Dựa vào sức của... người cao tuổi

Không được như Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) với sự trông coi của nhà chùa và chung tay của các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, các di tích chúng tôi đến như chùa Bối Khê, đền Nội (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội), đền Quốc Tế (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ)... đều do người cao tuổi trong làng, xã cắt cử trông coi.

Bà Phạm Thị Liên ở thôn Song Khê, xã Tam Hưng (Thanh Oai, Hà Nội) nay đã ở tuổi 90, kể: “Tôi ra chùa giúp thầy chùa quét dọn, dầu đèn, nấu và cúng cháo từ năm 1994 đến nay. Gần 30 năm chùa Bối Khê có nhiều thay đổi. Năm 2005 và 2007, chùa được Nhà nước cấp tiền sửa sang, trùng tu nhà Tổ và nhà Mẫu, xây thêm mấy nhà tả vu, hữu vu nên khách đến có nơi sắp lễ, ngồi uống nước. Nhà chùa được mở rộng cả sân hành lễ, rồi các hạng mục vườn hoa cây cảnh. Hiện nay, hằng ngày có 4 bà, từ 70 đến 90 tuổi, ra giúp thầy chùa trông coi, quét dọn ngày hai lần sáng, chiều. Tối đến thì mấy ông bên hội người cao tuổi cắt cử để ngủ trông coi. Ra chùa dọn dẹp, phục vụ khách đến tham quan, chiêm bái giúp tôi phấn khởi, tự hào chứ không mong chờ hay đòi hỏi được trả công gì cả”.

leftcenterrightdel
 Lo sợ bị đánh cắp, chùa Bổ Đà cất Bảo vật quốc gia Bộ kinh Phật trong kho, gắn chip định vị và được Công an tỉnh Bắc Giang theo dõi.

Như chùa Bối Khê, lực lượng trông coi đền Quốc Tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông) cũng đều là hội viên Hội Người cao tuổi xã Dị Nậu. Bà Hán Thị Ngôn (73 tuổi), cho biết: “Thành viên ban quản lý đền toàn người ngoài 70 tuổi, cao tuổi nhất là cụ Tạ Đình Hạp nay đã 85 tuổi, chỉ duy nhất ông thủ từ Hán Danh Ban được tỉnh hỗ trợ 36.000 đồng mỗi tháng. Hôm cuối năm 2022, ông Ban khoe đi "nhận lương" cả năm được 432.000 đồng, nhưng đi taxi từ xã lên tỉnh và mua một bộ quần áo về tặng cháu mất hơn 600.000 đồng. Quy định phải “chính chủ” lên ký tên nhận tiền nên ông già phải lặn lội, chi phí tốn kém hơn để đi "nhận lương" cả năm, chứ chẳng lẽ lại bỏ”.

Trong câu chuyện với ông Phạm Nga Việt, Phó trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Phú Thọ, chúng tôi được biết, kinh phí 36.000 đồng/tháng là nguồn hỗ trợ của tỉnh Phú Thọ trợ cấp người trông coi di tích quốc gia, được áp dụng từ năm 1997 đến nay. Vẫn biết đó là số tiền quá ít và đến nay qua gần 30 năm không còn phù hợp nhưng vẫn được duy trì với ý nghĩa động viên các cụ trông coi di tích. “Chúng tôi đi cơ sở cũng lắng nghe rất nhiều nguyện vọng của các cụ cả về công tác trùng tu, tôn tạo, bảo quản hiện vật, đồ thờ tự lẫn chế độ đãi ngộ. Là cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, chúng tôi rất trân trọng tấm lòng và trách nhiệm của các cụ. Hiện Sở đã tham mưu và làm hồ sơ đề xuất lên HĐND tỉnh để phê duyệt kinh phí hỗ trợ thủ từ, người trông coi di tích, phân cấp theo từng mức xếp hạng. Hy vọng sẽ sớm được tỉnh thông qua và chắc chắn số tiền sẽ cao hơn nhiều so với mức cũ”, ông Phạm Nga Việt nói.

Qua tìm hiểu, được biết Phú Thọ là một trong những số ít tỉnh, thành phố cả nước cấp kinh phí hỗ trợ người trông coi di tích. Tuy số tiền có hạn nhưng ít ra cũng có chút động viên những người cao tuổi đang ngày đêm dành tâm lực, trí lực trông coi, chăm lo cho di tích; thậm chí không ít người đã phải đối mặt với sự lộng hành, bất chấp, nguy hiểm đến tính mạng của đạo tặc tới xâm hại, đánh cắp đồ thờ, tiền công đức, cổ vật trong di tích.

Trách nhiệm không của riêng ai

Đình chùa miếu mạo của Việt Nam là không gian mở, không có thành cao hào sâu nên dù đóng cửa vẫn không hoàn toàn khép kín. Chúng tôi đi thực tế nhiều di tích đều thấy lo lắng cho các cụ cao niên trông coi ở nhiều di tích trống trải, hoang vu. Các cụ đều có tâm đức với đình, chùa nhưng tuổi cao sức yếu nên việc trông nom không dễ dàng.

leftcenterrightdel
Trông nom, quét dọn chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) chủ yếu dựa vào những người cao tuổi như bà Liên (90 tuổi, cầm chổi quét), bà Dậu (68 tuổi). 

Tiến sĩ Nguyễn Doãn Văn, Trưởng ban Quản lý di tích, danh thắng Hà Nội cho biết, vài năm trước, thi thoảng đơn vị lại nhận được công văn của cơ quan hải quan các cửa khẩu truy tìm xuất xứ cổ vật-tang vật của những vụ buôn bán cổ vật trái phép qua biên giới mà lực lượng hải quan kịp thời phát hiện. Dạo gần đây, những công văn như thế này không còn nhận được nữa, không hiểu vì lý do gì. “Không còn nhận được văn bản đề nghị truy xét nguồn gốc cổ vật buôn bán qua biên giới thì không đồng nghĩa với việc cổ vật không còn bị đánh cắp. Nạn trộm cắp vẫn diễn ra thường xuyên và Hà Nội dù có là trung tâm chính trị-kinh tế-văn hóa của cả nước thì vẫn cứ xảy ra mất cắp”, ông Văn bày tỏ băn khoăn.

Thời gian qua, các chuyên án bắt giữ nhóm chuyên trộm cắp cổ vật do Công an TP Hà Nội thực hiện thành công đã mang đến nhiều niềm vui. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng công tác bảo vệ an toàn cho di tích, hệ thống hiện vật tại các di tích mới là gốc gác vấn đề. Trên thực tế, bảo vệ cổ vật luôn là thách thức không nhỏ ở nhiều di tích. Đặc biệt, tại các địa chỉ sở hữu những bảo vật quốc gia, những hiện vật quý thì đây lại càng là trọng trách lớn. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, khi vấn nạn “chảy máu”, buôn bán trái phép cổ vật ngày càng gia tăng thì những cổ vật quý càng tiềm ẩn nguy cơ bị kẻ gian lấy trộm.

Trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Trần Hậu Yên Thế trăn trở: “Mỗi lần nghe tin cổ vật ở bất cứ đâu bị mất, chúng tôi đều rất xót xa. Trong những cụm di tích, vấn đề bảo vệ hiện vật, di vật kém nhất là ở các đình, đền. Đình, đền là chỗ ai cũng có thể ra vào. Theo tôi, nên có một phương án tổ chức hoạt động hợp lý. Ví dụ như xưa, đình là nơi họp của dân phòng, chính quyền thời phong kiến. Hiện nay, có thể tổ chức đình là nơi để khai báo tạm trú, tạm vắng ở các địa phương, để chỗ đó luôn có người trực. Nhưng đình làng giờ chỉ để cho các cụ về hưu mắt mờ chân chậm ra đấy, kẻ gian rất dễ lợi dụng. Có một đơn vị, bộ phận khai báo tạm trú, tạm vắng sẽ như một lực lượng túc trực cũng là một giải pháp để bảo vệ di tích. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, chính quyền địa phương cần có cơ chế, chính sách, giải pháp để làm sao ổn định xã hội, tăng cường các biện pháp giáo dục, nâng cao ý thức để giải quyết tận gốc vấn đề”.

Ông Phạm Nga Việt cũng nêu quan điểm: “Bây giờ chúng ta hay nói đến cụm từ “xã hội hóa” trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích, góp sức bảo vệ di sản, nhưng công việc này đã được các bậc tiền nhiệm bao đời làm rồi. Tuy nhiên, khi thế hệ con cháu ngày nay được hưởng lợi từ thành quả của cha ông, chúng ta càng phải biết trân trọng, gìn giữ và phát huy. Khi Nhà nước, tỉnh công nhận di tích thì Nhà nước, tỉnh phải lo là đúng, nhưng chưa đủ. Điều quan trọng nhất vẫn là cộng đồng, nhân dân sở tại đang sở hữu di sản cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình. Nhà nước có trách nhiệm cùng nhân dân phát huy hơn nữa giá trị của di tích, di sản. Người dân không thể nghĩ tôi đến di tích chỉ để thắp hương, chiêm bái, hoặc quét dọn, trông coi hết giờ là xong, còn hỏng đâu thì Nhà nước phải chịu. Điều đó là không đúng, khi có nhận thức không đúng thì hành động bảo vệ sẽ khác”.

Đề cập thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Doãn Văn cho biết: “Bây giờ ở khu dân cư đều có dân phòng. Tôi cho rằng, đội ngũ này nên đi tuần về đêm qua di tích vài lần và phải để mắt tới các di tích. Ngoài ra, cần phát động phong trào nhân dân tham gia bảo vệ di tích. Được phổ biến rộng rãi thì ngay cả những người đi chơi tối cũng sẽ để ý đến việc chung tay quản lý, bảo vệ di sản”.

“Luật Di sản văn hóa đi vào thực thi hơn 20 năm nay, nhưng quản lý di tích, di sản còn bất cập. Nhiều pho tượng cổ từng bị các vị trụ trì, ban quản lý di tích hồn nhiên mang đi sơn thếp công nghiệp, phá hỏng hiện vật. Hệ thống di tích ở ta còn chưa được đầu tư lắp đặt đồng bộ camera, báo động nên bảo vật, di vật trong di tích luôn trong trạng thái phấp phỏng lo đạo chích ghé thăm. Nếu không sớm ngăn chặn tình trạng này thì cổ vật nước ta dù có phong phú, đa dạng đến mấy rồi cũng có nguy cơ bị thất lạc, trộm cắp. Ðiều đó ảnh hưởng rất lớn đến các vấn đề nghiên cứu khoa học cũng như nghiên cứu văn hóa, lịch sử nước nhà” (TS Phạm Quốc Quân, chuyên gia cổ vật).

 

 “Sau khi nhận được thông tin Công ty Thượng Hải Dương Minh rao bán một số sắc phong Việt Nam, trong đó có sắc phong của Phú Thọ, Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ đã báo cáo UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ nhằm thống nhất xác minh thông tin. Cụ thể là xác minh xem đó là sắc phong thật hay giả. Trường hợp sắc phong thật, sẽ đề xuất Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải (Trung Quốc) can thiệp để ngăn chặn tình trạng bán đấu giá tài sản của Việt Nam trên mạng. Công an địa phương báo cáo Bộ Công an để thống nhất phương án hợp tác quốc tế trong việc xử lý hiện vật bị đánh cắp” (ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ).

 

(còn nữa)

  Phóng sự của VƯƠNG HÀ - HỮU TRƯỞNG