Phóng viên (PV): Thời gian qua, nội dung “sáng tạo trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống quê hương cách mạng” trở thành một trong những sự kiện tiêu biểu của huyện Hòa An. Điều gì đã tạo nên những kết quả nổi bật này, thưa đồng chí?

Đồng chí Luân Chiến Công: Những năm qua, huyện Hòa An đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy niềm tự hào trong mỗi cán bộ, đảng viên, người dân về truyền thống quê hương cách mạng; hiểu rõ, tôn vinh, giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa, tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Huyện đã đưa nội dung giáo dục truyền thống quê hương vào nội dung sinh hoạt chuyên đề của chi bộ, cơ quan, đoàn thể, chương trình giảng dạy, ngoại khóa trong trường học.

 Đồng chí Luân Chiến Công, Chủ tịch UBND huyện Hòa An (tỉnh Cao Bằng). Ảnh: HOA LƯ

Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, huyện chú trọng hướng đến các đối tượng cụ thể để xác định nội dung tuyên truyền phù hợp, gồm các nhóm: Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; thế hệ trẻ, nòng cốt là các cấp bộ đoàn; các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, huyện Hòa An quan tâm chỉ đạo trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; tổ chức các sự kiện văn hóa nổi bật để quảng bá, thúc đẩy du lịch dịch vụ phát triển. Các xã, thị trấn quan tâm thành lập, duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của chi hội bảo tồn dân ca các dân tộc, trong quản lý các di tích, tham mưu thực hiện các giải pháp để quảng bá, phát huy giá trị của di tích trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống; xây dựng tuyến du lịch theo “địa chỉ đỏ”, hình thành hành trình kết nối các điểm di tích trong huyện với các di tích trong tỉnh, góp phần phát triển du lịch lịch sử cách mạng, du lịch văn hóa của huyện, tỉnh.

PV: Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về phát huy truyền thống quê hương cách mạng và nâng cao giá trị văn hóa dân tộc huyện Hòa An giai đoạn 2020-2025, địa phương đã đạt được những thành tựu gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Luân Chiến Công: Thời gian qua, huyện Hòa An đã tổ chức nhiều sự kiện có quy mô, nhằm giới thiệu, quảng bá thiên nhiên tươi đẹp, truyền thống văn hóa, những nét độc đáo, tinh thần mến khách của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, góp phần thúc đẩy dịch vụ du lịch địa phương phát triển.

Nổi bật là Lễ hội Đền vua Lê; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông; Giải bóng bàn huyện Hòa An mở rộng... Huyện phối hợp với Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ bà con nhân dân.

Một trong những thành tích nổi bật là địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với Ngành Xe - Máy Quân đội được đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia; đền Pú Luông - Giả Cải được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh; bia Ma nhai Ngự chế của Vua Lê Thái Tổ (niên đại 1431) được công nhận là bảo vật quốc gia.

Trên toàn huyện Hòa An, hiện 10 trường thành lập câu lạc bộ công viên địa chất, 5 trường thành lập câu lạc bộ hát, múa dân gian; 51/51 trường tổ chức giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và những định hướng phát triển của địa phương, tuyên truyền, giới thiệu các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của tỉnh, lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử Đảng bộ của địa phương, phù hợp với lứa tuổi thông qua hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ, phát thanh măng non, hoạt động trải nghiệm, lồng ghép vào tiết dạy các môn học Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử.

PV: Là địa phương có 64 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có nhiều di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia, Hòa An đã khai thác thế mạnh này như thế nào trong phát triển văn hóa, du lịch, thưa đồng chí?

Đồng chí Luân Chiến Công: Huyện Hòa An có số lượng di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng nhiều nhất trong toàn tỉnh Cao Bằng. Hiện nay, toàn huyện có 64 di tích, trong đó 26 di tích đã được xếp hạng (13 di tích cấp tỉnh; 12 di tích cấp Quốc gia, 1 Bảo vật Quốc gia).

Thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hòa An tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về phát huy truyền thống quê hương cách mạng, nâng cao giá trị văn hóa các dân tộc huyện Hòa An giai đoạn 2020-2025, phục vụ công tác tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về lịch sử vẻ vang của dân tộc và những chiến công oanh liệt của quân và dân ta; về truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước của nhân dân Cao Bằng; giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn; khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức xây dựng quê hương, đất nước đối với các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.

Tiết mục nghệ thuật tại Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Hòa An lần thứ II năm 2024. Ảnh: HOA LƯ

PV: Trong chiến lược phát triển du lịch xanh, bền vững của tỉnh cao Bằng, huyện Hòa An đã và đang đóng góp những tiềm năng, thế mạnh gì, thưa ông?

Đồng chí Luân Chiến Công: Cao Bằng được ví như “viên ngọc xanh” của vùng Đông Bắc, với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, nhiều danh lam thắng cảnh, cùng hơn 90 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng.

Với đặc thù dựa nhiều vào môi trường tự nhiên, du lịch xanh là xu hướng tất yếu để Cao Bằng phát triển du lịch bền vững. Hiện nay, các khu rừng đặc dụng đều có phong cảnh đẹp, nguồn động vật, thực vật phong phú, hệ sinh thái, cảnh quan đặc thù, gắn với các giá trị về văn hóa tại Huyện Hòa An có nhiều khu rừng có tiềm năng lớn là nơi lý tưởng để tổ chức các loại hình du lịch sinh thái, kết hợp nghỉ dưỡng và nghiên cứu khoa học như: Khu di tích lịch sử Lam Sơn, Thiên Môn Ngũ Lão, Thác tiên Đại tiến... Bên cạnh đó, huyện còn có những vựa rau, nhà vườn với đủ các loại rau hoa trái như vựa rau Hồng Việt, Hoàng Tung, Thị trấn Nước Hai. Tuy nhiên, để khai thác những tiềm năng trên phục vụ cho phát triển du lịch một cách hiệu quả mà vẫn bảo vệ được môi trường sinh thái đòi hỏi rất nhiều yếu tố khi mà phát triển du lịch có tác động đến môi trường tự nhiên.

Bảo vật quốc gia Bia Ma nhai Ngự chế của vua Lê Thái Tổ tại xã Hồng Việt (Hòa An). Ảnh: HOA LƯ 

Việc phát triển du lịch xanh gắn với phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, sinh thái là hướng đi nằm trong kế hoạch phát triển du lịch dài hạn của huyện Hòa An. Hiện nay, huyện đang thực hiện nhiều giải pháp, gắn phát triển du lịch với phát huy tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường đây là một mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững hướng tới vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, phát huy các điểm di sản, sử dụng hợp lý tài nguyên; hạn chế vấn đề khai thác vào cảnh quan, vào điều kiện tự nhiên; giữ gìn và phát huy tối đa mọi giá trị về văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc; tận dụng các thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, nhiều điểm di tích của huyện từng bước xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch bằng việc trồng thêm nhiều cây xanh, vườn hoa, tạo nên sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn.

Để đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, sạch, gần gũi thiên nhiên, huyện Hòa An đã kêu gọi và thu hút nhiều nhà đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh theo hướng bền vững, tập trung vào các loại hình, sản phẩm như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng - làng nghề, du lịch thông minh; triển khai đề án xây dựng hệ thống xử lý, phân loại rác thải tại các khu điểm du lịch... hướng du khách vào hoạt động bảo vệ môi trường, cảnh quan; phát huy giá trị của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HỮU LÊ (thực hiện)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.