Nghịch lý thư viện “tỉnh nghèo”

Đồng chí Nguyễn Quốc Vinh, Giám đốc Thư viện tỉnh Sơn La cẩn thận dặn dò tôi tại buổi làm việc: “Đồng chí nhà báo gặp lãnh đạo sở thì đừng so sánh kinh phí hằng năm của Thư viện tỉnh Sơn La với các thư viện tỉnh khác nhé!”. Sự lo lắng của ông Vinh vốn xuất phát từ... niềm vui của Thư viện tỉnh Sơn La là một trong số rất ít thư viện tỉnh của địa phương còn gặp nhiều khó khăn nhưng rất được quan tâm, đầu tư kinh phí hằng năm. Năm 2021, dự toán thu chi ngân sách nhà nước của Thư viện tỉnh Sơn La là 6.028.000.000 đồng, còn nhiều hơn những thư viện tỉnh khá, tỉnh giàu như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh... Tôi hiểu lo lắng của đồng chí Nguyễn Quốc Vinh là (nếu) cơ quan tham mưu tài chính, rồi lãnh đạo tỉnh Sơn La thấy kinh phí nhiều hơn các thư viện tỉnh khác rồi những năm sau giảm bớt đi thì... khổ cho đơn vị. Tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ thiển cận của phóng viên, còn cơ quan chức năng và lãnh đạo tỉnh Sơn La sẽ chẳng khi nào ứng xử vậy.

 Máy tính của Thư viện tỉnh Hòa Bình hư hỏng không sử dụng được phải xếp kho. Ảnh: HÀM ĐAN.

Tuy nhiên, vẫn phải so sánh trên mặt báo về kinh phí của Thư viện tỉnh Sơn La với các thư viện tỉnh khác trong khu vực. Bởi tôi tin, với những gì làm được của Thư viện tỉnh Sơn La trong nhiều năm qua, kinh phí đầu tư cao cũng là xứng đáng. Nhưng quan trọng hơn là để minh chứng rằng sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo các địa phương đối với thư viện tỉnh rất khác nhau.

“Hàng xóm” của Thư viện tỉnh Sơn La là Thư viện tỉnh Hòa Bình có kinh phí được sử dụng trong năm 2021 chỉ là 2.120.074.000 đồng, kém đúng 3 lần. Các thư viện tỉnh khác có kinh phí được sử dụng trên dưới 2 tỷ đồng trong năm 2021 có thể kể đến: Bắc Kạn, Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, Ninh Thuận... Không chỉ năm vừa qua mà trong nhiều năm trước, theo số liệu của Vụ Thư viện, các thư viện tỉnh kể trên luôn được “bêu tên” tại các hội nghị tổng kết ngành ở danh mục thống kê “đầu tư kinh phí còn hạn chế”.

Tổng kinh phí hằng năm cấp cho thư viện tỉnh bao gồm kinh phí chi thường xuyên giao tự chủ (dùng để trả lương cho cán bộ, nhân viên, các khoản chi cho hành chính...) và kinh phí chi thường xuyên không tự chủ là dành cho các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Thư viện tỉnh Hòa Bình có số lượng cán bộ là 17 người, kinh phí thường xuyên giao tự chủ đã là hơn 1 tỷ đồng. Chưa đến 1 tỷ đồng còn lại để mua sắm vốn tài liệu, tổ chức các sự kiện, luân chuyển sách báo, hoạt động thư viện lưu động... Lấy ví dụ, bình quân một cuốn sách mới hiện nay có giá khoảng 100.000 đồng, mua 1.000 cuốn đã tốn 100.000.000 đồng. 1.000 cuốn sách/năm liệu có đủ phục vụ cho dân số trên 800.000 người của tỉnh Hòa Bình không?

Theo tìm hiểu của tôi, kinh phí “đủ dùng” cho một thư viện tỉnh phải tầm trên dưới 3 tỷ đồng/năm, chưa kể kinh phí phát sinh thực hiện nhiệm vụ đột xuất. Chuyên gia thư viện Phạm Thế Khang cho rằng: “Trong quan niệm của lãnh đạo nhiều địa phương, thư viện tỉnh không sản xuất ra của cải vật chất thì đầu tư nhiều để làm gì? Thư viện tỉnh cung cấp là dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước về bản chất cũng tương tự như... chiếu sáng đô thị. Ánh sáng đèn đường, trang trí công trình công cộng làm đô thị đẹp hơn, phục vụ hoạt động về đêm, hiệu quả tức thì nên có đầu tư cũng không ai tiếc tiền. Còn hiệu quả của “ánh sáng tri thức” mà thư viện tỉnh mang lại thì vài chục năm sau mới thấy được, do vậy cứ từ từ, chưa phải đầu tư ngay”.

Những thư viện tỉnh có kinh phí đầu tư hạn chế đa phần là các “tỉnh nghèo”, với lý do phải cân đối ngân sách. Nhưng chính những tỉnh chưa giàu có, đời sống văn hóa tinh thần, trình độ phát triển kinh tế-xã hội chưa cao, người dân rất cần “ánh sáng tri thức” của thư viện tỉnh rọi đến. Có lần chúng tôi chứng kiến xe lưu động của Thư viện tỉnh Ninh Thuận phục vụ đồng bào dân tộc Raglai xã vùng cao Ma Nới, huyện Ninh Sơn. Hết thời gian phục vụ, nhiều em nhỏ nuối tiếc, mếu máo níu xe lưu động đừng rời đi. Cán bộ thư viện phải dỗ dành mãi, hứa sẽ sớm luân chuyển sách về địa phương, các em mới vui vẻ trở lại.

Có thể thấy nghịch lý thư viện “tỉnh nghèo” hiện nay: Nhu cần sử dụng dịch vụ thư viện của người dân rất lớn nhưng thư viện tỉnh lại không có kinh phí hoạt động phục vụ đầy đủ. Đồng chí Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết: “Trên thực tế, nhiều địa phương chưa quan tâm, đầu tư đúng mức nên thư viện nhiều tỉnh, thành phố gặp khó khăn trong hoạt động. Thông qua loạt bài của Báo Quân đội nhân dân, mong một lần nữa góp thêm tiếng nói để các địa phương quan tâm, đầu tư hơn cho thư viện tỉnh”.

Trước hết hãy nỗ lực hết sức!

Tháng 12-2021, đồng chí Nguyễn Mạnh Trưng, Phó chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình được tổ chức phân công làm Phó giám đốc phụ trách Thư viện tỉnh Hòa Bình. Cùng trong sở nên ông Trưng biết về sự yếu kém của Thư viện tỉnh Hòa Bình nhiều năm qua nhưng ông vẫn “choáng” khi bắt tay vào công việc.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Trưng cho biết: “Nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng dẫn đến nhiệt huyết làm việc của cả cơ quan xuống rất thấp. Kỷ luật, kỷ cương cơ quan không nghiêm, tác phong nhân viên thiếu chuẩn mực, đi muộn về sớm thường xuyên. Cơ sở trang thiết bị xuống cấp nghiêm trọng, hơn chục máy tính nhưng chỉ có hai máy hoạt động là máy tính của tôi và của bộ phận hành chính. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ không cao, cả cơ quan chỉ có 4 người được đào tạo bài bản về khoa học thư viện”. Ông Trưng dẫn chứng là muốn tìm cuốn “Mo Mường Hòa Bình” do UBND tỉnh Hòa Bình xuất bản nhiều năm trước nhưng thủ thư cho rằng thư viện không lưu trữ. Ông phải chỉ dẫn, miêu tả về cuốn sách mãi, cuối cùng thủ thư cũng tìm ra mấy cuốn lưu trong kho. Ông Trưng than thở với tôi: “Thử hỏi đến tôi còn khó tìm sách, nếu bạn đọc tìm mà không thấy thì còn ai muốn đến thư viện?”.

Qua câu chuyện của Thư viện tỉnh Hòa Bình, có thể thấy nguyên nhân để thư viện tỉnh được đầu tư kinh phí thấp chính vì bản thân cán bộ, nhân viên thư viện chưa nỗ lực hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ. Một khi hoạt động không hiệu quả thì việc kinh phí cấp không tăng cũng khó buông lời than trách. Chuyên gia thư viện Phạm Thế Khang cho rằng: “Vẫn biết nhiều thư viện tỉnh kinh phí ít, hoạt động rất khó khăn nhưng nhìn ngược thì cũng phải nhìn xuôi là nhiều thư viện chậm đổi mới, hoạt động thiếu hiệu quả. Tôi nghĩ, trước tiên anh em ở các thư viện tỉnh hãy nỗ lực hết sức mình, chủ động làm việc trong khoản kinh phí được cấp. Tâm huyết, làm việc hết mình sẽ thu về thành quả. Qua nhiều năm như vậy, lãnh đạo địa phương nhìn thấy nỗ lực của thư viện tỉnh sẽ quan tâm, đầu tư hơn”.

Đồng tình với quan điểm trên, Vụ trưởng Vụ Thư viện Phạm Quốc Hùng cho rằng: “Thư viện tỉnh cần quan hệ tốt với các cơ quan, đơn vị trong chính quyền, hệ thống chính trị, các doanh nghiệp trên địa bàn để tìm nguồn lực hỗ trợ tổ chức nhiều hoạt động cung cấp dịch vụ thư viện. Bản thân cán bộ, nhân viên thư viện tỉnh cũng cần nỗ lực hết mình, sống chết với nghề mới mong hoạt động có hiệu quả. Thư viện tỉnh chưa có xe ô tô phục vụ lưu động thì không có nghĩa không phục vụ được. Nhiều nơi ô tô đâu có vào được tận điểm dân cư hẻo lánh, vậy thì đừng ngại ngần, hãy chở tài liệu bằng xe máy đến phục vụ cho bà con”.

Theo dõi những thư viện tỉnh thường xuyên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khen thưởng, điểm chung đó là họ không chịu “ngồi chơi xơi nước”. Cán bộ, nhân viên Thư viện tỉnh Đồng Tháp hằng năm đều đăng ký sáng kiến đổi mới hoạt động thư viện. Thư viện tỉnh Cà Mau sử dụng ghe, xuồng đưa sách đến tận điểm dân cư bị chia cắt bởi kênh rạch chằng chịt.

Chưa cần đi khảo sát thực tế, tôi chỉ cần bỏ chút thời gian trên internet là thấy thư viện tỉnh tích cực hoạt động sẽ có tài khoản trên các mạng xã hội, có kênh riêng trên Youtube, được cập nhật thường xuyên, tương tác hiệu quả với người dân. Ngược lại, những thư viện tỉnh bị đánh giá yếu kém nhiều năm, chỉ duy trì trang web hoạt động lấy lệ, thiếu tiện ích tích hợp. Vào vai một bạn đọc muốn tra cứu tài liệu trực tuyến trên trang web Thư viện tỉnh Hòa Bình, nhưng tôi đã nản lòng vì hệ thống không hoạt động.

Trở lại cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Mạnh Trưng, ông cho biết đã phải động viên tinh thần cấp dưới, rà soát và phân công nhiệm vụ từng người; đồng thời cũng nghiêm khắc phê bình, chấn chỉnh để cơ quan bước đầu đi vào nền nếp. Ông Trưng nói rằng, ông sẽ cố gắng mời gọi doanh nghiệp trên địa bàn đồng hành với hoạt động thư viện, đưa dịch vụ thư viện đến nơi tập trung đông người như khu du lịch, điểm tham quan... Tôi hiểu, để vực dậy một thư viện tỉnh bị liệt vào dạng yếu kém trong nhiều năm không phải là việc một sớm một chiều. Sự quyết tâm của người đứng đầu cho thấy những hy vọng khởi sinh từ tự trọng nghề nghiệp, bởi chẳng đơn vị nào muốn tổng kết năm nào cũng bị đánh giá là hoạt động thiếu hiệu quả.

(còn nữa)

Phóng sự của TRẦN HOÀNG HOÀNG