Người dân thờ ơ với dịch vụ truyền thống
Lựa chọn 7 thư viện tỉnh chưa từng đến để khảo sát, tôi thấy rất ít người dân tìm đến thư viện tỉnh. Thậm chí, có những thư viện tỉnh tôi ngồi nửa ngày không thấy bất cứ người dân nào tìm đến!
Việc thư viện tỉnh vắng bóng người dân tìm đến có thể được chứng minh qua số thẻ bạn đọc hiện có. Đây là số liệu không thể “hư cấu” bởi liên quan đến số tiền thu về mà các thư viện phải công khai tài chính hằng năm. Năm 2021, Thư viện tỉnh Thái Nguyên chỉ có 350 thẻ bạn đọc, trong khi dân số cả tỉnh là khoảng 1,3 triệu người, dân số ở TP Thái Nguyên nơi đặt trụ sở thư viện tỉnh là khoảng 340.000 người. Đồng chí Đỗ Bình Nguyên, Giám đốc Thư viện tỉnh Thái Nguyên lý giải một loạt nguyên nhân thư viện tỉnh “vắng như chùa Bà Đanh” như: Cơ sở xuống cấp, chật chội; khó cạnh tranh với các thư viện đại học, trường học trên địa bàn; kinh phí chưa bảo đảm để tổ chức các hoạt động, sự kiện...
 |
Có rất ít học sinh tìm đến Thư viện tỉnh Bắc Ninh, chủ yếu là để ngồi làm bài tập. Ảnh: HÀM ĐAN. |
Đồng chí Đỗ Bình Nguyên cũng như nhiều lãnh đạo thư viện tỉnh mà tôi trò chuyện đều viện dẫn lý do khách quan mà lảng tránh đề cập đến lý do chủ quan. Không thể phủ nhận những yếu tố khách quan có tác động tiêu cực, nhưng nguyên nhân chính là do phục vụ tại chỗ rất đơn điệu, thiếu sáng tạo và không phù hợp với thời cuộc.
Một khảo sát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2017 có thể minh chứng nhận định này: Trong 208 người dân đến các thư viện tỉnh được hỏi thì 55,1% đến để đọc sách, báo; trong khi chỉ có 5,5 % tham gia các sự kiện, 1,5% tham gia các chương trình đào tạo... Chúng ta dễ dàng nhận ra một nghịch lý: Thư viện tỉnh phục vụ người dân tại chỗ nhiều nhất là dịch vụ đọc sách, báo in; nhưng để đọc sách, báo, người dân có nhất thiết phải tìm đến thư viện? Ở thành phố nơi có trụ sở thư viện tỉnh, đời sống khá giả, chắc chắn đa số người dân sẽ đọc báo mạng; đi ra cửa hiệu mua sách, báo hoặc lên các trang web thương mại điện tử đặt sách; không mấy người dân lại bỏ thời gian “mò” lên thư viện chỉ để đọc sách, báo. Cho nên dễ hiểu vì sao thư viện dù ở nơi trung tâm, có cơ ngơi khang trang vẫn vắng bóng người dân.
Thật tiếc là khảo sát mà tôi vừa dẫn không nêu rõ trong 208 người dân được hỏi cơ cấu về tuổi tác, học vấn ra sao? Còn trên thực tế, theo dõi lĩnh vực thư viện hơn 10 năm qua, đến bất cứ thư viện tỉnh nào, hai đối tượng tôi dễ bắt gặp nhất vẫn là học sinh, sinh viên và người cao tuổi. Tại Thư viện tỉnh Bắc Ninh, tôi gặp bà Hoàng Kim Hương (73 tuổi, ở phường Suối Hoa, TP Bắc Ninh) đến đọc báo, cho biết: “Tôi không quen sử dụng internet và muốn tiết kiệm tiền mua báo nên mới tìm đến thư viện tỉnh-nơi có nhiều đầu báo để đọc”. Còn đối tượng học sinh, sinh viên mà tôi hỏi chuyện như em Ngô Ngọc Minh (Trường THCS Nguyễn Công Trứ, quận Ba Đình, TP Hà Nội) cho biết: “Em hay ngồi học bài ở Thư viện Hà Nội do nhà em đông người, chật chội. Em không mấy khi đọc sách, báo ở đây vì ở nhà em đã có nhiều truyện tranh, sách thiếu nhi được bố mẹ thường xuyên mua”.
Muốn người dân tìm đến thư viện tỉnh nhiều hơn, không có cách nào khác là phải đa dạng hóa dịch vụ, tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động bổ ích, nhất thiết phải “độc, lạ”. Thư viện tỉnh Đồng Tháp từ lâu đã triển khai chương trình tham quan thư viện kết hợp với hướng dẫn thiếu nhi cách đọc sách. Anh Lê Xuân Dũng (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Dù là nhà giáo nhưng nếu bảo tôi hướng dẫn con cách đọc sách hiệu quả thì tôi không biết. Cho nên tôi tranh thủ ngày nghỉ lên thăm bà con ở TP Cao Lãnh, tiện thể cho con vào thư viện tỉnh để các chị ở đây hướng dẫn giúp”. Đó là lý do vì sao Thư viện tỉnh Đồng Tháp có số thẻ bạn đọc là 8.300 (năm 2021), còn nhiều hơn cả một số thư viện thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng... Nếu so sánh kinh phí được cấp, điều kiện cơ sở vật chất của Thư viện tỉnh Đồng Tháp với những thư viện kể trên thì không thể sánh bằng. Cho nên thư viện tỉnh nào có trụ sở khang trang, rộng rãi mà vẫn vắng độc giả chỉ có thể quy về nguyên nhân chậm đổi mới dịch vụ, còn thụ động phục vụ người dân.
Lúng túng phát triển văn hóa đọc
Phục vụ tại chỗ không phải là hình thức duy nhất thư viện tỉnh thực hiện. Thư viện tỉnh còn phục vụ lưu động và phục vụ qua internet. Chuyên gia thư viện Phạm Thế Khang nhận định: “Dù phục vụ qua hình thức nào thì thư viện tỉnh phải luôn nỗ lực phát triển văn hóa đọc tại địa phương mới có thể tăng số lượng người dân sử dụng các dịch vụ thông tin thư viện. Không chỉ bảo đảm sự sống còn của thư viện tỉnh; phát triển văn hóa đọc được xem là nhiệm vụ số một, góp phần giúp người dân nâng cao tri thức, giải trí lành mạnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.
Nhà giáo dục, nhà văn người Áo Richard Bamberger (1911-2007) khẳng định: “Nếu đến năm thứ năm ở trường tiểu học (khoảng 10 tuổi), đứa trẻ không phải là một người đọc nhiệt tình và không phát triển bất cứ sở thích đọc sách đặc biệt nào thì có rất ít hy vọng tình hình sẽ thay đổi sau đó”. Ý thức phải xây dựng một thế hệ ham mê đọc sách về sau nên thư viện tỉnh rất chú trọng phục vụ cho đối tượng thiếu nhi. Thư viện tỉnh nào cũng đều cố gắng dành diện tích tối đa để tổ chức phòng đọc thiếu nhi, khu vực vui chơi trải nghiệm, phòng chiếu phim... Nhưng có những thư viện tỉnh do điều kiện còn hạn chế chưa tổ chức phục vụ tại chỗ cho các em. Thư viện tỉnh Hòa Bình sắp hoàn thiện tòa nhà ba tầng. Đồng chí Nguyễn Mạnh Trưng, Phó giám đốc phụ trách Thư viện tỉnh Hòa Bình cho biết: “Công năng của tòa nhà sẽ sử dụng để làm kho sách và phòng đọc điện tử, không gian trải nghiệm thiếu nhi vẫn chưa thể bố trí được”.
Phát triển văn hóa đọc cho đối tượng thiếu nhi hiệu quả phải tạo ra thói quen đọc, nâng cao kỹ năng đọc, lựa chọn tài liệu mà thuật ngữ khoa học thư viện gọi là “phát triển năng lực thông tin”. Đây là điểm rất yếu, lúng túng của đa số thư viện tỉnh hiện nay.
Từng theo chân rất nhiều xe lưu động đến các điểm trường, khu dân cư, tôi thấy cán bộ thư viện phát sách cho các em “đọc chay”, ít kết hợp với những hoạt động khác. Tôi hỏi về vấn đề hướng dẫn trẻ em ở cơ sở phát triển năng lực thông tin, đồng chí Nguyễn Quốc Vinh, Giám đốc Thư viện tỉnh Sơn La thừa nhận: “Thư viện tỉnh mới chỉ hướng dẫn những người quản lý sách luân chuyển thống kê về số lượt đọc, mượn sách. Còn chuyện giúp trẻ em ở cơ sở nâng cao năng lực đọc, hướng dẫn chọn sách phù hợp để hình thành sở thích, kỹ năng đọc thì chưa được thực hiện”.
Qua khảo sát, có rất ít thư viện tỉnh phát triển văn hóa đọc bài bản, hiện đại, đa dạng hoạt động. Những thư viện làm tốt đều đổi mới tư duy, đa dạng hóa hình thức phục vụ, không còn đơn thuần phục vụ sách, báo. Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh chiếu phim khoa học theo lịch cố định, có phòng trải nghiệm khoa học thường thức, thiết kế trò chơi, hướng dẫn chụp ảnh, thu âm phục vụ sách nói... Chị Ngô Thị Phương Thúy, một nhân viên văn phòng sinh sống ở quận 7, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Nhiều hôm đi làm mệt mỏi, tối về tôi nghe sách nói của Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh thấy rất dễ chịu. Mới đây, tôi dẫn hai con đến thư viện, hai cháu được dùng kính thực tế ảo thấy thích thú, đòi mẹ lần sau dẫn đến thư viện tiếp”.
Từng làm việc bán thời gian tại thư viện công cộng ở bang South Australia (Australia), chuyên gia văn hóa đọc, TS Nghiêm Xuân Huy (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu kinh nghiệm: “Nếu chỉ giúi cuốn sách vào tay các em thiếu nhi rồi “rao giảng” cho các em biết lợi ích của việc đọc, sẽ không phải là cách làm hiệu quả. Thay vào đó, cần tổ chức các hoạt động đa dạng kích thích lòng ham tìm hiểu, khám phá của các em về cuộc sống, khoa học, tự nhiên, nghệ thuật...; các em sẽ tự tìm đến thư viện hoặc qua các nguồn khác tìm kiếm những tài liệu hữu ích để phát triển kiến thức, tư duy”.
Hoạt động phong trào phát triển văn hóa đọc của các thư viện tỉnh chỉ loanh quanh bám vào các sự kiện lớn như Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4). Các thư viện tỉnh sẽ kêu gọi một số trường trên địa bàn tham gia sự kiện. Số lượng học sinh có mặt sẽ được thống kê vào số lượng người dân được thư viện tỉnh phục vụ. Đây là cách làm hình thức, bởi tham gia sự kiện thực chất chỉ là “đánh trống ghi tên”, các em học sinh lật giở vài trang sách, ngồi nghe các diễn giả độc thoại không phải là cách làm thiết thực, hiệu quả.
Câu hỏi đặt ra là số lượng người dân được thư viện phục vụ do chính các thư viện tỉnh tự thống kê báo cáo về Vụ Thư viện hằng năm có thực sự chính xác hay không? Câu hỏi này xin gửi lại các thư viện tỉnh, bởi chỉ có họ mới biết chính xác bao nhiêu người dân thực sự cần đến và tìm đến các dịch vụ mà thư viện cung cấp.
(còn nữa)
Phóng sự của TRẦN HOÀNG HOÀNG