Từ lâu, Trung Lập đã nổi tiếng là đất chèo của Thủ đô, được nhiều nghệ sĩ gạo cội của các đoàn chèo lớn về tập huấn. Cũng từ đây, phong trào hát chèo được nuôi dưỡng trong nhân dân và là cơ sở để CLB hát chèo thôn Trung Lập ra đời vào khoảng những năm 60 của thế kỷ 20.

Ông Nguyễn Văn Nhạnh, Chủ nhiệm CLB hát chèo thôn Trung Lập cho biết: “Khi tôi còn nhỏ, phong trào hát chèo ở Trung Lập diễn ra sôi nổi. Người dân hát chèo bất cứ khi nào rảnh rỗi, kể cả những buổi đi cấy, đi gặt trên cánh đồng. Từ phong trào tự phát, đến nay, CLB hát chèo thôn Trung Lập được hoạt động khá chuyên nghiệp, tham gia các hội thi, hội diễn và giành được nhiều giải thưởng”.

      Các thành viên Câu lạc bộ hát chèo thôn Trung Lập (xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên) say đắm với làn điệu chèo. 

Lấy dẫn chứng cho nhận định trên, ông Nguyễn Văn Nhạnh cho hay, CLB hát chèo thôn Trung Lập có đủ các thành phần của một đội chèo chuyên nghiệp, như: Đội trưởng, đạo diễn, nhạc công và hàng chục diễn viên quần chúng. Người dân nơi đây mê hát chèo, bởi làn điệu chèo có trong lời ru của mẹ, trong những hội xuân náo nức. Những câu chèo tha thiết theo chân người dân trong thôn đi khắp các nẻo đường, ra đồng, lên phố. Người dân ở Trung Lập nâng niu, gìn giữ những điệu chèo như tài sản quý giá. Nhiều gia đình trong thôn có đến hai, ba thế hệ biết hát chèo.

Cuộc sống hiện đại, áp lực của nỗi lo cơm áo gạo tiền đã khiến nhiều thanh niên thôn Trung Lập phải đi làm ăn xa, không có điều kiện để thể hiện đam mê với hát chèo. Cũng bởi vậy, đến nay, CLB hát chèo thôn Trung Lập chỉ có 28 thành viên, đa phần đều là các bác, cô, chú trung niên. Trăn trở trước thực trạng trên, hằng năm, vào dịp nghỉ hè, CLB đã tổ chức những buổi dạy chèo miễn phí cho các em học sinh là con em trong thôn.

Hai năm trở lại đây, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các thành viên của CLB ít được đi giao lưu, tham gia nhiều hội diễn. Tuy nhiên, mọi người đều bảo ban nhau vẫn giữ ngân nga điệu chèo khi việc đồng áng bớt bận rộn. Anh Lê Hữu Thái, thành viên CLB hát chèo thôn Trung Lập cho hay: “Mọi người tham gia CLB đều phải tự bỏ tiền túi ra mua nhạc cụ, trang phục, nhưng chúng tôi vẫn say đắm với làn điệu chèo, bởi đây là niềm đam mê. Không chỉ dựng lại các tích chèo cổ, chúng tôi còn sáng tạo ra nhiều tiểu phẩm chèo về quê hương”.

Ông Ngô Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Tri Trung đánh giá: “Trong những cuộc giao lưu, đám cưới, mừng thọ, sự kiện văn hóa của xã Tri Trung không thể thiếu tiếng hát của các thành viên CLB hát chèo thôn Trung Lập. Thời gian qua, CLB đã trở thành nơi gìn giữ nét văn hóa truyền thống của cha ông, giúp người dân có tinh thần thoải mái để hăng say lao động, sản xuất”.

Bài và ảnh: HOÀI PHƯƠNG