Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 2-4-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 2-4
Sự kiện trong nước
- Ngày 2-4-1980: Trường Trung cấp Biên phòng 2, tiền thân là Trường Hạ sĩ quan Biên phòng 3 thành lập theo Quyết định 40/QĐ-BTL của Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Sau nhiều lần đổi tên và nâng cấp mục tiêu, yêu cầu đào tạo, năm 2008, Nhà trường được mang tên Trường Trung cấp Biên phòng 2.
Trải qua 42 năm xây dựng và trưởng thành, Nhà trường không ngừng phát triển về mọi mặt, trở thành một trung tâm đào tạo cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp biên phòng bậc trung cấp, đào tạo nghiệp vụ và nhân viên chuyên môn kỹ thuật, đào tạo hạ sỹ quan cho lực lượng Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố phía Nam, đào tạo tiếng Việt và bổ túc nghiệp vụ cho cán bộ biên phòng và công an nước bạn Campuchia.
 |
Trường Trung cấp Biên phòng 2 gặp mặt kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: Mạnh Cường |
Ngoài các chuyên ngành chính là Quản lý bảo vệ biên giới, Quản lý kiểm soát cửa khẩu, Trinh sát Biên phòng, Phòng, chống ma túy và tội phạm, Nhà trường còn được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Biên phòng giao nhiệm vụ huấn luyện nghiệp vụ tìm kiếm, cứu nạn; liên kết đào tạo ngoại ngữ, quân y; tổ chức huấn luyện chiến sĩ mới cho các đơn vị biên phòng và thực hiện một số nhiệm vụ khác.
Với những nỗ lực cố gắng phấn đấu không mệt mỏi, sự đoàn kết, thống nhất cao của các thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ của Nhà trường suốt 42 năm qua, đã xây đắp nên truyền thống “Dạy tốt, học tốt, công tác tốt”, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý; hàng trăm lượt tập thể và hàng nghìn lượt cá nhân được tặng thưởng huân chương, huy chương, danh hiệu đơn vị Quyết thắng, chiến sĩ thi đua, bằng khen, Cờ thi đua của Chính phủ, các bộ, địa phương.
 |
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân sau khi ghép tế bào gốc thành công. Ảnh: vietnamplus.vn |
- Ngày 2-4-2015: Các bác sỹ Viện Huyết học Truyền máu Trung ương ghép thành công ca tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng đầu tiên.
 |
Quang cảnh lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: qdnd |
- Ngày 2-4-1975: Sư Đoàn 10 chủ lực của ta, từ mặt trận Tây Nguyên thần tốc kéo về, phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân đánh tan các chốt điểm của địch, dũng mãnh tiến thẳng vào thị xã, giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa.
47 năm đã trôi qua, nhưng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc vẫn in dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân ta và bạn bè tiến bộ yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do, công lý trên thế giới và vẫn là sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 2-4-2007: Ngày Thế giới tuyên truyền nhận thức về căn bệnh tự kỷ. Từ năm 2007, Liên hiệp quốc đã quyết định lấy ngày 2-4 hàng năm là "Ngày Thế giới tuyên truyền nhận thức về căn bệnh tự kỷ". Đây là căn bệnh tuy không hiểm nghèo và không đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh nhưng để lại nhiều hệ lụy cho người bệnh cũng như gia đình và xã hội.
 |
Nhiều hoạt động hưởng ứng Chương trình nâng cao nhận thức về ngày tự kỷ ở Việt Nam. Ảnh: vovworld.vn |
- Ngày 2-4-1952: Ngày mất nhà thiên văn học Pháp Bernard Ferdinand Lyot. Ông sinh ngày 27-2-1897 tại Pari, Pháp. Từng theo học toán, vật lý và hóa học, Lyot rất giỏi trong lĩnh vực quang học. Ông đã chế tạo ra một loại phân cực kế rất nhạy cho phép nghiên cứu sự phân cực ánh sáng phản xạ từ các hành tinh. Lyot cũng tiến hành nhiều nghiên cứu đối với khí quyển của các hành tinh. Lyot còn phát minh ra thiết bị cho phép chụp ảnh vành sáng phát ra từ không gian xung quanh Mặt Trời (vành nhật hoa) mà không cần chờ đến nhật thực.
Theo dấu chân Người
- Ngày 2-4-1921, tại tư gia của luật sư Phan Văn Trường ở Pari, Nguyễn Ái Quốc đã họp bàn với nhiều Việt kiều đang sống ở Pháp về việc thành lập một tổ chức lấy tên là “Hội Thân ái” để giúp đỡ những đồng bào Việt Nam sống trên đất Pháp. Sau cuộc họp này, Hội đã được thành lập ngay trong tháng 4-1923 .
 |
Báo Thân Ái, số 4 ra ngày 15-11-1928, cơ quan ngôn luận của Hội Thân ái, Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên của Việt kiều ở Thái Lan, do Nguyễn Ái Quốc sáng lập năm 1928. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia |
- Ngày 2-4-1924, Tập san “Inprekorr” của Quốc tế Cộng sản (bản tiếng Pháp) đăng bài “Chủ nghĩa đế quốc Pháp dám làm những gì?” của Nguyễn Ái Quốc. Bài báo kết luận bằng câu “Chủ nghĩa đế quốc Pháp quả là không hề ngần ngại nhúng tay vào những tội ác bỉ ổi nhất” sau khi thuật lại sự kiện thực dân Pháp đồng lõa với đế quốc Anh ở Ấn Độ hay chính sách đối với những người dân Tripôli (Libi) đang trốn sang lánh nạn tại đất nước Tuynidi vì bị đế quốc Italia lùng bắt.
- Ngày 2-4-1960, chủ toạ phiên họp của Hội đồng Chính phủ, Bác nêu lên tình trạng tham ô lãng phí nhắc từ lâu nhưng lâu nay không ai làm và phân tích tình trạng đó xuất phát từ việc quản lý, kỷ luật tài chính kém, tinh thần trách nhiệm kém, kiểm tra đôn đốc kém và cho rằng bốn cái đã mở cửa cho tham ô lãng phí. Bác chỉ thị cho các bộ phải khắc phục tình trạng trên bằng cuộc vận động kết hợp với phong trào thi đua sản xuất, kết hợp tuyên truyền giáo dục, kỷ luật, thưởng phạt và tăng cường công tác kiểm tra.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010 )
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“…Trong lúc lật đổ những tường vách cũ kỹ và đang xây đắp những ngôi lâu đài mới thì chắc chắn không khỏi có những mụn bào gạch bể và những thứ ghét rác khác. Chúng ta sẽ quét sạch dần dần…”.
Câu nói trên được trích trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời ông Hoàng Phan Kính (là Cậu) và ông Trần Lê Hữu (là Dượng) của Bác vào ngày 2 tháng 4 năm 1949. Bản chất câu nói trên của Bác, chính là sự đổi mới. Đổi mới là cái vốn có của mọi vận động và phát triển trong tự nhiên, xã hội cũng như trong tư duy. Đổi mới là thay đổi cách nghĩ, cách làm cũ đã lỗi thời, lạc hậu, bằng cách nghĩ, cách làm mới khoa học hơn, hiệu quả hơn, hợp với quy luật của sự phát triển, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam, kế thừa những kinh nghiệm, nghệ thuật trong lịch sử dựng nước, giữ nước của cha, ông; tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa nhân loại, Bác đã cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người ở căn cứ Việt Bắc. Ảnh: Tư liệu |
Học tập và làm theo lời Bác dạy, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, với bước đi, hình thức và cách làm phù hợp, không nôn nóng, đốt cháy giai đoạn, không phủ định sạch trơn với mục tiêu: Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên đã và đang đạt được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng. Cùng với đổi mới và phát triển, phải kiên quyết đấu tranh xóa bỏ những tàn dư của xã hội cũ, nhất là những tập tục, nếp nghĩ, cách làm đã lạc hậu; đổi mới, phát triển, đồng thời phải biết kế thừa những tinh hoa, truyền thống tốt đẹp.
Thấm nhuần lời Bác dạy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước, mà thường xuyên, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, toàn quân đã luôn đề cao tinh thần đổi mới, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong lộ trình tiến lên hiện đại đã lựa chọn, ưu tiên, đầu tư cho một số quân, binh chủng, vừa bảo đảm việc tăng cường sức mạnh và tiềm lực quân sự, quốc phòng của đất nước, vừa không ảnh hưởng đến bảo đảm an sinh xã hội. Trên mọi lĩnh vực công tác, mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội phải tích cực học tập, nghiên cứu, không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, huấn luyện, khai thác, làm chủ các loại vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật hiện có và mới, hiện đại được biên chế, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Dấu ấn Bác Hồ trên báo Quân đội nhân dân
Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân ra số 1339, ngày 2-4-1964 có đăng hình ảnh Hồ Chủ tịch thân mật nói chuyện với các đại biểu Miền Nam trong giờ nghỉ Phiên họp ngày 31-3-1964 của Quốc hội.
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ra số 1339, ngày 2-4-1964 |
TUẤN ĐIỆP (tổng hợp)