Cho đến nay, ký ức về ngày thông đường hầm kỹ thuật dưới biển Manche vẫn còn in đậm trong trí nhớ của ông Graham Fagg, 70 tuổi, người Anh, và ông Philippe Cozette, 66 tuổi, người Pháp-hai kỹ sư đã có cú bắt tay lịch sử ngày 1-12-1990 khi dỡ bỏ hòn đá cuối cùng ngăn cách Anh và Pháp dưới đáy biển Manche.

Cú bắt tay đi vào lịch sử

Ngày 29-7-1987, Nữ hoàng Elizabeth II và Tổng thống Francois Mitterrand đã chính thức ký Hiệp ước Anh-Pháp cho phép xây dựng đường hầm qua eo biển Manche, góp phần hiện thực hóa giấc mơ nhiều thế kỷ nối liền Pháp và xứ sở sương mù bằng đường hầm chạy ngầm dưới biển.

leftcenterrightdel
Kỹ sư Graham Fagg cùng đồng nghiệp người Pháp Philippe Cozette trong ngày lịch sử 1-12-1990. Ảnh: Getty.

Tháng 12 cùng năm, công trình chính thức được khởi công với sự góp sức của 12.000 kỹ sư, kỹ thuật viên và công nhân lao động. Vào những ngày cao điểm, có tới 15.000 kỹ sư, công nhân làm việc trên hai công trường ở phía Pháp và phía Anh. Do tính chất công việc khó nhọc, nặng nề nên nhân công đều là nam giới. Sự hiện diện của nữ giới chỉ nằm ở tên gọi những chiếc máy khoan như Brigitte, Catherine, Europa…

Hai năm sau khi khởi công, đường hầm kỹ thuật dưới biển Manche sẵn sàng cho sự kiện thông nối diễn ra vào ngày 1-12-1990. “Trước ngày thông hầm kỹ thuật, cấp trên nói với tôi rằng: “Ngày mai, anh hãy tạo ra bước đột phá”. Tôi hơi bất ngờ vì hôm sau là ngày nghỉ của tôi và tôi đã có kế hoạch khác. Tuy nhiên, tôi vẫn chấp hành mệnh lệnh cấp trên”, Graham Fagg nhớ lại.

Ngày 1-12-1990, kỹ sư Graham Fagg cùng với người đồng nghiệp Philippe Cozette đã đi vào lịch sử khi họ dỡ bỏ tảng đá cuối cùng trong lòng hầm ở độ sâu 100m so với mực nước biển. “Khi khoan đá thông hầm, tôi sợ đá rơi làm bị thương Philippe Cozette nên tôi khoan rất chậm. Khi khoan tạo thành lỗ thủng đủ lớn, chúng tôi ném búa, khoan xuống, bắt tay nhau trong tiếng reo hò và cả những giọt nước mắt sung sướng của các kỹ sư, công nhân hai ê-kíp”, ông Graham Fagg bồi hồi kể lại.

leftcenterrightdel
Ông Graham Fagg và ông Philippe Cozette trong cuộc gặp ngày 10-2-2014. Ảnh: Getty.

“Lúc đó, Graham Fagg nói với tôi bằng tiếng Pháp: “Xin chào người bạn của tôi”. Còn tôi nói với anh ấy bằng tiếng Anh: “Chào mừng bạn đến với nước Pháp”. Sau đó Graham Fagg đặt chân bước sang lãnh thổ Pháp”, đồng nghiệp người Pháp Philippe Cozette nhớ lại kỷ niệm với sự tự hào pha lẫn sung sướng.

Người kỹ sư già Graham Fagg cũng chia sẻ ấn tượng của mình trước kế hoạch ăn mừng của người Pháp: “Họ có rượu sâm banh, rượu vang, đồ ăn. Còn chúng tôi chỉ có trà, cà phê và nước-có thể là chút bánh sandwich!".

Cú bắt tay lịch sử giữa kỹ sư Philippe Cozette, đại diện cho ê-kíp Pháp và kỹ sư Graham Fagg đại diện cho ê-kíp Anh diễn ra vào đúng 12 giờ 12 phút 12 giây ngày 1-12-1990. Lễ thông đường hầm đã được phát trực tiếp trên nhiều kênh truyền hình. Hai đoạn đường hầm chỉ lệch nhau 6cm tính theo chiều dọc và 35cm theo chiều ngang. Hai nước Anh - Pháp đã lập kỳ tích lịch sử! Đoạn đường hầm kỹ thuật do Pháp đào dài 15,6km, còn người Anh đào được 22,3km.

Gần 4 năm sau, ngày 6-5-1994, Nữ hoàng Elizabeth II và Tổng thống François Mitterrand đã khánh thành đường hầm qua eo biển Manche. Đây là đường hầm dưới biển dài nhất thế giới với chiều dài 50,5km (bao gồm 3,3km dưới đất bên phía Pháp; 9,3 km ngầm bên phía Anh và 37,9km ngầm dưới biển) đi qua eo biển Manche nối Folkestone, Kent ở Anh với Coquelles gần Calais ở phía bắc Pháp. Đường hầm gồm hai hầm đường sắt (Eurotunnel) và một đường hầm kỹ thuật, được hoàn thành vào năm 1994 sau 6 năm nỗ lực xây dựng với sự hợp tác của hai quốc gia Anh và Pháp.

Duy trì tình bạn bất chấp Brexit

Graham Fagg đã dành 5 năm trong cuộc đời để tham gia vào xây dựng công trình đường hầm qua eo biển Manche từ năm 1986 đến năm 1991 và gần 15 năm tham gia bảo trì đường sắt Eurotunnel từ đầu những năm 2000. Sau khi về hưu, ông sống ở thành phố cảng Dover, miền Đông Nam nước Anh, nơi 62% cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 6-2016. “Năm 1975, tôi là người ủng hộ việc Anh gia nhập Cộng đồng kinh tế châu Âu, tiền thân của EU ngày nay. Thế nhưng, trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6-2016, tôi lại bỏ phiếu cho Brexit”, ông Graham Fagg buồn bã nói.

Mặc dù vậy, ông Graham Fagg hy vọng Anh tiếp tục duy trì mối quan hệ chặt chẽ với châu Âu, cũng như ông tiếp tục giữ quan hệ tốt đẹp với người bạn Pháp Philippe Cozette. Ông Graham Fagg cho biết, hai người vẫn thường gặp nhau vào những dịp kỷ niệm quan trọng. “Mối liên kết giữa bờ biển Pháp và bờ biển Anh luôn tồn tại. Tôi không nghĩ Brexit sẽ làm người Anh và người Pháp xa lánh nhau", ông Graham Fagg tin tưởng nói.

BÌNH NGUYÊN