồ thờ, sắc phong), thậm chí đến bia đá, cây hương đá chỉ trong một đêm cũng “không cánh mà bay”. Đau xót, bàng hoàng, bất lực là cảm giác chung của những người có trách nhiệm trực tiếp trông coi di tích, nhân dân, chính quyền địa phương và cả giới nghiên cứu, quản lý di sản văn hóa trước nạn cổ vật bị đánh cắp. Để bảo vệ cổ vật, ngăn chặn nguy cơ “chảy máu" cổ vật, ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức, trách nhiệm của cộng đồng tham gia bảo vệ di tích, bồi dưỡng năng lực chuyên môn của cơ quan quản lý cấp cơ sở, quy định rõ trách nhiệm cấp xã đối với việc bảo vệ di tích trên địa bàn, tăng cường các biện pháp an ninh (lắp camera, có két sắt an toàn, phân công lực lượng trực, trông coi di tích); kiểm kê định kỳ số lượng cổ vật theo danh mục trong hồ sơ di tích, cần đẩy nhanh quá trình tư liệu hóa, số hóa di sản đối với các di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia. Một trong những biện pháp hữu hiệu phòng, chống việc mất trộm cổ vật được nhiều di tích thực hiện, đó là phát huy sức mạnh cộng đồng, giao cho những người có uy tín luân phiên cất giữ, bảo quản cổ vật quý (sắc phong, thần tích, thần phả...), sử dụng bản phục chế hiện vật gốc có giá trị tại di tích để trưng bày (sắc phong, đồ thờ, tượng...), gắn chíp định vị, lập mã QR cho những cổ vật tiêu biểu, có giá trị cao.
 |
TS Nguyễn Anh Thư |
PGS, TS ĐẶNG VĂN BÀI, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia: Thời điểm còn công tác tại Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tôi đã triển khai thí điểm lắp đặt hệ thống báo động gắn vào các cổ vật. Bây giờ chúng ta cần nhanh chóng áp dụng công nghệ này, nhưng vẫn phải tiến hành thêm nhiều giải pháp bảo vệ và tăng cường quản lý tại các di tích. Bảo vệ cổ vật là trách nhiệm của tất cả chúng ta mà ở đó người dân đóng vai trò nòng cốt. Tôi cho rằng, bảo vệ cổ vật là công việc rất quan trọng, đừng để tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng". Bởi giá trị của cổ vật vô cùng to lớn đối với lịch sử, văn hóa mỗi quốc gia. Tôi rất trăn trở bởi hiếm khi cổ vật bị mất trộm mà tìm lại được và các lực lượng an ninh thường không biết truy vết theo đường nào. Về lâu dài, những cổ vật phải có chế độ bảo quản và chế độ đãi ngộ đối với những người trông coi. Ngoài ra, cần tăng cường công tác truyền thông để nhân dân hiểu được giá trị tiêu biểu của những cổ vật đối với sự phát triển của đất nước.
 |
PGS, TS Đặng Văn Bài |
PGS, TS LÊ THỊ THU HIỀN, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa: Việc mất cắp di vật, cổ vật thường xảy ra tại các di tích, nơi thờ tự bởi nơi đây không có lực lượng bảo vệ giống như các bảo tàng. Cục Di sản văn hóa đang cùng các cơ quan chức năng hoàn thiện những thủ tục pháp lý trước khi trình Quốc hội Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung) vào cuối năm 2024. Chúng ta cần quy định, cụ thể hóa hơn nữa Công ước 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa, từ đó có những biện pháp “hồi hương” và chống “chảy máu” cổ vật. Cơ chế “hồi hương” cổ vật cần rõ ràng hơn, cơ chế bảo vệ cổ vật cần bảo đảm chặt chẽ hơn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ hướng dẫn các địa phương lập danh mục các cổ vật bị mất cắp để tìm cách đưa cổ vật của Việt Nam bị thất lạc về nước. Muốn làm được điều đó, chúng ta cần huy động hơn nữa các nguồn lực xã hội và đẩy mạnh lĩnh vực ngoại giao văn hóa.
 |
PGS, TS Lê Thị Thu Hiền |
PGS, TS ĐỖ VĂN TRỤ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam: Tôi đi nhiều nơi, đến nhiều di tích, cảm thấy lo lắng khi cổ vật được cất giữ... hớ hênh. Ban quản lý di tích chỉ có vài người nhưng toàn những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, không có trợ cấp. Ở đó, công an, cảnh vệ không có, chỉ có mấy cụ già mà khuôn viên di tích lại rộng nên rất khó kiểm soát. Trước hiện tượng này, nếu chúng ta không có phương pháp bảo vệ chắc chắn hiện tượng mất cắp cổ vật sẽ còn tiếp diễn với những hình thức táo tợn và nguy hiểm hơn. Muốn chống mất cắp cổ vật cần giáo dục ý thức của người dân, tuyên truyền hơn nữa về giá trị của di sản văn hóa, ý thức, trách nhiệm của người dân với di sản văn hóa. Với tình hình này, việc tuyên truyền giá trị và phòng, chống mất cắp cổ vật cần được triển khai để nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân; củng cố hơn nữa các ban quản lý di tích. Bởi cổ vật rất quý hiếm với đất nước, có những thứ mình còn tìm lại được, chứ có những thứ mất là vĩnh viễn không tìm lại được.
 |
PGS, TS Đỗ Văn Trụ |
VƯƠNG HÀ - HỮU TRƯỞNG (thực hiện)