So với công năng của một bệnh viện điều trị Covid theo mô hình “bệnh viện tách tầng”, lưu lượng bệnh nhân nói trên là một áp lực lớn đối với nguồn nhân lực và hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế. Bằng những cố gắng, nỗ lực tuyệt vời của đội ngũ thầy thuốc quân y, nhiều bệnh nhân nguy kịch đã được cứu sống, trong đó có những trường hợp người trở về từ cõi chết giống như một câu chuyện cổ tích...

Cuộc hồi sinh không tưởng

Những ngày thâm nhập thực tế, trải nghiệm công việc của các thầy thuốc trong thế giới áp lực âm, tôi được chứng kiến nhiều cuộc “cải tử hoàn sinh” ngoạn mục mà nếu không phải là người trực tiếp chứng kiến, rất khó tin đó là sự thật. Tâm sự với các bác sĩ trực tiếp điều trị, hồi sức cho bệnh nhân nguy kịch, tôi được họ chia sẻ tâm tư xung quanh những câu chuyện ngỡ như cổ tích ấy. Những người trở về từ cõi chết, mỗi bệnh nhân một kiểu, có nhiều yếu tố may mắn, có những vấn đề thuộc về tín ngưỡng, tâm linh mà những cách giải thích thông thường chỉ là tương đối. Nhưng trên hết và trước hết, xâu chuỗi các yếu tố từ những điều mắt thấy, tai nghe, tôi luôn cho rằng, cổ tích, có chăng cũng đều là thành quả từ trái tim, khối óc của những người thầy thuốc, hoàn toàn không có gì ngẫu nhiên từ trên trời rơi xuống...

Chỉ trong một tuần tôi thâm nhập thực tế, phòng cách ly áp lực âm có đến 3 cuộc đưa tiễn, hai người khỏi bệnh, được đưa về khu vực chăm sóc phục hồi hậu Covid và một bệnh nhân tử vong, do tuổi cao, sức yếu, bệnh nền trầm trọng. Các giường bệnh vừa mới thông thoáng một chút thì chỉ sau đó một ngày, lại bổ sung thêm 3 bệnh nhân khác, được chuyển từ khu vực bệnh nhân nặng vào. Đáng chú ý nhất là nam bệnh nhân 55 tuổi, tên T.D. Những ngày trước đó, thỉnh thoảng vào ban đêm, tôi nghe thấy tiếng la hét từ tầng điều trị đối diện nhưng không để ý lắm. Giờ mới biết, người thường la hét đó chính là ông T.D. Bệnh nhân này cùng lúc xuất hiện nhiều triệu chứng, trong đó một triệu chứng hết sức đặc biệt và trớ trêu, đó là “hội chứng cai rượu”. Biểu hiện của hội chứng này là bệnh nhân thường lên cơn la hét, nói nhảm, quậy phá, thần kinh dễ bị kích động, không làm chủ được hành vi...

leftcenterrightdel
Các bác sĩ, điều dưỡng viên đang hồi sức tích cực cho một bệnh nhân nguy kịch. 

Tôi không hiểu về chuyên môn nên phải hỏi các bác sĩ và được giải thích là bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu nặng. Khi chưa là F0, mỗi ngày ông uống từ 3 đến 4 xị rượu (khoảng 1 lít). Chứng nghiện rượu khiến ông có nhiều bệnh nền và bệnh nào cũng nặng nên khi mắc Covid-19, sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch suy giảm, bệnh nhân nhanh chóng diễn biến nặng. Sau một thời gian dài điều trị tại khu vực bệnh nhân triệu chứng nặng không có kết quả, ông được chỉ định đưa vào thế giới áp lực âm.

Dù thể trạng yếu nhưng mỗi khi tỉnh, ông T.D lại la hét, cựa quậy cơ thể như muốn vùng lên đập phá. Nhận ra tôi không phải là thầy thuốc do sự khác biệt về trang phục, ông nhướng ánh mắt nhìn tôi như van lơn, cầu khẩn. Tôi lờ mờ đoán rằng, trong tiềm thức của bộ não và bản năng các giác quan, ông đang rất khát rượu và cần có bầu bạn bên cạnh. 

Dù được điều trị, hồi sức tích cực nhưng bệnh của ông T.D ngày một trầm trọng. Ông bị nhồi máu não cấp diện rộng ở bán cầu não phải, xuất huyết não, suy hô hấp, liệt nửa người, nguy cơ đông máu, tiên lượng xấu. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đề nghị chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Tuy nhiên, do trong thời kỳ cao điểm, các bệnh viện tuyến trên cũng bị quá tải trầm trọng. Cuối cùng, ê kíp bác sĩ quyết định để bệnh nhân ở lại, đồng thời kết nối trực tuyến với Bệnh viện Quân y 175 để tham vấn phương án cứu chữa. Việc cần kíp phải làm gấp trong trường hợp này là chống đông máu cho bệnh nhân để chặn nguy cơ tử vong. Với những bệnh nhân khác, thao tác y thuật này không có gì khó khăn nhưng với ông D, đang bị nhồi máu não và xuất huyết não, nếu sử dụng thuốc kháng đông sẽ gây tăng triệu chứng xuất huyết não, tăng nguy cơ tử vong. Sau khi tham vấn ý kiến chuyên gia của Bệnh viện Quân y 175, kíp bác sĩ quyết định, chỉ sử dụng liều kháng đông dự phòng cho bệnh nhân, không dùng liều kháng đông điều trị theo phác đồ, đồng thời cho bệnh nhân thở oxy dòng cao qua cannula mũi bằng máy HFNC, xử lý nhồi máu và ngăn chặn xuất huyết não bằng kháng sinh...

Bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu, tiên lượng tử vong đến 99,9%, đã dần hồi phục như một phép màu. Liều kháng đông dự phòng đủ để ngăn chặn triệu chứng đông máu nhưng không gây tác động xấu đến xuất huyết não. Kiên trì, tỉ mỉ, chắt chiu những cơ hội nhỏ nhất bằng y thuật và y đức suốt hai ngày hai đêm liền, ê kíp bác sĩ, điều dưỡng viên đã được đền đáp xứng đáng. Bệnh nhân T.D đã “cải tử hoàn sinh”. Các chỉ số sinh tồn dần phục hồi. Đây là cuộc hồi sinh gần như không tưởng. Kết quả gây ngạc nhiên với ngay cả các bác sĩ. Bước ra khỏi thế giới áp lực âm, không ai bảo ai, họ rơm rớm ánh mắt nhìn nhau trong những bộ đồ bảo hộ kín mít. Hạnh phúc, vui sướng vô cùng. Một chiến công thầm lặng và nghẹn ngào... Bấy giờ mọi người mới sực nhớ là bữa cơm trưa chưa kịp ăn. Nhìn đồng hồ thì đã 17 giờ 45 phút...

Ra đi là để trở về

Khi đưa bệnh nhân T.D ra khỏi thế giới áp lực âm, niềm hạnh phúc, vui sướng của các thầy thuốc như một làn sóng vô hình lan sang, ập vào tôi. Vâng! Không có gì tuyệt diệu hơn sự sống của con người, nhất là khi sự sống ấy là kết quả của một cuộc chiến dai dẳng, khốc liệt chống lại tử thần Covid-19.

Ngày được ra viện, ông T.D cảm động không nói nên lời. Hai mắt ông đỏ hoe. “Ráng giữ gìn sức khỏe, tập vật lý trị liệu để phục hồi và bớt uống rượu đi nha”, các bác sĩ trao giấy ra viện cho ông, nhỏ nhẹ nhắc. Ông T.D chắp hai tay, cúi đầu, nghẹn ngào nói lời cảm ơn và hứa sẽ làm theo lời dặn của bác sĩ. Trở về từ cõi chết, ông như một con người khác, nhu mì, điềm tĩnh. Ông được chuyển đến Trung tâm Phục hồi chức năng hậu Covid tại TP Thủ Đức để tập vật lý trị liệu. Ông và người nhà vẫn giữ liên lạc, thường xuyên nhắn tin trao đổi với các bác sĩ, điều dưỡng viên ở Bệnh viện Quân y 7A, những người đã đưa ông trở về từ cõi chết...

Văn phòng của Phân khoa điều trị Covid chỉ cách phòng bệnh của tôi có vài chục bước chân, nhưng sau nhiều lần hẹn tới hẹn lui, các bác sĩ, điều dưỡng viên chuyên trách điều trị bệnh nhân trong phòng cách ly áp lực âm mới sắp xếp được thời gian cho tôi một cuộc làm việc. Nói là làm việc tập thể, nhưng rồi cũng chỉ còn lại vài ba người ngồi tiếp chuyện tôi, còn lại phải tất tả đi lo các công việc chăm sóc bệnh nhân. Mà bệnh nhân trong thế giới áp lực âm thì chẳng có kế hoạch nào cả, toàn là những việc không tên, xảy ra mọi lúc, mọi nơi, ở mọi đối tượng. Bên cạnh tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị, các điều dưỡng viên phải thường xuyên chăm sóc, phục vụ bệnh nhân trong mọi sinh hoạt cá nhân. Vất vả, khó khăn nhất là việc vệ sinh thân thể, thay tã lót hằng ngày, hằng giờ cho bệnh nhân. Cần nói thêm để hiểu áp lực mà đội ngũ thầy thuốc làm việc trong thế giới áp lực âm phải đảm nhiệm lớn đến mức nào. Một trong những vấn đề nan giải là hầu hết bệnh nhân Covid-19 nặng, đặc biệt nặng và nguy kịch đều có triệu chứng tiêu chảy, mất khả năng kiểm soát về chức năng bài tiết. Thế nên có những bệnh nhân, chỉ trong nửa ngày, điều dưỡng viên phải thay tã lót, vệ sinh thân thể, giường bệnh đến cả chục lần. Mà với hệ thống ống thở, ống truyền thức ăn, truyền dịch, dây dợ... chằng chịt trên cơ thể, để thực hiện những công việc không tên nói trên quả là một cực hình. Nó đòi hỏi người thầy thuốc bên cạnh kỹ năng, trách nhiệm, phải có cả nghệ thuật, bản lĩnh và sức chịu đựng hơn người...

Văn phòng làm việc của các thầy thuốc chỉ là một căn phòng nhỏ. Những chồng hồ sơ bệnh án cao ngất làm cho căn phòng như chật chội hơn. Các bác sĩ lật giở từng hồ sơ bệnh án, cung cấp cho tôi những thông tin quan trọng. Có một đặc điểm chung của tất cả bệnh nhân trong thế giới áp lực âm, đó là hầu hết đều đã lớn tuổi và ai cũng có những loại bệnh nền nguy hiểm, phổ biến là: Đái tháo đường, tai biến, suy tim, nhiễm trùng máu, ung thư, bệnh gan, thận mạn tính... Theo Đại tá, TS, bác sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Bệnh viện Quân y 7A, bệnh nhân và người dân cần được thông tin đầy đủ vấn đề này để tránh hoang mang khi bị nhiễm Covid-19. Đại đa số bệnh nhân, nếu đã tiêm đủ hai mũi vaccine theo quy định, thể trạng sức khỏe bình thường thì không quá lo ngại. Vào bệnh viện là để trở về. Những trường hợp đặc biệt phải đưa vào hồi sức ở thế giới áp lực âm chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số bệnh nhân Covid-19...

 Trong tổng số 50 bệnh nhân phải đưa vào điều trị, hồi sức trong thế giới áp lực âm ở Bệnh viện Quân y 7A, đến thời điểm này, các thầy thuốc quân y đã cấp cứu, điều trị thành công 39 trường hợp, trong đó có nhiều bệnh nhân trở về từ cõi chết. Đời sống xã hội đang từng bước thích ứng, tiến tới chung sống an toàn với dịch bệnh thì trên tuyến đầu, đặc biệt là ở các bệnh viện điều trị Covid-19, cuộc chiến nơi ngã ba sinh tử lại càng cam go, khốc liệt hơn...

(còn nữa)

Phóng sự của THANH KIM TÙNG