Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 749/QĐ-TTg, phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là hai văn kiện định hướng cho việc xây dựng xã hội học tập ở nước ta giai đoạn sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng đến năm 2025 và 2030.

Trong xã hội học tập, người dân thực hiện được việc học tập suốt đời theo những tiêu chí do Nhà nước quy định được gọi là công dân học tập. Học tập suốt đời là dấu hiệu đặc trưng của công dân học tập trong một quốc gia. Những nhà hoạch định chính sách xây dựng mô hình “Công dân học tập” chủ trương rằng, trên hết, chỉ có học tập suốt đời thì mỗi người dân mới có điều kiện để phát huy được đầy đủ những năng lực mà xã hội đòi hỏi ở họ. Mỗi bước tiến của xã hội sẽ đặt ra cho công dân yêu cầu phát triển về năng lực làm chủ những công nghệ mới. Hơn nữa, chỉ có học tập suốt đời thì xã hội mới có thể trao quyền cho người dân trong việc giải quyết những vấn đề của cuộc sống: Họ sẽ tự chủ, tự tin và tự giác đối phó với những thách thức của nền kinh tế trước những biến cố bất thường; sẽ phải đối đầu với những rủi ro trong sản xuất, kinh doanh; sẽ tự khắc phục những hậu quả của môi trường sống bị ô nhiễm.

Ảnh minh họa: TTXVN. 

Để xây dựng mô hình công dân học tập, các quốc gia đều tìm kiếm những năng lực cốt lõi mà công dân của mình cần phải có trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, tùy vào đặc điểm kinh tế-xã hội cụ thể của đất nước, trình độ sản xuất của từng nước và mục tiêu chiến lược phát triển của nước mình mà giữa các quốc gia có sự khác nhau về lựa chọn năng lực cốt lõi. Là một quốc gia-thành phố, Singapore định hướng vào 4 năng lực cốt lõi: Năng lực sử dụng công nghệ thông tin (CNTT); năng lực sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ; năng lực tư duy toàn cầu; năng lực giao tiếp, xây dựng và điều hòa các mối quan hệ xã hội.

Trong khi đó, Phần Lan lại chú ý đến 4 năng lực sau: Năng lực giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ; năng lực tương tác và hợp tác; năng lực khởi nghiệp, chủ động trong hoạt động; năng lực tìm kiếm và giải quyết vấn đề. Hoa Kỳ thì chú trọng nhiều đến những năng lực: Năng lực nhận thức những vấn đề trọng điểm trong thế kỷ 21; năng lực học tập và đổi mới; năng lực sử dụng CNTT; năng lực tổ chức cuộc sống và nghề nghiệp. Ở Việt Nam, khi chuẩn bị xây dựng bộ tiêu chí đánh giá công dân học tập, những chuyên gia đứng trước hai yêu cầu: Một là, theo Quyết định số 489/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10-5-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13-4-2007 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, cần phải tính toán những năng lực cốt lõi và những số đo từng năng lực cốt lõi để tạo nên một công dân đủ điều kiện hoạt động trong giai đoạn 2021-2030. Hai là, theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, công dân học tập trong giai đoạn “Chuyển đổi số quốc gia” phải có năng lực số với những kỹ năng số như những số đo cụ thể đến với năng lực số.

Những năng lực cốt lõi và những kỹ năng của từng năng lực cốt lõi bao gồm: Năng lực cốt lõi đầu tiên là năng lực tự học, học tập suốt đời. Năng lực này bao gồm 4 kỹ năng cơ bản: Kỹ năng đọc, cập nhật thông tin và tri thức thông qua sách báo, ti vi, máy tính...; kỹ năng xây dựng kế hoạch học tập theo các chương trình phục vụ yêu cầu công việc, do nhà nước, cơ quan hoặc đoàn thể quy định; kỹ năng sắp xếp hợp lý các công việc để tham gia hoạt động cộng đồng, tại nhà văn hóa, câu lạc bộ, thư viện.... các hội thảo, hội nghị; kỹ năng động viên và tạo điều kiện cho người thân trong gia đình và đồng nghiệp học tập thường xuyên. Năng lực cốt lõi thứ hai là năng lực sử dụng những công cụ tương tác. Năng lực này gồm 4 kỹ năng cơ bản: Kỹ năng sử dụng CNTT đáp ứng yêu cầu công việc và cuộc sống; kỹ năng sử dụng ngoại ngữ theo yêu cầu công việc và vị trí đảm nhiệm; kỹ năng tính toán để công việc luôn được cải tiến, sáng tạo, đạt chất lượng và hiệu quả cao, đóng góp nhiều cho xã hội; kỹ năng tư duy biện chứng và tư duy phản biện trong công việc, trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... và hoạt động xã hội. Năng lực cốt lõi thứ ba là năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội. Năng lực này gồm hai kỹ năng cơ bản: Kỹ năng tạo các mối quan hệ thân thiện với mọi người, điều hòa để tránh xung đột, có trách nhiệm với gia đình và xã hội, tuân thủ pháp luật; kỹ năng hợp tác, chia sẻ trong lao động và hoạt động xã hội, tôn trọng bình đẳng giới và sự đa dạng văn hóa, có ý thức bảo vệ môi trường.

Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, công dân là trung tâm của quá trình chuyển đổi số quốc gia. Vì vậy, cần phải lồng ghép một số kỹ năng số vào khung năng lực công dân học tập nói trên. Hiện nay, các quốc gia đang chú ý đến những kỹ năng số sau đây: Kỹ năng truy cập số; kỹ năng thương mại số; kỹ năng truyền thông số; kỹ năng nắm kiến thức số; kỹ năng nghi thức số; kỹ năng thực thi luật lệ số; kỹ năng thực hiện quyền và trách nhiệm số; kỹ năng sức khỏe số; kỹ năng an ninh số. Vấn đề là phải có sự nghiên cứu để lựa chọn và lồng ghép các kỹ năng nói trên vào tiêu chí đánh giá công dân học tập.

Nhân lực chất lượng cao chính là nhân lực bao gồm những công dân học tập. Chỉ có một nền giáo dục được chấn hưng, phát triển theo hướng mở, thực hiện được tính chất thực học, thực nghiệp, kiến tạo và khởi nghiệp mới đủ sức tạo nên nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

GS, TS PHẠM TẤT DONG, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam