Do công việc làm báo tôi có vài dịp gặp Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS, TSKH), Anh hùng LLVT nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân Bùi Đại khi ông còn đương chức Giám đốc Viện Quân y 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), và lần nào cũng cảm nhận được từ ông sự nồng ấm, có lần ông còn vui vẻ gọi tôi là “bạn vong niên” (tôi kém ông 24 tuổi, đáng tuổi con ông). Bẵng một thời gian dài, tôi mới gặp lại ông tại nhà riêng ở Khu tập thể Nam Đồng, Hà Nội. Năm 2023 này ông đã bước sang tuổi cực hiếm, kém một tuổi là tròn “bách niên”. Điều bất ngờ là ông vẫn còn khá mẫn tiệp, dẫu không đi lại được một cách bình thường. Tiếp tôi, ông nằm đầu gối cao trên chiếc giường bạt để có thể nói chuyện một cách chậm rãi. Vào chuyện ông còn dí dỏm bảo, người già có thói quen hay nhớ “ngày xưa”. Và câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ những “ngày xưa” ấy.

leftcenterrightdel
 Thiếu tướng, GS, TSKH Bùi Đại. Ảnh tư liệu

- Thưa giáo sư. Tôi có một kỷ niệm thời làm báo có liên quan đến giáo sư, mà bây giờ mới có dịp được hỏi lại. Đó là hồi đầu năm 1992, tôi viết một bài đăng trên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, về việc một tốp công nhân đào đường ống nước ở phố Thanh Miến (Hà Nội) thấy một bộ hài cốt còn nguyên vẹn bên cạnh khẩu súng Mút-ca-tông, có khá nhiều vỏ đạn rơi vãi xung quanh. Bài báo đăng một thời gian ngắn, thì một phụ nữ tuổi trung niên đến gặp, cảm ơn tôi vì nhờ bài báo mà chị đã tìm được hài cốt của cha chị, một tự vệ thành Hoàng Diệu năm 1946. Và người xác nhận sự việc này chính là giáo sư, lúc đó đang đương chức Giám đốc Viện Quân y 108...

- Phải rồi! Khi nổ ra Toàn quốc kháng chiến tháng 12-1946 tôi đang học năm thứ nhất Trường Y-Dược thuộc Viện Đại học Đông Dương, đã cùng nhiều sinh viên “xếp bút nghiên lên đàng tranh đấu” (Lời bài ca Lên đàng của anh Lưu Hữu Phước - người cũng là một đồng môn của tôi ngày đó). Đội tự vệ thành Hoàng Diệu của tôi đào hào chắn ở cuối đường Pát-xki-ê (nay là đường Hoàng Diệu) thuộc phố Thanh Miến bây giờ, để cản đường tiến của quân Pháp có xe tăng yểm trợ.

Cuộc “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” của chúng tôi diễn ra từ sáng sớm đến đầu giờ chiều thì do lực lượng địch quá mạnh, chúng tôi được lệnh rút về phía đê La Thành-Ô Chợ Dừa. Địch đã lố nhố trước mặt và người bạn chiến đấu đứng ngay sát tôi cùng khẩu súng trường đã trúng một viên đạn vào ngực, gục xuống chiến hào. Sau đó địch đã lập tức san ủi phẳng khu vực trận địa ấy. Ngày đó tôi đọc bài báo của anh và đã gọi điện báo ngay cho con gái của liệt sĩ, khẳng định bộ hài cốt cùng khẩu Mút-ca-tông chính là của cha cháu. Và Bộ Chỉ huy quân sự thành phố đã làm lễ đưa hài cốt về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ. Những năm sau này cháu gái đó thường đến thăm gia đình tôi, coi như người thân trong nhà.

- Đến đầu năm 1947, Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội, giáo sư ở đơn vị nào?

- Tôi làm việc ở Quân y vụ Thái Nguyên. Rồi cuối năm đó, tôi được cử đi học tiếp Trường y kháng chiến đặt ở chiến khu Việt Bắc do bác sĩ Hồ Đắc Di làm hiệu trưởng. Lớp chúng tôi có các anh sau này đều trong ngành quân y, là các thầy thuốc đầu ngành như: Nguyễn Huy Phan, Nguyễn Sĩ Quốc, Lê Cao Đài... Mỗi năm chúng tôi về trường học 3 tháng còn 9 tháng đi thực tế, trực tiếp tham gia các chiến dịch lớn như Tây Bắc, Thượng Lào...

Đầu năm 1954, lúc tôi đã có bằng bác sĩ rồi, đang là Trưởng ban điều trị, Phó phòng Kế hoạch Cục Quân y, thì Cục trưởng Vũ Văn Cẩn gọi lên giao nhiệm vụ mới, cùng ông đi Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông bảo: Người lính quân y chúng ta vào mỗi chiến dịch đều phải là người đi trước về sau. Lần ấy thầy trò bí mật lên sát mặt trận điều tra thực địa để bố trí các trung tâm y tế phục vụ thương bệnh binh khi chiến dịch mở màn. Ngày ấy, kết thúc chiến dịch chúng tôi mới là người lính cuối cùng rời khỏi trận địa cùng với thương binh. Hòa bình lập lại trên miền Bắc, tôi về công tác tại Viện Quân y 103, sau đó không lâu được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh, là một trong những cán bộ quân y đầu tiên bảo vệ thành công học vị Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) chuyên ngành Truyền nhiễm tại nước bạn.

Trở về nước, tôi là Chủ nhiệm bộ môn Trường Đại học quân y (sau là Học viện Quân y), kiêm Chủ nhiệm Khoa Truyền nhiễm Viện Quân y 103. Bắt đầu những quãng thời gian kết hợp giảng dạy tại trường, với các chuyến đi B ngắn, B dài để giải quyết cho bộ đội, nhân dân những vấn đề cụ thể về bệnh truyền nhiễm, mà chủ yếu là bệnh sốt rét.

leftcenterrightdel
Một cuộc hội ý của lãnh đạo quân y tại chiến khu D: Anh hùng lực lượng vũ trang, bác sĩ Hồ Văn Huê, Trưởng ban Quân y Miền (ngồi giữa), GS, BS Bùi Đại, đầu bên phải (năm 1972). Ảnh tư liệu

- Vâng, ngày đó trong thời chiến giải quyết dứt điểm dịch sốt rét cho bộ đội và nhân dân ở Trường Sơn là vấn đề khá nan giải và phải mất nhiều năm. Nhưng nghe nói, trước khi đi Trường Sơn, giáo sư còn đi dập dịch gọi là “sốt mò” ở Tây Bắc?

- Ngành Truyền nhiễm ở xứ nhiệt đới như nước ta thường gặp nhiều loại dịch bệnh lắm. Nhưng sốt mò lúc đó thì chưa được biết tới nhiều. Một số bà con ở vùng cao sông Mã thuộc tỉnh Mộc Châu bị một loại dịch chưa từng diễn ra là hàng loạt người lớn, trẻ em cứ sốt li bì không rõ nguồn gốc. Dân y yêu cầu quân y hỗ trợ. Thế là Cục Quân y cử tôi và bác sĩ Võ An Dậu (em ruột nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh) lên Tây Bắc. Sau khoảng một tháng điều tra, rồi trực tiếp điều trị cho nhân dân bị nhiễm loại bệnh này, chúng tôi đã tìm ra thủ phạm là một loại ký sinh trùng có nhiều trong gà nuôi, những con mò nhỏ bé li ti màu đỏ đã hút máu người và truyền ký sinh trùng sốt mò.

- Mới đây, tôi được Đại tá, PGS, TS Trần Mạnh Chí, nguyên giám đốc Viện Quân y 103 nhờ viết một cuốn hồi ký. Ông kể rằng đợt đi B năm 1968-1972 vào Trường Sơn có gặp giáo sư trong đó đang cùng Phòng Quân y Bộ tư lệnh 559 do bác sĩ Nguyễn Ngọc Thảo đứng đầu giải quyết vấn đề sốt rét cho bộ đội. Và chính giáo sư đã phổ biến cho đơn vị của PGS Trần Mạnh Chí phác đồ điều trị mới rất có hiệu quả, đẩy lùi được căn bệnh sốt rét. Và chiến sĩ Trường Sơn ngày ấy đã trìu mến gọi giáo sư là “Vua sốt rét”.

- Những năm đó theo yêu cầu của chiến trường miền Nam, tôi đã nhiều lần được điều đi chống dịch sốt rét, như vào Đường Trường Sơn năm 1966, vào mặt trận Đường 9-Khe Sanh năm 1968, mặt trận Tây Nguyên-Đông Nam Bộ 1971-1972... Và tôi đã gặp anh Chí khi đó là bác sĩ, Đội trưởng Đội điều trị Binh trạm 35 ở gần cuối đường Trường Sơn. Chúng tôi đã bàn nhau áp dụng phác đồ điều trị mới cho bộ đội của binh trạm.

Trước hết cần nói rõ về căn bệnh này. Ở chiến trường bộ đội, thanh niên xung phong hy sinh nhiều vì sốt rét ác tính. Bản thân tôi vào chiến trường năm 1966 cũng một lần dính sốt rét ở Sa Thầy. Sốt rét là một bệnh truyền nhiễm được lưu hành có tính chất địa phương với ba triệu chứng điển hình là sốt cao, rét run, ra mồ hôi nhiều và có những biến loạn trong máu cùng những rối loạn trầm trọng ở lách, gan.

Bệnh nhân thường mệt lả, không ăn uống được gì, lại nôn nhiều nên gầy đét, da mặt bủng, huyết áp kẹt, mạch nhỏ yếu. Ngày đó ta vẫn điều trị sốt rét bằng thuốc Quinin, đến một thời gian ký sinh trùng sốt rét nhờn thuốc. Buổi đầu tôi và anh em các đội điều trị trên Đường Hồ Chí Minh đã làm hết sức mình theo đúng phác đồ đã có của Cục Quân y, mà số người bị sốt rét tử vong vẫn không thuyên giảm.

Tại các bãi khách đưa đón quân vào ra, số người phải nằm lại do sốt rét không đếm xuể. Theo điều tra nghiên cứu của nhiều nhà khoa học quân và dân y, mà đầu tiên phải kể đến giáo sư Đặng Văn Ngữ, người đã từng vào Trường Sơn nghiên cứu về muỗi sốt rét, rồi hy sinh tại chiến trường, thì trên toàn tuyến có tới 18/25 chủng loại muỗi Anophen gây bệnh sốt rét, trong số đó đứng đầu là các loài muỗi: A.minimus, A.balabasensis, A.maculatus, A.vagus. Toàn tuyến đã biết 23/66 điểm có ký sinh trùng sốt rét đã kháng thuốc chống sốt rét rõ rệt. Vì vậy nhóm thuốc Biguanid có Paludrin, Cycloroproguanid hầu như không còn tác dụng. Nhóm 4 - Aminoquinolein như Délaguil, Nivaquin dùng đơn thuần, cả Quinacrin (nhóm 9 Amino quinôlein) đã kháng tới 51%, Quinin kháng 12%... nên phải dùng theo phương pháp phối hợp, Quinin hoặc Chloroquine với Pyrimethamine. Phương pháp này được Cục Quân y chấp nhận và đưa vào điều trị kịp thời cho bộ đội.

Sốt rét không có miễn dịch tự nhiên, ai cũng có thể nhiễm sốt rét, tốc độ cảm nhiễm nhanh hay chậm tùy theo cá thể, trong khoảng 3 năm, mọi thành phần lực lượng của tuyến đường dây 559 đã lần lượt sơ nhiễm từ 99 đến 100%. Chính từ các kết quả nghiên cứu tại chiến trường, đã đưa đến quyết định bỏ cách uống thuốc điều trị dự phòng hàng tuần và đồng thời cũng bỏ cách uống dự phòng thường xuyên cho người đã ở nhiều năm trong vùng sốt rét. Từ đó tìm cách uống thuốc có hiệu lực hơn, uống chặn cơn, chặn mùa, chặn dịch.

Bộ đội Đoàn 559 ở rải ra trên nhiều vùng rừng núi địa hình khí hậu khác nhau nên mức độ sốt rét, mùa sốt rét cũng có sự khác biệt nhau. Các tháng có tỷ lệ sốt trên trung bình thường là từ tháng 5 (chuyển từ mùa khô sang mùa mưa bị sốt nhiều nhất) đến tháng 10 tức là các tháng mùa mưa. Vùng sốt rét nặng nhất là phía Tây Trường Sơn, đặc biệt là vùng ngã ba biên giới thuộc địa bàn hoạt động của tuyến ba (thung lũng Sê Ca Mán).

Từ đây, ngành quân y Trường Sơn đã hiểu sâu hơn về dịch tễ học, lâm sàng bệnh sốt rét, phát hiện được hiệu lực giảm, kém của một số thuốc, có kế hoạch mang tính chiến lược lâu dài và toàn diện trong việc phòng và chống bệnh sốt rét trên toàn tuyến, đồng thời rút ra những kinh nghiệm quý báu phổ biến cho các chiến trường khác.

- Thưa giáo sư, ông từng đến những chiến trường gian khổ, ác liệt là vậy, ngoài lần bị sốt rét ở Sa Thầy, ông có bị ảnh hưởng của chất độc da cam của Mỹ?

- Một đồng nghiệp của tôi là GS, BS Lê Cao Đài, người có nhiều công trình khoa học rất có giá trị về hậu quả của chất độc da cam của Mỹ ảnh hưởng tới môi trường sống ở Việt Nam, cũng đã bị nhiễm chất độc da cam hồi ở chiến trường Tây Nguyên thời kỳ đó và đã qua đời sau ngày nước nhà thống nhất, anh mất trong tình trạng gan, lách, ruột bị chất độc làm rữa nát cả.

Sau này bạn tôi đã được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang là rất xứng đáng. Tôi may mắn hơn bạn tôi, từng sống chiến đấu nhiều năm trong vùng địch rải chất độc da cam mà không bị phơi nhiễm đáng kể, ngoại trừ phần da hai cổ chân tôi nhiều năm nay bị nổi nhiều nốt sừng đen. Còn điều may mắn nữa là đến đời sau của gia đình không cháu nào bị ảnh hưởng của chất độc hóa học. Tôi có hai con gái, một trai sinh ra và lớn lên khỏe mạnh, giờ đều trưởng thành cả. Tôi năm nay tuy sức khỏe đã suy giảm nhiều, song đầu óc còn khá minh mẫn. Bà nhà tôi trước cũng là phó chủ nhiệm một khoa của Viện 108, kém tôi vài tuổi, giờ ngoài “cửu thập” rồi sức khỏe còn bảo đảm.

Anh ạ, chúng tôi đều tuổi “xưa nay hiếm” cả. Những năm gần đây tôi luôn có được sự động viên trong cơ quan đoàn thể, cùng bạn bè, anh em lớp sau ở đơn vị cũ nên lúc nào cũng cảm thấy ấm áp, vui vẻ, lạc quan...

- Giáo sư là nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng được giải thưởng lớn. Xin giáo sư cho biết cụ thể.

- Trong cuộc đời khoa học của tôi đã công bố gần 100 công trình nghiên cứu và chủ biên 15 cuốn sách giáo khoa, chuyên khảo cho đại học và sau đại học. Tôi đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2000 cho các công trình nghiên cứu phòng, chống bệnh sốt rét. Sau này, năm 2005 các công trình khoa học của tôi được tập hợp cùng các công trình của tập thể các nhà y học khác, lại được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đó thật là một vinh dự to lớn.

- Cảm ơn giáo sư về cuộc trò chuyện. Kính chúc vợ chồng giáo sư trường thọ, tiếp tục có thêm nhiều niềm vui trong cuộc sống!

 Mời các đồng chí và các bạn vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các bài liên quan.

PHẠM QUANG ĐẨU