Cô Ác là một cứ điểm dã chiến của quân Mỹ ở tây Thừa Thiên. Đây là một dãy đồi mà Mỹ đã dùng máy bay ném bom phát quang và bom napalm đốt cháy đen, trơ trụi. Lực lượng đi trinh sát gồm có anh Hào, Đại đội trưởng, tôi - Chính trị viên phó Đại đội, các mũi trưởng và một tổ trinh sát. Đại đội 7 có anh Thỉ - Đại đội trưởng, anh Phan Đân - Chính trị viên cùng 3 trung đội trưởng.

Đến vị trí tập kết, chúng tôi chia ra thành mấy bộ phận để đi trinh sát các hướng. Tôi và một chiến sĩ trinh sát đi với anh Đân, anh Thịnh, Trung đội trưởng Đại đội 7 cùng một chiến sĩ liên lạc. Trước khi tiếp cận mục tiêu, chúng tôi chọn một ngọn đồi đối diện cách cứ điểm Cô Ác khoảng 1.000m để đặt Đài quan sát.

Tìm được một vị trí thích hợp, anh Thịnh và hai chiến sĩ được giao làm nhiệm vụ cảnh giới ở dưới. Tôi và anh Đân trèo lên một cây cao để quan sát. Khi đứng trên ngọn cây cao, hai anh em chúng nhìn vào cứ điểm Cô Ác rất rõ. Vòng ngoài là 2 lớp rào kẽm gai cánh bướm. Phía trong là những dãy nhà bán âm, căng dù lên trên. Sở chỉ huy ở trung tâm, cạnh đó là đài thông tin vì có cột ăng-ten cao. Cách Sở chỉ huy khoảng 200m là trận địa pháo 4 khẩu. Chốc chốc chúng lại bắn về phía xa. Mỗi khi pháo bắn, chúng tôi nhìn rõ cả khói và nghe tiếng nổ đầu nòng (đề-pa) rất to. Trong trận địa thấy lố nhố quân lính đi lại. Có lần liếc xuống dưới đất, tôi thấy anh Thịnh-Trung đội trưởng đang ngồi trải tấm bản đồ đặt địa bàn trên đó. Có vẻ như anh đang xác định tọa độ khu vực.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Phan Đân (bên trái) và tác giả tại buổi gặp mặt truyền thống Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 tại Hà Nội, năm 2019.  

Tôi và anh Đân vừa quan sát vừa trao đổi việc tối nay đi tiềm nhập tiếp cận mục tiêu và phương án phối hợp tác chiến giữa đặc công với bộ binh, thì bất thần mấy loạt tiểu liên bắn rất đanh ở ngay dưới gốc cây.

Lúc đầu tôi nghĩ là súng anh Thịnh cướp cò. Ép mình vào cành cây to, khi tiếng súng đã im, tôi nhìn xuống thì anh Thịnh cùng 2 chiến sĩ cảnh giới đã hy sinh nằm gục trên tấm bản đồ và gốc cây bên cạnh. Khoảng 10 tên thám báo Mỹ đang bu quanh xì xồ, lục lọi.

Tôi vừa ra hiệu vừa nói rất nhỏ với anh Đân, nếu cứ ở trên này thì khi nó ngước nhìn lên sẽ bắn xiên táo cả hai anh em. Thế là chúng tôi quyết định thả lựu đạn xuống diệt địch trước, rồi lao xuống dùng súng ngắn tiêu diệt những tên còn lại và thoát ra ngoài.

Hiệp đồng xong là chúng tôi hành động. 4 quả lựu đạn mỏ vịt cùng thả xuống một lúc. Lựu đạn nổ rất đanh, mảnh bay rào rào. Bị bất ngờ, bọn thám báo địch không kịp đối phó. Chúng tôi bám cành cây tụt rất nhanh xuống đất. Khi cách mặt đất hơn 3m, chúng tôi nhảy đại. Liếc nhanh tôi thấy mấy tên thám báo Mỹ chết gục cạnh gốc cây. Anh Đân và tôi mỗi người một khẩu súng ngắn bắn liền mấy viên, rồi chạy một mạch về khu vực tập kết.

Anh Phan Đân sinh năm 1936 cùng là tuổi Tý, hơn tôi một giáp. Quê anh ở làng Võ Xá, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Kết thúc chiến tranh chống Mỹ, anh làm Chính ủy Trung đoàn; sau đó được bổ nhiệm Phó sư đoàn trưởng về Chính trị Sư đoàn 324. Anh nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Bây giờ anh đã có chắt nội. Con trai anh cũng là Đại tá quân đội.

leftcenterrightdel

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu trong lần trở lại thăm đơn vị cũ. 

Sau ngày hòa bình, chúng tôi vẫn liên hệ và thỉnh thoảng vẫn gặp nhau, khi thì ở Hà Nội, Quảng Trị, khi thì ở Huế. Mỗi lần gặp, hai anh em đều ôm choàng lấy nhau xúc động kể lại chuyện xưa. Nhắc lại tình huống bất ngờ năm ấy, anh Đân nói: “Bữa đó, chú và tôi không làm thế, thì có 2 khả năng xảy ra: Hoặc là, chúng nó bắn hai anh em mình chết và sau này chẳng ai tìm được hài cốt đâu. Hoặc là, cả hai ta đều bị chúng bắt bị thương rồi tra tấn trong tù cho đến chết. Đằng nào cũng chết, mà chết ngay đỡ đau đớn hơn!”.

May mắn là tình huống ấy không xảy ra. Chúng tôi trở về sau cuộc chiến với vết thương trên mình. Tiếc thương những đồng đội đã hy sinh, chúng tôi lại động viên nhau tiếp tục cố gắng, hoàn thành mọi nhiệm vụ của người lính Cụ Hồ để con cháu học tập, noi theo.

Trung tướng NGUYỄN MẠNH ĐẨU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.