Tuyến ống X42 dài 42km, nằm dưới lòng đất, từ TP Vinh, vượt qua sông Lam (Nghệ An) và sông La đến Nga Lộc (Hà Tĩnh). Hai đầu tuyến sẽ được tiếp nối ra Bắc, vào Nam để thực hiện phương thức vận chuyển xăng dầu hiện đại và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nhiên liệu của các đoàn vận tải cơ giới đưa hàng ra tiền tuyến.

Suốt gần hai tháng rưỡi kể từ khi thành lập cho đến ngày Mỹ tuyên bố ngừng ném bom hoàn toàn miền Bắc (1-11-1968), Tiểu đoàn 668 nằm trong vùng “tam giác lửa” Vinh-Nam Đàn-Linh Cảm, là trọng điểm không quân Mỹ đánh phá ngăn chặng đường tiếp tế của ta từ hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Những buổi đầu thành lập, cơ sở vật chất rất thiếu thốn, bộ đội được bà con địa phương giúp đỡ từ nơi ăn, chốn ở cho đến củi đuốc, rau xanh... Quân dân “quên mình chia lửa, cứu nhau chia hầm”, tất cả để tuyến ống vận hành thông suốt. 

Đại đội 2 của Tiểu đoàn 668 do Chuẩn úy Phạm Văn Nhận làm Đại đội trưởng kiêm Chính trị viên đảm nhiệm quản lý, vận hành đoạn đường ống từ địa phận xã Nam Sơn (nay là xã Khánh Sơn), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, vượt sông Lam, sông La lên xã Đức Trường (nay là xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Trong thời gian Đại đội vận hành tuyến mới, không quân Mỹ đánh phá suốt ngày đêm.

Do phải hoạt động ban đêm quá nhiều nên cơ số pin dùng cho đèn pin từ trên cấp xuống luôn bị thiếu so với nhu cầu. Những khi tối trời, bộ đội thường phải cho con đom đóm vào lọ thủy tinh, làm đèn soi đồng hồ đo áp suất dòng chảy trên các phương tiện của tuyến ống. 

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Phạm Văn Nhận (ngoài cùng, bên phải) kể chuyện truyền thống Tiểu đoàn 668 anh hùng. 

Nửa đêm về sáng 31-8-1968, Mỹ ném bom xã Nam Sơn, khiến hàng chục người dân thương vong. Tại gia đình đồng chí Phạm Văn Nhận ở, sân và nhà đều có bom nổ và khiến chiến sĩ trong đơn vị bị thương. Anh Nhận chỉ huy bộ đội vận hành tuyến ống, cấp cứu đồng đội; đồng thời cử đồng chí y tá và một số chiến sĩ đưa bà con bị thương xuyên đêm vượt sông bằng thuyền nan, đến trạm quân y của Quân khu 4 kịp thời cứu chữa. 

Ít ngày sau đó, địch ném bom làm đứt đường ống xăng dầu ở xã Đức Trường. Xăng phụt lên bắt lửa đạn, khói đen mù mịt. Nối đoạn ống bị đứt dưới những làn bom đạn địch, phải sử dụng kỹ thuật kích, đẩy, dồn ép để khớp tuyến, rất khó khăn, cực nhọc. Trong làng có gia đình 5 người đang trú chung một hầm thì bị trúng bom, các nạn nhân bị đất cát vùi lấp. Đại đội phải báo cáo cấp trên cho tạm ngừng vận hành, khẩn trương vừa cứu ống, vừa cứu dân. 

Đêm 31-10-1968, địch vẫn đánh phá tuyến ống X42 bằng bom đào và bom phát quang, kết hợp thả bom bi ở các xã Nam Sơn, Đức Trường, Khánh Lộc... Bộ đội quên mình, xông pha bảo vệ đường ống và cứu hộ bà con bị sập hầm, giúp các gia đình lo hậu sự cho người dân bị bom giết hại. 

Giữa những ngày tháng giữ cho dòng xăng liên tục tuôn chảy dưới bom đạn địch ấy, Đại đội trưởng Phạm Văn Nhận cùng các đồng chí: Nguyễn Văn Trung-Trung đội trưởng và Nguyễn Văn Kiện-Tiểu đội trưởng tuyến ống; Nguyễn Văn Lan-Thợ máy đẩy được cấp trên cử làm đại diện cho Tiểu đoàn 668 dự Hội nghị mừng công xây dựng và vận hành Đường ống X42, do Cục Xăng dầu tổ chức tại Hà Nội. Các báo cáo thành tích của Đại đội 2 được hội nghị nhiệt liệt hoan nghênh, ghi nhận. Sau hội nghị ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xét đề nghị của các cấp có thẩm quyền, ký quyết định tặng đồng chí Nguyễn Văn Lan Huân chương Chiến công hạng Nhì, tặng đồng chí Phạm Văn Nhận Huân chương Chiến công hạng Ba. 

Thành tích của Đại đội 2 trong thực hiện nhiệm vụ thi công, quản lý vận hành tuyến ống X42 trong những ngày đầu tiên vô cùng gian khó và cả thời gian sau đó, đã góp phần quan trọng cùng các bộ phận khác làm nên danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân của Tiểu đoàn 668-đơn vị duy nhất ở cấp tiểu đoàn trong ngành đường ống xăng dầu Quân đội được nhận phần thưởng cao quý này.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG

*Mời  bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.