Phóng viên (PV): Nhìn lại Giải thưởng VNDG năm 2023, điều gì khiến ông ấn tượng và trăn trở?
GS, TS Lê Hồng Lý: Năm 2023, Hội VNDG nhận được 81 công trình đăng ký tham dự giải thưởng, trong đó có 60 công trình đủ điều kiện trình hội đồng chuyên ngành. So với năm 2022, năm nay, số công trình đưa vào xét giải tăng đều ở 5 chuyên ngành, trên cả 2 lĩnh vực điều tra sưu tầm và nghiên cứu, giới thiệu. Hội VNDG quyết định trao 1 giải nhì A, 2 giải nhì B, 9 giải ba A, 15 giải ba B, 14 giải khuyến khích và 9 tặng phẩm.
 |
GS, TS Lê Hồng Lý. |
Năm nay, điểm sáng nhất là các tác giả sưu tầm được nhiều sử thi mà chúng ta tưởng đã mất. Ví dụ, công trình “Giông thử tài” do nghệ nhân A Lưu diễn xướng đã cung cấp một sử thi trọn vẹn dài 601 phút 31 giây. Công trình “Thủ tục tang ma và những bài ca chỉ đường của các ngành Mông Xanh, Mông Trắng và Mông Đỏ tỉnh Điện Biên” cũng được đánh giá rất cao bởi tác giả Chu Thị Liên là người dân tộc Hà Nhì, có nhiều năm sinh sống ở Điện Biên nên có điều kiện, cơ hội sưu tầm những tập tục văn hóa của người Mông. Các công trình sưu tầm văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số năm nay đều được thể hiện song ngữ, phần lớn các công trình dài hàng trăm trang, thậm chí hơn 1.000 trang.
Tuy nhiên, chúng tôi rất trăn trở khi 6 năm qua, Giải thưởng VNDG không có công trình đoạt giải nhất. Hiện nay, công việc sưu tầm hết sức khó khăn. Nhiều người có hiểu biết về văn hóa dân gian đã qua đời, người trẻ thì không mặn mà với lĩnh vực này. Thực ra, tôi biết có một số tác phẩm rất xứng đáng được trao giải nhất nhưng tác giả chưa muốn công bố. Đó là một số luận án VNDG làm rất tốt theo hướng nghiên cứu mới gắn với cuộc sống hiện đại, hay còn gọi là VNDG hiện đại.
 |
Trích đoạn vở chèo cổ do các nghệ nhân Câu lạc bộ chèo cổ Thất Gian, xã Châu Phong (Quế Võ, Bắc Ninh) thể hiện.Ảnh: HOA LƯ |
PV: VNDG hiện đại vẫn là khái niệm mới, chúng ta hiểu và nhận diện tiềm năng của loại hình này như thế nào, thưa ông?
GS, TS Lê Hồng Lý: Trong Hội VNDG đang tranh luận về vấn đề VNDG hiện nay thế nào, có hay không VNDG hiện đại? Nói như GS Trần Quốc Vượng lúc sinh thời: Còn dân là còn văn hóa dân gian. Đây là mảng văn hóa đi liền với văn hóa chính thống. Năm 2022 có một cuộc thi sưu tầm các câu hò vè nói về dịch Covid-19 rất thú vị và chất lượng, nhưng Hội VNDG Việt Nam không thể trao giải vì không phù hợp với tiêu chí nào theo quy định. Thực chất đó cũng là VNDG. Đây cũng là hướng đi mới mà chúng tôi đang bàn.
Hội VNDG đang khuyến khích các nhà nghiên cứu về giá trị văn hóa dân gian trong xã hội hiện đại để phục vụ công nghiệp văn hóa. Hiện nay, điều này được làm khá tốt ở nhiều địa phương, như chuyện ẩm thực, lễ hội, làng nghề... Đó là việc chúng ta chuyển đổi từ nghiên cứu văn hóa dân gian truyền thống sang hiện đại. Chúng tôi hy vọng sẽ có một lớp trẻ từ ca sĩ đến nghệ sĩ bắt đầu trở lại với văn hóa dân gian sau khi tiếp xúc với văn hóa thế giới hiện đại. Điều lớn nhất, văn hóa tộc người ở homestay hay văn hóa của các tỉnh, thành phố đã và đang tập trung phục vụ sự phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương. Đây cũng sẽ là hướng đi mới của văn hóa-VNDG.
PV: Có ý kiến cho rằng, chỉ có hai Nghệ nhân dân gian được phong tặng trong năm 2023 là quá ít so với tiềm năng trong nhân dân. Ông nghĩ sao về nhận định này?
GS, TS Lê Hồng Lý: Các tiêu chí phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian được chúng tôi đề ra chặt chẽ. Nhiều năm qua, các Nghệ nhân dân gian của Hội VNGD sau khi lập hồ sơ đề nghị phong tặng Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú gần như được 100%. Bên cạnh tiêu chí khắt khe, hiện nhiều nghệ nhân do lớn tuổi đã không còn đủ sức khỏe để thực hành, hoặc đã qua đời. Hiện có nhiều nghệ nhân trẻ đã và đang tham gia tích cực vào các hoạt động trình diễn, giảng dạy VNDG, nhưng do thời gian làm nghề chưa lâu nên chưa đủ điều kiện công nhận.
PV: Hội VNDG sẽ lan tỏa những công trình đoạt giải tại Giải thưởng VNDG năm 2023 tới nhân dân như thế nào, thưa ông?
GS, TS Lê Hồng Lý: Chúng tôi sẽ chọn những tác phẩm tốt từ giải ba B trở lên để in sách, đĩa bằng kinh phí của Nhà nước; các tác phẩm còn lại sẽ được in dần khi bố trí được kinh phí. Điều thuận lợi là Hội VNDG có hơn 1.000 người, trong đó nhiều hội viên đang là giảng viên nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Chúng tôi tin tưởng rằng, đội ngũ đó sẽ trở thành những chuyên gia tuyên truyền tích cực, lan tỏa giá trị các tác phẩm VNDG tới nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
HỮU TRƯỞNG (thực hiện)
Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.