Tô Ngọc Thanh là một học giả và nhà nghiên cứu khoa học về văn học, văn nghệ dân gian Việt Nam. Ông là con trai trưởng của danh họa Tô Ngọc Vân, từ bé được định hướng theo nghề vẽ nhưng lại rất thích nghe nhạc. Sinh thời, khi nhớ về người cha tài hoa của mình, GS Tô Ngọc Thanh bùi ngùi: Tôi may mắn được ông cụ thấu hiểu.

leftcenterrightdel
 GS, TSKH Tô Ngọc Thanh (ngoài cùng bên phải) cùng các nhà nghiên cứu âm nhạc.

GS, TSKH Tô Ngọc Thanh sinh ngày 24-6-1934 Hà Nội. Ông được cấp bằng Tiến sĩ năm 1978, bằng Tiến sĩ Khoa học năm 1987 và được phong Giáo sư vào năm 1991.

Hơn nửa thế kỷ, GS, TSKH Tô Ngọc Thanh lặn lội khắp núi rừng, buôn, bản vùng Tây Bắc, Việt Bắc và Tây Nguyên thực hiện các đợt điền dã, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian.

Ông cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc, được coi là những “hạt vàng” trí tuệ, công bố rộng rãi ở trong nước và quốc tế. Tiêu biểu như: Công trình “Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc” (1969); tác phẩm “Âm nhạc dân gian Mường” (1971); “Âm nhạc Dân gian nhóm tộc người Nam Á ở Việt Nam” (1979); “Tìm hiểu Âm nhạc cổ truyền”-viết chung với nhạc sĩ Hồng Thao (1982); “Fonclo Bahna”, do ông chủ biên (1988); “Nhạc cụ các dân tộc thiểu số Việt Nam” (1995);...

GS, TSKH Tô Ngọc Thanh còn nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh lý, nâng cao, đưa vào đời sống văn hóa cộng đồng 12 tập dân ca phổ biến tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số và 30 tập dân ca chuyên đề từng dân tộc. Đây là những công trình khoa học có sự thẩm thấu, những hạt vàng trí tuệ của vị GS, TSKH thông tuệ, am hiểu sâu rộng, có bề dày trải nghiệm cuộc sống thực tiễn...

leftcenterrightdel
 GS, TSKH Tô Ngọc Thanh minh mẫn, tận hiến cho văn nghệ dân gian nước nhà đến những giờ phút cuối đời.

Từ năm 1999 đến 2005, ông giữ chức Ủy viên Ban Thường vụ Hội đồng Quốc tế Âm nhạc truyền thống ICTM của UNESCO.

Ngoài ra, ông còn giữ chức Ủy viên Ban chấp hành Hội các nhà Âm nhạc dân tộc học châu Á - Thái Bình Dương (APSE). Ông là người có công lao trong việc sáng lập, viết giáo trình, trực tiếp giảng dạy với chất lượng chuyên sâu rất cao bộ môn Bảo tồn Âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam (Vietnam Ethonomusicology).

Từ năm 2010, đảm trách vai trò Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, GS, TSKH Tô Ngọc Thanh luôn dồn hết tâm huyết, trách nhiệm, cống hiến trí tuệ, công sức để đưa Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam lên một tầm cao mới.

HÀ VƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.