Nâng thêm giải pháp là kiểm kê, làm hồ sơ và đăng ký, số hóa cho cổ vật, tìm các nguồn lực nhằm "hồi hương" di sản bị mất cắp về "chính chủ". Tuy nhiên, trên thực tế lại đang có nhiều bất cập và khó thực hiện.
Cổ vật đi “ở nhờ”, người dân chiêm bái trên... điện thoại
Lo bản sao của 40 sắc phong bị nhòm ngó, mất cắp thì đền Quốc Tế chẳng còn bằng chứng lịch sử, chính quyền xã Dị Nậu (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) và các thành viên trong Ban Quản lý đền đã mang các bản sao sắc phong gửi cất giữ ở một gia đình trong xã, chỉ 3 người được biết. Mỗi năm, đến dịp lễ hội hoặc sự kiện lớn của địa phương, bản sao sắc phong này mới được đưa ra để nhân dân và du khách chiêm ngưỡng. “Với tình trạng đền xuống cấp thế này, để sắc phong ở đây, đạo chích lại rình mò. Nếu chúng làm liều, những ông già bà cả như chúng tôi bị chúng xô đẩy thì tính mạng chẳng biết đâu mà lần”, thủ từ Hán Danh Ban giãi bày.
 |
Nhóm Nhân sĩ Hà Đông trao trả 3 sắc phong cho nhân thôn Phương Mạc (xã Phương Đình, huyện Đan Phương, Hà Nội) bị mất cắp năm 2020. |
Câu chuyện cổ vật phải đi “ở nhờ” nhà dân đang là biện pháp được nhiều địa phương áp dụng, như ở đình Nhật Tảo (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), để bảo vệ bảo vật quốc gia là chiếc chuông đồng có từ thế kỷ 10, các thành viên trong Ban Quản lý di tích phải thay phiên nhau giữ chuông. Cứ vài tháng, chiếc chuông lại được mang đến một gia đình nào đó để kẻ gian khó nắm bắt lịch trình di chuyển. Chỉ vào những dịp lễ lớn mới đưa chuông về đình để hành lễ...
TS Tạ Quốc Khánh, Viện Bảo tồn di tích, Bộ VHTTDL cho biết, việc giữ cổ vật tại di tích hiện thực sự rất khó. Các cụ trông giữ có nhiều cách nhưng kẻ gian cũng có nhiều mưu. Có những cổ vật không phải trưng bày mà các cụ có két giữ cất vào đấy. Ai muốn xem phải có thủ tục, giấy tờ, phải có trưởng ban hộ tự hoặc trưởng ban quản lý di tích đồng ý. Muốn xem ấn triện hay sắc phong thì phải mở két. Nhưng không phải cái gì cũng cất được, chẳng hạn như bát hương. Chưa kể, “nhốt cổ vật” trong hòm thì chính người dân cũng không thể tiếp cận để chiêm bái di sản ấy.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã áp dụng công nghệ vào việc bảo vệ di tích, phổ biến là lắp đặt hệ thống camera, gắn bảng biển mã QR để người dân và du khách chiêm ngưỡng, chiêm bái cổ vật qua... màn hình điện thoại.
Du khách khi đến Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) từ mùa lễ hội 2023 đã nhân đôi việc khám phá, tìm hiểu di tích qua hệ thống bảng biển mã QR-công trình của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Giang lắp đặt với ý nghĩa số hóa di tích. Thượng tọa Tự Tục Vinh dẫn chúng tôi đi tham quan quanh chùa, đánh giá cao sự góp sức, quan tâm của lực lượng thanh niên trong việc bảo quản và phát huy di tích. Vị sư trụ trì cũng cho biết, Bảo vật quốc gia bộ ván kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị đã được số hóa, du khách có thể chiêm ngưỡng qua quét mã QR. Còn hiện nay, bộ kinh gốc đã được cất giữ trong kho, được gắn chip, công an và Ban Quản lý di tích theo dõi hằng ngày. Toàn bộ tượng của khu tam bảo cũng được gắn chip để bảo vệ, do Công an tỉnh Bắc Giang triển khai và giám sát. “Người dân chắc chắn sẽ háo hức muốn đến chùa Bổ Đà để được chiêm bái và chiêm ngưỡng nhiều cổ vật quý, nhưng “lực bất tòng tâm”, chúng tôi không thể bày hiện vật gốc được, nhỡ may hỏng hóc, mất cắp thì có tội với tiền nhân”, Thượng tọa Tự Tục Vinh trải lòng.
 |
Phó chủ tịch xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai, Hà Nội) Nguyễn Văn Hợp giới thiệu hệ thống camera lắp trong chùa Bối Khê. |
“Căn cước công dân” cho cổ vật
"Hồ sơ hóa, đăng ký cổ vật là giải pháp cần thiết hiện nay", Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) Trần Đình Thành đã nhấn mạnh như vậy. Để bảo vệ các cổ vật, hiện vật quý ở di tích, nếu chỉ thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo là chưa đủ, tiến tới phải có các dự án đầu tư với phương án bảo vệ hiện vật. Đặc biệt là việc kiểm kê di tích tại các địa phương. Qua đó, những hiện vật được đăng ký, kiểm kê sẽ có các số liệu, hình ảnh, hồ sơ tương tự như “căn cước công dân”... tạo cơ sở tìm lại khi bị thất thoát hay đánh cắp. Do vậy, biện pháp như hồ sơ hóa, đi cùng các giải pháp phân công phối hợp, tăng cường trách nhiệm của các đơn vị chức năng sẽ giảm được việc mất mát cổ vật.
Ngành công an, hải quan từng bắt giữ được các vụ buôn lậu cổ vật ra nước ngoài. Tuy nhiên, thu được tang vật rồi thì lại không biết nó thuộc về nơi nào để trả lại. TS Tạ Quốc Khánh cho rằng, lý do là họ không được đào tạo về khảo cổ để nhận biết được. Kể cả những người làm công tác bảo tồn di tích, các chuyên gia khảo cổ dành cả đời nghiên cứu về cổ vật đôi khi còn chưa phân biệt được, nếu không có sự hỗ trợ của máy móc chuyên sâu. Vì thế, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu hy vọng, khi công nghệ đã trở thành một yếu tố không thể thiếu của đời sống thì cũng là lúc mỗi hiện vật sẽ có một “căn cước công dân gắn chip” để có thể tự nói được "mình là ai, mình ở đâu và mình giá trị như thế nào".
Số hóa tất cả hiện vật trong các di tích sẽ góp phần ngăn ngừa nạn trộm cắp cổ vật, vì chỉ cần một cú nhấp chuột là sẽ biết hiện vật này ở di tích nào. Các nhà sưu tầm cũng chẳng ai dại gì mà mua hiện vật có nguồn gốc rõ ràng từ đình, chùa rồi đem về trưng bày công khai trong các bộ sưu tập cổ vật của mình. Tất nhiên, khi đề xuất này được nêu ra, có nhiều ý kiến cho rằng, những cổ vật giá trị cần phải được cất cho kỹ; nếu cứ quét 3D, làm hồ sơ chi tiết rồi đưa lên mạng “khoe” thì chẳng khác nào "lạy ông tôi ở bụi này"! Đây cũng là điều lo lắng của bà Dương Thị Hoài Thu, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Việt Yên, Phó trưởng ban Thường trực Ban Quản lý di tích chùa Bổ Đà: “Số hóa Bảo vật quốc gia bộ kinh Phật chùa Bổ Đà, đưa lên mạng để ai cũng có thể dễ dàng tìm hiểu, quảng bá, phát huy được di sản, nhưng cũng lại có cái bất lợi là bị bọn trộm, săn cổ vật dòm ngó. Cất giữ kỹ, gắn chip báo động rồi mà ban quản lý di tích và nhà chùa vẫn cứ mất ăn mất ngủ vì lo”.
Việc đưa công nghệ vào bảo quản và phát duy di tích, cổ vật, báu vật là điều mong muốn của nhiều địa phương. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng có điều kiện để thực hiện. Ông Trần Văn Lợi, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Thanh Oai, TP Hà Nội, cho hay: “Huyện Thanh Oai hiện có 70 di tích cấp quốc gia, 74 di tích cấp thành phố, còn rất nhiều di tích chưa được xếp hạng. Giờ triển khai số hóa được các di tích đã được xếp hạng cũng là vấn đề, nguồn lực tài chính không có, nhân lực thực hiện công tác này càng thiếu và yếu. Nói số hóa thì dễ, nhưng để nghiên cứu, giám định một cổ vật thôi cũng khó trăm bề, bởi tiền ở đâu? Ai làm?... Thời gian qua, huyện có triển khai mạnh công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, có kêu gọi được xã hội hóa lắp đặt camera giám sát, quét mã QR, gắn nội quy, quy tắc ứng xử tại các di tích. Trước mắt, chúng tôi cũng chỉ vận động các địa phương tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm để bảo vệ di sản của cha ông”.
Được biết, Bộ VHTTDL đã tham mưu, trình Chính phủ phê duyệt Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 2-12-2021. Theo đó, mục tiêu chung của chương trình là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi. Cụ thể hóa nhiệm vụ này, trong năm 2022, Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch "Phát triển nền tảng bảo tàng số với các ứng dụng công nghệ vào trong các hoạt động trưng bày, giáo dục, truyền thông của bảo tàng, khu di sản thế giới”.
Theo chúng tôi, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật thì cần đề cao trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương. Di tích, cổ vật thuộc về cộng đồng, do đó chính quyền địa phương và cộng đồng phải có trách nhiệm bảo vệ. Nhưng thực tế lâu nay, nhiều nơi chưa chú trọng vấn đề này. Nguyên nhân một phần do ý thức, phần khác do chưa hiểu biết thấu đáo trách nhiệm giữ gìn di sản của ông cha. Để rồi thi thoảng, người dân lại đau xót chứng kiến sàn đấu giá ở các nước châu Âu, châu Á... tổ chức những phiên đấu giá cổ vật bị mất cắp của quê nhà mà lực bất tòng tâm.
Tuy vậy, cũng lóe lên niềm hy vọng khi có một số cá nhân, tổ chức bỏ ra hàng tỷ đồng, thậm chí cả triệu USD để mua lại cổ vật của Việt Nam tại các trung tâm đấu giá và đưa cổ vật "hồi hương". Câu chuyện của Nhóm Nhân sĩ Hà Đông thời gian qua đã và đang tích cực sưu tầm, bỏ tiền túi mua lại những đạo sắc phong nhằm trả lại cho các di tích bị mất cắp trong thời gian qua là một tín hiệu vui. Thế nhưng, chỉ trông chờ vào những tấm lòng hảo tâm như vậy thì e rằng câu chuyện quản lý, bảo vệ cổ vật ở nhiều nơi vẫn còn muôn vàn gian khó nếu không có sự chung tay góp sức của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng cơ quan chức năng và cả cộng đồng.
“Số hóa di sản có ý nghĩa vô cùng lớn, khó nhất vẫn là nhận thức như thế nào cho bài bản, khoa học, chuyên nghiệp để phát huy hiệu quả, mang lại giá trị cho đời sống xã hội. Phải luôn nhớ rằng, di sản “sống” được là nhờ vào chính giá trị bản thân di sản. Số hóa di sản để bảo tồn, phát huy giá trị vốn có của di sản. Di sản sẽ còn mãi khi thực tâm chúng ta coi trọng di sản”. (PGS, TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
|
“Không một lực lượng nào bảo vệ cổ vật tốt hơn nhân dân. Làm sao để nhân dân hiểu được và có trách nhiệm với di tích, cổ vật là điều khó khăn. Muốn làm được như thế, chính người dân phải được hưởng lợi từ di tích tại địa bàn của mình, để từ đó có trách nhiệm và đóng góp giải pháp trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị cổ vật, góp phần làm giàu văn hóa quê hương”. (Ông Nguyễn Hữu Phương, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang).
|
Phóng sự của VƯƠNG HÀ - HỮU TRƯỞNG