Chỉ còn vài ngày nữa là đến Rằm tháng Tám, anh Nguyễn Văn Sao ở tổ Đồng Tâm, phường Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên cùng với những người bạn của mình đang gấp rút chuẩn bị hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của chiếc đèn Trung thu năm nay.

Cơ duyên đến với công việc làm đèn của chàng trai sinh năm 1997 này xuất phát từ niềm yêu thích sáng tạo từ nhỏ, luôn mang trong mình một tình yêu trẻ thơ với trí tưởng tượng bay bổng. Theo năm tháng lớn lên, niềm đam mê ấy vẫn luôn cháy bỏng trong mình, nó đã thôi thúc Nguyễn Văn Sao phải làm gì đó để thỏa mãn đam mê và có ý nghĩa cho cộng đồng. Đặc biệt, anh có ấn tượng sâu sắc về những chiếc đèn lồng lung linh, với ý tưởng của mình anh đã cho ra đời những chiếc đèn độc đáo, mới lạ.

leftcenterrightdel
Anh Nguyễn Văn Sao (26 tuổi) cùng với chiếc đèn “Quy Long”. 

Vào mỗi dịp Tết Trung thu, Nguyễn Văn Sao lại hào hứng thiết kế ra những chiếc đèn khổng lồ, nó không chỉ đẹp về hình thức mà mang lại ý nghĩa, bài học cho các em thiếu nhi và mong muốn những sản phẩm của mình được mọi người biết đến. Khi những chiếc đèn Trung thu của anh ra đời, có thể thấy sự háo hức, vui mừng trên gương mặt của các em nhỏ hay cả những bậc phụ huynh khi được đi rước đèn trong không khí hân hoan, vui vẻ của đêm hội Trăng rằm.

Theo anh Sao, nguồn cảm hứng sáng tạo ra mô hình đèn đều rất đơn giản, bắt nguồn từ sở thích, từ lịch sử, văn hóa, đời sống và các câu chuyện xung quanh. Bởi cũng như rất nhiều người khác, anh muốn truyền tải nét đặc sắc văn hóa với sự kết hợp từ dân gian đến hiện đại, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ tương lai thông qua những mô hình mà mình sáng tạo.

Để làm ra được những chiếc đèn như mong muốn, Nguyễn Văn Sao cho biết: “Việc lên ý tưởng thiết kế đèn được thực hiện rất nhanh chóng, nhưng quá trình làm mô hình đèn rước khổng lồ mình thường mất khoảng 2 - 3 tuần, đó là lúc cần phải tỉ mỉ trong từng chi tiết, kết hợp với sự nhanh nhẹn và khéo léo của đôi bàn tay. Đặc biệt, khó khăn nhất trong quá trình sản xuất là thiếu nguồn nhân lực và rất khó để tìm những người thợ có tay nghề, có cùng khả năng hình dung như mình để làm cùng”.

“Để có chiếc đèn khổng lồ và lung linh trong đêm rước đèn trước tiên mình cần định hình kiểu dáng của đèn bằng khung sắt to gọi là xương đèn, xong bắt đầu uốn nắn những nan thép nhỏ bao bọc quanh xương đèn để tạo hình từng chi tiết của các bộ phận. Xong phần khung sắt thô sẽ được bọc bằng vải cùng hệ thống đèn điện nhiều màu sắc, cuối cùng mình sơn vẽ trang trí để thả hồn vào cho đèn”, Nguyễn Văn Sao chia sẻ.

Mỗi mô hình đèn Trung thu khổng lồ sẽ có chi phí nguyên vật liệu dao động từ 10 đến 15 triệu đồng. Nguồn chi phí do sự đóng góp tự nguyện từ những bạn trẻ ở TP Thái Nguyên có cùng niềm đam mê và mong muốn có một chiếc đèn thật hoành tráng, rực rỡ để rước vào đêm Trung thu.

leftcenterrightdel
 Đèn Trung thu "Voi chín ngà"

Tuy còn trẻ nhưng Nguyễn Văn Sao đã có 7 năm kinh nghiệm, gắn bó với công việc làm đèn Trung thu khổng lồ. Mỗi năm là một mô hình khác nhau, rất sáng tạo, rất ý nghĩa. Như năm 2022, chàng trai 9x này đã mang đến cho Trung thu Thái Nguyên mô hình lồng đèn “Quy Long” lấy cảm hứng từ một sinh vật trong truyền thuyết tượng trưng cho lòng cam đảm, quyết tâm, sức mạnh… và đã được người dân thành phố đón nhận nhiệt tình. Không chỉ là một hoạt động vui chơi giải trí tự phát, mà giờ đã trở thành một phong trào có ý nghĩa giúp các cháu thiếu nhi hiểu biết hơn về văn hóa, lịch sử, thể hiện lòng biết ơn cội nguồn, quê hương, cũng như quảng bá hình ảnh Trung thu Thái Nguyên đến với nhân dân cả nước.

Trung thu năm nay, anh Sao phối hợp với Đoàn trường THPT Lương Ngọc Quyến (TP Thái Nguyên) và các bạn học sinh trong trường mang đến mô hình đèn Trung thu khổng lồ mang tên “Voi chín ngà” được lấy cảm hứng từ truyền thuyết của cha ông ta là “Sơn Tinh – Thủy Tinh”. Đây là câu chuyện có ý nghĩa giải thích hiện tượng lũ lụt của tự nhiên đồng thời thể hiện sức mạnh và ước vọng của người Việt cổ từ ngàn đời nay đó là chế ngự thiên tai, ca ngợi công lao dựng nước của các vua Hùng.

leftcenterrightdel
Những tác phẩm đèn Trung thu khổng lồ. 

Bạn Phan Tuấn Thành (18 tuổi) ở phường Quang Trung, TP Thái Nguyên vui mừng bày tỏ: “Em được các anh chị giới thiệu đến anh Sao và cũng đã xem các tác phẩm đèn của anh ấy. Em thấy rất vui khi lần đầu được tham gia trải nghiệm làm đèn cùng mọi người”.

Qua các tác phẩm của mình, Nguyễn Văn Sao mong muốn tạo ấn tượng mạnh mẽ với người dân cũng như du khách tham quan nhân dịp đêm hội Trung thu xứ Trà; bên cạnh đó, góp phần đưa các hoạt động văn hóa dân gian ngày càng phát triển.

Bài, ảnh : THU HOÀI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.