Nhiều bệnh nhân trong số đó được đưa vào điều trị, phục hồi tại Bệnh viện Quân y 7A. Không hẹn mà gặp ở môi trường đặc biệt này, những bệnh nhân quân nhân đã nêu cao tinh thần đoàn kết, tình thương yêu đồng chí, đồng đội, lan tỏa tương thân tương ái đến với mọi bệnh nhân...

Khúc quân hành trên giường bệnh

Tôi vừa tập thể dục xong thì một bệnh nhân trẻ, nước da ngăm đen, mới nhập viện tối hôm trước, bước đến lễ phép:

- Dạ! Chú là bộ đội, chú ở đơn vị nào ạ?

- Sao cháu biết chú là bộ đội?

- Cháu thấy chú tập các bài thể dục trong quân đội nên cháu biết ạ!

Ra là thế! Giữa hàng trăm bệnh nhân, đồng đội Bộ đội Cụ Hồ luôn có những tín hiệu riêng để nhận ra nhau. Trong thời gian nằm viện, tôi nhận ra những bệnh nhân là quân nhân thông qua trang phục hoặc trực tiếp hỏi chuyện, còn chiến sĩ trẻ này thì chỉ cần nhìn tôi tập thể dục là đã nhận ra “người quen”. Chiến sĩ ấy là R.C.D, học viên Trường Sĩ quan Lục quân 2. D cùng đồng đội được nhà trường điều động lên TP Hồ Chí Minh giúp dân trong các “vùng đỏ” dịch bệnh.

Suốt mấy tháng ròng, đơn vị chia thành từng tổ, tỏa về các phường, xã, lấy trụ sở, trường học của địa phương làm điểm trú quân, hằng ngày phân công nhau đi vào các con hẻm, khu dân cư của người lao động nghèo, giúp dân mọi việc. Đồng đội của D làm nhiệm vụ ở các huyện vùng ven để giúp dân gặt lúa, thu hoạch hoa màu, sửa sang nhà cửa... Công việc đang bộn bề thì D bị mắc Covid-19, được đơn vị đưa vào đây. Chàng trai người dân tộc Gia Rai ở Tây Nguyên cảm thán:

- Thời gian đi giúp dân phòng, chống dịch rất vất vả, khó khăn, dễ lây nhiễm, nhưng đó là sự trải nghiệm rất bổ ích đối với những sĩ quan tương lai. Tụi cháu học hỏi, tích lũy được rất nhiều kỹ năng, kinh nghiệm về công tác dân vận, về cách tổ chức, phối hợp các lực lượng thực hiện những nhiệm vụ đột xuất. Tiếc là giờ đây, cháu không thể đồng hành với đồng đội.

leftcenterrightdel
Phút chia tay giữa bệnh nhân D.A.H, chiến sĩ Trung đoàn Gia Định với bệnh nhân, Thượng tá V.Q.S, nguyên cán bộ Tổng cục II. 

Nét đặc thù của Phân khoa điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 7A là ở đây có nhiều bệnh nhân là quân nhân. Họ là những cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội được chi viện làm nhiệm vụ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các địa phương địa bàn Quân khu 7, bị nhiễm Covid-19 trong quá trình giúp dân phòng, chống dịch.

Những quân nhân đi làm nhiệm vụ trong vùng dịch đều đã được tiêm vaccine, ít nhất là một mũi, vì vậy, khi nhiễm Covid-19, nhập viện, chưa có cán bộ, chiến sĩ nào phải chữa trị, hồi sức trong thế giới áp lực âm. Tất cả bệnh nhân là quân nhân đều được điều trị trong khu vực triệu chứng nhẹ và vừa, một số trường hợp chuyển nặng đã được các bác sĩ can thiệp kịp thời bằng phác đồ của Bộ Y tế nên không nguy hiểm đến tính mạng.

Chẳng hẹn mà gặp trong điều kiện bất đắc dĩ này, sự nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau trên tình thương yêu đồng chí, đồng đội đã trở thành động lực, chất xúc tác giúp các bệnh nhân, quân nhân nhanh bình phục hơn.

Những chiến sĩ trẻ như R.C.D luôn được các cán bộ, sĩ quan ở những cơ quan, đơn vị đang điều trị tại bệnh viện coi như con em trong nhà, yêu quý như chiến sĩ thuộc quyền, dù trước đó họ chưa từng biết nhau. Từ ly nước cam, hộp sữa, giỏ trái cây... cán bộ, chiến sĩ đều san sẻ, dành phần cho nhau. Các chiến sĩ cũng trân quý thế hệ đi trước, coi như thủ trưởng trong đơn vị, như cha, anh trong gia đình.

Nhờ có thể lực tốt và được chữa bệnh trong môi trường ấm áp tình đồng chí, đồng đội nên mặc dù phải cùng lúc điều trị Covid-19 và hồi sức do phẫu thuật vết thương ở vùng bụng nhưng D.A.H, chiến sĩ Trung đoàn Gia Định (Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh) là một trong những bệnh nhân được xuất viện sớm nhất, chỉ sau hai tuần nằm viện. Ngày ra viện, H trong bộ quân phục dã chiến y như lúc anh đang cùng đồng đội vận chuyển hàng hóa, đi chợ giúp dân, đến từng phòng tạm biệt mọi người.

Những cái ôm thật chặt, những cử chỉ thân thiết của tình thân, những lời dặn dò và chúc nhau của đồng đội Bộ đội Cụ Hồ trên giường bệnh trong cuộc chiến chống lại sự tàn phá của SARS-CoV-2 trong cơ thể, chẳng khác gì những cuộc chia tay trên đường ra trận. Thượng tá V.Q.S (nguyên cán bộ Tổng cục II) mở bản nhạc “Hát mãi khúc quân hành” trên điện thoại rồi ôm chầm chàng lính trẻ:

- Tiếp tục vững bước quân hành cháu nhé!

D.A.H cũng siết chặt bờ vai người cựu chiến binh:

- Các chú, các anh cũng luôn vang khúc quân hành trên giường bệnh để sớm được trở về ạ!

Tôi và mọi người tiễn H đi dọc hành lang, đến khung cửa có dòng chữ: “Khu cách ly đặc biệt điều trị Covid-19” mới quay lại. H được các nhân viên y tế xịt khử khuẩn rồi đi xuống cầu thang, bước lên xe đơn vị đang chờ sẵn. Trở về đơn vị, H lại tiếp tục cùng đồng đội vào tâm dịch giúp đỡ nhân dân, bởi những người như anh, sức đề kháng và hệ miễn dịch trong cơ thể đã tốt hơn rất nhiều so với trước.

H vừa xuất viện thì có thêm một tốp cán bộ, chiến sĩ được nhân viên y tế dẫn đến các phòng bệnh. Bệnh nhân ở các phòng nhanh chóng giúp đỡ, động viên, tiếp năng lượng tích cực cho đồng đội. Một trong những kỹ năng các F0 cần có trong quá trình điều trị Covid-19 là phối hợp các phương pháp Đông y cổ truyền như: Xông hơi, súc họng, bổ sung chế độ dinh dưỡng, thực hiện các bài tập vật lý trị liệu, tập hít thở, vận động cơ thể phù hợp với thể trạng sức khỏe và diễn tiến của bệnh v.v..

Bên cạnh hướng dẫn của bác sĩ, điều dưỡng viên, sự giúp đỡ của các bệnh nhân dành cho nhau hằng ngày, hằng giờ trên giường hết sức quan trọng, nhất là ở những mốc thời gian bệnh nhân xuất hiện nhiều triệu chứng cùng lúc. Chiến sĩ, bệnh nhân H.T.H (Bộ Tham mưu Quân khu 7) tâm sự:

- Tụi cháu được các chú, các anh quan tâm, giúp đỡ tận tình nên có cảm giác như đang được chữa bệnh bên cạnh người thân. Các kỹ năng, kinh nghiệm và sự quan tâm, chăm sóc ấy giúp tụi cháu hồi phục sức khỏe tốt hơn.

Thật thú vị và đáng yêu khi có những sĩ quan trẻ trước lúc khoác ba lô ra viện, bắt tay tạm biệt người ở lại, đã vui mừng thông báo rằng, chuyến này về, đợi cho dịch dã ổn định, sẽ cưới vợ. Có những mối tình đã ươm mầm trong trái tim người lính từ đợt công tác đặc biệt tại vùng tâm dịch. Sự khốc liệt của đại dịch Covid-19 không thể ngăn được nhịp đời sinh sôi. Nơi gian khổ nhất cũng chính là nơi tình yêu người lính đơm hoa kết trái...

Giấc mơ của lão bệnh nhân

Tình cảm yêu thương, gắn bó giữa các bệnh nhân là quân nhân đã trở thành sợi dây nhân ái, lan tỏa, gắn kết các bệnh nhân cùng hoàn cảnh với nhau để chia ngọt sẻ bùi, tương thân tương ái vượt qua thách thức của dịch bệnh trong điều kiện không có người thân bên cạnh.

Bệnh nhân N.T.T, ngụ tại quận 5, TP Hồ Chí Minh xúc động bày tỏ:

- Tôi đã nhiều lần đi chữa bệnh ở các bệnh viện, nhưng chưa lần nào trong lòng thấy ấm áp, cảm động như lần này. Khi mới nhập viện, tôi rất hoang mang, sợ rằng có đi mà không hẹn ngày về. Cảm giác cô đơn, trống trải khi nằm trên giường bệnh không có người thân, gia đình chăm sóc. Vậy nhưng, được điều trị chung khu vực với các chú bộ đội, chúng tôi được các chú giúp đỡ rất nhiều, các chú đã tiếp thêm niềm tin, nghị lực giúp tôi củng cố sức mạnh tinh thần, yên tâm điều trị bệnh để mong sớm được trở về nhà.

Trong môi trường đặc thù này, bệnh nhân nào nhanh bình phục, ít nhất cũng nằm viện 2-3 tuần. Bệnh nhân chậm hơn thì vài ba tháng, thậm chí lâu hơn. Có những trường hợp xét nghiệm đã âm tính với Covid-19 nhưng các tế bào và cơ quan nội tạng, nhất là phổi và máu bị tổn thương, lại phải tiếp tục điều trị dài ngày. Trong bối cảnh đó, nỗi lo bệnh chuyển nặng, nỗi nhớ nhà, thiếu sự chăm sóc của người thân khiến các bệnh nhân luôn cần đến sự quan tâm, chia sẻ cùng nhau.

Lan tỏa tinh thần yêu thương của bộ đội, các bệnh nhân như chị T cũng hòa chung bầu không khí trao gửi yêu thương, luôn đỡ đần, động viên nhau trong mọi việc. Nhờ đó, tầng bệnh đã bớt đi những tiếng khóc lóc, than vãn, rên la... Tinh thần lạc quan thế chỗ cho sự tự ti, mặc cảm và nhất là đã góp phần chế ngự nỗi sợ cái chết, giảm triệu chứng trầm cảm vốn là bóng ma ám ảnh những bệnh nhân Covid-19 có xu hướng chuyển nặng...

Người già và bệnh nhi là những đối tượng được các bệnh nhân dành sự quan tâm, chăm sóc, động viên nhiều hơn cả. Cũng nhờ đó, con trai tôi sau một tuần nằm viện đã tự tin ngủ riêng mà không cần nhiều sự ôm ấp, dỗ dành của bố.

Sau nhiều ngày bị các triệu chứng Covid-19 hành hạ, có nhiều thời điểm phải thở máy do oxy trong máu bị giảm sâu, đến một ngày đẹp trời, cụ P.V.O, ngụ tại quận 5, TP Hồ Chí Minh đã tỉnh táo. Cụ được các bệnh nhân cùng phòng dìu ra ngồi trước hành lang tắm nắng.

Phía tòa nhà đối diện, những ông bố trẻ đến bệnh viện chăm sóc vợ lâm bồn ở Khoa Phụ sản, cũng ẵm con ra tắm nắng. Chỉ cách nhau có mấy chục mét theo đường chim bay, nhưng hai tòa nhà là hai thế giới đối lập. Một bên là cuộc chiến với tử thần Covid-19 của các bệnh nhân, bên kia là âm thanh khai mở của nhịp đời sinh sôi. Nghe tiếng khóc của những em bé sơ sinh, cụ O nở nụ cười lạc quan. Hai tuần nằm điều trị gần nhau, đây là lần đầu tiên tôi thấy cụ O cười.

Cụ tâm sự, suốt nhiều đêm lo lắng, bất an, mất ngủ, tình cảm và sự chăm sóc của các bác sĩ, điều dưỡng viên và sự quan tâm, giúp đỡ của các bệnh nhân đã giúp cụ vững tâm hơn. Đêm qua, cụ ngủ tốt. Trong giấc mơ, cụ thấy gia đình cụ có thêm một đứa cháu thật bụ bẫm, dễ thương: “Trẻ con như những thiên thần. Mơ thấy thiên thần đến nhà, đó là điềm lành”-cụ nói và cười móm mém, rồi lại nhìn về phía tòa nhà đối diện, nơi nhịp đời đang rạo rực sinh sôi...

Phóng sự của THANH KIM TÙNG