Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 4-2-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 4-2

Sự kiện trong nước

Ngày 4-2-1947, Nha Nghiên cứu Kỹ thuật, tiền thân của Viện Vũ khí thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng được thành lập. Viện Vũ khí có nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế, chế tạo, cải tiến, sửa chữa các loại vũ khí, khí tài, đạn dược trang bị cho lực lượng vũ trang. Viện cũng tham gia bảo đảm kỹ thuật cho sản xuất quốc phòng; đảm bảo đo lường, thử nghiệm, đánh giá chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật; tư vấn đầu tư và thẩm định các dự án đầu tư phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật.

Viện Vũ khí có nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế, chế tạo, cải tiến, sửa chữa các loại vũ khí, khí tài, đạn dược. 

Từ kết quả nghiên cứu, thiết kế chế tạo của Viện, nhiều loại vũ khí đã ra đời và hiệu chỉnh, đáp ứng yêu cầu tác chiến trên chiến trường, trong đó tiêu biểu là súng Bazoka, AT, SKZ60, SKZ 81, SKZ120, AK, trung liên TUL-1 (RPK), B40, B41, CT.62, cối 120mm, 160mm…

Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Viện Vũ khí là một trong những đơn vị đi đầu trong nghiên cứu phát triển vũ khí lục quân và đạt những kết quả tích cực. Viện đã thực hiện thành công hàng trăm đề tài nghiên cứu, trong đó có nhiều đề tài thuộc các chương trình, dự án khoa học, công nghệ trọng điểm của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.

Trải qua 70 năm xây dựng, trưởng thành, các thế hệ cán bộ, kỹ sư, nhân viên Viện Vũ khí luôn nêu cao tinh thần tự lực tự cường, nỗ lực phấn đấu xây dựng viện vững mạnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

- Ngày 4-2-1950: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và Ba Lan thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự kiện này là nền tảng cho quan hệ song phương ngày càng phát triển. 72 năm qua, nhiều dự án hợp tác đã được thực hiện và hàng ngàn sinh viên Việt Nam đã được nhận học bổng của Chính phủ Ba Lan. Hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, giáo dục, kinh tế, thương mại và văn hóa được tăng cường, đạt nhiều thành tựu quan trọng.

- Ngày 4-2-1963: Đại hội đoàn kết Á - Phi lần thứ 10 chính thức công nhận Uỷ ban đoàn kết Á - Phi của miền Nam là hội viên chính thức.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 4-2-1945: Hội nghị Yalta được tổ chức tại điện Livadia, miền nam Ukraine. Hội nghị có sự tham gia của nguyên thủ 3 cường quốc Anh, Mỹ, Liên Xô là Churchill, Roosevelt, và Stalin. Hội nghị được tổ chức nhằm thỏa thuận và hình thành một trật tự thế giới mới sau Chiến tranh thế giới thứ hai, bao gồm các nội dung:

Từ trái sang phải: Winston Churchill, Franklin D. Roosevelt và Joseph Stalin tại Hội nghị Yalta. Ảnh: RTBF. 

- Tiêu diệt phát xít, chiếm đóng nước Đức, trừng phạt tội phạm chiến tranh, bồi thường chiến phí, tái lập Ba Lan.

- Đưa ra biên bản bí mật về việc Liên Xô tham gia chiến tranh chống phát xít Nhật ở Châu Á.

- Thống nhất thành lập Liên hợp quốc và thông qua Hiến chương Liên hợp quốc trong Hội nghị San Francisco sau đó nhằm gìn giữ hòa bình, an ninh và trật tự thế giới.

- Thỏa thuận việc giải giáp quân đội các nước phát xít bại trận và phân chia phạm vi ảnh hưởng của các cường quốc thắng trận ở châu Âu và châu Á.

- Ngày 4-2-2005: Mạng xã hội Facebook do Mark Zuckerberg sáng lập chính thức ra đời.

- Ngày 4-2-1962: Cuba công bố tuyên ngôn La Habana thứ hai, chống đế quốc, giải phóng dân tộc, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Theo dấu chân Người

- Ngày 4-2-1948: Bác Hồ gửi biếu Thứ trưởng Bộ Giao thông Công chính Đặng Phúc Thông một chiếc áo kèm mấy vần thơ vui thể hiện quan điểm Tết kháng chiến thực hành tiết kiệm.

Tết nhất năm nay hoãn thịt xôi,

Tết sau, thắng lợi sẽ đền bồi.

Áo bạn biếu tôi, tôi biếu chú.

Chú mang cho ấm, cũng như tôi”.

Thơ chúc Tết của Bác vừa là thơ vừa là hịch và định hướng chiến lược cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong một năm. Ảnh: hochiminh.vn. 

Tháng 2-1948, đoàn ngoại giao đầu tiên của Việt Nam đến Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc và Tiệp Khắc để vận động các nước ủng hộ Việt Nam kháng chiến. Bác đã viết thư chúc các đồng chí “đi đường chân cứng đá mềm, thuận buồm xuôi gió” và nhắc nhở đoàn kết “đem tinh thần thân ái tới đồng bào Việt kiều, khắc phục mọi gian nan để tranh lấy thắng lợi”.

- Ngày 4-2-1958: Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu phái đoàn Nhà nước đi thăm chính thức Ấn Độ và Mynmar nhằm thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa Việt Nam, Ấn Độ và Mynmar, và tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc Á - Phi.

Trong tháng 2-1968, sau khi được biết đến chiến công của 11 cô gái sông Hương trong Tết Mậu Thân, Bác viết thư khen và kết thúc bằng bốn câu thơ:

“Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường,

Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường.

Bác khen các cháu dân quân gái,

Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương”.

(Sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa” và “Hồ Chí Minh toàn tập”, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Trong bài viết trong bài viết “Mừng Đảng ta 33 tuổi” đăng trên Báo Nhân Dân, số 3236 ra ngày 4-2-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá chặng đường phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam và khẳng định những thành công, đóng góp của Đảng đối với đất nước trong 33 năm xây dựng và trưởng thành.

Trong bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Đoàn kết đã đưa Đảng ta và nhân dân ta từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cho nên chúng ta quý trọng và ra sức bảo vệ sự đoàn kết nhất trí - trong Đảng và trong nhân dân ta cũng như giữa các đảng và giữa các nước anh em - như giữ gìn con ngươi của mình”.

Bác luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Ảnh: hochiminh.vn.  

Lời dạy của Người cho thấy tầm quan trọng của đoàn kết, bởi đoàn kết là nhân tố đã làm nên thắng lợi của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến, kiến quốc và sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước hiện nay.

Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc khi đó, điều quan trọng là phải phát huy được sức mạnh toàn dân và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế. Trong thời kỳ phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội sau khi thống nhất đất nước, đoàn kết thống nhất trong Đảng đã giúp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vượt qua những khó khăn chưa từng có, đưa đất nước từ chỗ không đủ lương thực đáp ứng nhu cầu người dân trở thành một cường quốc về xuất khẩu gạo; kinh tế phát triển mạnh mẽ; các ngành khoa học ứng dụng, nghiên cứu công nghệ cao đã có những bước phát triển vượt bậc, ghi tên Việt Nam vào bản đồ các quốc gia có tỷ lệ phổ cập internet cũng như phát triển công nghệ thông tin cao nhất trên thế giới.

Trong đại dịch Covid-19 mới đây, Việt Nam đã vững vàng vượt qua những khó khăn để từ chỗ là quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc xin không đáng kể mà theo một tờ báo của Singapore dự đoán thì Việt Nam phải mất gần 20 năm để tiêm phủ toàn bộ 2 mũi cơ bản cho người dân thì giờ đây đã trở thành một trong những nước trong tốp đầu về tốc độ phủ vắc xin trên thế giới. Có được điều đó là do sự đồng lòng từ trên xuống dưới, từ cán bộ đến đảng viên trong thực hiện chiến lược ngoại giao vắc xin, chiến lược tiêm vắc xin toàn quốc và đồng lòng thực hiện thông điệp 5K…

Thực tế cho thấy đoàn kết là một yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh đem lại thắng lợi của cách mạng. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc giữ gìn đoàn kết. Bác cũng từng nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đoàn kết đem lại sức mạnh to lớn và trên thực tế đã đem lại sức mạnh to lớn như vậy. Trong Di chúc công bố năm 1969, thêm một lần nữa Người nhấn mạnh điều này: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 4-2-1966, Báo Quân đội nhân dân số 1743 đăng nội dung thư của đồng chí Choi Yong-kun, Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Bức thư phúc đáp thư ngày 24-1-1966 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bày tỏ sự ủng hộ kiên quyết đối với lập trường nghiêm chỉnh và đúng đắn của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa về việc giải quyết vấn đề Việt Nam và lên án hành động và âm mưu mở rộng chiến tranh xâm lược chống nhân dân Việt Nam.

Đồng chí Choi Yong-kun gửi thư phúc đáp thư ngày 24-1-1966 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Thư khẳng định nhân dân Việt Nam và nhân dân Triều Tiên là những người bạn chiến đấu, đứng trên lập trường chung chống đế quốc, cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa đế quốc của Việt Nam cũng là cuộc chiến của nhân dân Triều Tiên, nhân dân Triều Tiên sẽ cùng nhân dân Việt Nam kiên quyết chiến đấu đến cùng để chống đế quốc Mỹ xâm lược!

Dấu ấn của Bác trên Báo Quân đội nhân dân số 1743 một lần nữa khẳng định mối quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với vấn đề đoàn kết. Người luôn chú trọng và nhắc nhở mọi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần đoàn kết, không chỉ trong nội bộ Đảng, mà còn phải dốc sức xây dựng đoàn kết với các đảng anh em, với nhân dân tiến bộ trên thế giới.

 

HỮU DƯƠNG (tổng hợp)