Thực ra, trong bốn linh vật trên thì chỉ có rùa là con vật có thật, còn lại đều là các con vật được nói đến trong truyền thuyết, là những con vật do con người tưởng tượng và sáng tạo ra.

Kỳ lân – Loài vật đứng đầu trong Tứ linh

Kỳ lân là loài vật đứng đầu trong bốn loài vật linh thiêng, được coi là biểu tượng của sự may mắn. Hình ảnh của nó rất độc đáo, kết hợp đặc điểm của nhiều loài động vật. Kỳ lân trong truyền thuyết có thân mình giống hươu, trên toàn thân phủ một lớp vẩy cá, trên đầu có một sừng, trên sừng có mọc cục thịt, chân giống chân ngựa, đuôi giống đuôi trâu, mang lại cho con người cảm giác huyền bí và cao quý.

Hình ảnh Kỳ lân trong văn hóa Trung Quốc. Ảnh: 163.com 

Trong truyền thuyết cổ xưa, điềm lành thường xuất hiện ở nơi có Kỳ lân, mang lại may mắn và tài lộc cho con người. Vì vậy, hình ảnh Kỳ lân thường được dùng để trang trí cung điện, đền chùa và các công trình khác để cầu mong may mắn và thịnh vượng. Các đời hoàng đế Trung Quốc đều coi Kỳ lân là tượng trưng của quốc thái dân an. Tại những nơi như cung điện, vườn hoa của các hoàng đế tại khu di tích Cố Cung, Di Hòa Viên ở thành phố Bắc Kinh, chúng ta đều có thể nhìn thấy tượng Kỳ lân. Có tượng được đúc bằng đồng, có tượng được làm từ đá.

Trong dân gian, Kỳ lân cũng rất được coi trọng. Trong những ngày đón tết Âm lịch, người dân Giang Nam, Trung Quốc hay đội đầu Kỳ lân bằng giấy, đi đến trước các ngôi nhà để biểu diễn, thể hiện ý muốn chúc phúc cho gia đình đó. Ngoài ra, tại Trung Quốc còn có truyền thuyết về “kỳ lân tổng tử”, người ta một mặt dùng kỳ lân để tượng trưng cho con cháu sau này sẽ rạng danh, một mặt cũng có ý nghĩa muốn cầu mong sớm sinh được quý tử, gia đình vinh hoa phú quý.

Phượng hoàng – Vua của muôn loài chim

Phượng hoàng trong truyền thuyết được coi là “bách điểu chi vương” (vua của trăm loài chim), tượng trưng cho cát tường, thái bình, ổn định, trong sạch về chính trị, sự tốt lành, cao quý, vẻ đẹp thông thái và may mắn, đồng thời là biểu tượng của quyền lực và sự tôn nghiêm.

Phượng hoàng được miêu tả là loài chim tuyệt đẹp với bộ lông đầy màu sắc và hình dáng duyên dáng: Đỉnh đầu có chỏm lông lộng lẫy, thân mình được trang hoàng bằng lớp lông vũ ngũ sắc.

Hình ảnh phượng hoàng trong văn hóa Trung Quốc. Ảnh: 163.com 

Trong văn học và tác phẩm nghệ thuật cổ đại, phượng hoàng thường được miêu tả là loài vật kỳ diệu mang lại hòa bình và hạnh phúc.

Các đồ vật có liên quan đến phượng hoàng như mũ phượng, xe phượng thì chỉ có tiên nhân và vua chúa mới được sử dụng. Tuy nhiên, về sau phượng hoàng cũng trở thành linh vật tượng trưng cho cát tường của dân chúng. Đặc biệt tại lễ cưới truyền thống của người Trung Quốc, phượng hoàng trở thành đồ trang trí trên quần áo và mũ của cô dâu, tượng trưng cho may mắn và hạnh phúc. Tại các hình hoa văn truyền thống trong dân gian, phượng hoàng cũng được sử dụng một cách rộng rãi, ngụ ý là may mắn. Ngoài ra, phượng hoàng cũng thường được phối hợp với các hình tượng cát tường khác để tạo nên các hình hoa văn tượng trưng cho cát tường như ý, ví như phượng hoàng kết hợp với rồng, phượng hoàng kết hợp với kỳ lân...

Rùa – Biểu tượng của sự trường thọ

Trong tứ linh thì quy (rùa) là con vật có thật duy nhất, và cũng là con vật có tuổi thọ cao nhất trong thế giới động vật. Người ta không những coi rùa là biểu tượng cho sức khỏe, sự trường thọ mà còn cho rằng rùa có khả năng dự đoán tương lai.

Rùa là linh vật duy nhất có thực, là biểu tượng cho sức khỏe, sự trường thọ. Ảnh: 163.com  

Vào thời xưa, rùa được dùng để bói toán và dự đoán vận may cũng như vận rủi trong tương lai. Trước khi làm một việc gì lớn, thầy bói đều phải đốt mai rùa, sau đó căn cứ vào các vết nứt sau khi đốt trên mai rùa để bói điều tốt xấu. Do đó mọi người gọi rùa là thần quy, linh quy. Do đó rùa còn tượng trưng cho sự bí ẩn và trí tuệ.

Tại Trung Quốc, thần quy đã từng nhận được sự tôn kính rất lớn. Trong hoàng cung và vườn hoa của các bậc hoàng đế đều có thần quy được đúc bằng đồng hoặc bằng đá, tượng trưng cho vận quốc mãi mãi trường tồn.

Hình ảnh rùa còn thường xuất hiện trong văn học và nghệ thuật như biểu tượng của sự trường thọ và ổn định. Đồng thời, rùa còn được coi là loài vật may mắn có thể mang lại may mắn và tuổi thọ cho con người.

Rồng – Vị thần bảo hộ của Trung Quốc

Rồng được cho là linh vật lớn nhất tại Trung Quốc, là con vật cát tường nhất, tượng trưng cho lòng dũng cảm, sức mạnh, sự độc lập, quyền lực và tôn nghiêm, được coi là vị thần bảo hộ của dân tộc Trung Hoa.

Rồng được cho là linh vật lớn nhất trong "Tứ linh" tại Trung Quốc. Ảnh: 163.com  

Rồng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử và văn hóa Trung Quốc. Nó không chỉ là biểu tượng của hoàng gia mà còn xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Hình ảnh con rồng cũng gắn liền với các hiện tượng tự nhiên như mưa và mùa màng, do đó cũng tượng trưng cho sự sung túc và thịnh vượng.

Trong trí trưởng tượng của người dân, rồng được miêu tả thân rắn, vảy cá, móng vuốt đại bàng, gạc hươu.... rồng có thể đi trên mặt đất, có thể bơi được dưới nước, lại có thể bay được trên trời và có sức mạnh thần kỳ. Trong hàng nghìn năm, các vị hoàng đế của các triều đại phong kiến đều coi rồng là tượng trưng cho quyền lực và sự tôn nghiêm, dân chúng thì cho rằng rồng là sự hoá thân của sức mạnh và đạo đức, là vật cát tường.

Do đó, khắp nơi trên đất nước Trung Quốc đâu đâu cũng có thể nhìn thấy hình tượng rồng. Từ mái cung điện, chùa chiền đến các vật dụng của hoàng đế, đâu đâu cũng khắc, vẽ hình rồng; trong những ngày lễ hội của dân chúng, mọi người cũng dán hình rồng trên những nơi trang trọng, ngoài ra tại các lễ hội còn tổ chức múa đèn rồng, đua thuyền rồng... Khi đặt tên cho con, người ta cũng hay lấy chữ Long để đặt tên.

Rồng là con vật cát tường to nhất trong “Tứ linh”, ngày nay nó đã trở thành biểu tượng của dân tộc Trung Hoa. Người Trung Quốc trên khắp thế giới đều cho rằng mình là truyền nhân của rồng.

Tứ Linh không chỉ tượng trưng cho những viễn cảnh tươi đẹp như sự may mắn, trường thọ mà còn gắn liền với nhiều tác phẩm văn học và nghệ thuật. Trong kiến trúc cổ đại, hội họa, điêu khắc và các lĩnh vực khác, hình ảnh Tứ Linh thường được sử dụng rộng rãi. Ví dụ, đồ trang trí hình rồng thường được đặt trên mái cung điện, tượng trưng cho quyền lực và phẩm giá của hoàng gia; các tấm bia đá hoặc tác phẩm điêu khắc hình rùa thường xuất hiện trong các ngôi đền, tượng trưng cho sự linh thiêng và trang nghiêm.

Hình ảnh Tứ Linh cũng liên quan mật thiết đến đời sống thường ngày của con người. Trong các hoạt động dân gian truyền thống, người ta thường cầu nguyện may mắn và hạnh phúc bằng cách mô phỏng các chuyển động và âm thanh của bốn vị thần. Ví dụ, trong những dịp lễ hội như Tết Nguyên đán, mọi người sẽ biểu diễn múa rồng, múa phượng và các điệu múa khác để chào mừng lễ hội; và khi cầu nguyện trường thọ, họ thường dâng những món quà hoặc thức ăn hình con rùa, tượng trưng cho phước lành.

Trong quá trình kế thừa và đổi mới, hình tượng Tứ Linh không ngừng tiến hóa và phát triển. Bằng cách hiểu sâu hơn về hàm ý văn hóa và ý nghĩa biểu tượng của Tứ Linh, chúng ta có thể hiểu rõ hơn và đánh giá cao sức hấp dẫn và giá trị độc đáo của văn hóa truyền thống Trung Quốc.

THANH HƯƠNG (Tổng hợp)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.