Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 2-2-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 2-2
Sự kiện trong nước
Ngày 2-2-1908 là ngày sinh nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh. Sớm tham gia phong trào cách mạng giải phóng ách áp bức của chế độ thực dân, Nguyễn Đức Cảnh là nhà lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp công nhân. Ngay từ khi còn học ở Nam Định, ông đã cùng bạn bè cùng chí hướng tổ chức lễ truy điệu Phan Chu Trinh và đòi thả tự do cho Phan Bội Châu. Tháng 6-1929, Nguyễn Đức Cảnh cùng với một số đồng chí đứng ra tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Tháng 2-1930, ông tham gia Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuối nǎm 1930, Nguyễn Đức Cảnh được cử đi công tác tại Trung Kỳ, rồi được bầu vào Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ. Cuối nǎm 1931, ông bị thực dân Pháp bắt tại Vinh và bị xử tử vào tháng 7-1932 ở Hải Phòng.
 |
Trải qua 40 năm xây dựng và trường thành, Đoàn 275 đã phát triển thành Đoàn Bảo vệ và Nghi lễ. Ảnh: Tiền Phong |
Ngày 2-2-1947: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 11-SLb, sáp nhập các sở, ty địa chính vào Bộ Canh nông.
Ngày 2-2-1973: Phiên họp đầu tiên của các trưởng đoàn đại biểu quân sự bốn bên trong ban liên hợp quân sự Trung ương, họp tại Sài Gòn đã thảo luận các vấn đề thực hiện ngừng bắn tại chỗ, rút quân đội Mỹ và nước ngoài ra khỏi miền Nam Việt Nam...
Ngày 2-2-1975 là ngày thành lập Đoàn 275, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn 275 được thành lập trên cơ sở một đại đội của Trung đoàn 144, Bộ Tổng Tham mưu, có nhiệm vụ bảo vệ một số vị trí của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hoàn thiện, bảo vệ trạm nước Bách Thảo và kho vật tư tập kết thiết bị lắp đặt tại Quảng trường Ba Đình.
Trải qua hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành từ một đại đội, Đoàn 275 đã phát triển thành Đoàn Bảo vệ và Nghi lễ. Cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Đoàn 275 qua các thời kỳ đã luôn chủ động khắc phục mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.
Sự kiện quốc tế
Ngày 2-2-1912: Phổ Nghi - vị vua cuối cùng của triều Thanh - tuyên bố thoái vị, đánh dấu sự chấm dứt của chế đội phong kiến trung ương tập quyền tại Trung Quốc, mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Ngày 2-2-1943: Trận Stalingrad chính thức khép lại, chấm dứt hơn nửa năm bao vây của Đức quốc xã. Kết thúc chiến dịch, Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt 30 sư đoàn tinh nhuệ, bắt 90 nghìn lính và 2.500 sĩ quan của Đức Quốc xã. Đây là trận chiến có tính bước ngoặt, đóng vai trò quan trọng trong xoay đổi cục diện chiến trường, buộc phát xít Đức phải chuyển từ tấn công sang phòng ngự trên khắp các mặt trận và đi đến sụp đổ vào ngày 9-5-1945.
 |
Ngày 2-2-1943, trận Stalingrad chính thức khép lại, chấm dứt hơn nửa năm bao vây của Đức quốc xã. Ảnh: History.co.uk. |
Theo con số thống kê, từ 17-7-1942 đến 2-2-1943, phía Liên Xô đã huy động 160.000 người, 400 xe tăng, 454 máy bay và 2.200 pháo, cối các loại tham gia chiến dịch trong gia đoạn phòng ngự (gồm toàn bộ Phương diện quân Stalingrad). Trong giai đoạn phản công đánh địch rút lui, Liên Xô sử dụng hơn 1,1 triệu quân với 1.463 xe tăng, 15.500 pháo, cối, và 1.350 máy bay. Đây là toàn bộ lực lượng của các Phương diện quân Stalingrad, Phương diện quân Sông Đông, Phương diện quân Tây Nam và Phương diện quân Voronezh. Phía Đức huy động tổng cộng trong 2 giai đoạn của trận chiến là gần 1,3 triệu quân, gần 1.200 xe tăng, hơn 13.000 pháo, cối, và hơn 1.300 máy bay.
Ngày 2-2-1971: Tại Iran, Công ước Ramsar được thông qua, cung cấp khuôn khổ pháp lý cho các quốc gia hành động và hợp tác với nhau trong việc bảo tồn và sử dụng hiệu quả các vùng đất ngập nước và tài nguyên ở đó. Hiện có 169 thành viên tham gia Công ước Ramsar, bao gồm 2.260 khu vực, chiếm diện tích hơn 215 triệu ha.
Theo dấu chân Người
Ngày 2-2-1946 là ngày mùng Một Tết Bính Tuất - Tết độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhân dịp báo “Quốc gia” ra số xuân, Bác gửi thơ mừng:
“Tết này mới thật Tết dân ta,
Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia.
Độc lập đầy vơi ba cốc rượu,
Tự do vàng đỏ một rừng hoa.
Muôn nhà chào đón xuân Dân chủ,
Cả nước vui chung phúc Cộng hoà.
Ta chúc nhau rồi ta nhớ chúc,
Những người chiến sĩ ở phương xa”.
2-2-1949: Qua Báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thư chúc Tết đồng bào trong vùng tạm bị địch chiếm; Thư chúc tết các cháu nhi đồng toàn quốc. Trong thư chúc Tết, Người chúc sức khỏe đồng bào và trịnh trọng hứa rằng Chính phủ và quân đội sẽ kiên quyết kháng chiến đến cùng để giành lại độc lập cho Tổ quốc, giải phóng đồng bào khỏi cảnh lầm than.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ Phủ năm 1946. Ảnh: Hochiminh.vn. |
Ngày 2-2-1960, báo Nhân dân đăng bài “Đánh giá phim Vườn Cam” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh V.K. Qua bài báo, Bác khích lệ nghệ sĩ điện ảnh và đặt ra những yêu cầu nghiêm khắc để nâng cao chất lượng nội dung và nghệ thuật điện ảnh.
Ngày 2-2-1965 là ngày mùng Một Tết Ất Tỵ. Bác thăm tỉnh Quảng Ninh, nơi diễn ra chiến công đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam trong chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ở miền Bắc, góp phần bắn rơi 2 máy bay phản lực và bắt sống phi công Mỹ đầu tiên vào ngày 5-8-1964. Bác Hồ căn dặn “phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng chiến thắng”.
(Sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa” và “Hồ Chí Minh toàn tập”, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Ngày 2-2-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy cơ khí Hà Nội. Trong buổi nói chuyện, Bác biểu dương thành tích của nhà máy trong năm 1959, đã tiến bộ khá, hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước giao, tiết kiệm được hơn 31 vạn giờ, đúc được hơn 200 tấn máy móc từ sắt vụn, tăng quỹ phúc lợi chi cho bảo hiểm lao động.
Kể lại những thành tựu trong sản xuất ô tô của Liên Xô khi áp dụng các dây chuyền tự động hóa, Bác nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ và dặn dò cán bộ, công nhân nhà máy phải nỗ lực học tập, nâng cao trình độ văn hóa, trình độ kỹ thuật nghiệp vụ. Người nói:
Như các cô các chú đã biết, máy móc ngày càng tinh xảo, nếu không có trình độ văn hoá và kỹ thuật thì không thể điều khiển được. Trước đây làm việc theo lối thủ công, nhưng bây giờ làm bằng máy móc tinh xảo cả, nên việc học tập văn hoá, nâng cao trình độ kỹ thuật là rất cần thiết.
Bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau đó được báo Nhân dân số 2148 đăng lại vào ngày 4-2-1960.
(Hồ Chí Minh toàn tập – Tập 12, tr. 456-461)
 |
Bây giờ làm bằng máy móc tinh xảo cả, nên việc học tập văn hoá, nâng cao trình độ kỹ thuật là rất cần thiết. Ảnh: Hochiminh.vn. |
Thực tiễn cho thấy lời dạy của Bác hơn 60 năm vẫn mang tính thời sự và ngày càng có giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 với sự xuất hiện của mạng máy tính toàn cầu đã làm đổi thay nhiều lĩnh vực trong đời sống con người, tạo ra những kết nối liền mạch, xuyên biên giới, nhiều cơ hội cho phát triển và hợp tác.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà loài người đang bước vào sẽ khốc liệt hơn nữa khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quốc phòng, an ninh… đều được định nghĩa lại trên những nền tảng cơ bản là dữ liệu lớn, điện toán đám mây, robot tự động hóa và Internet vạn vật. Khi khoa học công nghệ bước vào phục vụ sâu rộng đời sống xã hội, việc học tập nâng cao trình độ, năng lực làm chủ công nghệ và khai thác, biến công nghệ thành công cụ phục vụ hoạt động mọi mặt của con người là điều tất yếu.
Thế giới hiện đại đặt ra 2 lựa chọn: Một, làm chủ công nghệ, kỹ thuật và phát triển. Hai, lỡ chuyến tàu và chấp nhận tụt lại phía sau. Lời Bác dạy năm xưa tại Nhà máy cơ khí Hà Nội đang thành hiện thực. Người Việt Nam cần cù, thông minh sẽ nỗ lực nâng cao trình độ kỹ thuật để bước lên con tàu 4.0, theo kịp các quốc gia phát triển, xây dựng đất nước đẹp giàu hơn.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Ngày 2-2-1961, Báo Quân đội nhân dân trang trọng đăng trên trang nhất hình Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bộ đội hải quân với 4 câu thơ:
Ngày xưa, du kích: Có Cha
Hôm nay hiện đại: Cha già tới thăm
Dù cho biển dữ đá ngầm
Chúng con lướt sóng quyết tâm tới bờ…
 |
Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cổ vũ to lớn đối với Hải quân nhân dân Việt Nam. |
Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cổ vũ to lớn đối với Hải quân nhân dân Việt Nam, giúp lực lượng hải quân không ngừng lớn mạnh. Không phụ lòng tin của Đảng, Bác Hồ và nhân dân cả nước, ngày 5-8-1964, Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng đánh thắng trận đầu. Trong chiến công này, lực lượng hải quân đã cùng quân dân cả nước đập tan chiến dịch Mũi tên xuyên của Mỹ huy động lực lượng đánh phá các khu vực Vinh - Bến Thủy, Lạch Trường (Thanh Hóa), Hòn Gai (Quảng Ninh) và Cảng Gianh (Quảng Bình).
 |
Bài “Vui Tết chống Mỹ, cứu nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Báo Quân đội nhân dân số 2055. |
Ngày 2-2-1967, với bút danh T.L., Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài “Vui Tết chống Mỹ, cứu nước” đăng trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2055. Bài viết của Người động viên tinh thần chiến đấu, sản xuất, luyện rèn, vui Tết của các đơn vị quân đội, các đơn vị sản xuất kinh tế cũng như người dân cả nước.
Người cũng nhắc nhở các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể phải về cơ sở để giúp đồng bào tổ chức sản xuất, phòng không và vui Tết tiết kiệm. Cuối bài, Bác viết: Tết năm nay là Tết chống Mỹ, cứu nước. Nó phải phấn khởi, lành mạnh, tiết kiệm, vui tươi; một cái Tết thắng lợi và sản xuất thắng lợi.
HỮU DƯƠNG (tổng hợp)