Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 30-3-2022 được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 30-3

Sự kiện trong nước

- Ngày 30-3-1938: Vua Bảo Đại ra đạo dụ tách quần đảo Hoàng Sa khỏi địa hạt tỉnh Nam Ngãi và nhập vào tỉnh Thừa Thiên.

- Ngày 30-3-1972: Mở màn “Chiến dịch Xuân-Hè 1972”.  

“Chiến dịch Xuân - Hè 1972” là cuộc tiến công chiến lược của quân và dân ta trên toàn miền Nam, trong đó mặt trận Trị-Thiên là hướng tấn công chính.

leftcenterrightdel
Chiến trường Quảng Trị năm 1972. Ảnh tư liệu. 

Sau 5 ngày chiến đấu, ta đã phá vỡ tuyến phòng thủ Đường 9, giải phóng hoàn toàn 2 huyện Gio Linh và Cam Lộ. Đến cuối tháng 4, quân ta buộc địch phải rút khỏi thị xã Quảng Trị. Tháng 6-1972, địch mở cuộc phản công quy mô lớn nhằm chiếm lại thị xã Quảng Trị. Cuộc chiến đấu quyết liệt giữa quân ta và quân địch diễn ra tại Thành Cổ Quảng Trị suốt 81 ngày đêm. Sau khi gây sức ép nặng nề và tiêu diệt được nhiều lực lượng địch, quân ta dần rút lui, kết thúc chiến dịch ngày 31-1-1973. Chiến dịch đã khẳng định bước phát triển mới cả về thế và lực của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam.

- Ngày 30-3-2009: Ngày thành lập Viện Thiết kế tàu quân sự

Viện Thiết kế tàu quân sự có nhiệm vụ thiết kế đóng mới và cải hoán các tàu quân sự; nghiên cứu lắp đặt, hiệu chỉnh và tích hợp hệ thống vũ khí - khí tài trên tàu quân sự và thiết kế đóng mới tàu, phương tiện thủy phục vụ nhu cầu dân sinh, xuất khẩu. Bên cạnh đó, Viện còn nghiên cứu, tư vấn giúp cấp trên định hướng quy hoạch phát triển ngành và định hướng phát triển tàu quân sự, vũ khí, trang bị kỹ thuật trên tàu; nâng cao tiềm lực các nhà máy đóng mới, sửa chữa tàu quân sự…

Hiện nay, Viện Thiết kế tàu quân sự đã và đang thực hiện hơn 40 đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có 1 đề tài cấp Nhà nước, 3 đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ Quốc phòng, 21 đề tài, nhiệm vụ cấp Tổng cục; lập thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, thiết kế thi công nhiều loại tàu quân sự và tàu công vụ; tư vấn, lập dự án cho trên 10 dự án đầu tư đóng mới tàu, trong đó có nhiều dự án lớn của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng. Bên cạnh đó, Viện Thiết kế tàu quân sự còn tích cực, chủ động tìm kiếm các hợp đồng dịch vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực đóng tàu quân sự...

leftcenterrightdel
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Chính ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng trao Bằng khen cho Viện Thiết kế tàu quân sự. Ảnh: Qdnd.vn. 

Với những kết quả đã đạt được trong thực hiện nhiệm vụ, Viện Thiết kế tàu quân sự đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (năm 2018, 2019), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen (năm 2014, 2016) và Tổng cục Công nghiệp quốc phòng tặng Cờ thi đua (năm 2017).

Trong những năm tới, Viện xác định quyết tâm mở rộng thị trường trong và ngoài Quân đội về lĩnh vực thiết kế tàu, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thiết kế, mục tiêu sẽ làm chủ thiết kế các tàu tuần tra cao tốc, tàu bổ trợ quân sự hiện đại, tiến tới phối hợp triển khai nghiên cứu thiết kế, tích hợp vũ khí - khí tài cho các tàu chiến phù hợp với nhu cầu trang bị của Quân đội.

Sự kiện quốc tế

leftcenterrightdel
Cầu Queensboro. Ảnh: kenh14.vn. 

- Ngày 30-3-1909: Mỹ khánh thành cầu Queensboro (nay là cầu Ed Koch).

- Ngày 30-3-2007: Lễ ký Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật.

Theo dấu chân Người

leftcenterrightdel
12 vạn quân Pháp bị bắt làm tù binh tại Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu. 

- Ngày 30-3-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thả 200 tù binh Bắc Phi đã bị quân ta bắt trên các chiến trường để thể hiện thiện chí của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với nhân dân các nước thuộc địa của Pháp.

- Ngày 30-3-1956, đi thăm khu lao động Lương Yên (Hà Nội) nói với bà con nghèo đang dự lớp Bình dân học vụ, Bác động viên: “Do cái óc, cái tay của mình mà cải thiện đời sống của mình. Đảng và Chính phủ rất mong muốn đời sống của công nhân, công chức và bộ đội càng khá hơn... Đời sống ví như chiếc thuyền. Sản xuất ví như nước. Mực nước lên cao, thì con thuyền càng nổi lên cao. Mình cố gắng còn là mưu đời sống sung sướng cho con, cho cháu mình nữa”.

- Ngày 30-3-1962, tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về vấn đề lương thực, Bác nhắc nhở: Phải có kế hoạch thu mua tốt. Từ khai hoang tốt, sẽ thu mua tốt. Gốc là cán bộ. Phải cố gắng chỉnh đốn cán bộ, có thái độ dứt khoát, tốt thì khen, không tốt thì cách chức.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa - NXB: Chính trị quốc gia - Sự thật 2010; Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB Chính trị quốc gia)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Trong học tập, cán bộ và công nhân phải phê bình nhau thẳng thắn, có đúng nói đúng, có sai nói sai, không sợ mất thể diện; có khuyết điểm nói ra để giúp đỡ nhau sửa chữa”.

Lời nói trên, Bác Hồ nói khi đến thăm cán bộ và công nhân Công trường Đèo Nai (Cẩm Phả, Quảng Ninh) vào ngày 30-3-1959. Đây là thời điểm mà miền Bắc đang phục hồi vết thương chiến tranh, xây dựng tổ chức lại đất nước và tích lũy để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh sắp tới; là giai đoạn thực hiện kế hoạch 3 năm lần thứ 2 (1958-1960). Câu nói “Trong học tập, cán bộ và công nhân phải phê bình nhau thẳng thắn, có đúng nói đúng, có sai nói sai, không sợ mất thể diện; có khuyết điểm nói ra để giúp đỡ nhau sửa chữa”, là quan điểm “phê bình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đây là phê bình việc chứ không phê bình người, bên cạnh đó, Bác cũng yêu cầu trong công việc cán bộ, công nhân phải đoàn kết, giúp đỡ nhau.

leftcenterrightdel
Chiều ngày 30-3-1959, Bác Hồ về thăm công trường khai thác than mỏ Đèo Nai, khi đó còn nằm trong tổ hợp mỏ Cẩm Phả. Ảnh tư liệu. 

Đây là lời dạy sâu sắc của Bác mà lớp lớp cán bộ công nhân mỏ than Đèo Nai luôn khắc sâu ghi nhớ và thực hiện. Cán bộ và công nhân nơi đây luôn đẩy mạnh phong trào thi đua để hoàn thành các kế hoạch sản xuất than, nâng cao đời sống thợ mỏ. Trong những năm kháng chiến, với khẩu hiệu “thợ mỏ làm than, như quân đội đánh giặc”.

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực, trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; song lời dạy “Trong học tập, cán bộ và công nhân phải phê bình nhau thẳng thắn, có đúng nói đúng, có sai nói sai, không sợ mất thể diện; có khuyết điểm nói ra để giúp đỡ nhau sửa chữa” của Bác vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục được đẩy mạnh và phát huy trong suốt quá trình đổi mới đất nước. Tuy nhiên, để sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại cần phải vận dụng lời dạy của Bác một cách sáng tạo, triệt để trong lao động sản xuất và học tập, có như vậy, sản xuất mới phát triển, kinh tế tăng trưởng cao, đời sống của cán bộ, công nhân được cải thiện, đất nước phát triển...

Quân đội nhân dân Việt Nam thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện hoạt động cụ thể của mỗi đơn vị, cán bộ, chiến sĩ luôn có sự trao đổi đóng góp cho nhau trong thực hiện nhiệm vụ. Có như vậy, Quân đội ta mới thực sự trở thành một lực lượng vũ trang lớn mạnh, thống nhất toàn quân một ý chí, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trên trang 3 Báo Quân đội nhân dân số 241 ngày 30-3-1956 đã đăng bài: “Tình hữu nghị Việt Nam Liên Xô bền vững muôn năm”, trong đó có ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đến sân bay Mạc-tư-khoa (Mát-xcơ-va) trong một chuyến thăm Liên Xô.

leftcenterrightdel
Trang 3 Báo Quân đội nhân dân số 241 ngày 30-3-1956. Ảnh: Qdnd.vn. 

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2103 ngày 30-3-1967 đã đăng bài: “Hưởng ứng thư của Hồ Chủ tịch biến quyết tâm thành hành động”.

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2103 ngày 30-3-1967. Ảnh: Qdnd.vn. 
leftcenterrightdel
 

TRẦN HUYỀN (tổng hợp)