Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 21-3-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.                     

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 21-3

Sự kiện trong nước

 - Ngày 21-3-1851: Vua Tự Đức ra lệnh tử hình các linh mục Công giáo.

- Ngày 21-3-1926: Giữa lúc ở Sài Gòn và Nam Kỳ đang sôi động phong trào đấu tranh dân chủ, một số nhà yêu nước như: Nguyễn An Ninh, Trần Huy Liệu... và một số người Pháp tiến bộ đã chủ trương tổ chức một cuộc mít tinh bày tỏ thái độ đối với nhà cầm quyền thực dân tại Xóm Lách (Sài Gòn). Tiếng vang của cuộc mít tinh đã tự phát hình thành một tổ chức mang tên là Đảng Thanh niên.

leftcenterrightdel

Xe tăng quân giải phóng tiến vào thành phố Đà Nẵng. Ảnh tư liệu.

 

- Ngày 21-3-1975: Quân đội ta mở đầu chiến dịch Huế-Đà Nẵng.

- Ngày 21-3-1958: Ngày thành lập Trung đoàn 218, Sư đoàn 361

Trung đoàn 218 thuộc Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không-Không quân), có nhiệm vụ chính trị trọng tâm là sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, bảo vệ khu vực phía Nam - Tây Nam Thủ đô Hà Nội và các mục tiêu được giao.

Kế thừa truyền thống vẻ vang của bộ đội pháo cao xạ trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau khi thành lập, toàn thể cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã thường xuyên quán triệt quyết tâm chiến lược của Đảng, quán triệt tư tưởng chỉ đạo tác chiến phòng không, vừa chiến đấu vừa xây dựng và trưởng thành. Đó là những nhân tố hết sức quan trọng để Trung đoàn hoàn thành các nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung đoàn đã cơ động chiến đấu từ Bắc vào Nam và làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào, đánh 1.977 trận, bắn rơi 320 máy bay địch, trong đó có 65 chiếc rơi tại chỗ, bắn chìm 1 tàu biệt kích, phá hủy 1 giàn ra-đa, 1 kho xăng của địch, cùng với bộ binh tiêu diệt và bắt sống hàng nghìn tên địch. Là Trung đoàn cơ động của Quân chủng, Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kiên cường bám trụ bảo vệ đất thép Vĩnh Linh, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, bảo vệ giao thông vận chuyển trên địa bàn chiến lược nam Khu 4 và tác chiến trong đội hình binh chủng hợp thành, tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, tham gia chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào, chiến dịch Trị - Thiên và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Với bề dày thành tích trong xây dựng và những chiến công trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung đoàn đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý. Đó là niềm vinh dự, tự hào của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn.

leftcenterrightdel

Huấn luyện thực hành chiến đấu ở Trung đoàn 218. Ảnh: phongkhongkhongquan.vn. 

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn luôn phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, không ngừng phấn đấu vươn lên, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, thường xuyên sẵn sàng chiến đấu góp phần bảo vệ vững chắc vùng trời Tây Bắc của Tổ quốc và Thủ đô Hà Nội; góp phần xây dựng Quân chủng Phòng không-Không quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 21-3-1857: Một trận động đất tại thành phố Tokyo làm thiệt mạng khoảng 107.000 người.

leftcenterrightdel

Thủ tướng Canada Louis-Alexandre Taschereau. Ảnh tư liệu. 

- Ngày 21-3-1929: Thủ tướng Canada Louis-Alexandre Taschereau tuyên bố luật tự do báo chí.

- Ngày 21-3-1991: Gần một tháng sau khi chiến tranh vùng Vịnh kết thúc, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bỏ lệnh cấm vận thực phẩm chống Iraq.

Theo dấu chân Người

- Ngày 21-3-1925, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Nông dân Trung Quốc”. Đây là một chủ đề được nhà cách mạng Việt Nam rất quan tâm vì nó liên quan đến một lực lượng khổng lồ của nước Trung Hoa rộng lớn, nhưng đó cũng là một vấn đề rất sát với mục tiêu vận động cách mạng ở Việt Nam.

- Ngày 21-3-1947, trong “Lời cảm ơn đồng bào”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Khắp mọi nơi, các đoàn thể, các bộ đội, các hội tôn giáo, các cháu thiếu nhi, đều có gửi thư hứa với tôi:

- Kiên quyết ủng hộ trường kỳ kháng chiến,

- Ra sức thực hành tăng gia sản xuất,

- Hết lòng giúp đỡ đồng bào tản cư,

- Cố gắng phát triển bình dân học vụ.

Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn đồng bào và trịnh trọng hứa với đồng bào rằng Chính phủ quyết làm tròn nhiệm vụ kháng chiến cứu quốc, quyết không phụ lòng trông cậy của quốc dân và quyết tranh lấy quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”.

- Ngày 21-3-1952: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Nam nữ bình quyền”, ký bút danh Đ.X., đăng báo Cứu quốc số 2039. Người đưa ra những số liệu về phụ nữ Liên Xô tham gia ở các ngành khoa học, giáo dục, ở các cấp chính quyền… Để chứng tỏ Liên Xô đang thực hiện bình đẳng nam nữ. Còn ở Việt Nam, phụ nữ từ già đến trẻ đều xung phong trong mọi việc kháng chiến cứu nước. Từ công việc hậu phương, đến công tác của tiền tuyến, họ không những giỏi việc nước mà còn đảm việc nhà. Họ làm cả công việc của đàn ông trong thời bình, thế nhưng ý chí và lòng quả cảm nơi họ không hề thuyên giảm, “tất cả cho tiền tuyến”, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”…

leftcenterrightdel
Bác Hồ chia kẹo cho các cháu thiếu niên nhi đồng trong ngày Người về thăm HTX Nông nghiệp Lai Sơn vào tháng 3-1958, nay thuộc phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh tư liệu.

- Ngày 21-3-1962: Trong một phiên họp Bộ Chính trị bàn về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương về công nghiệp, Người chỉ rõ: “Phần nói nông nghiệp còn nhẹ quá. Công nghiệp nặng phải có, nhưng 8 năm thiếu gang thép ta vẫn xoay xở được, còn mất mùa một năm thì chúng ta méo mặt, mất mùa thì gang thép cũng không làm được”. Người cũng phê bình: “Ta có họp, có nghị, có quyết rồi nên giao cho ai thì phải giao trách nhiệm rõ ràng. Ai làm được thì khen, thấy ai làm sai mà không có thái độ (sửa chữa) rõ ràng, làm không được thì cách chức ngay (tỉnh Thái Bình được thưởng hơn 700 huân chương, huy chương mà ngược lại không thấy phạt một ai), ý tôi là chúng ta còn nhu nhược với vấn đề này... Tài nguyên thiên nhiên mình nhiều, làm sao cán bộ đảng viên phải giữ được truyền thống anh dũng trong thời kỳ chống đế quốc”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa - NXB: Chính trị quốc gia - Sự thật 2010; Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB Chính trị quốc gia)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Cán bộ phải tuyệt đối tránh bệnh quan liêu, mệnh lệnh, phải hết sức chống bệnh hình thức, chống lãng phí, tham ô”.

Lời nói trên, Bác Hồ nói trong buổi gặp gỡ đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, ngày 21-3-1961, trong hoàn cảnh miền Bắc nước ta đang bắt tay vào việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, vừa xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, tiếp tục cải tạo chủ nghĩa xã hội và củng cố quan hệ sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân về mọi mặt; đồng thời, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh giữ gìn trật tự an ninh bảo vệ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần thiết thực vào thực hiện sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.

leftcenterrightdel
Bác Hồ với học sinh Trường Thiếu nhi vùng cao Tuyên Quang, tháng 3-1961. Ảnh tư liệu.

Bác mong muốn và nhắc nhở cán bộ dù ở cấp nào, ngành nào đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân, tất cả cán bộ phải một lòng, một dạ phục vụ nhân dân; phải hết sức quan tâm đến đời sống nhân dân; thực hiện theo đúng chính sách của Đảng; đồng thời, tuyệt đối tránh bệnh quan liêu, mệnh lệnh, phải hết sức chống bệnh hình thức, chống lãng phí, tham ô. Do đó mà lãnh đạo phải dân chủ, thiết thực, cụ thể và toàn diện. Phải tránh cách lãnh đạo đại khái, phiến diện chung chung. Trong mọi công việc, đảng viên và đoàn viên thanh niên phải làm gương mẫu, để lôi cuốn nhân dân cùng tiến bộ.

Hiện nay, tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch đang ra sức lôi kéo, thực hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; những tác động của mặt trái kinh tế thị trường đã làm thay đổi nấc thang giá trị đạo đức cách mạng. Song giá trị lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Cán bộ phải tuyệt đối tránh bệnh quan liêu, mệnh lệnh, phải hết sức chống bệnh hình thức, chống lãng phí, tham ô”, được Đảng ta quán triệt, thực hiện nghiêm túc và phát huy mạnh mẽ trong công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ ở tất cả các cấp, các ngành và cả trong sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ phải luôn coi trọng việc khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức trong sáng, kiến thức chuyên môn, trách nhiệm với công việc là vấn đề quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.

Là một bộ phận cán bộ trọng yếu của Đảng trong quân đội, đội ngũ cán quân đội luôn thấm nhuần lời dạy của Bác, dù trong điều kiện hoàn cảnh nào, đội ngũ cán bộ trong quân đội đều nhận thức rõ điều đó, luôn giữ vững lập trường quan điểm, phẩm chất đạo đức cách mạng, kiên định mục tiêu lý tưởng chiến đấu, tích cực tự giác nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Việc làm đó, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước giai đoạn hiện nay.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 557 ngày 21-3-1959 đã đăng bài: “Chúc tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Ấn Độ ngày càng bền chặt”.

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 557 ngày 21-3-1959. Ảnh: Qdnd.vn 

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2450 ngày 21-3-1968 đã đăng: “Lệnh của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2450 ngày 21-3-1968. Ảnh: Qdnd.vn 
leftcenterrightdel
 

TRẦN HUYỀN (Tổng hợp)