Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 18-3-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 18-3

Sự kiện trong nước

Ngày 18-3-1962: Khánh thành khu công nghiệp ở thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ). Khu công nghiệp này gồm có nhà máy hoá chất, nhà máy giấy, nhà máy đường và nhà máy điện, đánh dấu bước phát triển của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trong kế hoạch 5 nǎm lần thứ nhất.

Ngày 18-3-1965: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chính thức phát động phong trào “Phụ nữ Ba đảm đang” theo gợi ý của Bác Hồ. Phong trào đã thu hút hàng triệu phụ nữ tham gia với nội dung: đảm đang sản xuất thay cho nam giới ra tiền tuyến; đảm đang việc nhà cho người thân yên tâm ngoài chiến trường; trực tiếp tham gia chiến đấu trong các lực lượng dân quân, du kích, tự vệ.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy Dệt 8-3 nhân dịp chuẩn bị khánh thành vào ngày 8-3-1965. Ảnh tư liệu.

Ngày 18-3-2014, Lễ công bố quyết định thành lập Hải đội 402 thuộc Vùng Cảnh sát biển 4 theo quyết định của Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã diễn ra tại huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau.

Theo đó, Hải đội 402 đóng quân tại ấp Hàng Vịnh, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, với vị trí chức năng chính là tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Chỉ huy vùng Cảnh sát biển 4, Phòng Tham mưu vùng Cảnh sát biển 4 về việc sử dụng tàu, thuyền và thực thi pháp luật trên vùng biển được phân công.

Việc thành lập Hải đội 402 nhằm cụ thể hóa biểu biên chế theo lộ trình xây dựng và phát triển lực lượng Cảnh sát biển theo hướng tinh, gọn, mạnh, từng bước đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt, trực tiếp quản lý, duy trì thực thi pháp luật, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 402, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 huấn luyện bắn đạn thật trên biển. Ảnh: TTXVN.

Đến nay, Hải đội 402 đã làm tốt công tác tham mưu cho Đảng uỷ, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 về việc sử dụng tàu, thuyền của Hải đội thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật trên vùng biển được phân công; đồng thời tổ chức và bảo đảm cho hàng chục lượt tàu thuyền tham gia thực thi pháp luật, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo phía Tây Nam của Tổ quốc. Hải đội 402 đã tô thắm thêm niềm tự hào về truyền thống xây dựng và phát triển của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.

Sự kiện quốc tế

Ngày 18-3-1967: Tàu chở dầu Torrey Canyon chở 120.000 tấn dầu, đụng phải đá ngầm và hỏng nặng tại Cornouaille, 25.000 tấn dầu tràn ra biển.

 Hơn 2000 binh lính, đặc công, thủy thủ, cảnh sát, lính cứu hỏa cùng các công nhân được huy động để khắc phục sự cố tràn dầu sau khi tàu Torrey Canyon bị đắm vào ngày 18-3-1967. Ảnh: Jane Bown

Ngày 18-3-1936: Sinh nhật Frederik Klerk, Tổng Thống Nam Phi, người được nhận giải Nobel Hòa bình năm 1993 do có công chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc tại đất nước này.

Theo dấu chân Người

Ngày 18-3-1922, báo “L’ Humanité” (Nhân Đạo) của Đảng Xã hội Pháp đăng truyện ngắn có tên là “Rủi Ro - hay Cảnh sinh hoạt của thợ thuyền An Nam” của Nguyễn Ái Quốc ký dưới bút danh “Cu Li Xe”. Câu chuyện kể về thân phận khốn khổ của một người phu kéo xe bản xứ luôn bị những vị khách của mình là những người thực dân trong vai một cha đạo hay thuỷ thủ đối đãi một cách khinh miệt và bất công bằng những hành vi thụ bạo như đá đít, quỵt tiền hay dùng vũ khí đe dọa.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ Việt kiều tại Pháp, năm 1946. Ảnh: Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao.

Ngày 18-3-1946, đúng vào ngày các đơn vị quân Pháp kéo vào Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tướng Lơcléc (Leclerc), người đứng đầu lực lượng quân sự của Pháp ở Đông Dương để bày tỏ quan điểm: “Tôi hết lòng hy vọng rằng toàn thể nước Pháp mới và nước Việt Nam mới sẽ nêu ra trước hoàn cầu một cái gương sáng: cái gương hai nước biết cùng nhau giải quyết được hết các vấn đề khó khăn gai góc ngay sau cuộc tổng đảo lộn của hoàn cầu, bằng cách liên hiệp với nhau và hiểu biết lẫn nhau... để mưu hạnh phúc cho cả hai dân tộc và để mưu hoà bình cho thế giới”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010 )

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều cống hiến cả trên phương diện lý luận cũng như thực tiễn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Một trong những cống hiến lớn lao của Người là tạo dựng được tình đoàn kết giữa các dân tộc, các giai cấp bị áp bức trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Theo Người, muốn giải phóng dân tộc, giải phóng con người, thì giai cấp cần lao toàn thế giới phải đoàn kết đấu tranh, đánh đổ giai cấp bóc lột, thống trị.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại Liên Xô (năm 1923). Ảnh: TTXVN 

Ngày 18-3-1923, tờ báo “L’ Humanité” (Nhân Đạo) đăng bài báo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nói về cuộc bạo động của công nhân thành phố Porto - Nouvo ở Dahommey (thuộc địa của Pháp ở Tây Phi). Trong bài báo, Bác Hồ đã viết: “Cần phải làm thế nào để cho công nhân da đen và da vàng cũng hiểu rằng: Kẻ thù duy nhất của họ nằm ngay trong bản thân cái chế độ này, chế độ đang dẫn đến một chế độ nô lệ tinh vi hơn, nặng nề hơn, và vô nhân đạo hơn chế độ trước đây. Và chỉ với sự giúp đỡ của những người anh em bị áp bức của mình ở các nước châu Âu, họ mới sẽ có thể tự giải phóng được mình”.

(Hồ Chí Minh Toàn tập - Tập 1, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011, tr188)

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng vô sản thế giới muốn thành công đòi hỏi giai cấp vô sản, các đảng cộng sản và công nhân quốc tế phải đoàn kết thống nhất, phải gắn bó thân thiết như anh em một nhà. Với Người, đoàn kết thống nhất trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đoàn kết gắn bó trong các nước xã hội chủ nghĩa anh em là cơ sở nền tảng, là nhân tố quan trọng bậc nhất, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới. Và để xây dựng, củng cố sự nghiệp đoàn kết cao cả ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, các đảng cộng sản và công nhân quốc tế phải tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, kiên quyết đấu tranh chống những khuynh hướng tư tưởng sai lầm, lệch lạc như chủ nghĩa dân tộc tư sản, chủ nghĩa sôvanh, chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa xét lại hiện đại…

Ngày 14-4-2020, Việt Nam chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó với dịch Covid-19. Ảnh: vov.vn. 

Hiện nay, trước hoàn cảnh lịch sử mới, mặc dù quan hệ giữa Việt Nam với các nước có nhiều phát triển, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế vẫn là cơ sở lý luận quan trọng để Đảng cộng sản Việt Nam xác định chủ trương: “Củng cố và tăng cường quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân, đảng cánh tả, các phong trào độc lập dân tộc, cách mạng và tiến bộ trên thế giới”. Đồng thời, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết khu vực, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào - Campuchia cũng vẫn là cơ sở lý luận, phương pháp luận để Đảng xác định: “Thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và có hiệu quả với các nước Asean, các nước châu Á - Thái Bình Dương… Củng cố và phát triển quan hệ hợp tác song phương tin cậy với các đối tác chiến lược”.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 18-3-1982 đã trích dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 Dấu ấn của Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân ngày 18-3-1982.
 

QUỲNH TRANG (Tổng hợp)