Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật ngân sách với tỷ lệ 314 phiếu ủng hộ và 108 phiếu phản đối (của 106 đảng viên Đảng Cộng hòa và 2 đảng viên Đảng Dân chủ). Trước đó, Thượng viện Mỹ cũng dễ dàng thông qua dự luật, với tỷ lệ 77 phiếu thuận và 18 phiếu chống. Dự luật đã được trình lên Tổng thống Joe Biden để phê duyệt.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer, đảng viên Đảng Dân chủ, cho biết: “Chúng tôi có tin tốt cho nước Mỹ. Sẽ không có vụ đóng cửa vào ngày 19-1. Nhờ hai bên phối hợp, Chính phủ vẫn mở cửa, các dịch vụ không bị gián đoạn. Chúng ta sẽ tránh được một thảm họa không cần thiết”.

leftcenterrightdel

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer phát biểu trước báo giới sau khi các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ và Cộng hòa gặp Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 17-1. Ảnh: Reuters 

Một số cơ quan liên bang ở Mỹ, trong đó có Bộ Giao thông vận tải, sẽ cạn kiệt ngân sách hoạt động vào ngày 19-1 trong khi những cơ quan khác như Bộ Quốc phòng chỉ có thể duy trì hoạt động đến ngày 2-2 tới nếu không được cấp thêm ngân sách. Tuy nhiên, với dự luật ngân sách mới, hai thời hạn này sẽ được kéo dài tương ứng đến ngày 1-3 và 8-3.

Đây là dự luật ngân sách ngắn hạn thứ ba, còn được gọi là "Nghị quyết tiếp tục" (CR), được Quốc hội Mỹ thông qua kể từ tháng 9-2023 để tránh nguy cơ đóng cửa chính phủ. Một số nghị sĩ cho biết dự luật cấp ngân sách ngắn hạn này là cần thiết, qua đó cho phép các nhà đàm phán của lưỡng đảng tại cả hai viện trong Quốc hội có thêm thời gian đạt đồng thuận về các dự luật ngân sách năm 2024 để ban hành thành luật.

Trong vòng chưa đầy 4 tháng, Chính phủ Mỹ đã 3 lần đối mặt với nguy cơ đóng cửa vì các cuộc bỏ phiếu về dự luật ngân sách tại Quốc hội thường xuyên lâm vào thế bế tắc. Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều muốn tận dụng nguy cơ chính phủ đóng cửa để gây sức ép buộc đối phương nhượng bộ. Tuy nhiên, hai bên vẫn đạt thỏa hiệp vào phút chót để duy trì hoạt động cho chính phủ.

Mâu thuẫn giữa các thành viên Đảng Cộng hòa (theo đuổi mục tiêu cắt giảm mạnh chi tiêu công) và các thành viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện diễn ra trong bối cảnh nợ công của Mỹ đang tăng nhanh. Theo số liệu mà Bộ Tài chính Mỹ công bố, nợ công của nước này vượt ngưỡng 34.000 tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử vào ngày 29-12-2023. Cột mốc này được thiết lập chỉ 3 tháng sau khi nợ công của Mỹ vượt mốc 33.000 tỷ USD.

Bên cạnh nợ công khổng lồ, thâm hụt ngân sách tăng cũng là vấn đề đáng lo ngại đối với nền kinh tế Mỹ. Thâm hụt ngân sách lớn có thể dẫn đến lãi suất cao hơn, giảm đầu tư và tăng áp lực lên các chương trình xã hội. Nợ công lớn cũng có thể khiến nền kinh tế Mỹ dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc kinh tế.

Cũng cần biết rằng, nguyên nhân chính khiến thâm hụt ngân sách Mỹ tăng là do chi tiêu lớn hơn, trong đó có cả khoản lãi trả cho nợ công. Lãi cho nợ công trong quý I này đã tăng 78 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, lên mức 310 tỷ USD. Đây cũng là mức lãi cho nợ công cao nhất trong một quý kể từ năm 2011.

Do vậy, có thể nói, nợ công chính là nút thắt lớn khiến tình trạng bế tắc trong việc phê duyệt ngân sách liên bang càng thêm trầm trọng. Dù hiện tại Chính phủ Mỹ đã tạm thời tránh được nguy cơ đóng cửa, tuy nhiên, điều này không có nghĩa là kịch bản xấu nhất đã được loại trừ. Các chuyên gia cảnh báo, nếu Hạ viện Mỹ (do Đảng Cộng hòa kiểm soát) và Thượng viện (do Đảng Dân chủ kiểm soát) không sớm thông qua 12 dự luật phân bổ ngân sách cho tài khóa 2024, Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục đứng trước nguy cơ đóng cửa, khiến hàng trăm cơ quan chính phủ bị ảnh hưởng, hàng loạt dịch vụ công bị gián đoạn và gây tổn thất nghiêm trọng cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

GIA HUY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.