Biên chế của Quân đoàn lúc đó gồm các đơn vị: Sư đoàn 304, Sư đoàn 325, Sư đoàn 324, Sư đoàn Phòng không 673, Lữ đoàn Pháo binh 164, Lữ đoàn Xe tăng 203, Lữ đoàn Công binh 219 và Trung đoàn Thông tin 463. Ngay sau khi thành lập, Quân đoàn đã phối hợp cùng LLVT Quân khu 5 và Quân khu Trị Thiên liên tiếp tiến công giành thắng lợi lớn trong các chiến dịch Nông Sơn-Thượng Đức, La Sơn-Mỏ Tàu.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, một phần lực lượng của Quân đoàn tham gia Chiến dịch Tây Nguyên, cùng các đơn vị bạn đánh chiếm khu vực Ngã Sáu, tiểu khu Đắk Lắk, đầu não chỉ huy của các lực lượng bảo an, dân vệ; đánh chiếm khu quân cảnh, giải phóng nhà lao; tiêu diệt Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy... hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, tạo đột biến mang ý nghĩa chiến lược.

Cùng trong thời điểm đó, tại chiến trường Trị Thiên, Quân đoàn đã phối hợp với LLVT và nhân dân địa phương mở chiến dịch tiến công dồn dập, dũng mãnh, táo bạo, giải phóng Quảng Trị, giải phóng TP Huế. Thừa thắng xốc tới, Quân đoàn mở chiến dịch tiến công giải phóng Đà Nẵng và hình thành “cánh quân duyên hải”, tiến công thần tốc đập tan “lá chắn thép” Phan Rang của địch, giải phóng 6 tỉnh duyên hải miền Trung.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quân đoàn được giao nhiệm vụ cùng với Quân đoàn 4 tiến công trên hướng Đông và Đông Nam Sài Gòn, là hướng địch phòng thủ kiên cố. Với tư tưởng chỉ đạo tác chiến “nhanh, mạnh, chắc thắng”, sau nhiều ngày chiến đấu anh dũng, quả cảm, các mũi tiến công của Quân đoàn đã lần lượt tiêu diệt, làm chủ Trường Thiết giáp, căn cứ Nước Trong, Long Bình, Cát Lái, chi khu Long Thành, Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ và nhiều mục tiêu quan trọng khác, mở tung "cánh cửa" phía Đông và Đông Nam Sài Gòn; chớp thời cơ, tổ chức lực lượng đột kích thọc sâu với quy mô lớn, vượt cầu Xa Lộ đánh thẳng vào nội đô. Đội hình xe tăng và bộ binh của Quân đoàn đã hùng dũng xông lên, húc đổ cánh cổng sắt, đánh chiếm Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn, buộc chúng phải đầu hàng vô điều kiện; cắm lá cờ chiến thắng lên nóc phủ tổng thống ngụy quyền lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975.

leftcenterrightdel

Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) duyệt đội ngũ trong Lễ ra quân huấn luyện năm 2023. Ảnh: VŨ HẢI 

Ngay sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Quân đoàn tiếp tục thực hiện các cuộc hành quân thần tốc, trực tiếp tham gia chiến đấu ở những nơi nóng bỏng của hai đầu đất nước; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc; đồng thời, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả với hai nước bạn Lào và Campuchia.

Nét tiêu biểu, đặc sắc trong những chiến công và thành tích vẻ vang của Quân đoàn sau 5 năm kể từ ngày thành lập (1974-1979) đó là, hoàn thành xuất sắc 3 cuộc hành quân thần tốc: Từ Đà Nẵng vào Nam tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975; hành quân bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế năm 1978; ra Bắc bảo vệ biên giới của Tổ quốc năm 1979. Hoàn thành xuất sắc 3 đề nghị táo bạo của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đồng ý: Được thay đổi khu vực, hướng tiến công chủ yếu trong Chiến dịch Trị Thiên-Huế; được vào Nam tham gia trận quyết chiến chiến lược cuối cùng; được nổ súng sớm một ngày, được đánh chiếm Dinh Độc Lập trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Bước vào thời kỳ mới, trước yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng Quân đoàn chủ lực, cơ động, chiến lược; Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn qua các thời kỳ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chăm lo xây dựng Quân đoàn vững mạnh toàn diện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống. Những năm gần đây, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn thường xuyên coi trọng công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng; bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tin, ý chí quyết chiến, quyết thắng cho cán bộ, chiến sĩ; coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp và các tổ chức vững mạnh.

Quân đoàn thường xuyên chỉ đạo, triển khai điều chỉnh tổ chức lực lượng, bảo đảm “tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt”. Trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Quân đoàn thường xuyên bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện, huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu, địa bàn hoạt động, đối tượng tác chiến, phù hợp với tổ chức biên chế, trang bị và yêu cầu tác chiến trong điều kiện chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Quân đoàn đã tham gia và hoàn thành xuất sắc các cuộc diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn của Quân đoàn và do Bộ Quốc phòng chỉ đạo... hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được giao, nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc.

leftcenterrightdel

Lữ đoàn Công binh 219, Quân đoàn 2 bảo đảm vượt sông bằng cầu phao PMP cho lực lượng xe tăng của Quân đoàn cơ động tham gia diễn tập năm 2022. Ảnh: VŨ HẢI 

Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn 2 và 68 lượt tập thể, 41 cá nhân trong Quân đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Quân đoàn có 4 lần được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Quân công hạng Ba; hàng trăm tập thể và hàng nghìn cá nhân trong Quân đoàn được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, cùng nhiều phần thưởng cao quý của nước bạn Lào và Campuchia. Nhiều cán bộ của Quân đoàn đã trở thành tướng lĩnh tài ba của Quân đội; lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội.

Trân trọng, giữ gìn và phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đoàn, noi gương các thế hệ đi trước, cán bộ, chiến sĩ toàn Quân đoàn 2 quyết tâm nêu cao tinh thần đoàn kết, ra sức phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, ghi tiếp vào lịch sử vẻ vang của Quân đoàn những thành tích mới, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và Quân đội, tô thắm truyền thống "Thần tốc, táo bạo, quyết thắng" của Quân đoàn 2 anh hùng trong giai đoạn mới.

Thiếu tướng PHẠM VĂN HÓA, Tư lệnh Quân đoàn 2