Theo Tân Hoa xã, tại nơi trú ẩn cho người di dời ở thành phố Port Sudan (Sudan), một bếp ăn từ thiện do nhà hoạt động vì quyền phụ nữ Awadia Koko điều hành là phao cứu sinh cho hàng nghìn người Sudan đang phải vật lộn để tồn tại trong bối cảnh xung đột kéo dài ở nước này.
Bà Awadia Koko, 58 tuổi, người sáng lập tổ chức phụ nữ Sudan All Professions cho biết: “Bếp ăn từ thiện này đã hỗ trợ hàng nghìn người và cung cấp thực phẩm cho những người có nhu cầu. Hàng trăm tình nguyện viên nữ tham gia cùng chúng tôi mỗi ngày để cung cấp thức ăn cho khoảng 6.000 người. Mặc dù xung đột đã tác động đến phụ nữ Sudan, nhưng họ không đầu hàng. Thay vào đó, họ đã trở thành biểu tượng mạnh mẽ của cuộc đấu tranh và sự kiên trì”.
 |
Ảnh minh họa: Zelie Schaller (One World) |
Giống như bà Koko, nhiều phụ nữ Sudan khác đang nỗ lực để có thể giúp đỡ mọi người trong bối cảnh xung đột tàn phá đất nước. Một người trong số đó là Aaliya Al-Haj, bác sĩ trẻ tại Bệnh viện Al-Nao ở phía Bắc thành phố Omdurman. Đây là bệnh viện duy nhất vẫn hoạt động trong thành phố kể từ khi xung đột nổ ra. Nhớ lại có ngày hơn 60 người bị thương đến trong một ca làm việc, cô Al-Haj nói: “Tôi sẽ không bao giờ quên cảnh tượng đó. Chỉ có 3 bác sĩ và 4 y tá trực, nhưng chúng tôi đã cứu được hầu hết người bị thương. Chúng tôi đã cho thấy những gì phụ nữ có khả năng làm, đó là mang lại hy vọng và xây dựng cuộc sống mới”. Theo cô Al-Haj, một số phụ nữ Sudan đã phải chịu đựng cảnh gia đình ly tán, mất nhà cửa và sinh kế, cũng như chấn thương do phải di dời nhưng nhiều người đã trở thành người tổ chức hoạt động cộng đồng.
Sudan chìm trong cuộc xung đột giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) kể từ tháng 4-2023. Cuộc xung đột đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, cả trong nước và qua biên giới Sudan. Theo Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), cơ quan này đã hợp tác với hơn 60 tổ chức do phụ nữ điều hành để tiếp cận hơn 15.000 phụ nữ ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi xung đột ở Sudan.
THU NGA
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.
Trong điều kiện khắc nghiệt tại một trại tạm cư ở thị trấn Bor, bang Jonglei của Nam Sudan, nơi thiếu thốn điện, nước, bàn ghế và cả những trang thiết bị dạy học tối thiểu, các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam vẫn kiên trì tổ chức những lớp học tiếng Anh cho những trẻ em thiệt thòi nơi đây.
Liên lạc với Thiếu tá Vũ Thị Hương Thùy khi chị đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan, chỉ còn ít thời gian nữa chị sẽ kết thúc nhiệm kỳ công tác một năm và trở về nước. Một năm không dài nhưng là cả một hành trình vượt lên chính mình vì được cống hiến, được nỗ lực không ngừng để thực hiện ước mơ trở thành một nữ sĩ quan mũ nồi xanh theo cách mà chị gọi là “tuyệt vời”.
Ngày 30-4, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua nghị quyết 2778 (2025), cho phép gia hạn kỹ thuật đối với nhiệm vụ của Phái bộ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan (UNMISS) tới ngày 9-5 để thảo luận việc gia hạn toàn diện nhiệm kỳ của phái bộ.