 |
Đại úy Trần Thị Thu Trang giảng bài cho các em nhỏ. Ảnh: Tư liệu |
 |
Đại úy Nguyễn Tiến Long hướng dẫn các em nhỏ học bài. Ảnh: Tư liệu |
Không chỉ dạy ngôn ngữ, họ còn mang đến cho các em kỹ năng sống, kiến thức chăm sóc sức khỏe, tự bảo vệ và chăm sóc bản thân… giúp mở ra hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn.
Mỗi sáng thứ Bảy cuối tuần, dưới những mái lều đơn sơ trong khu trại lại vang lên tiếng đọc bài xen lẫn tiếng cười giòn tan của các em. Các em nhỏ, ở độ tuổi từ 7 đến 13, chưa từng được đến trường do nghèo đói và tình hình an ninh tại khu vực không bảo đảm vì xung đột.
 |
Các em háo hức tham gia bài học được thiết kế linh hoạt, dễ hiểu và dễ nhớ. Ảnh: Tư liệu |
 |
Các đồng nghiệp quốc tế cùng tham gia trò chơi tương tác với các em nhỏ. Ảnh: Tư liệu |
Các em học sinh, từ những bỡ ngỡ ban đầu, nay đã quen thuộc và gắn bó với hai “giáo viên” mũ nồi xanh từ Việt Nam là Đại úy Trần Thị Thu Trang, sĩ quan Công an và Đại úy Nguyễn Tiến Long, sĩ quan Quân đội, đang công tác tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, địa bàn Bor.
Tuy không phải là giáo viên chuyên nghiệp, nhưng hai sĩ quan trẻ Việt Nam với tâm huyết đã nhiệt tình dạy các em nhỏ có hoàn cảnh thiệt thòi bằng cả tình thương và tinh thần trách nhiệm của những người lính mũ nồi xanh giàu lòng nhân ái. Nhiều em theo gia đình chạy nạn tới đây nên phải bỏ học. Có em chưa từng được đến trường nên không biết chữ.
 |
Hai sĩ quan trẻ Việt Nam và các đồng nghiệp quốc tế chụp ảnh chung với các em học sinh. Ảnh: Tư liệu |
Các bài học trên lớp không đơn thuần là từ vựng hay ngữ pháp tiếng Anh, mà được thiết kế phù hợp, gắn liền với đời sống của các em. Hai sĩ quan trẻ Việt Nam luôn trao đổi ý tưởng để xây dựng giáo án phù hợp, giúp các em học sinh dễ hiểu, dễ nhớ. Các bài giảng tiếng Anh theo chủ đề như: Giới thiệu bản thân, vệ sinh cá nhân, phòng, chống bệnh sốt rét,… được lồng ghép giảng dạy các kỹ năng mềm như giao tiếp và ứng xử, phòng tránh bạo lực tình dục, các thói quen tốt để bảo vệ bản thân. Đây là những kiến thức và kỹ năng cần thiết với các em do hiểu biết và trải nghiệm sống của các em còn hạn chế, nhiều em chưa có sự kỷ luật trong lớp học.
 |
Nỗ lực duy trì lớp học của hai sĩ quan Việt Nam được sự ủng hộ của các đồng nghiệp quốc tế. Ảnh: Tư liệu |
Trong và sau mỗi tiết học, hai sĩ quan trẻ lại cùng chơi các trò chơi tương tác với các em. Chơi mà học, học mà chơi, qua đó vừa giúp các em ghi nhớ bài học một cách tự nhiên, vừa tạo môi trường vui chơi lành mạnh, kích thích sự sáng tạo, đưa ra cách giải quyết vấn đề và giúp trẻ giải tỏa căng thẳng trong môi trường sống có nhiều bất ổn an ninh.
Lớp học bắt đầu từ tháng 12-2024 và trải qua nhiều khó khăn vẫn được duy trì cho đến nay với nguồn lực tự đóng góp từ các giáo viên mũ nồi xanh cùng sự hỗ trợ về nhân lực từ các đồng nghiệp nước bạn tại địa bàn đóng quân.
Để tổ chức được một buổi học là cả sự nỗ lực lớn của cả thầy và trò suốt nhiều tháng qua. Đại úy Nguyễn Tiến Long cho biết, lớp không có bảng, không có văn phòng phẩm nên giáo viên dạy học phải tự chuẩn bị bút, sách vở, màu vẽ. Lớp học không có điện, phải tận dụng ánh sáng tự nhiên nên khi trời nắng gắt hay mưa gió đều là thử thách đối với cả thầy và trò. Đứng giảng mà có khi trời mưa bùn đất lầy lội dưới chân. Nhưng những khó khăn, thiếu thốn cũng không làm nản lòng, hai giáo viên trẻ từ Việt Nam vẫn chạy đua với thời gian, mong muốn dạy các em càng nhiều kiến thức càng tốt trước khi kết thúc nhiệm kỳ về nước.
Theo Đại úy Nguyễn Tiến Long, tuy việc dạy học cho các em nhỏ gặp nhiều khó khăn, nhưng anh và Đại úy Trần Thị Thu Trang vẫn quyết tâm duy trì lớp học đến khi kết thúc nhiệm kỳ về nước. Sự nỗ lực này được ghi nhận và ủng hộ của giáo viên phiên dịch và những người đứng đầu trại tạm cư cũng như đồng nghiệp quốc tế, mang lại nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với hai sĩ quan trẻ.
Và trên hết, niềm hạnh phúc được chứng kiến những nụ cười rạng rỡ của các em nhỏ khi lần đầu biết viết tên mình bằng tiếng Anh, lần đầu tiên thực hành rửa tay đúng cách, hay đơn giản chỉ là một bạn nữ đã mạnh dạn, tự tin hơn khi đứng trước lớp chia sẻ về các kỹ năng phòng tránh bị xâm hại… chính là nguồn động lực để hai sĩ quan trẻ cố gắng duy trì lớp học đặc biệt này.
Đại úy Trần Thị Thu Trang chia sẻ: “Chúng tôi không thể thay đổi hoàn cảnh của các em, nhưng tin rằng bằng việc làm nhỏ bé của mình có thể giúp các em có thêm hy vọng và cơ hội để tự thay đổi tương lai”.
Giữa vùng đất khô cằn, tiềm ẩn nhiều bất ổn, những người lính mũ nồi xanh lặng lẽ gieo mầm tri thức, góp phần khẳng định sứ mệnh của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đó là không chỉ bảo vệ hòa bình mà còn kiến tạo tương lai.
Lớp học không bảng, không điện, không bàn ghế ấy đã trở thành điểm tựa tinh thần, giúp các em nhỏ thiệt thòi mạnh mẽ hơn, tự tin hơn và quan trọng nhất mang lại cho các em niềm tin rằng “hòa bình không chỉ là ngừng tiếng súng, mà còn là cơ hội được học tập, được mơ ước, để xây dựng xã hội tiến bộ, đất nước phát triển, đi lên”.
MAI NGUYÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Đối ngoại quốc phòng xem các tin, bài liên quan.