Đây là chỉ dẫn có giá trị vượt thời gian của lãnh tụ V.I.Lênin về chức năng, nhiệm vụ của thư viện công cộng. “Xương sống” của thư viện công cộng nước ta hiện nay là 63 thư viện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là thư viện tỉnh) liệu đã hoàn thành sứ mệnh ở thời đại văn minh tri thức chưa? Qua tìm hiểu, khảo sát, phóng viên Báo Quân đội nhân dân nhận thấy đa số thư viện tỉnh hoạt động thiếu hiệu quả. Loạt phóng sự sẽ lý giải khách quan hiện trạng kể trên, đồng thời tìm câu trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để chất lượng phục vụ của thư viện tỉnh ngày một tốt hơn?

Bài 1: Vai trò quan trọng mà mấy người hay!

Thư viện tỉnh khác với thư viện chuyên ngành, thư viện trường học; khác với thư viện huyện, thư viện xã như thế nào? Đặt câu hỏi ấy với nhiều người dân tìm đến thư viện tỉnh, chúng tôi ghi nhận những câu trả lời thiếu chính xác, chưa đầy đủ...

“Cứu thua” cho thư viện tỉnh

Kết bạn qua ứng dụng Zalo với ông Đỗ Bình Nguyên, Giám đốc Thư viện tỉnh Thái Nguyên để “chốt” thời gian tham quan, khảo sát, vô tình tôi biết được một chi tiết đắt giá. Bài viết kèm ảnh gần đây nhất trên tài khoản Zalo của ông Đỗ Bình Nguyên đăng ngày 11-9-2019 không khác một phóng sự ảnh ghi lại cảnh cả cơ quan di dời sách “chạy dột”.

Nhắc lại chuyện cũ, ông Đỗ Bình Nguyên cho biết chuyện 20 người ở Thư viện tỉnh Thái Nguyên mất nguyên một ngày, bải hoải chân tay để “cứu sách” là có thật. Ông Nguyên đưa tôi tham quan trụ sở, dù ở vị trí đắc địa giữa TP Thái Nguyên nhưng so với các công sở khác gần đó, tòa nhà thư viện tỉnh trông cũ kỹ hơn hẳn. Những phòng đọc chật chội, thiếu ánh sáng, thoáng nhìn đã ngại bước vào. Ông Đỗ Bình Nguyên thở dài: “Vốn dĩ tòa nhà thư viện tỉnh hiện nay là nhà ăn khu liên cơ quan, rồi sau đó là trụ sở của Cục Thuế Thái Nguyên xây dựng hàng chục năm trước. Năm 2008, thư viện tỉnh tiếp quản trụ sở đã xuống cấp, thấm nước. Do không phải là công trình từ đầu xây lên để phục vụ thư viện nên công năng không phù hợp, giảm hiệu quả hoạt động”.

 Thư viện tỉnh Sơn La phục vụ người dân bằng xe thư viện lưu động đặt tại Quảng trường Tây Bắc. Ảnh: VIỆT ANH.

Trụ sở không đáp ứng hoạt động phục vụ người dân tại chỗ như Thư viện tỉnh Thái Nguyên không phải là hiếm. Thậm chí, hiện nay còn có 4 thư viện cấp tỉnh chưa có trụ sở riêng. Chưa cần tìm hiểu kỹ và sâu mà chỉ cần nhìn hiện trạng trụ sở bằng mắt thường cũng đã có dẫn chứng một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chăm lo cho thư viện tỉnh.

Luật Thư viện được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 21-11-2019, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, mang lại niềm hy vọng rất lớn cho các thư viện tỉnh. Điều 5 của luật quy định thư viện cấp tỉnh thuộc diện được Nhà nước ưu tiên đầu tư. Ông Đỗ Bình Nguyên vui mừng cho biết: “Năm nào chúng tôi cũng có tờ trình, rồi kiên trì tham mưu, rút cuộc trong Đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2035 đã đặt mục tiêu xây dựng mới trụ sở thư viện tỉnh. Có chủ trương, được đưa vào quy hoạch là mừng lắm rồi, còn khi nào khởi công xây dựng thì vẫn phải chờ đợi”.

Niềm hy vọng có thể phục vụ người dân tại chỗ tốt hơn cũng đến với Thư viện tỉnh Sơn La. Đồng chí Trần Tân Phong, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cho biết: “Thư viện tỉnh đã có tờ trình về việc muốn sử dụng nhà làm việc của Ban Quản lý dự án dân dụng công nghiệp và phát triển đô thị (cũ), Quảng trường Tây Bắc, nằm ở trung tâm TP Sơn La. Sở hoàn toàn ủng hộ, nếu được UBND tỉnh đồng ý sẽ chuyển giao ngay để thư viện tỉnh làm kho và phục vụ người dân”.

Tìm đến Thư viện tỉnh Sơn La nằm trên đồi Khau Cả (TP Sơn La) một sáng mùa hè, tôi thấy ái ngại cho đơn vị này. Trụ sở Thư viện tỉnh Sơn La được sơn màu vàng thật tươi mới, rực rỡ dưới nắng mai vùng núi cao nhưng không thể che giấu được sự chật hẹp, cũ kỹ bên trong. Đã vậy, lối đi vào thư viện chỉ đi vừa cho ô tô 5 chỗ, được mở từ hông một cơ quan khác, rất khó tìm. Cơ sở vật chất như thế, thật khó phục vụ người dân tại chỗ. Buổi chiều, tôi dạo bước trên Quảng trường Tây Bắc thênh thang lộng gió hòa cùng bao người dân phố núi đi dạo, tán gẫu... thầm nghĩ, nếu dọn ra quảng trường đông người qua lại, thư viện tỉnh sẽ phục vụ bạn đọc tốt hơn, nhất là phục vụ thông tầm, phục vụ vào ngày nghỉ thay vì thỉnh thoảng đặt xe lưu động ở quảng trường như hiện nay.

Làm không hết việc

Đến Thư viện tỉnh Bắc Ninh, tôi gặp nhóm học sinh Trường THPT Hoàng Quốc Việt (TP Bắc Ninh) đang ngồi học tại phòng đọc mở. Tôi hỏi nhóm học sinh biết gì về thư viện tỉnh nhà? Các em cho rằng, thư viện tỉnh là nơi chứa sách, nơi để mọi người vào đọc sách và học tập nhờ có không gian rộng rãi, yên tĩnh.

Câu trả lời không sai nhưng nếu vậy thư viện cấp tỉnh không khác so với thư viện cấp huyện, cấp xã, chỉ khác là chứa nhiều tài liệu và trụ sở khang trang hơn. Trong khi đó, khoản 2, điều 11 Luật Thư viện quy định hơn chục nhiệm vụ thư viện tỉnh phải thực hiện, có những nhiệm vụ âm thầm ít người để ý. Bà Vương Thị Lý, Phó giám đốc Thư viện Hà Nội cho biết: “Với chủ trương tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối, nhiều thư viện cấp huyện, thư viện cấp xã tiếp tục bị sáp nhập, thậm chí xóa bỏ. Loại hình thư viện, tủ sách, phòng đọc cộng đồng do chính quyền xã quản lý bị cắt kinh phí từ ngân sách, chuyển giao cho cộng đồng quản lý, cơ bản rất khó tồn tại. Phần việc phải làm của thư viện tỉnh sẽ nhiều hơn để hỗ trợ cơ sở thông qua luân chuyển tài liệu, tổ chức phát triển văn hóa đọc trên địa bàn rộng lớn”.

Để giải quyết tình trạng “khát sách” của một tỉnh miền núi diện tích rộng, đời sống còn nhiều khó khăn, Thư viện tỉnh Sơn La đã có sáng kiến thành lập 47 chi nhánh, trạm sách, sử dụng 86.000 bản sách trong kho luân chuyển. Thư viện tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hơn 100 tủ sách khuyến học bằng cách cung cấp tài liệu hướng dẫn và cử chuyên viên theo dõi, quản lý và hỗ trợ. Nhờ sáng kiến này, dù nhân sự quản lý không có chuyên môn về thư viện và thường xuyên thay đổi thì tủ sách vẫn phát huy hiệu quả.

Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh được đánh giá là “lá cờ đầu” của thư viện cả nước về cung cấp các dịch vụ thông tin thư viện. Chị Phạm Thị Liễu, một người nghiên cứu văn hóa cho biết: “Nhiều khi do bận chăm con nhỏ không thể trực tiếp đến thư viện nên tôi trả phí cho thư viện để tìm tài liệu, gửi đến rất chu đáo. Với những tài liệu Hán Nôm, tôi thuê các chuyên gia trong Câu lạc bộ Hán Nôm của thư viện lo chuyện dịch thuật. Nhờ vậy, hiệu suất làm việc của tôi không giảm dù bận rộn chăm lo gia đình”.

Hiệu quả hoạt động của thư viện công cộng thường được đánh giá thông qua giá trị các dịch vụ mà thư viện cung cấp cho cộng đồng. Ngoài việc phục vụ phát triển văn hóa đọc, dịch vụ thư viện cung cấp còn phải trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ nhiệm vụ chính trị, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Chị Nguyễn Thị Bích Thu (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) đưa cho chúng tôi xem bản tin thông tin khoa học chuyên đề tháng 3-2020 do Thư viện tỉnh Sơn La xuất bản, phát hành miễn phí để nâng cao ý thức chống dịch Covid-19 cho chị và bà con hàng xóm. Chị Thu cho biết thêm: “Là tiểu thương buôn bán trái cây, có một số lần tôi thấy có bộ tài liệu giới thiệu trái cây đặc sản Sơn La do thư viện tỉnh biên soạn được phát cho người dân tham quan, mua hàng tại các hội chợ, triển lãm nông sản”.

Qua một số sáng kiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả, có thể thấy thư viện tỉnh không chỉ là thư viện chứa sách... to nhất tỉnh như lầm tưởng của dư luận lâu nay. Thư viện tỉnh có chức năng, nhiệm vụ đáp ứng mọi yêu cầu dịch vụ thông tin thư viện của người dân. Về mặt lý thuyết, cán bộ, nhân viên thư viện tỉnh làm không hết việc. Còn chuyện có muốn làm hết việc hay có làm việc tốt không lại là câu chuyện khác...

(còn nữa)

Phóng sự của TRẦN HOÀNG HOÀNG