Trang mạng swissinfo.ch ngày 27-9 đưa tin, quân đội Thụy Sĩ giờ đây xác định các hoạt động tấn công do lực lượng này tiến hành, kể cả bên ngoài biên giới quốc gia thuộc chiến dịch phòng thủ. Quân đội Thụy Sĩ cho rằng trong trường hợp xảy ra xung đột, lực lượng này không đơn thuần chờ đợi ở khu vực biên giới và nỗ lực ngăn chặn kẻ thù xâm lược đất nước, thay vào đó “có thể chiến đấu ở nước ngoài và từ trên không, chủ yếu sử dụng máy bay chiến đấu và cả máy bay không người lái (UAV)”. “Nếu đợi tên lửa đánh trúng nhà mình thì bạn không cần phải phòng thủ nữa. Đã quá muộn rồi. Bạn phải bảo đảm rằng bạn có thể đánh chặn tên lửa trước khi nó đánh trúng mục tiêu”, Bộ trưởng Amherd khẳng định.

leftcenterrightdel
       Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Sĩ Viola Amherd (bên phải) và Tổng tư lệnh quân đội Thomas Süssli. Ảnh: swissinfo.ch 

Trang mạng swissinfo.ch dẫn lời Tổng tư lệnh quân đội Thụy Sĩ Thomas Süssli tuyên bố trong bối cảnh tình hình an ninh “rõ ràng đi xuống”, nước này sẽ tập trung cho những nỗ lực nâng cao khả năng phòng thủ. Phát biểu với báo giới hồi tháng 8 vừa qua, tướng Süssli cho biết quân đội Thụy Sĩ đang cân nhắc xem liệu có nên sử dụng các hệ thống vũ khí cũ lâu hơn so với kế hoạch đề ra hay không, ví dụ như các tên lửa phòng không Stinger... Tướng Süssli cũng kêu gọi Thụy Sĩ tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia láng giềng, qua đó nước này có thể đóng góp cho an ninh chung của châu Âu. Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Amherd khẳng định tăng cường hợp tác quốc tế không mâu thuẫn với chính sách trung lập của Thụy Sĩ. “Chúng ta không muốn và không thể can dự vào các cuộc xung đột quân sự ở nước ngoài. Chúng ta không can dự thì vẫn có nghĩa là chúng ta đang tôn trọng chính sách trung lập. Rõ ràng là khi hợp tác với các nước khác, chúng ta không được để xảy ra những vấn đề có thể khiến chúng ta buộc phải can dự về sau này”, bà Amherd nêu rõ.

Theo trang mạng swissinfo.ch, Thụy Sĩ đã thực hiện chính sách trung lập từ năm 1815. Tuy nhiên, chính sách trung lập không cản trở Thụy Sĩ tham gia các tổ chức quốc tế. Ý thức được rằng các quốc gia trung lập phải đủ sức tự bảo vệ chính mình, Thụy Sĩ luôn chú trọng duy trì lực lượng quân đội “ở mức độ đáng nể trọng” nhằm phục vụ cả mục tiêu phòng thủ lẫn bảo đảm an ninh trong nước. Trong bảng xếp hạng sức mạnh quân sự năm 2023 của trang Global Firepower, Thụy Sĩ đứng ở vị trí thứ 44. Gần đây nhất, Quốc hội Thụy Sĩ đã quyết định tăng dần ngân sách quốc phòng của nước này lên ít nhất là 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), muộn nhất là vào năm 2030. Mặc dù không phải là một thành viên của NATO, song Thụy Sĩ vẫn hợp tác với liên minh quân sự lớn nhất hành tinh thông qua chương trình đối tác vì hòa bình của khối này. “Ngay từ đầu, chính sách trung lập của Thụy Sĩ đã là vấn đề gây tranh cãi. Tuy nhiên, trong một thế giới toàn cầu hóa-nơi các quốc gia ngày càng trở nên phụ thuộc lẫn nhau như hiện nay, khái niệm này khó mà định nghĩa rõ ràng. Người dân Thụy Sĩ vẫn ủng hộ mạnh mẽ chính sách trung lập. Trong một cuộc thăm dò ý kiến hồi năm 2019, trên 95% số người được hỏi đã bày tỏ mong muốn duy trì chính sách trung lập và tin rằng trung lập là một phần bản sắc thiết yếu của Thụy Sĩ”, trang mạng swissinfo.ch nhấn mạnh.

 

HOÀNG VŨ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.