Ở một đất nước có hệ thống hai đảng lâu đời như nước Mỹ, việc thành lập một đảng thứ ba như vậy theo Tổng thống Donald Trump chỉ là “chuyện nực cười” và “làm mọi thứ rối loạn thêm”.
Theo nhà lãnh đạo Mỹ, tỷ phú Musk-chủ sở hữu hãng xe điện Tesla-đã quay lưng với ông do “Đạo luật to đẹp”, đạo luật chi tiêu mới mà ông vừa ký thành luật sẽ cắt giảm trợ cấp cho xe điện. Trong bài viết mới trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump cho rằng tỷ phú Musk hoàn toàn “đi chệch hướng”, đồng thời coi đây là một “thảm họa tàu hỏa”. Tổng thống Donald Trump nói rằng, “thực tế là các đảng như vậy chưa bao giờ thành công ở Mỹ-hệ thống dường như không được thiết kế cho họ”.
 |
Tổng thống Donald Trump và tỷ phú Elon Musk tại Phòng Bầu Dục trong Nhà Trắng ngày 30-5 vừa qua. Ảnh: Reuters
|
Nhưng tỷ phú Musk khẳng định việc ông phản đối “Đạo luật to đẹp” chủ yếu xuất phát từ việc luật này làm thâm hụt ngân sách liên bang và tăng nợ công của Mỹ. Ông Musk cũng không ngần ngại tuyên bố đảng mới của ông sẽ tìm cách "hạ bệ" các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa tại Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới.
Còn theo giới phân tích, động thái của tỷ phú giàu nhất thế giới không chỉ nhằm phản ứng trực diện với “Đạo luật to đẹp” mà còn cho thấy tham vọng của tỷ phú Elon Musk trong việc cải tổ hệ thống chính trị vốn do hai đảng lớn là Dân chủ và Cộng hòa chi phối suốt gần hai thế kỷ.
Với tuyên ngôn “trả lại tự do cho người dân” và khát vọng vượt qua hệ thống lưỡng đảng, Đảng Nước Mỹ nhắm tới cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2026, tập trung giành một số ghế chiến lược ở Quốc hội để trở thành lực lượng “cầm lá phiếu quyết định”.
Tuy vậy, tỷ phú Musk không nói rõ ông đã tiến được đến đâu với kế hoạch đầy tham vọng này. Theo The Guardian, để một đảng chính trị mới được công nhận ở quy mô toàn quốc, tổ chức sáng lập phải đủ điều kiện trở thành ủy ban đảng phái chính trị và đăng ký với Ủy ban Bầu cử liên bang (FEC). Về pháp lý, mỗi bang tại Mỹ có quy định riêng về việc công nhận đảng mới, từ việc thu thập chữ ký, xây dựng tổ chức cấp bang... Đây là quá trình kéo dài nhiều năm, đòi hỏi nhân sự, tài chính và chiến lược nhất quán.
Dù là tỷ phú giàu nhất thế giới với số tài sản hơn 400 tỷ USD và ảnh hưởng truyền thông rộng lớn nhờ mạng xã hội X mà ông sở hữu, ông Musk không thể dễ dàng “mua” một đảng chính trị. Trong khi đó, luật tài chính bầu cử giới hạn mức đóng góp cá nhân và tổ chức, khiến ông Musk không thể trực tiếp rót tiền tỷ vào đảng như đối với một công ty khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, việc đặt mình vào thế đối đầu chính trị với Tổng thống Donald Trump-người mà ông từng hậu thuẫn mạnh mẽ, nhất là trong chiến dịch tranh cử năm 2024, sẽ mang lại những rủi ro lớn cho các công ty mà ông Musk đang sở hữu. Tổng thống Donald Trump từng đe dọa cắt các khoản trợ cấp liên bang cho Tesla và SpaceX, đồng thời cảnh báo ông Musk sẽ đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng” nếu tiếp tục chống đối. Những lời đe dọa này không chỉ là áp lực chính trị mà còn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của Tesla, vốn đã mất hơn 1,2 tỷ USD từ việc loại bỏ tín dụng thuế xe điện. Các nhà đầu tư lo ngại tỷ phú Musk bị phân tâm khỏi nhiệm vụ điều hành Tesla, SpaceX và nền tảng mạng xã hội X. Giá cổ phiếu Tesla đã giảm hơn 5% sau tuyên bố thành lập đảng mới. Ngoài vấn đề tài chính, tỷ phú này cũng sẽ phải đối mặt với những rủi ro pháp lý, chính trị và xã hội rất lớn.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng chỉ ra một số điểm mà tỷ phú Musk có thể khai thác để thúc đẩy tham vọng của mình dù vô cùng khó khăn, như tập trung chiến lược vào một số ghế lưỡng lự tại Quốc hội để tạo ra đòn bẩy chính sách nào đó. Ngoài ra, đó còn là sức mạnh truyền thông cá nhân của tỷ phú Musk với hơn 200 triệu người theo dõi, cùng hệ sinh thái công nghệ có thể giúp ông tái định hình cách vận hành chiến dịch chính trị trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
Có thể thấy việc tỷ phú Musk thành lập đảng chính trị riêng là sự kiện chưa từng có tiền lệ trong chính trị hiện đại ở nước Mỹ. Giới phân tích tỏ ra rất e dè khi phân tích về cơ hội thành công của tỷ phú giàu nhất thế giới, đồng thời cảnh báo về một bài học đắt giá mà người giàu nhất thế giới có thể sẽ phải đối mặt một khi thất bại.
Tỷ phú Musk từng thành công với các ý tưởng táo bạo của mình. Nhưng lần này, nó đang được ví như một “canh bạc” nhiều rủi ro trong sự nghiệp của ông và cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2026 sẽ là phép thử đầu tiên.
XUÂN PHONG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.