Về yếu tố kỹ thuật, nó là một căn phòng được đóng pano tường, sử dụng hệ thống kiểm soát áp suất và điều khiển nhiệt độ, áp dụng bộ lọc Hepa, bảo đảm cho không khí được lọc đạt đến 99,95% độ an toàn theo tiêu chuẩn châu Âu và 99,97% theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ. Phòng cách ly áp lực âm được trang bị đầy đủ các loại máy móc, phương tiện y tế hiện đại, chuyên dùng cho hồi sức, cấp cứu bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch...

Thâm nhập thế giới áp lực âm

Tôi được bác sĩ thông báo, dù vẫn còn dương tính với SARS-CoV-2 nhưng triệu chứng bệnh của tôi đã giảm nhiều, thể trạng sức khỏe tương đối ổn, có thể làm việc nhẹ nhàng. Được sự đồng ý của Đại tá, TS, bác sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Bệnh viện Quân y 7A, tôi được phép thâm nhập thực tế tại các khu vực bệnh nhân thuộc Phân khoa Điều trị Covid-19. Nơi tôi dành sự quan tâm nhiều nhất là phòng cách ly áp lực âm. Đó là một không gian riêng biệt và đặc biệt, nơi diễn ra những cuộc giao tranh cam go giữa sự sống và cái chết, giữa lối rẽ âm dương nơi ngã ba sinh tử. Bởi vậy, căn phòng đặc biệt ấy được gọi bằng cái tên đúng với bản chất của nó: Thế giới áp lực âm!

Hiện đại, tốn kém và rất kỳ công để các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 có được một phòng cách ly áp lực âm đạt chuẩn. Vậy nhưng, với các bệnh nhân và các bác sĩ, không ai mong muốn trở thành chủ nhân và đối tượng của không gian vô cùng nhạy cảm này. Thấy tôi ngạc nhiên, Đại úy, bác sĩ Phạm Đình Duy lý giải nôm na như sau:

- Bệnh nhân được đưa vào phòng cách ly áp lực âm là những người có bệnh lý diễn biến đặc biệt nặng và nguy kịch. Khi đã vào đây, đại đa số bệnh nhân hầu như không còn sức lực để tự điều khiển hành vi. Nhiều người rơi vào tình trạng hôn mê sâu, chết lâm sàng, các bệnh nền diễn biến nặng, tiên liệu tử vong. Nhiều trường hợp bác sĩ biết cơ hội cứu sống cho bệnh nhân đã gần như vô vọng, nhưng vẫn làm tất cả với khát vọng, quyết tâm duy nhất là giành giật với tử thần, đưa được bệnh nhân hướng về ngả sinh giữa lối rẽ sinh tử.

Lần đầu tiên tôi được các bác sĩ đồng ý cho tiếp cận thế giới áp lực âm là buổi tối một ngày đầu tháng 10. Do bên trong không gian đặc biệt ấy đang có 5 bệnh nhân, trong đó 4 bệnh nhân ở tình trạng “thập tử nhất sinh” nên tôi chỉ được phép đứng bên ngoài quan sát qua tấm cửa kính. Để thuận lợi cho công việc của tôi, các nhân viên y tế đã nhiệt tình xịt cồn, lau cửa kính trong suốt.

leftcenterrightdel
Một góc thế giới áp lực âm thuộc Phân khoa Điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 7A. 

Thế giới áp lực âm của Bệnh viện Quân y 7A là một căn phòng rộng khoảng 80m2. Trong phòng kê 5 giường bệnh, trường hợp khẩn cấp có thể tăng lên đến vài chục giường. Nhìn từ bên ngoài, nó cũng giống như bất cứ một phòng bệnh nào, chỉ khác, hệ thống máy thở, phương tiện y tế bên trong nó có thể chất đầy trên một chuyến xe tải. Bệnh nhân khi được đưa vào đây phải cần đến nhiều loại máy móc, phương tiện y tế hiện đại, cùng với những thao tác kịp thời, chuẩn xác, quyết đoán của các bác sĩ và nhiều khi còn cần đến cả sự may mắn...

Nằm trong tầng điều trị bệnh nhân nặng, nhưng phòng cách ly áp lực âm được tách biệt hoàn toàn bằng những bức tường kín bưng, lối ra vào được bố trí đến hai lớp cửa kính. Hằng ngày, những bệnh nhân triệu chứng vừa và nhẹ vẫn tập luyện, thư giãn ở hành lang cách đó không xa, nhưng không mấy ai biết phía sau bức tường màu xanh dương ấy là một thế giới khác. Ở đó, khái niệm về không gian, thời gian chỉ là tương đối. Đó là ánh bình minh của những người may mắn và là khoảng hoàng hôn của những bệnh nhân tiên lượng tử vong...

Mỗi ngày như mọi ngày

Tôi dán mắt vào cửa kính quan sát. Trên các giường bệnh được phủ ga trắng toát, cơ thể các bệnh nhân, từ mũi, miệng, ngực, bụng, tay... đầy các loại dây và ống. Kíp trực hôm nay do bác sĩ Duy phụ trách. Mỗi giường bệnh được trang bị 2-3 loại máy. Các bác sĩ, điều dưỡng viên vừa kiểm tra các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân, vừa căng mắt nhìn vào màn hình gắn trên mỗi loại máy. Ở đó hiện lên những tín hiệu xanh, đỏ nhập nhằng kèm theo những âm thanh “tít... tít...” mà người ngoại đạo như tôi chẳng hiểu mô tê gì.

Bỗng, nữ bệnh nhân ở giường số 3A đột ngột lên cơn co giật. Ê kíp bác sĩ, điều dưỡng viên lập tức xúm lại xử lý. Không khí căng như người đi thăng bằng trên dây. Theo quan sát của tôi, có lẽ đây là bệnh nhân nguy kịch nhất trong số các bệnh nhân trong thế giới áp lực âm, bởi xung quanh giường của bệnh nhân này tập trung nhiều loại máy cồng kềnh, gồm máy thở, máy đặt nội khí quản, máy lọc máu... Cũng cần nói thêm một chút về con số 3A. Thứ tự các giường bệnh được đánh theo dãy số tự nhiên, nhưng con số 4 thì được đổi thành 3A. Hỏi lý do, tôi được bác sĩ Phạm Đình Duy giải thích:

- Nó chẳng phải là mê tín gì, nhưng giữa ngã ba sinh tử, làm được điều gì đó cho bệnh nhân thoải mái nhất về tâm lý thì người thầy thuốc phải làm. Nhiều bệnh nhân không thích con số 4 khi nằm giường bệnh, vì những lý do tín ngưỡng...

Tôi hiểu, điều trị bệnh nhân Covid-19 là cuộc chiến chưa từng có tiền lệ. Để có thể giúp bệnh nhân giành chiến thắng trong cuộc chiến sinh tử, người thầy thuốc phải nghiên cứu, tìm hiểu, áp dụng nhiều lĩnh vực vào y thuật, bao gồm cả văn hóa, tín ngưỡng, tâm lý và công tác tư tưởng... Mà những điều đó, đội ngũ thầy thuốc quân y có những thế mạnh riêng...

Bệnh nhân ở giường 3A là cụ bà tên P.T.C, 84 tuổi. Cụ bị mắc Covid-19 và được đưa vào Bệnh viện Quân y 7A điều trị gần một tháng nay. Vừa đặt mình xuống giường bệnh, cụ đã thều thào tâm sự với các bác sĩ, cụ mắc rất nhiều bệnh, nhưng cái bệnh cụ lo nhất đó là giới hạn của sinh mệnh con người. Sống được đến tuổi thượng thọ, đã nhập viện điều trị hàng chục lần, nhưng lần này cụ linh cảm lành ít dữ nhiều. Trước khi vào viện, cụ đã trăng trối với con cháu, có thể đây là cuộc ra đi không hẹn ngày về...

Mặc dù, các bác sĩ đã áp dụng phác đồ và các loại thuốc điều trị tốt nhất hiện có, dành cho cụ sự chăm sóc tận tình nhất, nhưng do bệnh nhân có nhiều bệnh nền rất nặng, đặc biệt là bệnh xuất huyết não, viêm phổi nặng, huyết áp cao, bệnh tim, mạch... nên diễn biến bệnh của cụ P.T.C ngày một nặng thêm. Sau thời gian điều trị tại khu vực bệnh nhân nặng, cụ được đưa vào phòng cách ly áp lực âm. Những ngày vừa qua, cụ trong trạng thái hôn mê, nhiều lúc hôn mê sâu, tưởng không qua khỏi, nhưng bằng những nỗ lực cao nhất, với sự trợ giúp của các phương tiện máy móc hiện đại, cụ lại hồi tỉnh...

22 giờ đêm, kíp bác sĩ, điều dưỡng viên hồi sức cấp cứu cho cụ P.T.C mới bước ra khỏi phòng áp lực âm. Cụ đã qua cơn nguy kịch. Ê kíp hồi sức để lại hai điều dưỡng viên theo dõi, còn lại trở về văn phòng. Họ vừa trải qua cuộc chiến cam go, cân não giành giật từng giây với tử thần để kéo dài sự sống cho bệnh nhân cao tuổi nhất ở đây. Tôi đưa khuỷu tay chạm vào khuỷu tay của các thầy thuốc để chúc mừng, bắt gặp ánh mắt họ sáng lên dưới ánh đèn. Mấy suất cơm hộp do nhân viên y tế phục vụ đưa vào để sẵn ở văn phòng từ cuối giờ chiều đã nguội ngắt, nhưng với bác sĩ Duy và các đồng nghiệp, đây là một trong những bữa ăn thực sự ngon, không chỉ vì đã quá đói, quá mệt, mà quan trọng, đó là bữa ăn sau một trận chiến khốc liệt mà chiến thắng tạm thời đã thuộc về họ...

Mỗi ngày như mọi ngày, các bác sĩ lại dành khoảng thời gian tạm gọi là thư thái trước lúc tranh thủ chợp mắt ngủ lấy sức để trả lời tin nhắn của thân nhân, gia đình bệnh nhân. Và tất nhiên, tin nhắn các bác sĩ gửi cho gia đình, con cháu cụ P.T.C cũng chỉ thông báo ngắn gọn rằng, cụ đã qua cơn nguy kịch, tình hình đã khá lên. Con cháu, thân nhân của cụ và của nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch ở đây không ai biết, để có được một dòng thông báo ngắn gọn ấy, đội ngũ thầy thuốc quân y đã phải chiến đấu gian khổ, khốc liệt như thế nào? Tôi chợt liên tưởng đến bộ phim phóng sự tài liệu “Ranh giới” của các đồng nghiệp VTV. Những diễn biến trong thế giới áp lực âm ở Bệnh viện Quân y 7A cũng khốc liệt không kém những nhân vật trong phim “Ranh giới”. Trực tiếp chứng kiến và trải nghiệm những thời khắc dài như trăm năm ở đây tôi mới hiểu, vì sao các thầy thuốc phải làm tất cả những gì có thể làm để cứu sống hoặc chí ít, kéo dài sự sống cho bệnh nhân. Ấy là bởi sự khốc liệt đến tàn nhẫn của đại dịch Covid-19. Bệnh nhân từ lúc nhập viện đến khi, hoặc là trở về, hoặc là ra đi mãi mãi, không thể có bất cứ người thân nào bên cạnh. Nếu chẳng may rơi vào trường hợp thứ hai, thứ mà gia đình nhận được chỉ là một hũ tro cốt. Đau đớn lắm. Hơn ai hết, đội ngũ thầy thuốc là những người thấu cảm sâu sắc nhất nỗi đau ấy của thân nhân người bệnh tử vong.

Phía sau mỗi bệnh nhân trong thế giới áp lực âm là sự trông ngóng khắc khoải của biết bao người, đặc biệt là thân nhân, gia đình, họ hàng của họ. “Mỗi lần phải báo tin cho gia đình về một bệnh nhân tử vong, chúng tôi đau đớn lắm. Bên cạnh sự đau đớn cho thân nhân, gia đình của họ, còn là nỗi đau vì lực bất tòng tâm, vì sự thất bại trong cuộc chiến với tử thần mà trong nhiều trường hợp, y học phải bó tay. Vậy nên mọi người đều tự bảo nhau, phải cố gắng hết mọi khả năng để làm tốt nhất những gì có thể cho bệnh nhân và thân nhân, gia đình họ”, bác sĩ Duy tâm sự.(còn nữa)

Phóng sự của THANH KIM TÙNG