Đây là hai công trình của tác giả PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương thực hiện trong nhiều năm qua, thiết thực kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

leftcenterrightdel
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ giới thiệu bộ đôi công trình tiểu thuyết và vở diễn sân khấu "Nước non vạn dặm".

Tại buổi ra mắt tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết, dự định sẽ thực hiện 3 tập, lần này tác giả giới thiệu đến bạn đọc tập 1 có chủ đề “Nợ nước non”, hơn 220 trang. Tác phẩm không chỉ khắc họa những ký ức lịch sử, xã hội mà đi sâu luận giải những yếu tố văn hóa, tư tưởng đã hun đúc nên Nguyễn Sinh Cung-Nguyễn Tất Thành-Văn Ba để Người có chuyến đi lịch sử vạn dặm từ quê nhà Nghệ An đến Kinh đô Huế, qua Bình Định, Phan Thiết đến bến cảng Sài Gòn, cho chuyến vượt trùng khơi cứu nước ngày 5- 6- 1911.

Cuốn sách thể hiện sự nghiên cứu lịch sử, văn hóa công phu, nghiêm túc cùng sự trải nghiệm, tích lũy vốn sống nhiều năm ở quê hương xứ Nghệ và nhiều vùng đất khác, tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã xây dựng hình tượng nhân vật, bối cảnh xã hội chân thực, sống động.

Phát biểu trong buổi ra mắt sách, GS Hà Minh Đức chia sẻ, tác giả Nguyễn Thế Kỷ có sức sáng tạo đáng quý khi mạnh dạn viết tiểu thuyết về vị lãnh tụ kính yêu của Việt Nam. Ở tác phẩm toát lên cảm hứng kính trọng và yêu mến với Bác Hồ. Và ở đó còn là sự khẳng định niềm say mê của tác giả đối với đề tài văn chương kết hợp nghệ thuật, khi trước đó tác giả đã có những tác phẩm văn học-sân khấu, như: “Mai Hắc Đế” tái hiện cuộc đời nhân vật lịch sử Mai Thúc Loan; “Hừng đông” tái hiện cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Phan Đăng Lưu… đến nay là “Nước non vạn dặm” về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ hai công trình tiểu thuyết và vở diễn sân khấu lần này của tác giả và ê kíp nghệ sĩ tâm huyết thực hiện, GS Hà Minh Đức bày tỏ hy vọng, sẽ có nhiều tác phẩm văn chương, nghệ thuật về Bác Hồ trong thời gian tới.

leftcenterrightdel
 Tập 1 "Nợ nước non" trong bộ tiểu thuyết giới thiệu tới bạn đọc.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn nhận định, để viết tiểu thuyết về một nhân vật lịch sử như Chủ tịch Hồ Chí Minh quả là một thách thức lớn. Trước đó ở Việt Nam có lẽ chỉ có nhà văn Sơn Tùng đã viết “Búp sen xanh” về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đến nay được Nguyễn Thế Kỷ thể hiện. Một điều quan trọng, là tác giả đã không “kỳ bí hóa” hay “thần thánh hóa” một vĩ nhân lịch sử khi viết về thời niên thiếu của Người, mà tác giả đã dựng nên một con người có tuổi thơ như bao cậu bé khác, nhưng tư chất của một con người để sau này trở thành một vĩ nhân được hiện lên theo bước thời gian với những tác động của một gia đình, đời sống, văn hóa và lịch sử thời cậu bé Cung thật thuyết phục… Đó chính là những yếu tố thuyết phục bạn đọc.

NSND, đạo diễn Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng cho biết, nhà hát đang hoàn thiện vở diễn cùng tên bộ tiểu thuyết, để ra mắt khán giả tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 19 và 20-5 tới. Vở diễn cũng khai thác hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Người, ở tập 1 với những lát cắt về tuổi thơ được ảnh hưởng từ cha mẹ. Vở diễn có sự kết hợp giữa nghệ thuật cải lương với những loại hình nghệ thuật khác như dân ca ví, giặm; ca Huế; bài chòi và dân ca Nam bộ cùng với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hiện đại để hướng tới đối tượng khán giả trẻ.

Tin, ảnh: VƯƠNG HÀ