Trong hơn hai tháng qua, Bệnh viện Quân y 7A đã cấp giấy ra viện cho gần 200 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh, trở về sum họp với gia đình. Bên cạnh đó là 11 cuộc đưa tiễn đẫm nước mắt khi bệnh nhân vĩnh viễn đi về ngả tử từ thế giới áp lực âm. Đau đớn nhất là có những trường hợp đã được chữa khỏi bệnh, nhưng lại gục ngã trước sinh mệnh cuộc đời. Nghịch lý ấy chính là những nút thắt âm dương...

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

Một ngày mới lại bắt đầu. Tôi vừa bước ra ban công tập mấy động tác thể dục, vươn vai, hít thở đón bình minh thì điều dưỡng viên tên Minh bước vào. Đó là một chàng trai còn trẻ, rất nhiệt tình, niềm nở với các bệnh nhân. Minh thực hiện các thao tác đo huyết áp, nhiệt độ, kiểm tra chỉ số sinh học cho tôi rồi cất giọng trầm buồn:

- Đang có một ca phức tạp lắm chú ạ!

- Phức tạp thế nào?

- Tụi cháu đã tham gia điều trị, chăm sóc, phục vụ rất nhiều bệnh nhân, nhưng chưa thấy căn bệnh nào có những diễn biến phức tạp, khó lường như Covid-19. Không ít trường hợp đã được chữa khỏi bệnh, nhưng sau đó lại tử vong do các hội chứng hậu Covid-19. Đang có một ca như vậy đó chú!

leftcenterrightdel
Điều dưỡng viên hướng dẫn bệnh nhân cao tuổi các liệu pháp phục hồi hậu Covid-19. 

Tôi bỏ bữa ăn sáng, vội vàng đến phòng cách ly áp lực âm. Đêm qua, kíp bác sĩ, điều dưỡng viên vừa có thêm một đêm thức trắng để xử lý các tình huống sinh tử cho bệnh nhân nam tên K.V, 71 tuổi. Bệnh nhân nhập viện đã lâu và được chuyển vào hồi sức tại phòng cách ly áp lực âm mấy ngày nay. Ông K.V đã bị suy hô hấp nặng, các bệnh nền cao huyết áp, đái tháo đường diễn biến rất nặng, thể trạng rất yếu, tiên lượng tử vong. Các bác sĩ đã sử dụng máy HFNC cho bệnh nhân thở oxy dòng cao qua cannula mũi, kết hợp xử lý các triệu chứng nặng của tăng huyết áp, hạ đường trong máu, chống nhiễm trùng máu... Sau một thời gian hồi sức tích cực, bệnh nhân có tiến triển tốt. Khỏi phải nói về nỗi vui mừng của các thầy thuốc khi các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân ngày một khá lên. Đến khi bệnh nhân đã tỉnh táo, có thể tiếp xúc được bằng các giác quan thông thường, các bác sĩ, điều dưỡng viên đã thở phào vui sướng. Ai cũng mong muốn và hình dung một ngày gần nhất ông được ra viện, gia đình, họ hàng sum vầy, hạnh phúc đón ông trở về. Nghĩ đến cảnh ấy, những bác sĩ, điều dưỡng viên trực tiếp điều trị cho bệnh nhân K.V, ai cũng háo hức. Còn gì hạnh phúc hơn khi chính họ đã chiến thắng tử thần Covid-19 để đưa bệnh nhân từ cõi chết trở về.

Thế giới áp lực âm đồng nghĩa với những áp lực khủng khiếp mà hằng ngày, hằng giờ đội ngũ thầy thuốc phải đối mặt. Bởi vậy, đây cũng là nơi tập trung nguồn nhân lực chủ chốt, hùng hậu nhất của Phân khoa Điều trị Covid-19 so với các khu vực bệnh nhân vừa và nhẹ. Chuyên trách điều trị bệnh nhân trong thế giới áp lực âm gồm 3 bác sĩ và 8 điều dưỡng viên. Bình thường, họ chia thành 4 kíp trực. Trường hợp khẩn cấp thì huy động nhân lực bất kể ngày đêm...

Khi bệnh nhân K.V vừa tỉnh táo trở lại thì một tình huống nằm ngoài dự kiến của các thầy thuốc ập đến. Ông liên tục đòi được chết. 5 câu ông giao tiếp với bác sĩ, điều dưỡng viên thì có đến 3 câu ông xin bệnh viện để cho ông được chết. Ông không chịu ăn uống và bất hợp tác với mọi hành động của thầy thuốc. Kíp điều dưỡng viên trực chăm sóc sức khỏe cho ông phải liên tục xin ý kiến bác sĩ. Thế là phải huy động nhân lực và ưu tiên phương tiện máy móc hiện đại để xử lý. Các bác sĩ phải căng não nghĩ cách ổn định tinh thần cho bệnh nhân. Sau khi tham vấn ý kiến của các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành ở một số bệnh viện tuyến trên, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 7A nhận định, bệnh nhân rơi vào hội chứng hậu Covid-19 nặng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song cái chính là do bệnh nhân bị sang chấn nặng về tinh thần, tâm lý, dẫn đến trầm cảm nặng, hoang tưởng, sợ hãi, suy sụp tinh thần...

Chứng kiến những cơn vật vã và những câu nói ngắt quãng, yếu ớt, tuyệt vọng của ông K.V trên giường bệnh, tôi thấu hiểu thêm một bằng chứng về sức tàn phá khủng khiếp của Covid-19 đối với sức khỏe của những bệnh nhân diễn biến nặng. Nếu không có cơ hội chứng kiến như hôm nay, dù có giàu trí tưởng tượng đến mấy tôi cũng không thể hình dung nổi. So với họ, tôi và vợ con tôi vẫn còn may mắn gấp ngàn lần. Đứng ở một góc trong phòng áp lực âm với công việc của một phóng viên, tôi vẫn không tài nào thoát khỏi sự ám ảnh của một bệnh nhân. Một cơn lạnh ập đến, bắt đầu từ đỉnh đầu, tỏa xuống gáy, chạy dọc sống lưng và lan khắp cơ thể...

Tôi vội vã trở về phòng bệnh, uống một ly nước ấm và mở một bản nhạc vui trên điện thoại để giải tỏa tâm lý. Chỉ là sự chứng kiến của người ngoại đạo mà tôi đã sốc như vậy, đằng này, các bác sĩ, điều dưỡng viên hết ngày này sang ngày khác phải đánh vật với biết bao diễn biến bệnh lý của nhiều bệnh nhân bên bờ vực sinh tử, thực sự, họ phải có một thần kinh thép mới có thể trụ vững.

Một mặt, các bác sĩ, điều dưỡng viên thay phiên nhau túc trực bên giường bệnh 24/24 giờ, nhỏ nhẹ dỗ dành, động viên, chăm sóc để từng bước ổn định tâm lý cho bệnh nhân, mặt khác triển khai ngay các biện pháp chuyên môn. Những bệnh nhân rơi vào trạng thái trầm cảm nặng, tuyệt đối không để họ có cảm giác cô đơn, bị bỏ rơi. Vì vậy, bên giường bệnh lúc nào cũng phải có ít nhất hai người, vừa chăm sóc y tế, vừa như người mẹ truyền năng lượng tích cực cho bệnh nhân. Vậy nhưng, mọi cố gắng, nỗ lực của các thầy thuốc đã không mang lại kết quả như mong muốn. Sau khi tỉnh táo được một thời gian ngắn, các triệu chứng trước đó của bệnh nhân đột ngột chuyển nặng trở lại, diễn biến xấu. Huyết áp tăng đột ngột, suy hô hấp cấp. Bệnh nhân hôn mê sâu, thể trạng ngày càng yếu. Các bác sĩ phải cho bệnh nhân ăn bằng đường ống, tập trung nuôi dưỡng tĩnh mạch để kéo dài sự sống. Và tất cả sự nỗ lực, cố gắng cũng chỉ có thể làm được đến thế. Sau những ngày đêm “còn nước còn tát”, tập trung nhân lực và các phương tiện máy móc hiện đại nhất duy trì nhịp thở và nuôi tĩnh mạch, “tát” đến giọt sinh tồn cuối cùng, họ đành cúi đầu, chắp tay thành kính tiễn đưa ông đi về ngả tử. Thời khắc đau buồn tột độ đó xảy ra vào lúc 2 giờ sáng...

Tự gỡ nút thắt trong lòng

Là người thầy thuốc, không có nỗi đau nào lớn bằng nỗi đau thất bại, không có nỗi buồn nào lớn bằng nỗi buồn chia ly. Trong số 50 bệnh nhân đặc biệt nặng và nguy kịch được điều trị trong thế giới áp lực âm hơn hai tháng qua, các thầy thuốc quân y đã phải âm thầm nén nỗi đau buồn thực hiện 11 cuộc chia ly vĩnh viễn. Đó phần lớn là những bệnh nhân đã tiên lượng tử vong từ trước, do bệnh diễn biến quá nặng, lại có nhiều bệnh nền nguy hiểm, bác sĩ đành “lực bất tòng tâm”. Nhưng cũng có những cuộc chia ly mà tâm can thầy thuốc như bị buộc chặt bởi những nút thắt âm dương. “Trường hợp của ông K.V là ca bệnh chúng tôi bị ám ảnh nhất, đau nhất và tiếc nhất kể từ ngày thực hiện nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 đến nay. Chúng tôi đã đưa được bệnh nhân vượt qua cửa tử trong khoảng thời gian cam go, khốc liệt, khó khăn nhất, nhưng rồi cuối cùng, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Chúng tôi lại phải chấp nhận thất bại bởi hội chứng hậu Covid-19”, bác sĩ Phạm Đình Duy hai mắt đỏ hoe, ngấn nước, giọng rưng rưng chia sẻ với tôi. Ngồi bên cạnh anh, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, bác sĩ Nguyễn Thọ Quang và các điều dưỡng viên trong ê kíp trực tiếp điều trị, hồi sức, chăm sóc cho bệnh nhân K.V cũng chung tâm trạng đau buồn ấy.

Tôi chẳng biết nói gì để động viên họ. Nhìn vào mắt mỗi người, mắt tôi cũng cay xè. Dòng tin nhắn, cuộc điện thoại cho gia đình ông K.V lần này, đối với họ, mỗi chữ, mỗi lời nặng như núi. Không ai cả, ngoài họ và tôi hiểu rõ, ông đã ra đi như thế nào. Nhưng, những điều ấy mãi mãi không bao giờ xuất hiện trên bất kỳ hình thức thông báo nào...

Đó là nỗi đau khốc liệt của nhịp đời Covid-19 nơi ngã ba sinh tử, chỉ người trong cuộc mới thấu. Và cái nút thắt âm dương đang buộc chặt tâm can thầy thuốc, họ phải tự gỡ ra để tiếp tục bước vào cuộc chiến còn cam go phía trước...

Bẵng đi hai ngày, tôi không đủ can đảm bước vào thế giới áp lực âm. Tôi bị ám ảnh bởi những âm thanh, hình ảnh của các bệnh nhân bên bờ vực sinh tử. Thế rồi sáng nay, tôi được cô điều dưỡng viên trẻ thông báo, bệnh nhân cao tuổi nhất, cụ bà P.T.C, 84 tuổi, người được các bác sĩ, điều dưỡng viên giành giật với tử thần cứu chữa qua cơn nguy kịch tuần trước, đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc rạng sáng. Các thầy thuốc đã nỗ lực, tận tình cứu chữa, nhưng mọi cố gắng cũng chỉ có thể giúp cụ C kéo dài sự sống được một tuần lễ, do bệnh nhân bị viêm phổi nặng, xuất huyết não, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2... vô phương cứu chữa!

Hôm nay, phòng cách ly áp lực âm lại tiếp nhận thêm 3 bệnh nhân mới. Tôi vừa bước vào đã bắt gặp ngay ánh mắt của nam bệnh nhân ở giường số 5, tên C.N.C. Anh trạc tuổi tôi và là người có thể trạng tốt nhất trong số các bệnh nhân đang phải thở máy. Thấy sự xuất hiện của tôi, anh cố gượng dậy, muốn nói điều gì đó nhưng không nói được. Anh nhìn tôi không chớp mắt. Tôi hiểu, anh muốn tôi lại gần anh hơn, để anh cảm nhận được cuộc sống của một người bình thường đáng quý thế nào, để anh có thêm năng lượng tích cực, để anh vơi đi cảm giác cô đơn sau thời gian dài không được chứng kiến đời sống xã hội ngoài thế giới áp lực âm. Tôi thấu hiểu thêm, cuộc chiến nào cũng khó tránh khỏi mất mát, hy sinh, nhưng một khi đã ra trận thì ai cũng mang trong mình niềm tin chiến thắng. Ở nơi đặc thù và đặc biệt này, đôi khi chỉ cần một ánh mắt, một cử chỉ hay một sự xuất hiện của nhịp đời sinh sôi, cũng có thể mang đến cho bệnh nhân nơi ngã ba sinh tử một nguồn năng lượng trường sinh...

(còn nữa)

Phóng sự của THANH KIM TÙNG