Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Mạnh Thắng thi và được tuyển vào Đoàn Chèo Hải Dương (tiền thân của Nhà hát Chèo Hải Dương hiện nay). Sau những ngày tháng học tập, làm quen với sân khấu, lần đầu tiên anh được sắm vai phụ (anh công an) trong vở “Nỗi đau tình mẹ”. Tuy chỉ là vai diễn bình thường nhưng được các nghệ sĩ đi trước hướng dẫn, góp ý nên anh tiến bộ rất nhanh. Năm 1996, Đoàn Chèo Hải Dương tham gia Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp vùng duyên hải tại Nam Định, vai diễn của anh đoạt huy chương vàng. Đây là tấm thẻ thông hành có ý nghĩa đánh dấu một chặng đường đi lên phía trước với Mạnh Thắng.

leftcenterrightdel
Nghệ sĩ Ưu tú Trương Mạnh Thắng trên sân khấu. 

Các đạo diễn thường chọn Mạnh Thắng sắm vai chính diện vì anh có hình thể cao ráo, khuôn mặt vuông chữ điền và giọng trầm ấm, lối diễn ung dung, chững chạc. Tính đến nay, Mạnh Thắng đã vào hơn chục vai chính diện có nội tâm đa dạng, số phận đa đoan. Anh đã thể hiện nhiều vai nhân vật lịch sử như: Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, thiền sư Tuệ Tĩnh, Huyền Quang tôn giả và đặc biệt được vào vai Bác Hồ thời chống Pháp. Với bất cứ vai nào, anh cũng say mê, tâm huyết, tìm hiểu bối cảnh lịch sử, thế giới nội tâm nhân vật để thể hiện làm nổi bật tính cách và tâm hồn nhân vật trên sân khấu.

Anh nhớ nhất là khi đoàn dựng vở “Côn Sơn hiền sĩ” (tác giả Trần Đình Ngôn). Ban đầu nghệ sĩ Ngọc Bảo vào vai Nguyễn Trãi. Khi vở đang chờ đến ngày biểu diễn thì không may Ngọc Bảo đột ngột từ trần. Vì vậy, Mạnh Thắng được giao vào vai Nguyễn Trãi thay cho Ngọc Bảo. Áp lực về thời gian luyện tập chỉ trong 10 ngày. Áp lực về nghệ thuật là lời thoại, các bài hát dài, phải thuộc lòng ca từ mới có thể nhập hồn nhân vật. Năm ấy, Mạnh Thắng tuổi mới ngoài đôi mươi, chưa trải nghiệm trường đời. Nguyễn Trãi là bậc cao niên, từ dáng đi, phong thái thể hiện một tâm hồn cao khiết, là bậc lương đống của triều đình, chịu nhiều ẩn ức, đang lui về ở ẩn Côn Sơn nhưng lòng ông vẫn đau đáu nỗi niềm ái quốc, thương dân. Thể hiện vai Nguyễn Trãi, Mạnh Thắng như người gùi một sọt quả chín hái được trên rừng đi xuống núi, chỉ sơ ý trượt chân, vấp ngã là hết. Anh kể rằng, đấy là kỷ niệm về một chặng đường đầy gian nan thử thách. Vậy mà chỉ trong thời gian ngắn, anh học thuộc lời thoại, đài từ rất chỉn chu, hát lên những làn điệu sâu lắng tâm tình, lại có bạn diễn ăn ý là Khánh Phương (vai Nguyễn Thị Lộ) mặn mà nên cả hai diễn viên đã lột tả nội tâm nhân vật rất nhuần nhuyễn. Diễn xong, anh được đạo diễn khen ngợi.

Lấy vợ là giáo viên, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhưng anh đã vượt qua mọi nhọc nhằn để cống hiến hết mình với nghiệp diễn chèo. Thành quả anh gặt hái được là 5 huy chương vàng, trong đó có 4 huy chương vàng cấp toàn quốc. Năm 2012, anh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Hiện Mạnh Thắng là Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật, Phó trưởng đoàn Nghệ thuật 1-Nhà hát Chèo Hải Dương. Với những đóng góp cho nghệ thuật chèo, mới đây, anh được Hội đồng Nghệ thuật tỉnh Hải Dương đề nghị cấp trên xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Bài và ảnh: KHÚC HÀ LINH