Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 23-11-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 23-11

Sự kiện trong nước

leftcenterrightdel
 Nghệ sĩ Nhân dân Tào Mạt. Ảnh: Tư liệu

Nghệ sĩ nhân dân Tào Mạt tên thật là Nguyễn Duy Thục sinh ngày 23-11-1930 tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), ông mất ngày 13-4-1993. Nghệ sĩ Nhân dân Tào Mạt được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc năm 1961. Ảnh: Tư liệu.

Ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64-SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Đây chính là tổ chức tiền thân của Thanh tra Chính phủ sau này và ngày 23-11 trở thành Ngày truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Người xem bia ghi danh các tiến sĩ đầu tiên ở Việt Nam, ngày 29-1-1960. (Nguồn: Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao).

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 65/SL về việc Ấn định nhiệm vụ của Đông phương Bác cổ Học viện. Trong đó ghi rõ: “Bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam... Cấm phá hủy những đình, chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành, quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn”. 

Ngày 24-2-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc hàng năm lấy ngày 23-11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”.

Ngày 23-11-1946, Đại hội đại biểu Hội hồng thập tự Việt Nam lần thứ nhất họp tại Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội). Các đại biểu nhất trí bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự của Hội và Người làm Chủ tịch danh dự của Hội trong suốt 23 năm tới khi Người qua đời.

Tại Đại hội lần thứ ba của Hội (năm 1955), Hội Hồng thập tự Việt Nam đổi tên thành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Ngày 23-11 được coi là ngày ra đời của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. 

leftcenterrightdel
Sư đoàn 5 tổ chức lễ đón nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng lần thứ hai tại Sisôphon, tỉnh Banteay Meanchey, Campuchia, ngày 23-11-1980. Ảnh: Baoquankhu7.vn 

Ngày 23-11-1965, tại vùng núi Mây Tàu (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Sư đoàn Bộ binh 5 - Quân khu 7 được thành lập. Là một trong hai sư đoàn chủ lực của miền Đông Nam Bộ, Sư đoàn Bộ binh 5 đã lập nhiều chiến công vang dội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở giai đoạn quyết liệt nhất, góp phần vào Chiến thắng 30-4-1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

leftcenterrightdel
 Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu khởi công xây dựng “Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ sư đoàn”. Ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN

Tiếp đó, Sư đoàn Bộ binh 5 là một trong những đơn vị chủ lực làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng của Pol Pot. Trong hòa bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Sư đoàn Bộ binh 5 phát huy truyền thống, tiếp tục lập những thành tích nổi bật, nhiều năm liền là đơn vị vững mạnh toàn diện, một trong những ngọn cờ đầu của lực lượng vũ trang Quân khu 7…

Sự kiện quốc tế

Ngày 23-11-1945, Nhà văn Nga Alêchxây Nikôlaêvich Tôixtôi qua đời, ông sinh ngày 10-1-1882. Tác phẩm nổi tiếng là các bộ tiểu thuyết lớn "Pie đại đế", "Con đường đau khổ" với các tập "Hai chị em", "Năm 1918", "Buổi sáng ảm đạm". Ông là người có công lớn trong việc tạo dựng và phát triển thể loại tiểu thuyết sử thi Nga và kịch lịch sử Nga đến độ hoàn mỹ.

Theo dấu chân Người

Ngày 23-11-1945, trong buổi tiếp Đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang về thăm Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận: “Trước khi nước ta được độc lập, các đồng bào trên đó ai nấy đó nhiệt tâm yêu nước, yêu nòi, gắng sức giúp anh em Việt Minh trong cuộc vận động giải phóng dân tộc rất nhiều... Bây giờ, nước ta được độc lập, tôi thay mặt đồng bào Kinh cảm ơn anh chị em. Tuy ta được độc lập, nhưng dân ta sẽ còn phải gặp rất nhiều nỗi khó khăn, còn phải hy sinh phấn đấu nhiều hơn nữa. Từ người giàu cho chí kẻ nghèo cần phải một lòng giữ vững nền độc lập... Tôi nhờ anh chị em về nói lại với đồng bào trên ấy biết rằng đồng bào Kinh và Chính phủ rất thương mến đồng bào Mán, Thổ, coi như anh chị em trong một nhà, và khuyên anh chị em gắng sức để đi tới thái bình để cùng hưởng chung”.

Ngày 23-11-1946, vào thời điểm tình hình căng thẳng do những khiêu khích của thế lực thực dân, Báo “Cứu quốc” đăng thư “gửi đồng bào Việt Nam, người Pháp và Người Thế giới” trong đó Bác đưa ra thông điệp: “... Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người... Máu Việt Nam và máu Pháp đã đổ nhiều rồi… Người Việt và người Pháp cùng tin tưởng vào đạo đức: Tự do, Bình đẳng, Bác ái, Độc lập, Người Việt Nam và người Pháp có thể và cần phải bắt tay nhau trong một sự nghiệp cộng tác bình đẳng, thật thà, để gây dựng hạnh phúc chung cho cả hai dân tộc. Đó là ý nguyện rõ rệt của Việt Nam, mong người Pháp và toàn thế giới biết cho”.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Hochiminh.vn

Cùng ngày, trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Bác đọc “Lời kêu gọi về việc quân Pháp lại gây hấn ở Hải Phòng” trong đó nêu rõ: ”... phải lập tức đình chỉ việc đổ máu giữa người Pháp và người Việt. Tôi kêu gọi toàn thể đồng bào phải trấn tĩnh, các bộ đội và tự vệ phải sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng, tài sản của ngoại kiều. Chính phủ luôn luôn đứng sát với toàn thể đồng bào để giữ gìn đất nước”.

leftcenterrightdel
 Khí thế Khởi nghĩa Nam Kỳ. Ảnh: Tư liệu

Ngày 23-11-1951, kỷ niệm 11 năm ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ, Bác gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Nam Bộ, Bác căn dặn: “Noi gương oanh liệt của Khởi nghĩa Nam Kỳ, chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ và kháng chiến mạnh mẽ lên mãi để phá âm mưu của giặc: Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt, đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi đất nước, giành độc lập và thống nhất thực sự cho Tổ quốc”.  

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Ngày 23-11-1945, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, khi bàn về chương trình kinh tế, Bác nói: “Ngoại giao và kinh tế có ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu mình có một chương trình kinh tế có lợi cho người ngoại quốc, họ có thể giúp mình...”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc làm ăn, phát triển kinh tế, đầu tư của người nước ngoài tại Việt Nam, Người nhấn mạnh: “Các bạn, người buôn bán, kinh doanh, tiểu thương, tiểu chủ, công nhân và trí thức, đã chung sống với nhân dân Việt Nam. Các bạn đã khai cơ lập nghiệp ở Việt Nam. Những hoạt động chính đáng về kinh tế và văn hóa của các bạn cũng có lợi cho Việt Nam. Vì vậy tôi khuyên các bạn: Các bạn cứ yên lòng làm ăn như thường. Nhân dân và Chính phủ Việt Nam sẽ giúp đỡ và bảo hộ các bạn”.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn Nghị sĩ Quốc hội Anh sang thăm Việt Nam (ngày 4-5-1957). Ảnh: hochiminh.vn 

Ngay từ tháng 12-1946, trong lời kêu gọi gửi Liên hợp quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố chính sách mở cửa của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên tất cả các lĩnh vực nói chung và kinh tế nói riêng.

Theo đó, với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực, Người nhấn mạnh: “nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình; nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc”.

Theo tư tưởng của Người, hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn vốn, khoa học - công nghệ, thị trường nhằm phát triển kinh tế, phát huy sức mạnh nội lực, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, vì lợi ích chung mỗi nước, mỗi dân tộc.

Thấm nhuần tư tưởng ấy, ngay từ rất sớm, Đảng ta đã xây dựng chiến lược phát triển, chỉ đạo triển khai quyết liệt. Công cuộc hội nhập nói chung và kinh tế quốc tế nói riêng đã mang lại những hiệu quả vô cùng to lớn, toàn diện, góp phần thúc đẩy phát triển của đất nước, cũng như khẳng định uy tín, vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn chuyên gia Liên Xô sang giúp đỡ công tác chuyên môn cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tại Hà Nội, ngày 22-3-1960. Ảnh tư liệu/nguồn tuyengiao.vn.

Từ một quốc gia vốn nghèo nàn, lạc hậu, bị tàn phá bởi chiến tranh, ít người biết đến, nhưng đến nay Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ, đạt được những kết quả toàn diện được quốc tế ghi nhận. Đến nay, nước ta có quan hệ hữu nghị hợp tác với 189 quốc gia, trong đó 17 nước đối tác chiến lược và 13 nước đối tác toàn diện; có quan hệ kinh tế với hơn 230 nền kinh tế…

Sự chủ động hội nhập đã đưa Việt Nam trở thành một “mắt xích” quan trọng trong mạng lưới liên kết kinh tế với các nền kinh tế hàng đầu thế giới với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, trong đó có các FTA thế hệ mới. Việt Nam cũng là thành viên tích cực, có trách nhiệm của nhiều tổ chức đa phương như WTO, APEC, ASEAN…

leftcenterrightdel
 Lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA). Ảnh: VGP

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia nằm trong nhóm quốc gia thành công nhất về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) với khoảng 26.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam, số vốn cam kết đầu tư trên 330 tỷ USD đến từ gần 130 quốc gia và đối tác. Các chính sách đối ngoại cũng như các khung khổ hội nhập đã có sự lan tỏa, tác động tích cực và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước bền vững, hình ảnh về một Việt Nam uy tín, năng động, trách nhiệm đã được nâng lên và ngày càng khẳng định trên trường quốc tế.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó có được nhờ sự phấn đấu không ngừng nghỉ của cả dân tộc, và sự kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hội nhập kinh tế quốc tế”, đây cũng chính là động lực để cả hệ thống chính trị tiếp tục triển khai nhiệm vụ, góp phần đưa đất nước tiến lên trên con đường hội nhập, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước. 

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 23-11-1969 đăng tin với tiêu đề Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch: “ĐOÀN X PHÁO CAO XẠ QUÂN KHU 4: Tích cực luyện tập để bắn rơi máy bay Mỹ ngay từ loạt đạn đầu” và Mít tinh trọng thể Kỷ niệm lần thứ 29 Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23-11).

leftcenterrightdel
 Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 23-11-1969.
leftcenterrightdel
 

HOÀNG TRƯỜNG (tổng hợp)