Ngày ấy, 2 cứ điểm 1015 và 1049 là những mắt xích trọng yếu của tuyến phòng thủ của địch, nhằm bảo vệ thị xã Kon Tum và các căn cứ của chúng trên địa bàn. Tại đây đã diễn ra những cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt của 2 trung đoàn 64 và 52 thuộc Sư đoàn 320. Xóa sổ 2 căn cứ này, quân ta đã phá vỡ tuyến phòng thủ phía Tây sông Pô Kô của địch, tạo điều kiện cho cuộc tấn công đập tan cụm cứ điểm Đắk Tô - Tân Cảnh, ngày 24-4-1972...

Lễ xuất quân của các cựu chiến binh Sư đoàn đi xây dựng Nhà bia. 

Hàng trăm chiến sĩ ta đã anh dũng chiến đấu và hy sinh để làm chủ được 2 điểm cao này. Trong đó, riêng Trung đoàn 64 đã có 235 liệt sĩ và 107 thương binh. Xương máu của các anh đã góp phần làm xoay chuyển cục diện chiến trường trường Bắc Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung trong chiến dịch Xuân Hè 1972. Gần nửa thế kỷ sau chiến thắng trên đây, những cựu chiến binh của Sư đoàn 320 khắp mọi miền đất nước đã chắp nối, quyên góp để xây dựng 2 nhà bia tưởng niệm đồng đội đã hy sinh trên 2 cao điểm.

Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên, đã ủng hộ cuốn sổ tiết kiệm 750 triệu đồng, là tiền dành dụm dưỡng già của vợ chồng ông. Ông xúc động nói: “20% thân xác tôi là do bố mẹ tạo thành, 80% là các liệt sĩ dành cho tôi. Tôi sống được đến hôm nay, có gia đình vợ con, là nhờ đồng đội đã ngã xuống che chở...”. Đông đảo các thế hệ cựu chiến binh Sư đoàn 320 đều chung suy nghĩ và nghĩa cử như vị tướng già, kẻ ít người nhiều góp phần xây dựng công trình.

Trước đây, tôi đã nhiều lần được nghe Trung tướng Khuất Duy Tiến và Đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy, những cựu chiến binh của Sư đoàn 320 nói về 2 công trình tâm linh tri ân đồng đội trên đây; về ý chí và công sức của những người “lính già” trong quá trình xây dựng 2 công trình ân nghĩa ấy. Nhưng đến khi xem phim, tận mắt nhìn cận cảnh 2 công trình uy nghi, trang trọng, vững chãi... tọa lạc trên những đỉnh cao hơn 1.200m, bốn phía là vực sâu hun hút... thì tôi vô cùng ấn tượng. Trên cung đường vượt qua bao đèo dốc hiểm trở mà chỉ có các phương tiện tự chế của người dân bản xứ mới đi lại được, phải mất bao ngày đêm mới đưa được ngần ấy khối lượng cát sỏi, xi măng, sắt thép... từ dưới thung lũng mờ sương kia lên đây? Phải vận chuyển bao nhiêu can nước mới đủ cho công trình này? Đặc biệt, làm sao đưa được tấm bia đá nặng hàng tấn lên đỉnh đồi trên con đường cheo leo, nhiều đoạn dốc dựng đứng?

Đồng bào địa phương múa hát trong lễ khánh thành công trình. 
Nhà bia trên điểm cao 1049. 

Thông qua một số cựu chiến binh của Trung đoàn 64, tôi xin được số điện thoại của Đại tá Nguyễn Thế Tân, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, hiện đang nghỉ hưu ở Hà Nội. Ông Tân cho biết ông đang về quê, hết tháng 4 mới lên Hà Nội. Cơ mà muốn tìm hiểu về việc xây dựng 2 Nhà bia tưởng niệm, thì phải gặp ông Lê Mạnh Hải. Tôi hỏi: “Ông Lê Mạnh Hải là ai, ở đâu?”. Ông Tân hồ hởi nói: “Ông Lê Mạnh Hải ở Nghệ An, là lính tiểu đoàn vận tải bộ của Sư đoàn 320 hồi đó. Ông ấy vừa là nhà tổ chức, kiêm Tổng chỉ huy trực tiếp chiến dịch xây dựng công trình...”.

May quá, cựu chiến binh Lê Mạnh Hải ở thành phố Vinh trong Nghệ An thì tôi có biết. Tháng 7-2022, khi vào công tác ở thành phố Vinh, tôi được Đại tá Nguyễn Khắc Thuần, cựu phóng viên báo Quân khu 4, dẫn đến dự buổi họp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ với gần 800 cựu chiến binh của Sư đoàn 320 từ các tỉnh về tham dự. Những câu chuyện của các cựu chiến binh phát biểu trong và ngoài hội nghị hôm đó khiến tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Từ đó trong tôi cứ canh cánh tâm nguyện viết về tình nghĩa “lính Đồng Bằng”, về việc xây dựng các nhà bia trên điểm cao...

Trung tướng Khuất Duy Tiến thắp hương tại Nhà bia trên điểm cao 1015. 

Tôi quen biết anh Lê Mạnh Hải từ dịp đó. Anh là trưởng Ban liên lạc truyền thống (LLTT) Đại đoàn Đồng Bằng-Sư đoàn 320-ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Lê Mạnh Hải nhập ngũ tháng 5-1971, thuộc biên chế Tiểu đoàn vận tải bộ của Sư đoàn 320. Anh đã tham gia chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972, chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1977 và làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia... Năm 1982, sau 3 năm tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc, anh chuyển ngành về tiếp tục công tác ở quê nhà, đến năm 2007 thì nghỉ hưu tại Sở Công nghiệp tỉnh Nghệ An.

Hạ tuần tháng 12-2017, Ban LLTT Đại đoàn Đồng Bằng-Sư đoàn 320 Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức gặp mặt kỷ niệm 75 năm thành lập QĐND Việt Nam. Khi Trưởng ban Lê Mạnh Hải báo cáo về chủ trương xây dựng nhà bia và những khó khăn như đã nêu trên, hàng trăm cánh tay cựu chiến binh đang có mặt đã giơ cao xung phong trở về chiến trường xưa tham gia xây dựng Nhà bia tưởng niệm đồng đội. Nhìn những gương mặt già nua, nhăn nheo, những mái tóc bạc phơ, những nắm tay quả quyết, ánh mắt sáng long lanh ngấn lệ và những lời phát biểu đầy nhiệt huyết, trong lòng Lê Mạnh Hải trào dâng niềm xúc động và tin tưởng.

Lê Mạnh Hải báo cáo lên Trung tướng Khuất Duy Tiến và Ban LLTT Sư đoàn. Sau khi được cấp trên đồng ý, công việc được gấp rút triển khai. Việc lên danh sách những người được lựa chọn đi xây dựng cũng khá “vất vả”, vì các cựu chiến binh đều quyết tâm tham gia; trong khi “biên chế” chỉ cần khoảng 1 trung đội. Cuối cùng cũng chốt được danh sách 27 cựu chiến binh đảm bảo sức khỏe, điều kiện gia đình và chọn thêm 1 phụ nữ đi cùng làm “chị nuôi”. Đồng thời, Lê Mạnh Hải quyết định cử thêm 8 cán bộ và công nhân kỹ thuật ở Công ty TNHH Phú Nguyên Hải của gia đình anh tham gia đoàn, làm lực lượng nòng cốt để giúp các cựu chiến binh hoàn thành tâm nguyện của họ. Tiếp đó là công tác chuẩn bị các mặt: Lương thực, thực phẩm, thuốc men y tế, quân trang, dụng cụ, phương tiện... Tất cả đều phải chặt chẽ, chu đáo, đầy đủ, chính quy như chuẩn bị bước vào chiến dịch thực thụ. Trước lễ xuất quân vào ngày 25-12-2017, mỗi thành viên đội tình nguyện đều viết “quyết tâm thư” như năm xưa mỗi lần vào trận...

Nói sao hết những gian lao vất vả của những người “đội đá” xây nhà bia trên “đỉnh trời”. Bấy giờ mặc dù là mùa khô, nhưng đường lên “đỉnh trời” vô cùng gian lao vất vả. Xe 2 cầu chở người nhiều hôm cũng nằm lại giữa đường bởi vì ban lốp. Xe độ thêm cầu chở vật liệu, xuất phát từ xã Rờ Kơi lúc mờ sáng thì cũng phải quá trưa mới lên tới đỉnh điểm cao, mà thùng xe chỉ chở được tối đa 2 mét khối vật liệu. Mỗi lít nước phục vụ thi công và sinh hoạt đưa được lên đây giá thành tương đương một chai nước ngoài thị trường. Những bao xi măng được gùi bằng vai trần, những thanh thép được ghép thành cáng khiêng, những viên đá được lăn từng bước... Đặc biệt, 2 tấm bia đá nặng hàng tấn cũng được đưa lên đỉnh núi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của những người lính già. Khi tấm bia thứ hai được cẩu đặt đúng vị trí nền móng, Lê Mạnh Hải và các cựu chiến binh đã ôm chầm nhau bật khóc... Bằng ý chí, công sức, kinh nghiệm và mưu trí của những người lính dạn dày trận mạc, cùng sự hỗ trợ rất lớn của chính quyền và nhân dân địa phương, hai công trình đã được thi công đúng tiến độ, bảo đảm kỹ thuật và mỹ thuật, đặc biệt là an toàn tuyệt đối. Đến lúc ấy mọi người mới biết: Lê Mạnh Hải đang mang trong mình máy tạo nhịp tim, lưng mang đai thoát vị đĩa đệm và cả 2 chân đang phải mang tất ni lông y khoa vì giãn tĩnh mạch...

Một ngày đầu tháng 5-2018, lễ khánh thành 2 Nhà bia tưởng niệm trên 2 cao điểm 1015 và 1049 được tổ chức trọng thể. Trung tướng Khuất Duy Tiến, khi đó 88 tuổi và Trung tướng Nguyễn Quốc Thước 92 tuổi (nguyên TMT Mặt trận Tây Nguyên) cùng nhiều tướng lĩnh và đông đảo các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320, thân nhân của các liệt sĩ đã tham gia chiến đấu và hy sinh tại nơi đây, đã có mặt. Đại diện lãnh đạo Đảng và chính quyền địa phương cùng đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã đến dâng hương, thực hiện các nghi thức tâm linh truyền thống. Ai ai cũng bày tỏ tấm lòng thành kính tri ân các anh hùng liệt sĩ và chia vui với chiến công mới của những người lính cũ trên chiến trường xưa...

Ngày 18-1-2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 93/QĐ-TTg về việc bổ sung Di tích lịch sử Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049, thuộc huyện Sa Thầy và huyện Đak Tô, tỉnh Kon Tum vào Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh đã được xếp hạng tại Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Từ nay, 2 điểm cao 1015 và 1049 chót vót chênh vênh như “đỉnh trời” giữa trùng điệp núi rừng Tây Nguyên, đã trở thành những địa chỉ lịch sử văn hóa đặc biệt của Tây Nguyên và cả nước.

MAI NAM THẮNG