Vở sân khấu “Nước non vạn dặm” là công trình thiết thực kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890/19-5-2022) và 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911/5-6-2022). Phần I của vở sân khấu mang tên “Nợ nước non”.

Tác giả kịch bản vở sân khấu (và cuốn tiểu thuyết cùng tên) là nhà văn, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ. Ê kíp nghệ thuật thực hiện gồm: Hoàng Song Việt (chuyển thể cải lương), NSND, nhạc sỹ Trọng Đài (âm nhạc), NSƯT Doãn Bằng (thiết kế mỹ thuật), Hoàng Duy Đông (đồ họa), NSƯT Thanh Nam (biên đạo múa), NSƯT Minh Hùng (phục trang)… và đạo diễn, Tiến sĩ, NSND Triệu Trung Kiên.

Vở sân khấu có sự tham dự của các nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Việt Nam như: NSƯT Mạnh Hùng, Minh Hải, Như Quỳnh, Xuân Thông, Văn Dương, Thiên Kiều, Lệ Hằng, Minh Phương, bé Anh Đức… phối hợp cùng nghệ sĩ Lê Thanh Phong và các diễn viên Đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ biểu diễn.

leftcenterrightdel
Quang cảnh buổi họp báo. 

Vở sân khấu “Nợ nước non” khắc họa xúc động, sâu sắc hình tượng Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành và các nhân vật khác trong không gian văn hóa các vùng miền từ Bắc chí Nam. Đặc biệt là sự thay đổi, trưởng thành về nhận thức, lòng yêu nước, chí căm thù quân xâm lược, nung nấu quyết tâm tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành. Vở sân khấu không chỉ khắc họa những ký ức lịch sử, xã hội, mà đi sâu luận giải những yếu tố văn hóa, tư tưởng, chính trị, xã hội đã hun đúc động lực để Người có chuyến đi lịch sử vạn dặm tìm đường cứu nước.

Về mặt nghệ thuật, đây là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nhà hát Cải lương Việt Nam, được kế thừa từ phong cách nghệ thuật của sân khấu cải lương cách mạng (giai đoạn 1955 - 1985). Vở kịch không đi theo tuần tự thời gian của nhân vật chính mà là sự nối tiếp, đan xen giữa thực tại và quá khứ, giữa cảnh thực và hồi tưởng. Bên cạnh hệ thống bài bản cải lương, phần nhạc nền cho vở sân khấu còn là âm nhạc giao hưởng, cùng không gian văn hóa âm nhạc các vùng miền đất nước như: Ví giặm Nghệ Tĩnh, hò Huế, dân ca Bài Chòi, hò Nam Bộ... Vở sân khấu còn tiêu biểu về mỹ thuật sân khấu, nghệ thuật biểu diễn và xây dựng hình tượng nhân vật…

Theo Ban tổ chức, phần hai và phần ba của tác phẩm sân khấu “Nước non vạn dặm” sẽ ra mắt công chúng năm 2023 và 2024, dự kiến tên gọi là “Lênh đênh bốn biển” và “Người về”. Tác giả và đạo diễn sẽ khắc họa, lý giải, ngợi ca con đường bôn ba cứu nước của Người ở nước ngoài và những năm tháng Người về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Phần I của vở sân khấu “Nước non vạn dặm” với tên gọi “Nợ nước non” sẽ ra mắt công chúng TP Hồ Chí Minh vào tối ngày 25 và 26-7 tại Nhà hát Thành phố.

Tin, ảnh: HÙNG KHOA