Kể từ sau “cuộc ly hôn thế kỷ” với Liên minh châu Âu (EU) (thường được gọi là Brexit), Chính phủ Anh không chỉ đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên y tế và giáo viên ngày càng trầm trọng, mà còn rơi vào một mớ bùng nhùng chưa thể giải quyết, khi các lao động trong lĩnh vực này đồng loạt đình công và tổ chức nhiều cuộc biểu tình đòi tăng lương trong bối cảnh lạm phát tăng cao kỷ lục ở quốc gia này.

Thay vì đáp ứng đòi hỏi chính đáng của người lao động, lấy lý do tăng lương chỉ càng khiến lạm phát leo thang, chính quyền Anh đang cố tìm ra một lối thoát. Ấy là “dụ dỗ” nguồn nhân lực chất lượng cao từ các nước thuộc địa cũ, trong đó phải kể đến Zimbabwe.

leftcenterrightdel
Lương thấp và điều kiện làm việc kém khiến các nhân viên y tế Zimbabwe tìm cách di cư. Ảnh: Getty Images 

Theo bài viết đăng trên trang Al Jazeera của tác giả Ashley Simango, tình trạng "chảy máu chất xám" của Zimbabwe là một hiện thực tàn nhẫn, bởi lẽ các nỗ lực viện trợ quốc tế nhằm giúp quốc gia này củng cố hệ thống giáo dục và y tế đang bị hủy hoại bởi sự di cư ồ ạt của những tài năng bản địa. Éo le thay, nơi nguồn nhân lực chất lượng cao của Zimbabwe hướng tới lại chính là những quốc gia đã rộng tay tài trợ trước đó.

Thống kê cho thấy, kể từ tháng 2-2021, đã có hơn 4.000 y tá, bác sĩ rời khỏi Zimbabwe. Cho đến nay, Anh vẫn là điểm đến được lựa chọn: Theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ Anh năm 2022, Zimbabwe nằm trong tốp 5 quốc gia nhận thị thực lao động có tay nghề cao.

Báo cáo của Hiệp hội Y khoa Zimbabwe cho hay, nước này có 3.500 bác sĩ trên dân số 15 triệu người. Tỷ lệ y tá cũng rất thấp, chỉ 2,6 y tá trên 1.000 dân. Năm ngoái, một bệnh viện lớn ở Zimbabwe công suất 1.000 giường đã có lúc bị tê liệt khi hàng chục nhân viên y tế của bệnh viện này đồng loạt bỏ việc di cư tới Anh.

Như bất kỳ quốc gia nào khác, nước Anh quan tâm đến lợi ích của mình trước tiên. Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch quá lớn giữa nền kinh tế trị giá 3,2 nghìn tỷ USD của Anh và nền kinh tế 28 tỷ USD của Zimbabwe đã biến cuộc cạnh tranh khốc liệt giành nhân lực chất lượng cao thành một cuộc chiến không cân sức.

Thực tế là, bất chấp những thách thức đang phải đối mặt, Anh vẫn có tỷ lệ 8,5 y tá trên 1.000 dân, nhiều gấp 3 lần so với con số đó của Zimbabwe. Vậy tại sao quốc gia này vẫn “cố ý giành giật” nhân lực từ một nước kém phát triển như Zimbabwe?

Câu trả lời nằm ở chỗ, nó giúp nước Anh tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Trung bình, London phải chi 230.000 bảng Anh (281.000USD) để đào tạo mỗi bác sĩ. Nếu "nhập khẩu" các chuyên gia y tế tay nghề cao từ thuộc địa cũ của mình, London sẽ tiết kiệm được đáng kể phần chi phí này. Nói một cách đơn giản, vào thời điểm các nhân viên y tế Anh ồ ạt đình công và nghỉ việc do thu nhập thấp và điều kiện làm việc kém, thì Chính phủ Anh thay vì giải quyết các nhu cầu của giới lao động, lại đang tâm giành giật nguồn nhân lực chất lượng cao từ thuộc địa cũ. Ngoài Zimbabwe, các quốc gia châu Phi khác gồm Nigeria, Ghana và Nam Phi cũng rơi vào tầm ngắm của London.

Dĩ nhiên, Zimbabwe cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho London về vấn nạn "chảy máu chất xám". Khi các bác sĩ, y tá và giáo viên được nhận mức lương nghèo nàn, không đủ trang trải cuộc sống, họ có lý do chính đáng để tìm đến một miền đất nhiều hứa hẹn hơn. Theo Cơ quan Thống kê Zimbabwe, một khảo sát hằng quý vào tháng 4-2022 cho thấy, hầu hết người lao động ở nước này có mức lương tương đương 120USD/tháng. Tiền lương đã tụt lại khá xa khi lạm phát của nước này tăng vọt.

Không cam lòng ngồi nhìn đội ngũ nhân lực chất lượng cao ồ ạt ra đi, Chính phủ Zimbabwe đã lên tiếng yêu cầu London “bồi thường” vì đã “dụ dỗ” các nhân viên y tế của quốc gia này. Ước tính, Zimbabwe đã phải chi 70.000USD cho việc đào tạo mỗi bác sĩ. 

Sự "chảy máu chất xám" từ một nước nghèo như Zimbabwe sang một quốc gia phát triển như Anh càng trở nên khó coi khi mà trước đây không lâu, London tuyên bố dành khoản viện trợ trị giá 35 triệu bảng Anh (45 triệu USD) giúp xây dựng “một hệ thống y tế kiên cường ở Zimbabwe” giai đoạn 2021-2025. Chắc hẳn, việc cướp đi những tài sản quý giá nhất của một quốc gia-chính là nguồn nhân lực chất lượng cao-không thể khiến quốc gia đó trở nên kiên cường.

HÀ PHƯƠNG