Trong nỗ lực bảo tồn các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống, Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2023 diễn ra từ ngày 10 đến 14-6 tại tỉnh Khánh Hòa và từ ngày 20 đến 26-6 tại tỉnh Hòa Bình, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức đã tạo nên sân chơi lớn khi thu hút gần 1.000 nghệ sĩ từ 39 đơn vị nghệ thuật trên cả nước.
Những thanh âm đất mẹ
Khi tiếng sáo trúc của Đại úy QNCN Hà Công Cương (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) vang lên với những thanh âm trong trẻo, gần gũi, thấm đẫm hồn dân tộc cùng kỹ năng biểu diễn điêu luyện, khán phòng Cung Văn hóa tỉnh Hòa Bình bỗng chốc trở nên sôi động. Chọn biểu diễn hai tiết mục độc tấu để tham gia cuộc thi là “Nhớ về dòng sông” của nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Đinh Linh và tác phẩm “Sức sống” do chính mình sáng tác, chàng nghệ sĩ thổi sáo người dân tộc Tày (quê Tuyên Quang) bước ra sân khấu trong màu áo lính ngay lập tức nhận được những tràng vỗ tay, reo hò cổ vũ của khán giả. Với tác phẩm độc tấu “Sức sống”, Công Cương kể rằng anh đã lấy cảm hứng trong một chuyến đi biểu diễn phục vụ đồng bào và bộ đội tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. “Tôi tình cờ bắt gặp hình ảnh một cụ già người Gia Rai vừa hát vừa chơi đàn goong (còn gọi là đàn ting ning) cho mấy đứa trẻ nghe, rồi tỉ mỉ hướng dẫn các cháu cách chỉnh dây đàn. Đó chính là sự truyền dạy, tiếp nối, sức sống của các thế hệ cũng như sức sống của dòng chảy âm nhạc truyền thống người Việt. Từ hình ảnh đó, tôi viết nên “Sức sống” với ý nghĩa lan tỏa vẻ đẹp vạm vỡ, giàu bản sắc của mảnh đất và con người Tây Nguyên”, nghệ sĩ Hà Công Cương chia sẻ.
 |
Phần trình diễn độc tấu sáo trúc của Đại úy, QNCN Hà Công Cương (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) tại cuộc thi. |
Ở tiết mục độc tấu đàn tranh “Tiêu tương khúc”, Thiếu tá QNCN Đỗ Thị Huyền (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) lại đưa người nghe lãng du trong không gian văn hóa của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Tác phẩm được nhạc sĩ, NSƯT Huỳnh Tú sáng tác về chuyện người lính tạm biệt người yêu bên bến đò để ra mặt trận cùng lời hẹn ước chiến thắng sẽ trở về... nhưng rồi anh đã hy sinh. Cô gái bên bến đò tương tư, tự sự nhung nhớ trên những phím đàn tranh sầu lắng.
Gần nửa thế kỷ chơi nhạc cụ dân tộc, chế tác nhạc cụ dân tộc và sáng tác hàng trăm tác phẩm mới cho nhạc cụ dân tộc, nhạc sĩ, NSƯT Huỳnh Tú đã khẳng định tên tuổi và được giới làm nghề ngưỡng mộ. Ông có niềm đam mê lớn hơn, đó là sáng tác những tác phẩm âm nhạc dân tộc về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ. “Trong những sáng tác, dù là viết cho nhạc cụ khỏe khoắn, hùng tráng như trống, cồng chiêng hay nỉ non như đàn bầu, tôi vẫn thường liên tưởng đến hình ảnh của người lính gắn với quê hương, đất nước trong sự mạnh mẽ, đối đầu, hy sinh, gắn với sự thủy chung son sắt, chờ đợi của mẹ, của vợ, người yêu”, nhạc sĩ Huỳnh Tú trải lòng.
Đúng như lời của nhạc sĩ, NSƯT Huỳnh Tú, nhạc cụ truyền thống Việt Nam ra đời từ cuộc sống. Đó chính là những thanh âm của đất mẹ-đất Việt yêu dấu. Mỗi vùng đất cùng văn hóa ngàn đời, thì người Kinh, Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Mơ Nông, Cơ Ho, Chu Ru, Mạ, Thái, Tày, Nùng... đã ký thác tiếng nói, hơi thở cuộc sống của cộng đồng vào từng nhạc cụ. Những âm sắc, dáng điệu đã vẽ nên bức chân dung chân thật, sinh động về mỗi cộng đồng, có bản sắc riêng trong tiến trình phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Động lực cống hiến, sáng tạo phát triển âm nhạc Việt
Âm nhạc dân tộc đã trở thành câu chuyện văn hóa, không gian văn hóa độc đáo giàu bản sắc của người Việt ở các chương trình biểu diễn, các kỳ cuộc ngoại giao, giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế. Gần nhất là sự kiện phu nhân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, bà Phan Thị Thanh Tâm và phu nhân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, bà Kim Keon Hee cùng thưởng trà, xem trình diễn áo dài và biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam. Những tác phẩm sáo trúc “Giấc mơ trưa”, đàn nhị “Sarang hư rô”, “Bèo dạt mây trôi”, “Tôi yêu Seoul”, “Người ơi người ở đừng về” được trình diễn trong tiệc trà chắc chắn đã để lại những cảm xúc, ấn tượng khó phai đối với các vị khách quý.
Từ những tác phẩm kể trên để thấy, âm nhạc dân tộc Việt Nam đã luôn được bảo tồn và phát triển cho phù hợp với đời sống, phục vụ đời sống. Đàn bầu, tiêu, sáo, trống, nhị... những tinh túy của nghệ thuật Việt Nam hòa vào âm nhạc thế giới, đó là điều tất yếu. Điều này cũng thể hiện rất rõ ở Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm nay. Theo Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Quang Vinh (Hội Nhạc sĩ Việt Nam), nét mới và cũng là yếu tố góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy vốn âm nhạc dân gian thông qua cuộc thi này là hầu hết các đoàn nghệ thuật đã có sự sáng tạo, cách điệu, thậm chí “tung hứng” một cách tự nhiên dựa trên nền tảng âm nhạc truyền thống, nhằm đưa tinh hoa nghệ thuật của các thể loại nhạc cụ truyền thống đến gần hơn với công chúng.
Nghệ sĩ, các đơn vị nghệ thuật trên khắp mọi miền đất nước đã mang đến cuộc thi những màu sắc âm nhạc riêng biệt và độc đáo từ nhiều loại nhạc cụ âm nhạc truyền thống như sáo trúc, đàn nhị, thanh la, mõ, chiêng, sáo vỗ... nhờ đó, khán giả được sống trong vô vàn cảm xúc cùng những trải nghiệm vô cùng hấp dẫn, có lúc chìm lắng trong tiếng đàn nhị da diết, có lúc lại sôi động với nhịp cồng chiêng giục giã. “Bên cạnh đó, cuộc thi còn là hoạt động nghề nghiệp nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị của âm nhạc dân gian Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cuộc thi cũng cho thấy những trăn trở của các nghệ sĩ. Hiện nay, một số loại hình nhạc cụ truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một do rất ít người còn biết đến cách chế tác, sử dụng. Sự khó khăn của các đơn vị nghệ thuật truyền thống địa phương khiến cho nguồn nhân lực thiếu và yếu, thể hiện trong cách chơi cũ kỹ, ít sáng tạo và lạc hậu về nhạc cụ. Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam Cồ Huy Hùng cho biết: “Để âm nhạc truyền thống có sức sống lan tỏa hơn nữa trong xã hội, các cấp lãnh đạo cần có những chủ trương, định hướng cho sự phát triển âm nhạc truyền thống rõ hơn bằng việc đầu tư, khuyến khích các nhạc sĩ vững tâm sáng tác nhiều tác phẩm dân tộc mang hơi thở đương đại, quảng bá rộng khắp để âm nhạc truyền thống đến được với khán giả. Để từ đó, âm nhạc truyền thống sẽ ngày càng phát triển hơn, xứng với tầm vóc một nền văn hóa lâu đời và giàu giá trị của dân tộc”.
Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ - TUẤN HUY