Là một bệnh nhân Covid-19, có hơn hai tuần điều trị tại Bệnh viện Quân y 7A (Quân khu 7), phóng viên Báo Quân đội nhân dân là người trong cuộc, mang đến cho độc giả những trải nghiệm thực tế, những góc nhìn cận cảnh về cuộc chiến rất đỗi khốc liệt và vinh quang giữa lằn ranh sinh tử...

Kỳ 1: Cuộc nhập vai bất đắc dĩ

Cả nhà tôi gồm 4 nhân khẩu, bị mắc Covid-19 vào ngày 22-9-2021. Rơi vào hoàn cảnh không ai mong muốn này, dù đã trấn an tâm lý nhưng tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác sốc và hoang mang...

Được sự hướng dẫn của các bác sĩ, gia đình tôi chia thành hai tuyến điều trị. Vợ và con trai lớn của tôi triệu chứng nhẹ, được cách ly, điều trị tại nhà dưới sự tư vấn, giám sát của tổ y tế lưu động. Tôi và con trai út bị nặng hơn, được chỉ định vào Bệnh viện Quân y 7A điều trị. Đây là cơ sở điều trị Covid-19 chủ lực của Quân khu 7 và là một trong những bệnh viện nòng cốt của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế tại khu vực phía Nam, điều trị bệnh nhân Covid-19 theo mô hình “bệnh viện tách tầng”, quy mô 100 giường bệnh, trong trường hợp cần thiết, có thể nâng cấp công năng lên gấp đôi.

Vừa là bệnh nhân, vừa là phóng viên, tôi vừa điều trị bệnh, vừa bước vào cuộc nhập vai tác nghiệp bất đắc dĩ...

Chiếc xe cấp cứu chuyên dụng của Bệnh viện Quân y 7A đến đỗ ở sân chung cư. Hai điều dưỡng viên trong bộ đồ bảo hộ kín mít cùng nhân viên y tế, lực lượng chức năng địa phương lên tận căn hộ dẫn chúng tôi xuống xe. Dù đã tự nhủ bản thân phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa tinh thần cho cả gia đình, nhưng khi nhìn hai dòng nước mắt của vợ chảy dài trên má trước lúc cánh cửa căn hộ khép lại, bóng mây của nỗi lo sợ cứ ập xuống tâm can tôi. Tôi ôm ngực, cố ghìm những cơn ho, đầu óc choáng váng, quay đầu bước theo nhân viên y tế, tránh để vợ con nhìn thấy hai mắt của mình đỏ hoe, trào nước. Tôi vừa bước đi thì lực lượng chức năng cũng giăng dây, dán biển báo phong tỏa căn hộ. Kể từ giây phút này, vợ và con trai lớn của tôi phải cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài...

leftcenterrightdel
Bác sĩ, điều dưỡng viên Phân khoa Điều trị Covid hướng dẫn bệnh nhân cao tuổi và bệnh nhi các hình thức luyện tập bổ trợ trong thời gian điều trị Covid-19. 

Khoảng sân chung cư và con hẻm dẫn ra đường lớn vắng ngắt. Cư dân trong chung cư được thông báo, ai ở đâu ở yên đấy, nhường thang máy cho chúng tôi và để lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ. Với những bệnh nhân F0 phải nhập viện, mọi cuộc ra đi, hoặc ra đi để trở về, hoặc ra đi không hẹn ngày về, đều có chung đặc điểm là không có bất cứ ai đưa tiễn.

Mới tuần trước, cả chung cư bàng hoàng nhận tin, bác Chương, bảo vệ chung cư, bị tử vong sau gần một tháng điều trị Covid-19 tại bệnh viện dã chiến. Gia đình vừa tiếp nhận hũ tro cốt của bác từ Ban chỉ huy quân sự quận. Hôm nay lại nhận tin cả nhà tôi là F0, một nửa gia đình phải nhập viện. Bầu không khí lo lắng, ngột ngạt bao trùm toàn khu chung cư. Chưa bao giờ tôi rơi vào trạng thái chông chênh như lúc này. Người duy nhất bên cạnh an ủi, động viên, tiếp sức cho chúng tôi kể từ giây phút này là các bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Quân y 7A.

“Chú và em cứ bình tĩnh. Mọi việc đã có chúng cháu hỗ trợ. Chú đừng quá lo lắng và căng thẳng mà ảnh hưởng đến sức khỏe”, cô điều dưỡng viên nói giọng miền Tây Nam Bộ, nhỏ nhẹ trấn an trong lúc hướng dẫn hai bố con tôi bước lên xe cấp cứu. Biết tôi là quân nhân, 4 chiến sĩ dân quân, dân phòng làm nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng y tế trong bộ đồ bảo hộ kín mít, đưa tay lên đầu chào theo điều lệnh, như để tiếp thêm năng lượng lạc quan, tích cực cho tôi...

Chiếc xe rồ máy, lao đi. Tiếng còi cấp cứu dội vào các bức tường bê tông vọng lại thứ âm thanh nhoi nhói, buôn buốt tận tâm can...

Phân khoa Điều trị Covid, Bệnh viện Quân y 7A là một tòa nhà 3 tầng, khu biệt với các khoa bệnh khác. 100 giường bệnh ở đây được bố trí thành các khu vực riêng, gồm: Khu vực dành cho bệnh nhân nhẹ và vừa, khu vực điều trị bệnh nhân nặng và phòng áp lực âm, là nơi diễn ra cuộc chiến giành giật sự sống căng thẳng nhất, áp lực nhất. Phòng áp lực âm được mệnh danh là “ngã ba sinh tử” của bệnh nhân Covid.

Việc thành lập phân khoa này thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 7 và đề nghị của Sở Y tế, UBND TP Hồ Chí Minh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trong vùng diễn biến rất phức tạp, khó lường, hệ thống y tế bị quá tải trầm trọng. Bệnh viện Quân y 7A có nhiệm vụ vừa thu dung, điều trị bệnh nhân là quân nhân, vừa “chia lửa” với y tế thành phố.

Cơ cấu tổ chức biên chế của phân khoa chỉ có 60 người, được huy động từ các khoa trong bệnh viện. Nhưng trước tình hình số lượng bệnh nhân nặng tăng cao, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, lãnh đạo bệnh viện đã huy động nguồn nhân lực tham gia điều trị, chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân lên đến hơn 100 người. Đa số các bác sĩ, điều dưỡng viên đều còn rất trẻ, rất nhiều người chưa có gia đình. Vậy nhưng những cô gái, chàng trai tuổi hai mươi vẫn thể hiện xuất sắc vai trò là những người “mẹ hiền” của bệnh nhân. Họ bó mình trong những bộ đồ bảo hộ chuyên dụng kín mít, nóng bức, từng giờ, từng phút tiếp xúc điều trị, chăm sóc sức khỏe cho hàng trăm bệnh nhân F0.

Hai bố con tôi được dẫn lên phòng bệnh bằng lối đi riêng, dưới sự hướng dẫn của hai điều dưỡng viên. Chúng tôi đi đến đâu, không gian ở đó được phun khử khuẩn ngay lập tức. Về sau tôi mới hiểu, sở dĩ chúng tôi được dẫn đi đường vòng là để tránh phải đi qua khu vực điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch. “Khi bệnh nhân mới nhập viện, bác sĩ phải thực hiện các biện pháp ổn định tâm lý, truyền năng lượng tích cực để tăng sức đề kháng cho bệnh nhân. Nếu đưa anh và cháu đi qua khu vực điều trị bệnh nhân nặng, nhìn thấy cảnh các bệnh nhân phải thở máy, la hét, sẽ dễ bị sốc tâm lý”, sau khi điều trị cho chúng tôi giảm các triệu chứng, Đại úy, bác sĩ Phạm Đình Duy, phụ trách Phân khoa Điều trị Covid mới tiết lộ như vậy.

Bệnh nhân vào đây không có người thân bên cạnh. Mọi việc đều do bệnh viện đảm nhiệm. Từ lúc thành lập phân khoa vào ngày 19-8-2021 đến nay, 100% cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng viên được lệnh cấm trại. Đặc biệt là với những bệnh nhân nặng, có bệnh nền, khi vào đây dễ bị sốc tâm lý, nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng hoảng loạn, la hét, khóc lóc, mất khả năng kiểm soát hành vi. Công tác tư tưởng, động viên, chữa bệnh bằng liệu pháp tâm lý và tình thương yêu của những người “mẹ hiền” dành cho bệnh nhân cũng quan trọng không kém y thuật.

Sau khi thực hiện các xét nghiệm và hội chẩn, tôi được xếp vào khu vực bệnh nhân triệu chứng vừa, có xu hướng chuyển nặng, phải áp dụng phác đồ điều trị bằng truyền thuốc kháng sinh, kháng khuẩn, kháng đông, kháng viêm vào tĩnh mạch và tiêm dưới da, uống thuốc và kết hợp điều trị bằng Đông y. 7 ngày đầu trong phác đồ điều trị là khoảng thời gian khó khăn nhất.

Mỗi ngày, mỗi giờ, tôi phải gồng mình chống chọi với những triệu chứng vô cùng khó chịu. Những cơn ho rũ rượi. Mỗi tiếng ho, cảm giác như bị ai đó giáng vào phổi mình một nhát búa tạ. Phổi như muốn vỡ vụn, thốc tháo ra khỏi vòm họng. Sau mỗi trận ho, người lảo đảo, đầu óc quay cuồng, cơ thể nóng hầm hập, tức ngực, khó thở. Ngồi dậy thì chóng mặt. Nằm xuống thì cảm giác như ngực bị đè bởi một hòn đá tảng. Tiếp đó là mất hoàn toàn khứu giác, vị giác, chướng bụng, trào ngược dạ dày, cổ họng đau rát...

Mỗi lần ăn, tôi phải gồng mình cố nuốt. Sau hai đêm liên tục không ngủ được, cơ thể tôi rũ như tàu lá, toàn thân đau nhức, mỏi nhừ, trọng lượng cơ thể sụt nhanh chóng. Sự tàn phá của loại virus chết người này vượt quá sức tưởng tượng của tôi. Các bệnh nhân ở những phòng bệnh cùng tầng, đa số chung hoàn cảnh như tôi, nhiều người phải thở oxy bằng máy. Rất may, con trai tôi dù xét nghiệm PCR cho thấy tải lượng virus ở mức đậm đặc (CT=11), nhưng các triệu chứng của cháu tương đối nhẹ và sức khỏe cháu hồi phục khá nhanh. Sự tiến triển tích cực của con chính là động lực để tôi tự cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất...

Trong hoàn cảnh đó, người giúp tôi vực dậy tinh thần và thể chất chính là các bác sĩ, điều dưỡng viên. Hàng loạt các cuộc lấy mẫu máu, mẫu nước tiểu xét nghiệm, chụp X-quang phổi, siêu âm, xét nghiệm PCR... được thực hiện ngay tại giường bệnh. Ngày cũng như đêm, các bác sĩ, điều dưỡng viên thay phiên túc trực, kiểm tra các chỉ số sinh tồn, truyền dịch và thuốc cho tôi và các bệnh nhân khác. Tôi nhận biết từng người qua ánh mắt sau lớp kính bảo hộ và tên người được viết sau lưng áo. Đó là các bác sĩ: Duy, Vũ, Minh... Các điều dưỡng viên: Duẩn, Nga, Mỹ Tuyên, Ngân Thảo... Họ thực sự là những người "mẹ hiền" chăm sóc chúng tôi chu đáo từng li từng tí.

Sau tuần đầu tiên gồng mình, căng sức chống chọi với các triệu chứng, có cảm giác mỗi ngày dài như thế kỷ, sức khỏe của tôi khá dần lên, các triệu chứng cũng giảm dần. Đến ngày thứ 8, tôi đã có thể bước ra hành lang quan sát, tiếp xúc an toàn với các bệnh nhân F0 cùng tầng điều trị. Khi sức khỏe khá lên, tôi tận dụng thời gian nằm viện để thực hiện công việc của một phóng viên...

Trong hơn hai tháng qua, Phân khoa Điều trị Covid, Bệnh viện Quân y 7A, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá, TS, bác sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc bệnh viện, đã nỗ lực vượt bậc, bước vào cuộc chiến đặc biệt cam go. Bệnh viện đã thu dung, điều trị cho hơn 200 bệnh nhân, trong đó có khoảng 30% là bệnh nhân nặng, đặc biệt nặng và nguy kịch. Rất đáng mừng và tự hào là đại đa số bệnh nhân nhập viện đều được điều trị khỏi bệnh, tái hòa nhập cộng đồng... 

(còn nữa)

Phóng sự của THANH KIM TÙNG