Thời điểm đó, Phân khoa điều trị Covid, Bệnh viện Quân y 7A có 4 trường hợp (gồm 1 bác sĩ và 3 điều dưỡng viên) bị F0. Họ như những chiến binh, bất đắc dĩ phải rời trận địa trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn biến vô cùng cam go, khốc liệt...

“Cái vết thương xoàng mà đưa viện...”

Phòng bệnh số 327 cạnh phòng tôi, có một bệnh nhân là cựu chiến binh được xuất viện sau gần hai tháng điều trị. Ông ra viện buổi sáng thì ngay chiều hôm đó, phòng bệnh đón thêm một nam bệnh nhân mới. Dù khuôn mặt bị che khuất bởi khẩu trang nhưng nhìn vóc dáng, tôi thấy rất quen. Gặp tôi, anh đưa khuỷu tay chào theo cách người thân chào nhau thời Covid, rồi nói:

- Em là Chinh ở thế giới áp lực âm đây!

Thì ra là điều dưỡng Hà Văn Chinh, sinh năm 1983, một trong 8 điều dưỡng viên giàu kinh nghiệm, được bệnh viện phân công chuyên trách điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid đặc biệt nặng và nguy kịch. Làm việc trong môi trường nguy cơ lây nhiễm từ bệnh nhân rất cao nên các bác sĩ, điều dưỡng viên được trang bị đầy đủ công cụ bảo hộ, được tập huấn kỹ lưỡng các kỹ năng bảo vệ bản thân, thế những vẫn không tránh khỏi dính F0. Như hiểu được điều tôi đang băn khoăn, Hà Văn Chinh tâm sự:

- Em là điều dưỡng viên của phòng mổ. Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, em được lãnh đạo bệnh viện điều đi tăng cường cho Bệnh viện Đa khoa Lê Văn Việt, ở thành phố Thủ Đức. Mấy tháng trời căng sức, gồng mình vượt khó, đã tiếp xúc, tham gia điều trị, chăm sóc cho hàng trăm bệnh nhân F0 mà vẫn bảo đảm an toàn sinh học cho bản thân. Vậy mà sau gần hai tháng được điều về đây làm việc trong thế giới áp lực âm thì lại bị dính Covid. Buồn quá!

leftcenterrightdel
Điều dưỡng Hà Văn Chinh được đồng nghiệp chăm sóc sau khi nhiễm Covid-19. 

Chinh buồn không phải vì bản thân bị nhiễm virus SARS-CoV-2 mà bởi anh phải rời bệnh nhân trong lúc áp lực công việc đang chồng chất, đồng đội anh phải gánh vác mọi thứ. Tình thế lúc này chả khác gì người chiến sĩ trên chiến trường. Cuộc chiến đấu đang vào giai đoạn khốc liệt thì bị thương, phải rời trận địa. Không được trực tiếp cùng đồng đội chiến đấu trong khi họ đang bị quá tải là điều khiến anh trăn trở, day dứt.

Chinh nhắc lại câu chuyện của người chiến sĩ lái xe vượt Trường Sơn trong bài thơ “Nhớ” rất nổi tiếng của Phạm Tiến Duật để nói về tâm trạng của mình: “Cái vết thương xoàng mà đưa viện/ Hàng còn chờ đó tiếng xe reo/ Nằm ngửa nhớ trăng nằm nghiêng nhớ bến/ Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo...”. Anh chiến sĩ lái xe nhớ trăng, nhớ bến, nhớ đèo..., còn người chiến sĩ quân y thì nhớ bệnh nhân. Chinh rời thế giới áp lực âm khi đang chăm sóc cho hai bệnh nhân cao tuổi đặc biệt nặng.

Yếu nhất là cụ ông sau nhiều ngày phải thở oxy cao áp bằng máy HFNC, đã chuyển sang thở oxy qua mặt nạ có túi dự trữ. Thực hiện phác đồ và chỉ định của bác sĩ, khi bệnh nhân có dấu hiệu tỉnh táo trở lại, Chinh đã hướng dẫn cho cụ tập thở, hỗ trợ các tư thế nằm để cụ tự thở. Ca bệnh thứ hai, rất đặc biệt, đó là bệnh nhân nữ cao tuổi mắc bệnh loãng xương. Cứ đụng đến cơ thể là cụ kêu đau. Xương của cụ giòn và dễ gãy như thủy tinh, đòi hỏi điều dưỡng viên phải rất nhẹ nhàng, có kỹ năng, kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân đặc biệt mới có thể đảm đương công việc.

Khi lực lượng còn đủ 100%, từng người đã phải làm việc luôn tay luôn chân. Nay, có người phải rời trận địa, sẽ tạo nên sự xáo trộn của cả hệ thống. Dù biết đồng đội chẳng ai kêu ca, phàn nàn, ai cũng sẵn sàng gánh vác công việc cho nhau, nhưng sự khốc liệt của Covid là như thế. Khi đã dương tính với loại virus chết người này, phải lập tức cách ly, điều trị ngay.

Nói là “cái vết thương xoàng...” nhưng rồi nó chẳng xoàng như Chinh nghĩ. Chỉ nửa ngày sau khi nhập viện, Chinh bắt đầu bị các triệu chứng của bệnh Covid hành hạ, dù đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Cơ thể bị sốt, ho nhiều, cổ họng đau rát, đầu óc quay cuồng... Biến chủng Delta có tốc độ lây lan khủng khiếp, đồng thời cũng khiến bệnh nhân có dấu hiệu chuyển bệnh rất nhanh. Liên tiếp những ngày sau đó, Chinh nằm bẹp một chỗ.

Những đồng đội của anh, vừa chăm sóc cho các bệnh nhân khác, vừa động viên, tiếp sức cho anh. Cũng giống như tôi, vượt qua tuần đầu tiên rất khó khăn và mệt mỏi, Chinh dần bình phục. Nghe đồng đội của anh kể, tôi thêm khâm phục, yêu quý anh. Vợ Chinh là bác sĩ của Bệnh viện 115, cùng chồng xung phong lên tuyến đầu chống dịch và cũng đã bị dương tính với Covid-19. Hai vợ chồng đều là chiến sĩ xung kích trên tuyến đầu, phải gửi hai con nhỏ nhờ ông bà nuôi dưỡng, chăm sóc. Vợ chồng Chinh bị mắc Covid nhưng không dám nói với người thân, gia đình, sợ mọi người lo lắng. Đã mấy tháng trời ròng rã, dù khoảng cách địa lý chỉ cách nhau có mấy cây số nhưng vợ chồng, con cái chưa lần nào gặp nhau. Mỗi ngày chỉ có ít phút giao tiếp với nhau qua điện thoại trước giờ đi ngủ...

Những hy sinh thầm lặng

Hà Văn Chinh vừa nhập viện thì vài hôm sau, đồng nghiệp của anh, nữ điều dưỡng Đỗ Thị Thanh Hồng cũng phải ngậm ngùi rời trận địa vì bị nhiễm Covid. Hồng là điều dưỡng viên giàu kinh nghiệm, luôn tận tâm, tận lực với mọi bệnh nhân. Tôi đã nhiều lần chứng kiến Hồng chăm sóc, phục vụ bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nữ cao tuổi ở thế giới áp lực âm. Vóc người đậm, đôi bàn tay mềm mại, khéo léo, Hồng vừa chăm sóc, giúp đỡ các bệnh nhân mọi sinh hoạt cá nhân, vừa nhỏ nhẹ trò chuyện, động viên, tiếp năng lượng tích cực mỗi khi bệnh nhân tỉnh táo.

Cũng giống như Hà Văn Chinh, công việc chăm sóc bệnh nhân hồi sức trong thế giới áp lực âm đang rất bận bịu và áp lực thì Đỗ Thị Thanh Hồng đột ngột bị lây nhiễm SARS-CoV-2. Hai điều dưỡng viên dày dạn kinh nghiệm phải rời trận địa cùng thời điểm, khiến áp lực công việc trong thế giới áp lực âm càng nặng nề hơn. Mọi việc đành phải để những đồng đội còn lại gánh vác. Chưa hết, ngay sau đó, ở tầng điều trị bệnh nhân Covid nhẹ, vừa và bệnh nhân chuyển nặng, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn và điều dưỡng viên Lương Lý Linh cũng bị dương tính với SARS-CoV-2, phải rời trận địa. Trung tá, bác sĩ chuyên khoa II Tăng Thị Mộng Thu, Quyền Chủ nhiệm khoa Truyền nhiễm-Da liễu tâm sự:

- Nguồn nhân lực y tế của Bệnh viện Quân y 7A phải “chia năm sẻ bảy” chi viện cho các bệnh viện dã chiến số 5A, 5B, 5C... nên đã bị thiếu hụt trầm trọng. Khi Phân khoa điều trị Covid có bác sĩ, điều dưỡng viên bị F0, chúng tôi vô cùng lo lắng. Lực lượng chiến đấu chỉ có thế. Khi có đồng chí của mình phải rời trận địa thì những đồng đội khác phải thay phiên nhau đảm đương công việc, không được để bệnh nhân phải chịu thiệt thòi hay thiếu hụt bất cứ điều gì.

Điều dưỡng viên Ngân Thảo, một trong những cô gái trẻ nhất Phân khoa điều trị Covid tâm sự rằng, khi nhận nhiệm vụ điều trị, chăm sóc bệnh nhân F0, ai cũng đã xác định tinh thần sẵn sàng chấp nhận bị lây nhiễm. Một ngày, một tuần có thể tránh được, nhưng trường kỳ tháng này qua tháng khác, thường xuyên tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân, dù có bảo hộ kín đến mấy, phòng dịch tốt đến mấy cũng khó đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Ngân Thảo mới ngoài hai mươi tuổi, vừa đón sinh nhật đáng nhớ tại bệnh viện. Các đồng nghiệp yêu quý nhau, nhờ người đặt mua một chiếc bánh kem và cây nến bé xíu tổ chức sinh nhật cho Thảo sau ca trực. Cô bé thường ngày luôn được ba chở đi học, đi làm, vậy mà đã mấy tháng nay cùng đồng đội cấm trại, bám bệnh viện 24/24 giờ thực hiện nhiệm vụ. Hằng đêm sau giờ trực, những bác sĩ, điều dưỡng viên trẻ như: Minh, Vũ, Duẩn, Nguyên, Lương, Phong, Tuyền, Hải, Sen, Tuyên, Nga... tháo đồ bảo hộ, trên gương mặt vẫn hằn sâu dấu vết của khẩu trang, dây đeo kính chắn... Đã mấy tháng trời, ngay cả Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, các chị em cũng không có cơ hội để tô son, điểm phấn.

Là người được lãnh đạo bệnh viện giao phụ trách Phân khoa điều trị Covid, bác sĩ Phạm Đình Duy luôn động viên, an ủi các đồng nghiệp vì những hy sinh, thiệt thòi khi làm nhiệm vụ đặc biệt trên tuyến đầu. Vậy nhưng, ở đây ai cũng biết, chính anh là một trong những người chịu hy sinh nhiều nhất. Vợ của Duy là bác sĩ của Bệnh viện Quân y 175. Khi dịch Covid-19 bùng phát, hai vợ chồng đưa con nhỏ 5 tuổi về quê Trảng Bàng (Tây Ninh) gửi ông bà chăm sóc.

Kể từ đó, họ cuốn vào nhiệm vụ, không một ngày được ngơi nghỉ. 5 tháng ròng rã vợ chồng chưa gặp nhau, nỗi nhớ nhau và nỗi nhớ con bùng lên hằng đêm, nhất là sau khi cởi bỏ bộ đồ bảo hộ, ngả lưng xuống chiếc giường đơn trong bệnh viện tìm giấc ngủ. Có nhiều đêm công việc áp lực, vất vả, hồi sức cho bệnh nhân đến rạng sáng mới chợp mắt được. Đang mơ vợ chồng, con cái sum họp thì nghe tiếng điều dưỡng viên gọi gấp, thế là anh lại tất tả mặc đồ bảo hộ lao ngay vào công việc.

Ở các tầng điều trị bệnh nhân Covid, gần như không có khái niệm ngày và đêm. Bóng điện ở hành lang các tầng điều trị luôn sáng trưng. Những chuyến xe đẩy vận chuyển bình oxy, máy móc, thiết bị, tiếng bước chân gấp gáp của đội ngũ thầy thuốc cấp cứu bệnh nhân chuyển nặng qua lại liên tục. Hơn hai tuần điều trị Covid tại đây, tôi đã quá quen với những âm thanh “leng keng”, “tít tít” của các loại máy móc, thiết bị y tế chuyên dụng.

Ám ảnh nhất là âm thanh “khùng khục” của những cơn ho, tiếng la hét, rên rỉ của nhiều bệnh nhân và đặc biệt là tiếng rít liên hồi của âm thanh báo động ở tầng điều trị bệnh nhân chuyển nặng. Đó là dấu hiệu cho thấy có những bệnh nhân đang gặp nguy hiểm khi các chỉ số sinh tồn tụt xuống dưới ngưỡng an toàn. Tất cả đều phải được thông báo và xử lý kịp thời. Chỉ chậm vài giây hoặc sơ suất một chi tiết nhỏ, cái giá phải trả là rất khó nói trước. Bởi thế, làm việc trong môi trường đặc thù và đặc biệt này, đội ngũ thầy thuốc quân y không ai cho phép mình được chủ quan, sao nhãng, dù chỉ là một tích tắc.

Đó là những cống hiến, hy sinh thầm lặng mà nếu không phải người trong cuộc, rất khó để hình dung và cảm thấu một cách đầy đủ.

(còn nữa)

Phóng sự của THANH KIM TÙNG