Cơ hội cho bảo tồn, phát triển
Văn hóa là linh hồn của mỗi dân tộc với những phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống, trò chơi, điệu múa dân gian... có từ ngàn năm, được duy trì, gìn giữ, tạo nên nét đẹp văn hóa đặc sắc và đa dạng. Theo các chuyên gia, việc tổ chức lại chính quyền, sáp nhập đơn vị hành chính là việc phải làm vì sự phát triển bền vững và cũng là cơ hội để các địa phương quan tâm bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hóa và du lịch cho rằng: “Cơ hội lớn nhất là không gian văn hóa được mở rộng. Phú Thọ không chỉ có Đền Hùng, không chỉ có núi Tam Đảo mà có cả một kho tàng văn hóa Mường rộng lớn. Lào Cai, Yên Bái cũng hình thành một vùng văn hóa của Lào Cai biên giới và vùng văn hóa của các dân tộc bán trung du miền núi Yên Bái, rồi cả nơi người Thái coi là vùng đất tổ-Mường Lò. Nhiều di tích, di sản trước kia bị chia cắt thì giờ đây được liên kết. Điều này rất có lợi cho du lịch. Thêm nữa, truyền thống văn hóa dân tộc được liên kết. Cùng là người Tày thì người Tày Lào Cai, Yên Bái bổ sung cho nhau. Cùng là người Mường, Phú Thọ và Hòa Bình giờ được hưởng những chính sách, giải pháp bảo tồn thống nhất, đồng bộ”.
 |
Phiên chợ Tây Bắc trong show diễn mới ra mắt “Đỉnh thiêng du ký” tại Khu du lịch Sun World Fansipan Legend (Sa Pa, Lào Cai). Ảnh: HOÀNG HÀ |
Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, nguồn lực du lịch của tỉnh Ninh Bình sẽ vô cùng to lớn. Vùng đất Hà Nam-Nam Định-Ninh Bình cũ vốn có di sản văn hóa đa dạng, lịch sử lâu đời gắn với các triều đại nhà Đinh, nhà Trần. Nếu biết cách làm, tiếp cận xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp sẽ tạo nên tầm và thế của du lịch Ninh Bình với sức cạnh tranh lớn.
Từ thực tế địa phương mình, đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình (nay là tỉnh Phú Thọ mới) cho rằng: “Khi hợp nhất Phú Thọ, Hòa Bình, Vĩnh Phúc tạo ra một không gian phát triển rộng lớn, đa dạng về văn hóa và nhiều loại hình di sản vật thể, phi vật thể. Điều này làm phong phú hơn đời sống của người dân cũng như tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch. Bên cạnh đó, khi hợp nhất, Phú Thọ là một trong 10 tỉnh có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Đây là điều kiện nguồn lực lớn để đầu tư cho văn hóa, di sản”.
Đồng chí Phan Hộ, nguyên Giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (TP Đà Nẵng) là người có gần chục năm gắn bó với nơi này. Theo đồng chí Phan Hộ, trước kia, Mỹ Sơn trực thuộc UBND huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam). Nay không còn cấp huyện, Ban quản lý trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn là đơn vị tự chủ hoàn toàn về mặt tài chính nên việc thay đổi này về cơ bản không gây trở ngại gì cho công tác bảo tồn, phát triển. Ngược lại, nếu biết tận dụng và phát huy, di sản thế giới này sẽ phát triển thuận lợi hơn trong tương lai nhờ tầm vóc và dư địa rộng lớn của TP Đà Nẵng mới.
Gìn giữ vốn văn hóa truyền thống sau sáp nhập
Tỉnh lớn hơn, huyện không còn, xã rộng thêm giúp tinh gọn hệ thống chính trị, song cũng kéo theo thách thức trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống. Liệu những giá trị văn hóa, lễ hội, phong tục, tập quán có được gìn giữ, duy trì? Làm thế nào để những bản sắc văn hóa không bị mờ nhạt khi một địa phương nhỏ nay trở thành một phần của một thực thể hành chính lớn hơn? Trong xã hội công nghệ hiện đại ngày nay, việc rời xa những giá trị văn hóa truyền thống đang ngày càng phổ biến, việc này có tạo thêm áp lực cho việc gìn giữ văn hóa?... Nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng lịch sử đất nước cho thấy, văn hóa không biến mất khi ranh giới hành chính thay đổi mà chỉ mất đi nếu con người quên đi trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa.
 |
Phiên chợ Tây Bắc trong show diễn mới ra mắt “Đỉnh thiêng du ký” tại Khu du lịch Sun World Fansipan Legend (Sa Pa, Lào Cai). Ảnh: HOÀNG HÀ |
Để khắc phục những khó khăn khó tránh khỏi trong quá trình mở rộng không gian các đơn vị hành chính, TS Trần Hữu Sơn gợi ý: “Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, điều quan trọng nhất là cần chống tư tưởng "tỉnh anh, tỉnh tôi". Tất nhiên, việc này không dễ. Để làm được, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng”. TS Trần Hữu Sơn cho rằng, người đứng đầu trước tiên phải là người giỏi. Ban Thường vụ tỉnh ủy mới nên công tâm lựa chọn ai giỏi hơn, thích ứng tốt hơn thì chọn làm người lãnh đạo thay vì tâm lý cào bằng, chia đều phần việc theo các sở cũ. Bên cạnh đó, cả hệ thống cũng cần đồng nhất về nhận thức mà hoạt động văn hóa, thể thao là một trong những phương thức tốt để tạo ra tình đoàn kết, hòa đồng trong địa phương. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ sớm đưa ra tiêu chí cụ thể về “người làm được việc” cho từng chức danh để định hướng. Các địa phương sẽ căn cứ vào đó lựa chọn người cho phù hợp với thực tiễn, bởi tỉnh miền núi khác tỉnh đồng bằng, tỉnh biên giới".
Khi thực hiện sáp nhập, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình Bùi Xuân Trường cho biết: “Cán bộ, ngành văn hóa tỉnh Hòa Bình (cũ) luôn trong tâm thế tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh mới triển khai các chương trình, dự án đã được ban hành; tích hợp những nội dung mới theo sự phân công của lãnh đạo, tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án, dự án gắn với bối cảnh mới của không gian phát triển mới để chỉ đạo các cấp, ngành vào cuộc trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa truyền thống. Muốn vậy, tỉnh Phú Thọ cần dành những nguồn lực phù hợp để trùng tu các di sản văn hóa phi vật thể cũng như phát huy, gìn giữ các giá trị di sản; thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ mới”.
AN PHONG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.