Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 31-8-2022 được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 31-8

Sự kiện trong nước

- Ngày 31-8-1952, quân ta đột kích vị trí Phú Thọ của địch (ở gần Sài Gòn), phá huỷ một kho xǎng 3 triệu lít một kho dầu 2 triệu lít, một kho vũ khí gồm 100 quả bom loại 500 kg và 2 triệu viên đạn, tiêu diệt một đại đội lính Âu Phi.

- Tháng 8-1961, nhân dịp nhà danh họa Picátxô 80 tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tới người bạn hoạ sĩ bức thư chúc mừng.

Trong thư Người viết: "Đồng chí Picátxô thuộc vào những con người luôn luôn trẻ, bởi vì những người ấy sôi nổi trong tâm hồn và một tình yêu say mê cái thiện, cái mỹ, với hòa bình và nhân đạo. Tình yêu ấy đã dẫn dắt Picátxô đến với chủ nghĩa cộng sản, và vì thế, họa sĩ mãi mãi giữ được tuổi xuân.

Chim bồ câu hòa bình do Picasso vẽ, rất quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân khắp nơi trên thế giới. Ảnh: Tư liệu

Con chim bồ câu hòa bình Picátxô vẽ, rất quen thuộc với nhân dân Việt Nam và nhân dân khắp thế giới, đã thể hiện một cách rực rỡ lòng tin mãnh liệt của nhà nghệ sĩ lớn ấy là sự vươn tới hòa bình không gì có thể ngǎn cản nổi của nhân dân các dân tộc".

- Ngày 31-8-1991 Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định "Tổ chức và sắp xếp mạng lưới các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân".

Mục tiêu nguyên tắc của việc sắp xếp lại mạng lưới là:

1- Việc sắp xếp mạng lưới trường học không nhằm thu hẹp sự phát triển, mà phải tạo điều kiện để tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục quốc dân.

2- Xóa bỏ những bất hợp lý đang tồn tại trong mạng lưới trường học.

3- Thực hiện đa dạng hoá các hình thức đào tạo chính quy và không chính quy.

4- Gắn chặt quá trình đào tạo với quá trình sử dụng lực lượng lao động.

5- Cải tiến mạnh mẽ công tác quản lý giáo dục đào tạo từ cơ sở trong trường học đến toàn ngành, theo hướng đảm bảo tính thống nhất.

Sự kiện quốc tế

Những người dân ở Đông Berlin vui mừng gặp lại những người ở Tây Berlin tại Potsdamer Platz sau khi Bức tường Berlin tại trạm kiểm soát này sập xuống. Ảnh: Tư liệu 

- Ngày 31-8-1990, đại diện hai chính phủ Cộng hòa liên bang Đức và Cộng hòa dân chủ Đức ký kết "Hiệp ước thống nhất". Các bang của Cộng hòa dân chủ Đức sáp nhập vào Cộng hòa liên bang Đức. Thủ đô của nước thống nhất là Beclin.

Theo dấu chân Người

Ngày 31-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa chữa lần cuối cùng văn bản “Tuyên ngôn Độc lập”. Ảnh: Tư liệu 

- Ngày 31-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa chữa lần cuối cùng văn bản “Tuyên ngôn Độc lập” và làm việc với Ban tổ chức yêu cầu chuẩn bị thật chu đáo để bảo đảm Ngày lễ Độc lập thành công.

- Ngày 31-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới ông G.Nêru (J.Nerhu) chúc mừng Chính phủ lâm thời Ấn Độ: “Chính phủ Ấn Độ tự do đầu tiên đã thành lập... Tôi tin chắc rằng những dây thân ái giữa hai nước chúng ta sẽ giúp cho việc gây hạnh phúc chung cho hai dân tộc chúng ta. Tôi yêu cầu ông chuyển đạt cho nhân dân nước Ấn Độ mới những cảm tình nồng nàn và lòng đoàn kết cảm thông của nhân dân Việt Nam…”. Cùng thời gian này, tại nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục các cuộc tiếp xúc tranh thủ sự ủng hộ cho nền độc lập của Việt Nam: Tiếp các vị thư ký của Hội nghị 21 nước Đồng Minh đang họp tại Paris; gặp gỡ Đoàn đại biểu Thanh niên Pháp...

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm yêu thương đặc biệt cho các cháu thiếu nhi. Bác căn dặn người lớn phải luôn chăm lo cho các cháu: “Các cháu là mầm non của Tổ quốc, là tương lai của xã hội, các cô phải trông nom, dạy dỗ các cháu chu đáo”. Ảnh: TTXVN

- Ngày 31-8-1958, đến thăm Khu tập thể của Thành hội Phụ nữ Hà Nội, gặp các cháu bé trong nhà trẻ, Bác căn dặn người lớn: “Các cháu là mầm non của Tổ quốc, là tương lai của xã hội, các cô phải trông nom, dạy dỗ các cháu chu đáo”.

- Ngày 31-8-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong hàm cấp tướng cho nhiều nhà lãnh đạo Quân đội Nhân dân Việt Nam như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, các Thượng tướng Văn Tiến Dũng và Chu Văn Tấn, các Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Hoàng Văn Thái, Trần Văn Trà, Song Hào v.v..

- Ngày 31-8-1960, Bác Hồ gửi thư cho cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hoá nhân vào năm học mới. Thư nêu rõ: “Văn hoá giáo dục là một mặt trận quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà... Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế...”.

Cùng ngày Bác tiếp các vị lãnh đạo trong nước và các đoàn đại biểu quốc tế sang Việt Nam dự Lễ Quốc khánh và Đại hội Đảng. Bác nói: “Ở đây chúng ta là anh em, chị em một nhà. Chúng tôi mong các đồng chí xem ở đây như ở nhà” và tặng hai câu thơ:

“Anh chị em đoàn kết một nhà

Ấy là tình nặng, ấy là nghĩa sâu”.

- Ngày 31-8-1963, Bác đến thăm và nói chuyện với Hội nghị Tuyên giáo miền núi. Về công tác tuyên truyền, Bác nói: “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào?... Tuyên truyền huấn luyện phải xuất phát từ chỗ nào? Xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, từ tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào các dân tộc… Tuyên truyền không cần phải nói tràng giang đại hải. Mà nói ngắn gọn, nói những vấn đề thiết thực, chắc chắn làm được, để cho mọi người hiểu rõ và quyết tâm làm bằng được... Đồng bào các dân tộc rất thật thà và rất tốt. Nếu nói đúng thì đồng bào nghe, đồng bào làm và làm được”.

- Ngày 31-8-1969, giữa lúc bệnh tình càng trở nên trầm trọng, Bác Hồ vẫn quan tâm theo dõi tình hình chiến sự và gửi lẵng hoa tặng các chiến sĩ tên lửa Sư đoàn Phòng không 361 khi được nghe báo cáo thành tích vừa bắn rơi vào ngày hôm trước chiếc máy bay không người lái của Mỹ. Đây cũng là phần thưởng cuối cùng Bác tặng đồng bào và chiến sĩ trước khi từ trần.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế”.

Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người viết trong “Thư gửi các cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hóa”, ngày 31-8-1960; Báo Nhân dân đăng trên số 2360, ngày 04-9-1960 trước thềm ngày khai giảng năm học mới.

 “Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế”. Đây là quan điểm giáo dục lớn mà Người để lại cho chúng ta. Ảnh: Tư liệu 

Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đồng thời là nhà giáo dục lớn của dân tộc. Người đã để lại cho chúng ta nhiều quan điểm giáo dục có giá trị, trong đó quan điểm: “Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế” là cơ sở khoa học, phương pháp luận biện chứng, là quy luật của sự phát triển toàn diện nhân cách con người, phát triển nền giáo dục Việt Nam hiện đại, có ý nghĩa sâu sắc trong định hướng lý luận cũng như chỉ đạo thực tiễn giáo dục, đào tạo ở các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay.

Kế thừa và phát triển quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, đào tạo, Đảng và Nhà nước ta luôn coi giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng; đặc biệt, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04-11-2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Đảng ta tiếp tục khẳng định: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội… Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

Học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự trong giờ học thực hành tại Phòng Thí nghiệm nghiên cứu rô-bốt. Ảnh: Mod.gov.vn

Học tập và làm theo lời Bác dạy, công tác huấn luyện, giáo dục - đào tạo trong quân đội được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, đã tạo được bước chuyển biến tích cực và tương đối toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, giáo dục - đào tạo. Việc đổi mới chương trình, nội dung, hình thức tổ chức và phương pháp huấn luyện, giáo dục - đào tạo được thực hiện tích cực, bằng nhiều giải pháp khoa học, phù hợp với tổ chức biên chế, yêu cầu xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Toàn quân đã bám sát và thực hiện nghiêm 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp; chú trọng đổi mới công tác kiểm tra, phúc tra, hội thi, hội thao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại và luyện tập, diễn tập ở các cấp, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội nhân dân đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 31-8-1961, trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 937, số đặc biệt kỷ niệm 2-9 có đăng trang trọng bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 937, ngày 31-8-1961.


 

ĐOÀN TRUNG (tổng hợp)